Matt Mahan

ads header

Breaking News

Ngày cuối của Mỹ ở Saigon

NGÀY CUỐI CỦA MỸ Ở SÀI GÒN 
Nguyễn Thành Trí 

“Last Days in Vietnam” là cái tựa của một cuốn phim tài liệu thời sự dài 98 phút nói về “Những Ngày Cuối Ở Việt Nam” do hãng phim American Experience Films/PBS thực hiện và Cô Rory Kennedy làm giám đốc sản xuất.  Cô Kennedy đã không đề cập tới sự quan hệ của gia đình dòng họ nhà cô với nước Việt Nam khi người bác của cô là Tổng Thống John F. Kennedy người đã từng gia tăng sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam đã bị ám sát trong năm 1963, và người cha ruột của cô là Robert K. Kennedy cũng đã bị ám sát vào năm 1968 trong lúc đang đi vận động tranh cử tổng thống Mỹ với một “lập trường chống-chiến-tranh Việt Nam”.  Cô Rory Kennedy là con gái út của Ông Robert K. Kennedy, Bộ Trưởng Tư Pháp Mỹ trong những năm 1961-1964.

Phải có “Những Ngày Đầu Của Mỹ Ở Sài Gòn…” rồi mới có “Những Ngày Cuối Của Mỹ Ở Sài Gòn…”, nhưng vì có sự giới hạn nào đó và phải có chủ ý, nên Cô Kennedy chỉ bắt đầu cuốn phim tài liệu thời sự này vào thời gian tháng Giêng 1973 khi Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973 đã được bốn bên chủ yếu tham chiến là bốn chính phủ VNCH, VC-CMLTCHMNVN, VNDCCH, và Mỹ đồng thuận ký kết chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở cả hai miền Bắc-Nam Việt Nam, và cả khu vực Đông Dương nói chung.  Sự tranh chấp quyền lực lãnh đạo xã hội miền Nam Việt Nam và có các cuộc xung đột vũ trang mức độ thấp ở miền nam đã nhen nhúm ngay sau ngày ngưng bắn 1954.  Bộ máy tuyên truyền của cộng sản quốc tế đã biến cuộc Nội-Chiến Việt Nam thành một cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ;  các đơn vị chính quy CS Bắc Việt hay du kích VC miền Nam trở thành các lực lượng chống Mỹ để giải phóng miền Nam Việt Nam.  Sự trực tiếp can thiệp quân sự của Mỹ vào cả hai miền Bắc-Nam Việt Nam, và ngay trên một phần lãnh thổ của Lào và Cam Bốt cũng chỉ để ngăn chặn sức bành trướng của quốc tế cộng sản Liên Sô-Trung Cộng trên mặt trận Đông Nam Á mà Cộng Sản Việt Nam ở hai miền Nam-Bắc chính là những tên-lính-xung-kích-cộng-sản-quốc-tế cần phải bị vô hiệu hoá.

Lập trường Chống-Cộng của TT Nixon rất quyết liệt, dứt khoát được chứng minh qua hành động cứng rắn bằng cuộc “Ném Bom Giáng Sinh 1972” để buộc Cộng Sản Việt Nam phải trở lại bàn hội nghị và đồng thuận ký kết hiệp định hoà bình, giải quyết vấn đề tranh chấp quyền lực lãnh đạo miền Nam Việt Nam bằng một cuộc tổng tuyển cử có quốc tế giám sát, nhất là CSVN phải đồng ý duy trì TT Nguyễn Văn Thiệu ở vị trí lãnh đạo chính phủ VNCH cho tới ngày tổng tuyển cử.  Có nhiều người Việt Quốc Gia đã oán trách, khinh miệt bản Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973 không giá trị bằng một “miếng-giấy-chùi-đít”, vì có lẽ vào lúc ký kết hiệp định và có lẽ cho tới bây giờ họ đã và đang không được đọc hay không đọc được nội dung của hiệp định hoà bình này, nên họ đã không hiểu được cũng như không hiểu hết tầm mức quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng mạnh mẽ của nó đối với người Việt Nam trong cả nước.  Cũng có lẽ họ đã và đang thực sự không biết rằng trên thực tế ở Việt Nam vào lúc có hiệp định thì thực sự các bên Việt Nam đã không có thiện chí và không thành tâm thực thi hiệp định.  Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973 được ký kết đúng theo lập trường chống cộng của TT Thiệu là “hai nước Việt Nam, VNCH và VNDCCH có ranh giới là vĩ tuyến 17 kẻm theo một vùng phi quân sự” tương tự như hai nước Nam Hàn và Bắc Hàn. TT Thiệu vẫn lãnh đạo chính phủ VNCH để hiệp thương với chính phủ VC-CMLTCHMNVN  cho tới ngày tổ chức một cuộc tổng tuyển cử có quốc tế giám sát để nhân dân miền Nam Việt Nam thực hiện quyền tự quyết chọn lựa chính thể giải quyết vấn đề tranh chấp quyền lực lãnh đạo miền Nam Việt Nam.  Sau khi có chính phủ mới ở miền Nam Việt Nam do kết quả của cuộc tổng tuyển cử, thì chính phủ miền Nam Việt Nam cho dù là Cộng Hoà hay Cộng Sản cũng do nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định bầu chọn, và rồi chính phủ mới này hiệp thương với chính phủ CS VNDCCH ở miền Bắc Việt Nam để giải quyết vấn đề thống nhất đất nước bằng các phương tiện ôn hoà.  Vào lúc đó Nhân Dân Việt Nam có quyền Tự-Quyết tự do chọn lựa chính thể Độc-Tài-Cộng-Sản hay Dân-Chủ-Tự-Do để thống nhất nước Việt Nam, như hai nước Đông Đức và Tây Đức vào năm 1990 tiến hành hiệp thương thống nhất nước Đức trong một hoàn cảnh hoà bình.  CSVN nói chung ở hai miền Nam-Bắc VN đều rất e ngại lập trường chống-cộng quyết liệt và hành động cứng rắn của TT Nixon, họ lo sợ tính cách trả đủa trừng phạt nặng nề của TT Nixon nếu họ vi phạm hiệp định.  Quả thật ở cả ba nước Việt-Miên-Lào đã có được những ngày tháng bình yên sau khi hiệp định hoà bình có hiệu lực. Cho tới lúc có vụ-tai-tiếng-Watergate và vì chuyện xấu này đã khiến cho TT Nixon phải từ chức.  CSVN đã lợi dụng cơ hội này để gia tăng các hoạt động quân sự vi phạm hiệp định hoà bình, vì họ tin rằng không còn TT Nixon thì họ cũng không lo sợ có ai khác trong chính phủ Mỹ để ý trả đủa trừng phạt họ.

