Ô Sin chạy đua mùa Tết
Giúp việc cho các nhà trọ. RFA |
Hằng năm, vào mùa Tết, từ những ngày đầu tháng Chạp cho đến giữa tháng Giêng, nhu cầu tìm người giúp việc tạm thời, trả lương theo giờ hoặc ngày tăng rất cao ở các thành phố lớn Việt Nam. Đặc biệt, tại Hà Nội, nơi mà ranh giới giữa giàu và nghèo rất rõ nét, nhu cầu này đã giúp những chợ lao động trên các con phố mệnh danh là chợ lao động trở nên đắt khách. Đây cũng là khoảng thời gian mà các công ty môi giới người giúp việc bội thu và người lao động vui buồn lẫn lộn, vui vì được làm việc, kiếm được khoản dư nhưng buồn vì Tết mãi là bầu không khí xa nhà, thiếu vắng tình thân gia đình.
Lương tâm người giúp việc
Một người giúp việc tên Yến, gốc Hưng Yên, xuống Hà Nội giúp việc được ba năm nay, chia sẻ, một người giúp việc, đương nhiên không cần hỏi gì nhiều cũng đủ biết rằng gia cảnh rất khó khăn, nghèo khổ bởi ít có ai ăn nên làm ra, không túng thiếu mà lại đi chọn công việc này. Bởi công việc này là một công việc không hẳn vất vả như phụ hồ, phu xe hay bán hàng dạo mà lại chịu đựng rất nhiều sức ép tâm lý, sức ép thời gian và trách nhiệm.
Đã là một người giúp việc có lương tâm, đương nhiên ai cũng muốn cho người chủ thuê mình được vui vẻ, nhẹ nhàng và thấy an tâm. Muốn như vậy, những tưởng là dễ dàng nhưng trên thực tế là vô cùng khó, người giúp việc vừa đảm bảo an ninh thực phẩm cho đến an ninh tâm lý cho chủ thuê. Vấn đề an ninh thực phẩm trong hiện tại là một việc hết sức căng bởi mọi nguồn thực phẩm đều có chứa độc tố, đều có xuất xứ từ Trung Quốc và đều không đảm bảo vệ sinh. Chỉ riêng chuyện đi chợ, nấu một bữa cơm an toàn cho chủ đã làm cho người giúp việc hết sức đau đầu, tính trước hụt sau.
Đó chỉ mới là chuyện an ninh thực phẩm, hay nói gần hơn là vệ sinh an toàn thực phẩm, riêng vấn đề an ninh tâm lý đối với chủ nhà là một vấn đề cân não đối với người giúp việc có trách nhiệm, có lương tâm, biết quí trọng công việc. Vừa là người dọn dẹp, rửa chén bát, lau chùi nhà cửa, bàn ghế, toilet, phòng tắm… lại vừa là người giữ nhà, quan sát mọi ngóc ngách trong nhà để tránh tình trạng bị mất cắp. Bởi theo chị Yến, không có gì đáng sợ và gây hoang mang đối với người giúp việc như chị hơn việc chủ nhà bị trộm khoắn tài sản.
Trong những trường hợp như vậy, mặc dù vẫn tự tin bởi cây ngay không sợ chết đứng nhưng đâu đó trong sâu thẳm suy nghĩ, người giúp việc cảm thấy có một phần tội lỗi của mình bởi mình đã không bảo vệ được tài sản của người đã cưu mang mình trong lúc khốn khó mặc dù đó là công việc một bên thuê và một bên làm thuê. Hơn nữa, mặc cảm về thân phận tự dưng trỗi dậy, khiến cho người giúp việc cảm thấy buồn và lo đủ điều.
Đương nhiên, chị Yến cho rằng những trăn trở vừa nêu là trăn trở của người giúp việc có lương tâm, với những người giúp việc liều lĩnh, không có suy nghĩ thì lại khác. Mà rất tiếc là những người thiếu lương tâm lại xuất hiện rất nhiều trong xã hội này, kẻ giàu thì trộm lớn từ tài sản nhân dân, toa rập để trộm tài nguyên quốc gia, người nghèo thì trộm lặt vặt. Trong những trường hợp người giúp việc ưa trộm cắp vặt, hay giấu đun giấu đút những gì chủ không để ý tới xãy ra khá nhiều ở thành phố Hà Nội. Nhiều trường hợp ăn cắp cả vàng và số tiền lớn của chủ. Điều này làm chị Yến cảm thấy tổn thương nghề nghiệp tăng cao.