Đã qua bốn mươi năm (1975-2015) mà Cô Kennedy còn nhắc lại những Ngày Cuối Của Mỹ Ở Sài Gòn bằng nhiều hình ảnh dân chúng miền Nam Việt Nam hoảng sợ chạy lánh nạn Cộng Sản Việt Nam. Phải nói cho đúng là “Dân Chúng Miền Nam Việt Nam Hoảng Sợ Chạy Trốn Cộng Sản Việt Nam!”, vì thật rõ ràng  không phải Đồng Minh Mỹ tháo chạy bởi đã thua trận như những cách nói hàm hồ của luận điệu tuyên truyền xảo quyệt của cộng sản quốc tế và CSVN để làm nhục Chính Phủ Mỹ.  Trong vòng sáu mươi ngày sau khi Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973 được ký kết thì toàn bộ các đơn vị quân sự Đồng Minh, Mỹ và Bộ Chỉ Huy MACV trở về nước Mỹ trong danh dự bởi vì họ đã làm xong nhiệm vụ chặn đứng cuộc xâm lăng của Cộng Sản Bắc Việt để bảo vệ tự do cho nhân dân miền Nam Việt Nam được thực hiện quyền Dân-Tộc-Tự-Quyết tự do chọn lựa chính thể.  Luận điệu tuyên truyền gian trá của cộng sản là người Mỹ xâm lược miền Nam Việt Nam để biến miền nam thành một thuộc địa kiểu mới, hoặc là trở nên Tiểu Bang thứ 51 của Đế Quốc Mỹ.  Cho dù Cộng Sản Bắc Việt và VC Miền Nam đã quá gian manh, quỷ quyệt, nhưng chính họ không nghĩ tới việc họ cố ý vi phạm Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973, cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, loại bỏ chính phủ VNCH, lại là một cơ-hội-tốt cho người Mỹ rửa sạch tiếng xấu là đế quốc xâm lược miền Nam Việt Nam.  Cho tới ngày 30/4/1975 thì nhân dân miền Nam Việt Nam và nhân dân miền Bắc Việt Nam cũng như nhân dân các nước khác đã biết rất rõ ai chính là kẻ xâm lăng miền Nam Việt Nam.  Thật quá bất hạnh cho nhân dân miền Nam Việt Nam khi không được chính thức bầu cử tự do trong một cuộc tổng tuyển cử có quốc tế giám sát thì họ cũng có thể “bầu-cử-bằng-chân” của họ từ-chối-cộng-sản và cũng có quốc tế quan sát nhận thấy “kết-quả-không-cộng-sản” trong sự tự do chọn lựa của nhân dân miền Nam Việt Nam.



Ngày 30/4/1975 cũng chính là ngày Chính Phủ Mỹ đã triệt để tôn trọng Chủ Quyền của Chính Phủ VNCH, nghiêm chỉnh làm đúng theo lời yêu cầu của ông Thủ Tướng VNCH Vũ Văn Mẫu là tất cả người Mỹ phải đi khỏi miền Nam Việt Nam trong  thời hạn 24 giờ đồng hồ.  Như vậy thì Đồng Minh Mỹ đã không phải bị thua trận mà tháo chạy; ngược lại, Đồng Minh Mỹ đã phải vội vã ra đi vì bị chính Đồng Minh VNCH “đuổi-nhà-không-cho-ở-chung-nữa”.  Thường thường người trí thức tự do tây phương hay tự nói về những thành công hay thất bại, những ủng hộ thuận lợi hoặc áp lực trở ngại, để phân tích tìm hiểu rút kinh nghiệm cho chính mình và cho người khác; còn đối với ông Vũ Văn Mẫu thì có vẻ “cam-lòng-chịu-đựng-sự-phũ-phàng-nhục-nhã” khi chính ông Mẫu đã phải giữ im lặng cho tới chết. Một cách rất đáng ngạc nhiên là chẳng những không có một tên lãnh đạo CSVN nào trên bình diện chính trị và quân sự, mà cũng không còn có một tên trí thức cộng sản ở trong đảng CSVN và trí thức VN ở ngoài đảng trên bình diện lịch sử, có đủ can đảm và lòng tự-trọng-trí-thức để nói tới chuyện ông Thủ Tướng VNCH Vũ Văn Mẫu đã “đuổi-nhà” ông Đại Sứ Mỹ trong thời hạn một ngày để cho họ, CSVN, cưỡng chiếm toàn bộ lãnh thổ VNCH một cách quá dễ dàng. Cũng có thể CSVN đã lường gạt cả hai ông tổng thống và thủ tướng cuối cùng của VNCH một cách quá dễ dàng trong những ngày sau cùng của một chế độ cộng hòa ở miền Nam Việt Nam tự do.  Cũng có thể vì ở trong một chế độ cộng sản không có tự do ở nước Việt Nam nên họ, những người trí thức cộng sản cũng như không cộng sản, cũng không có lòng tự-trọng-trí-thức để nói về một sự thật, một sự kiện lịch sử quan trọng ở Việt Nam đã xảy ra trong ngày 29/4/1975.

Quả thật chính vì một lời yêu cầu của ông Thủ Tướng VNCH đã tạo ra một hình ảnh của ông Đại Sứ Mỹ với một lá cờ Mỹ xếp gọn theo hình tam giác được ôm trong tay ông ta và vội vã cùng với vài người lính Mỹ bảo vệ cho ông bước lên một chiếc trực thăng TQLC Mỹ bay ra khỏi Sài Gòn.  Họ là những người Mỹ sau cùng phải vẩy tay chào từ giả Sài Gòn vào lúc 4 giờ rưỡi sáng sớm ngày 30/4/1975.  Đối với ông Đại Sứ Mỹ thì luôn luôn phải tôn trọng và bảo vệ Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm, và Tình Người. Tổ Quốc là lá cờ Mỹ ông đang ôm trong tay. Danh Dự là khi “được yêu cầu ra đi thì sẵn sàng ra đi!” Nếu ông Thủ Tướng VNCH đã không “đuổi người Mỹ phải đi khỏi miền Nam Việt Nam trong thời hạn 24 giờ đồng hồ” thì biến chuyển tình hình ở Sài Gòn vào ngày cuối tháng Tư và những ngày đầu tháng Năm 1975 chắc có lẽ đã khác hơn là cuộc cưỡng chiếm lãnh thổ VNCH một cách quá dễ dàng.  Rất nhiều người Việt Nam đã không biết, hoặc đã bị tuyên truyền cộng sản nên hiểu lầm rằng “Đồng Minh Mỹ tháo chạy”, hoặc họ đã có biết nhưng họ lại cố quên rồi chuyện “Ông-Thủ-Tướng-Một-Ngày” chỉ một ngày 29/4/1975 làm thủ tướng VNCH, nhưng ông thủ tướng này lại có đủ thẫm quyền ra lệnh cho Đồng Minh Mỹ phải “tháo-chạy” trong thời hạn chỉ một ngày.  Quả thật rõ ràng đây là một thứ “định-mệnh-cay-nghiệt” dành cho ông Đại Sứ Mỹ!  Ông Thủ Tướng VNCH Một Ngày đúng là khắc-tinh của ông Đại Sứ Mỹ đã hơn một ngàn ngày làm việc vàsống tại Sài Gòn! Vấn đề tôn trọng danh dự và mạng sống của chính mình là một chuyện quan trọng, nhưng Trách Nhiệm và Tình Người lại là một chuyện khác quan trọng hơn nhiều nữa.