Mạt cưa gặp mướp đắng
Một người chuyên môi giới người giúp việc yêu cầu giấu tên, chia sẻ: “Lâu nay vẫn thế, đây là hoạt động lâu rồi. Osin muốn liên lạc với mình thì họ gọi tới rồi mình bảo họ nhắn tin tên, địa chỉ, những gì mình yêu cầu. Tất cả các dịch vụ chủ yếu thông qua dịch vụ bưu điện, mình tới đó lấy địa chỉ rồi liên lạc hỏi họ có cần osin không. Một công ty môi giới hoạt động phải chi phí nhiều lắm, rồi phải qua chi phí trung gian. Anh phải tìm kiếm khách hàng qua những người quen, rồi người nọ, người kia..”
Theo người này, vấn đề thuê người giúp việc cũng như làm việc thuê trong màu Tết ở Hà Nội trở nên lộn xộn, vàng thau lẫn lộn. Không thiếu những người không biết gì về công việc nhà, họ vốn quen ăn chơi trác táng hoặc gái điếm về hưu cũng xông ra chợ lao động để lợi dụng thời cơ mùa Tết này mà lẩn vào nhà người ta theo diện giúp việc để chờ thời cơ ra tay trộm cắp.
Đáng sợ là những trường hợp này đang phát triển khá mạnh ở Hà Nội, họ hoặc là trộm cắp nếu có cơ hội, hoặc là vẫn làm việc bình thường, cố gắng làm vui lòng chủ nhà để quan sát đường đi nước bước, đến tháng Giêng, tháng Hai mới ra tay. Và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các công ty môi giới hét giá trên trời, từ 50 ngàn đồng trên một giờ làm việc đến một trăm ngàn đồng trên một giờ làm việc với chủ thuê nhưng lại trả cho người lao động từ hai mươi đến năm mươi ngàn đồng trên mỗi giờ làm việc. Đó là chưa nói đến khoảng chi phí môi giới vài trăm ngàn đồng mà người lao động phải nộp cho họ.
Chính vì có tư cách pháp nhân và được bảo chứng bởi nhà nước, các công ty môi giới dễ dàng ký hợp đồng cung cấp người giúp việc cho những chủ nhà có nhu cầu. Và đương nhiên là họ trực tiếp nhận tiền của chủ nhà để trả cho người làm thuê thông qua hợp đồng cung cấp lao động giữa họ và chủ nhà. Chính cái hợp đồng này đã phỏng tay trên của người lao động từ 30% đến 50% số tiền công. Và cũng chính cái hợp đồng đảm bảo người lao động không thuộc thành phần bất hảo, đủ tư cách để đi giúp việc cho nhà giàu này đã giúp cho những tay môi giới kiếm được số tiền khủng mỗi khi Tết về.
Bởi vì với người lao động, một cái Tết làm thêm ổn định sẽ giúp họ dư được một khoản tiền kha khá để dự trữ, họ không hề biết rằng những kẻ môi giới cũng kiếm được một khoản kha khá tương đương với họ nhờ vào sức làm việc và sự nhiệt tâm của họ. Và người lao động càng nhiệt tình, càng siêng năng bao nhiêu thì những kẻ môi gới càng thu nhập cao bấy nhiêu.
Hơn nữa, người giúp việc càng nhiều thì số thu nhập của kẻ môi giới càng cao. Chính vì vậy, không khí ở các công ty môi giới việc làm đang nóng dần lên và đến thời điểm này đã thật sự chộn rộn. Năm nào công ty môi giới càng chộn rộn thì những người nghèo ăn Tết xa gia đình càng nhiều. Điều đó giống như một phép toán tương ứng xã hội chủ nghĩa.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.