Vì vậy ông Đại Sứ Mỹ đã từ chối lên chiếc trực thăng TQLC đầu tiên bay đi.  Trong thời hạn 24 giờ đồng hồ của ngày 29/4/1975 thì ông đại sứ đã quyết định ở lại cho tới những phút sau cùng để ông chắc chắn rằng tất cả công-dân-Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã ra đi an toàn, và nhất là những người Việt Nam, có lẽ có gần ba ngàn người đã vào được “lãnh địa của toà Đại Sứ Mỹ” có nghĩa là họ “vào-được-cái-nhà-của-ông-đại-sứ”, và họ đã được 75 chiếc trực thăng TQLC Mỹ đưa đi ra những chiếc tàu HQ Mỹ ở ngoài khơi Biển Đông.  Nếu ông Đại Sứ Mỹ có một thứ “quyền-năng-đặc-biệt” như Siêu-Nhân có thể nắm giữ trái đất lại không cho xoay tròn hết một ngày để thời gian ngừng lại, thì ông đã di tản hết những người Việt Nam ngồi chờ chuyến trực thăng TQLC Mỹ bay đi.  Khi hiểu cái giới hạn khả năng của ông đại sứ trong thời hạn một ngày, thì người ta hiểu được cái ý nghĩa sâu sắc của một tấm hình chụp chiếc trực thăng đậu trên nóc toà đại sứ và một đoàn người tiếp theo nhau leo cầu thang để vào bên trong chiếc máy bay di tản.

Quả thật, “Những Ngày Cuối Ở Việt Nam” đúng ra là của ông Graham Martin, Đại Sứ Mỹ ở nước VNCH.   Ông Graham Martin đã hết sức giúp đở di tản rất nhiều người miền Nam Việt Nam lánh nạn Cộng Sản Việt Nam.  Ông Đại Sứ Mỹ là người đại diện cho nước Mỹ trong quan hệ ngoại giao với nước VNCH.  Ông đại sứ đã phải giả từ Sài Gòn, thủ đô của nước VNCH, trong thời hạn một ngày dựa trên lời yêu cầu của ông Thủ Tướng VNCH.  Ông đại sứ đã đi khỏi nước VNCH vì Tổ Quốc, Danh Dự, và Trách Nhiệm của ông.  Sự ra đi vội vàng của ông đại sứ là vì cái thời hạn 24 giờ đồng hồ phải chắc chắn rằng tất cả những người ra đi được an toàn; tuy nhiên, sự ra đi quá nhiều mệt mõi này, vì cho tới 4 giờ rưỡi sáng ngày 30/4/1975 ông đại sứ mới lên chuyến bay trực thăng cuối cùng rời khỏi Sài Gòn, cũng đã gián tiếp có thể làm phục hồi danh dự cho MACV, một phái bộ quân sự cũng giống như ông đại sứ luôn luôn tôn trọng tôn chỉ hành động bảo vệ “Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm và Tình Người”. Phái bộ MACV đã an toàn trở về nước Mỹ trong danh dự sau khi hiệp định hòa bình đã được ký kết. Còn hơn thế nữa, sự ra đi của ông đại sứ chẳng những phục hồi danh dự cho MACV, mà còn có thể gián tiếp phục hồi danh dự cho Quân Lực VNCH, một quân đội cộng hoà đã từng được sự trợ giúp của MACV để trở nên một quân đội đứng hàng đầu ở Đông Nam Á. Quân Lực VNCH đã bị rối loạn hàng ngũ bởi vì những quyết định sai lầm nghiêm trọng của vị Tổng Tư Lệnh QLVNCH và có một số ít sĩ quan cao cấp đã phạm lỗi tự ý bỏ đơn vị ra đi trước để được an toàn cá nhân, nhưng cả một tập thể QLVNCH không để mất danh dự.  Cả hai, MACV và QLVNCH, đã không để mất Danh Dự của mình bởi vì sau hiệp định hoà bình đã không thực sự giao chiến với địch quân cộng sản.

Người ta nhận thấy một cách khách quan là “chính hai vị tổng tư lệnh cuối cùng của QLVNCH đã phạm sai lầm làm tan rã hàng ngũ quân đội sau khi lệnh ngưng bắn có hiệu lực.”  Có một nghi-án của Quân Sử VNCH là “Ai đã bày-mưu-hiến-kế cho TT Thiệu quyết định “Di-Tản-Chiến-Thuật” bỏ trống Vùng I và Vùng II Chiến Thuật.  Một cách cụ thể là TT Thiệu đã “gián tiếp giao cả Miền Trung Việt Nam cho CSVN!”  Một bằng chứng điển hình là vào ngày 2/4/1975 các cấp chỉ huy đơn vị VNCH ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đã nhận lệnh của “Người Nào” để “di-tản-chiến-thuật” bỏ trống thành phố Nha Trang và tỉnh Khánh Hoà, mặc dù đã không có một cuộc tấn công lớn nhỏ nào của bộ đội CS Bắc Việt. Cho tới ba ngày sau, 5/4/1975, chỉ có vài đơn vị nhỏ của bộ đội CS Bắc Việt với VC địa phương tới tiếp quản thành phố này. Sự kiện “Di-Tản-Chiến-Thuật” bỏ trống Vùng I và Vùng II Chiến Thuật đã được ghi lại trong các bản báo cáo của ông William Colby, Trưởng Cơ Quan CIA và của ông Đại Tướng Fred Weyand,Tham Mưu Trưởng Lục Quân Mỹ và là Cựu Chỉ Huy Trưởng MACV, sau khi trở lại miền Nam VN quan sát thực tế tình hình để tường trình lên TT Gerald Ford. Ông TT Thiệu đã yêu cầu giải quyết các đơn vị CS Bắc Việt hiện ở dưới vĩ tuyến 17 bằng những chuyến bay B52, nhưng Tướng Weyand và ông Đại Sứ Martin đã không đồng ý áp dụng chương trình B52.  Sau khi phân tích tình hình, chỉ có ông Đại Tá William LeGro, Trưởng Tình Báo Tuỳ Viên Quốc Phòng của toà đại sứ là cùng quan điểm với TT Thiệu  yêu cầu áp dụng chương trình B52 trên các mục tiêu chỉ định CS Bắc Việt.  Tuy nhiên, người Mỹ sẽ “hành-động-tự-vệ” chỉ khi nào bộ đội CS Bắc Việt hoặc VC địa phương đánh vào toà đại sứ hay các văn phòng lãnh sự của Mỹ.  Vì vậy không thể “vô-cớ” áp dụng chương trình B52 theo yêu cầu của TT Thiệu.  Đấy là lần cuối của Đại Tướng Fred Weyand, Cựu Chỉ Huy Trưởng MACV, đã trở lại với VNCH ở miền Nam Việt Nam, trước khi đi vào lịch sử chiến tranh hải ngoại của Quân Đội Mỹ và quân-sử của QLVNCH.

Quân-sử của QLVNCH chắc chắn phải ghi lại sự kiện TT Thiệu đã quyết định “di-tản-chiến-thuật” bỏ trống Vùng I và Vùng II Chiến Thuật để cho CSVN chiếm lấy cả miền Trung Việt Nam một cách quá dễ dàng! Hơn nữa, cuộc “Di-Tản-Chiến-Thuật” của TT Thiệu cũng trực tiếp gây khó khăn cho TT Ford trước Quốc Hội Mỹ trong việc yêu cầu quốc hội chấp thuận tài khoản quân viện cho VNCH, mà việc yêu cầu này phải nói tránh-tiếng là “tài-khoản-viện-trợ-nhân-đạo-cho-người-tỵ-nạn-cộng-sản” ; bởi vì Quốc Hội Mỹ đã biết rõ là kể từ ngày 25/3/1975 có chừng 150000 người lính ĐPQ/NQ và lính chính quy QLVNCH thuộc Vùng I và Vùng II đã “biến-mất-trong-cuộc-di-tản-chiến-thuật”.  Họ đã bỏ lại cho bộ đội CS Bắc Việt chiếm lấy tổng số hơn một tỷ đô la gồm có quân trang, quân dụng, súng đạn, kho xăng dầu, quân xa, vân vân…, và gần 400 chiếc máy bay quân sự đủ loại!  Với một thực tế tình hình của hai vùng chiến thuật đã như vậy, thì hỏi làm sao Quốc Hội Mỹ “vui-lòng-chi-tiền”.  Ngay cả những  Con-Diều-Hâu-Mỹ hiếu chiến nhất cũng không muốn chi-thêm-tiền cho TT Thiệu!  Sau chuyến đi thực tế ở Sài Gòn trở về Mỹ, Tướng Weyand đã tường trình cho TT Ford biết là VNCH rất cần một “tài-khoản-khẩn-cấp” càng sớm càng tốt, và TT Thiệu sẽ phải “từ chức”.

Ông Thiệu đã độc tài và quá ích kỷ khi chỉ lo cho bản thân của ông.  Một bằng chứng quá rõ là Ông Thiệu đã điều động Sư Đoàn Dù thiện chiến của QLVNCH từ Quảng Trị về Sài Gòn chỉ để bảo vệ cho ông chống lại “cuộc-đảo-chính-tưởng-tượng-xảy-ra-trong-đầu-của-ông-Thiệu” trong lúc Sư Đoàn Dù vừa đánh tan cuộc tấn công của những đơn vị CS Bắc Việt ở phía đông Quốc Lộ 1 tỉnh Quảng Trị.  Ông Thiệu vì quá sợ bị đảo chính nên đã cách chức ông Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, một tướng lãnh đã từng chỉ huy cuộc đảo chính trước đây.   Ông Thiệu đã bổ nhiệm ông Nguyễn Bá Cẩn, Chủ Tịch Quốc Hội VNCH giữ chức thủ tướng để thành lập một “chính-phủ-chiến-tranh”, nhưng Ông Cẩn đã không thể thành lập được chính phủ mới, vì thế khiến cho nước VNCH kể từ ngày 4/4/1975 không có một chính phủ đủ chức năng quản lý.  Ông Thiệu đã có nhiều nỗi lo sợ, và càng lo sợ hơn nữa khi Ông Nguyễn “Cao-Bồi-Kỳ” hăm doạ “giết-Thiệu-cướp-quyền”.  Bởi vì độc tài nên Ông Thiệu đã lo sợ phải chia sẻ “quyền-lực-lãnh-đạo-của-ông” cho những người đối lập với ông trong một chính phủ liên hiệp, ở đây phải nói cho rõ là “liên hiệp các đảng phái quốc gia”, nhưng Ông Thiệu đã không muốn “chia sẻ quyền lực” cho ai khác, nên ông khẳng định rằng “ai chống lại ông thì là cộng sản”.  Sau sự kiện “di-tản-chiến-thuật” bỏ miền Trung Việt Nam và để mất thành phố Nha Trang-Khánh Hoà thì Quốc Hội VNCH cũng đã lên án Ông Thiệu “độc tài, tham nhũng, bất công” và đề nghị Ông Thiệu thành lập một “chính phủ đoàn-kết-quốc-gia”.  Rất rõ ràng là trong tất cả những nỗi lo sợ, Ông Thiệu sợ nhất là “bị-đảo-chính” bởi những người quốc-gia VNCH!

Ở miền Nam Việt Nam trong thời gian tháng Ba và tháng Tư năm 1975 có những sự kiện liên tiếp xảy ra khiến cho ngưới ta cảm thấy không được an toàn.  Có nhiều người nước ngoài hiện sống và làm việc ở Sài Gòn và các thành phố miền nam đã chuẩn bị cho gia đình, thân nhân lần lượt hồi hương.  Cũng có một số rất đông người Mỹ làm việc trong toà Đại Sứ Mỹ, và nhiều công ty tư nhân Mỹ từ trước tới giờ đã nhiều ngày tháng năm nên đã lập gia đình với người Việt hoặc có liên hệ nhiều bạn thân người Việt.  Khi họ ngửi được mùi không khí nguy hiểm của Việt Cộng thì họ đã âm thầm kín đáo đưa người thân ra đi bằng các chuyến bay dân dụng, các chuyến bay vận tải quân dụng, và cả những chuyến tàu vận tải đi Manila. Cho tới khi ông đại sứ biết được thì họ phải ngưng lại; hơn nữa, đã tới lúc CS Bắc Việt bắt đầu pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Biên Hoà nên không còn các chuyến bay nữa.  

Khi thực tế rõ ràng là Ông Thiệu đã không thể thành lập được một “chính phủ đoàn kết quốc gia”, kể cả Cha Nguyễn Văn Bình, Giám Mục Sài Gòn cũng kêu gọi Ông Thiệu từ chức vì lợi ích của quốc gia và của nhân dân miền Nam Việt Nam.  Hơn nữa, Quốc Hội VNCH cũng đã chống đối Ông Thiệu vì tính cách “độc tài, tham nhũng, bất công” của ông, đưa tới kết quả là Ông Thiệu phải từ chức vào ngày 21/4/1975, một sự từ chức quá muộn sau khi ông đã làm mất Vùng I và Vùng II Chiến Thuật về phía CS Bắc Việt.  Ông Thiệu đã được đánh giá là “không có khả năng làm Tổng Tư Lệnh QLVNCH” vì thực tế chứng minh rằng cuộc “Di-Tản-Chiến-Thuật” đã khiến cho một số tư lệnh và những sĩ quan chỉ huy các đơn vị tác chiến VNCH bị lúng túng, bối rối không hiểu được Ông Thiệu muốn làm gì!   Diễn biến tình hình đã xảy ra như vậy mà khi Ông Thiệu tuyên bố từ chức thì ông lại nói Đồng Minh Mỹ đã “tháo chạy, bỏ rơi chúng ta”; ngược lại, một cách rất mỉa mai là vào ngày 28/4/1975 chính Ông Martin đã gởi cho Ông Kissinger một điện-văn-mật thông báo rằng “người Mỹ sẽ có thể ở lại miền Nam Việt Nam lâu thêm một năm hay nhiều năm nữa”.  Có lẽ Ông Martin đã quá lạc quan tin tưởng rằng một biện pháp chính trị sẽ giải quyết hết vấn đề tranh chấp quyền lực lãnh đạo xã hội miền Nam Việt Nam như trong tinh thần, ý nghĩa cao quí của Hiệp Định Hoà Bình Paris 1973 đã được người Việt Quốc Gia và người Việt Cộng Sản ký kết với nhau hai năm trước.  Ông Đại Sứ Pháp cũng đã tích cực vận động ủng hộ cho Tướng Dương Văn Minh và Luật Sư Vũ Văn Mẫu là những người có lập trường Trung-Lập thay thế Ông Thiệu để thành lập một chính phủ mới VNCH có đủ khả năng hiệp thương với VC miền Nam Việt Nam và CS Bắc Việt.  Thật đáng tiếc! Vào sáng sớm ngày 29/4/1975 Tổng Thống VNCH Dương Văn Minh đã gặp ông Sĩ Quan Tuỳ Viên Quân Sự Mỹ ở toà đại sứ và đã yêu cầu toàn bộ văn phòng tuỳ viên quân sự phải rời khỏi Sài Gòn càng sớm càng tốt.  Ông Martin và những người có thẫm quyền ở toà đại sứ còn chưa hiểu được “Ông Big Minh muốn giỡ trò quỷ quái gì đây”, thì chừng 30 phút sau đó đài phát thanh Sài Gòn loan báo lời yêu cầu của ông Thủ Tướng VNCH Vũ Văn Mẫu, “yêu cầu tất cả người Mỹ phải lập tức rời khỏi miền Nam Việt Nam trong thời hạn 24 giờ đồng hồ”.  Như vậy thì quá rõ ràng, không còn thắc mắc gì nữa! Thật là oái oăm vô cùng, có hai lời tiên đoán, một đúng một sai, một của Ông Thiệu đã nói vào ngày 21/4/1975 là “người Mỹ tháo chạy, bỏ rơi chúng ta”, một của Ông Martin đã viết trong bức điện-văn-mật là “người Mỹ sẽ có thể ở lại miền Nam Việt Nam lâu thêm một năm hay nhiều năm nữa”.  Bởi vì Ông Martin đã tiên đoán sai, ông viết ra câu này hôm trước thì ngay hôm sau ông phải vội vã khăn gói ra đi không được chần chờ!

Vừa rồi kể lại như trên chỉ là sơ lược những nét chính của những “Ngày Cuối Ở Miền Nam Việt Nam”, chắc chắn là còn nhiều thiếu sót, nhưng khả dĩ cũng giúp cho người đọc nhìn lại quá khứ của miền Nam Việt Nam, của QLVNCH một quân đội dũng mãnh đã từng đứng đầu ở Đông Nam Á nhưng phải chịu đựng một số phận cay nghiệt do chính Tổng Tư Lệnh gây ra, và của MACV một phái bộ quân sự Mỹ đã trợ giúp QLVNCH lớn mạnh hơn trong mọi lãnh vực chuyên môn, tác chiến của tất cả các quân-binh-chủng.  Rõ ràng đã có một sự liên đới, một tình cảm anh-em-đồng-đội giữa QLVNCH và MACV.  Cả hai QLVNCH và MACV đã luôn luôn tôn trọng bảo vệ Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm và Tình Người.  Như đã nói ở phần trên, sự ra đi vội vã của Ông Martin và sau đó vài giờ trong buổi sáng 30/4/1975, ông TT VNCH Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng CSVN và với tư cách Tổng Tư Lệnh đã giải tán QLVNCH!

Như vậy rất rõ ràng là sau hai năm MACV và tất cả các đơn vị tác chiến Mỹ và Đồng Minh đã hoàn toàn “về-nước-trong-danh-dự”, thì chính phủ VNCH mới bị sụp đổ, QLVNCH mới bị giải tán, và cái hình ảnh chiếc trực thăng di tản trên nóc Toà Đại Sứ Mỹ trong ngày 29/4/1975 đã được CSVN dùng để tuyên truyền cho cuộc chiến “giải-phóng-miền-Nam-Việt-Nam-đại-thắng” đối chiếu với sự thất bại của “đế-quốc-Mỹ-xâm-lược”.  Có một câu hỏi vẫn còn nhức nhối trong tâm tư từ ngày 30/4/1975 cho tới nay đã 40 năm là “Chính Phủ VNCH bị sụp đổ, QLVNCH bị giải tán, nước VNCH bị mất tên trên bản đồ thế giới bởi Cái-Gì đã gây ra?” Bởi vì Tiền VN, Vàng, Đô Mỹ?  Cho tới ngày 30/4/1975 những thứ này vẫn còn đầy trong các kho bạc của Ty Ngân Khố ở các tỉnh, các ngân hàng tỉnh, và Ngân Hàng Quớc Gia Việt Nam tại Sài Gòn.  Nếu nói Chính Phủ VNCH đã bị sụp đổ vì “không-có-tiền” là nói hài hước châm biếm cay độc, vì cái chính phủ cộng sản quản lý miền Nam VN vào thời gian kế tiếp đó “đã đổi 500 đồng VNCH lấy 1 đồng CS”! Như vậy, trên thực tế Chính Phủ VNCH đã có rất nhiều tiền, vàng, và đô la để ở trong kho của các Ty Ngân Khố và Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam.

Hôm nay nhân dịp được xem cuốn phim tài liệu thời sự của Cô Rory Kennedy cũng để có dịp nhìn lại quá khứ của nước VNCH hơn 40 năm về trước. Đối với chiến tranh Việt Nam mặc dù có chung một mục đích bảo vệ Tự Do nhưng tâm lý của người Mỹ khác với tâm lý của người Việt.  Trong khi người Việt đã có “những cuộc xung đột vũ trang như một cuộc nội chiến” để tranh giành quyền lực lãnh đạo xã hội Việt Nam theo mô hình phàt triển cộng sản hay mô hình phát triển tư bản, thì người Mỹ đã nhìn thấy nó như một “chiến tranh khu vực bành trướng chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á” sau khi người Mỹ đã thành công ngăn chặn Bắc Hàn và Trung Cộng ở khu vực Đông Á. Nói cụ thể là Chính Phủ Mỹ đã không muốn nước VNCH ngã xuống làm  các nước khác ở Đông Nam Á ngã theo, và cái quan niệm này khiến cho người Mỹ nghĩ rằng “Mỹ đánh CSVN dùm cho VNCH” khi CSVN là tên “lính-xung-kích-cộng-sản-quốc-tế” của Trung Cộng-Liên Sô.  CSVN luôn xác định là một nước VN có miền Nam VN bị đế quốc Mỹ chiếm đóng, trong khi Mỹ và VNCH luôn xác định là “hai nước VN”như Nam Hàn-Bắc Hàn, Đông Đức-Tây Đức, vấn đề thống nhất đất nước được thảo luận, thương lượng sau khi đã ngưng bắn.  Vấn đề tranh giành quyền lực lãnh đạo xã hội, quản lý đất nước được giải quyết bằng những phương tiện ôn hoà bầu cử ứng cử dân chủ tự do; ngược lại, không được áp dụng bạo lực cách mạng bằng súng đạn cưỡng đoạt chính quyền.  Có hiểu như vậy mới hiểu tâm lý của người Mỹ là sau khi có Hiệp Định Hoà  Bình Paris 1973 thì “họ đã yên tâm để cho người Việt có quyền tự quyết định, tự chọn lựa chính thể giữa cộng hoà và cộng sản, tự giải quyết vấn đề thống nhất nước VN trong hoà bình.”  Đối với người Mỹ thì Chiến Tranh Đông Dương II hay Chiến Tranh VN đã chính thức chấm dứt, vì cả khu vực Đông Nam Á được ổn định lâu dài tiếp theo đó.  Có hiểu tâm lý của người Mỹ như thế mới nhận thấy được CSVN đã sai lầm khi muốn “làm-nhục-người-Mỹ”, nhất là những quân nhân Mỹ đã phục vụ tại VN và MACV, bởi vì họ đã làm xong nhiệm vụ của họ rất tốt.  Chính Phủ VNCH của TT Minh và ThT Mẫu đã bị sụp đổ nhanh chóng trong một ngày bởi vì cả hai TT Minh và ThT Mẫu đã bị CSVN lường gạt họ. Chính Phủ VNCH của TT Minh và ThT Mẫu đã yêu cầu Ông Đại Sứ Mỹ và tất cả người Mỹ phải lập tức rời khỏi nước VNCH trong thởi hạn 24 giờ đồng hồ để người Việt, gồm có VNCH và CSVN, giải quyết vấn đề nội bộ với nhau. Người Mỹ không được phép xen vào chuyện nội bộ của người Việt! Tuy nhiên, CSVN đã xảo quyệt lừa gạt hai ông Minh và Mẫu, khi bắt buộc hai ông này đầu hàng vô điều kiện.

Cho tới hôm nay đã 40 năm sau ngày tất cả công-dân-Mỹ phải vội vã rời khỏi Sài Gòn bằng những chuyến bay trực thăng TQLC di tản trên nóc toà Đại Sứ Mỹ vẫn còn làm nhiều người Mỹ kinh ngạc, nhất là những người Mỹ trẻ tuổi, họ không hiểu tại sao, cái nguyên nhân sâu xa tại sao.  Trong khi cái luận điệu tuyên truyền của CSVN vẫn còn âm vang trong các sách báo phim ảnh để “làm-nhục-người-Mỹ”, thì cách đặt lại vấn đề “CSVN đánh bại Mỹ” và “Ông Đại Sứ Mỹ tháo chạy khỏi Sài Gòn” trong cuốn phim tài liệu thời sự của Cô Kennedy rất thiết thực, và nó lôi cuốn sự chú ý của người xem.  Dĩ nhiên có rất nhiều tài liệu, phim ảnh, tin tức thời sự có liên quan tới “Những Ngày Cuối Ở Việt Nam” nhưng Cô Kennedy không thể bao gồm hết trong phim này. Tuy nhiên, hình ảnh của chiếc trực thăng TQLC Mỹ đậu trên nóc toà Đại Sứ Mỹ để di tản những người đi lánh nạn cộng sản, và những hình ảnh của chiếc tàu HQ Mỹ chở rất nhiều người tị nạn đã nói lên được Tình-Người, họ sẵn sàng cứu giúp lẫn nhau trong cơn hoạn nạn nguy hiểm.

Cũng rất tiếc rằng không còn Ông Martin để nghe giọng nói “nhỏ-nhẹ” của ông, để hỏi cảm-nghĩ của ông thế nào khi ông nghe “bị-đuổi-nhà-trong-thời-hạn-một-ngày.”  Thông thường thì chủ-nhà phải gởi “giấy thông báo đuổi nhà” trước 60 ngày! Có lẽ trong ngày 29/4/1975 ông Luật Sư Mẫu đã lạm dụng quyền Nhà-Đất VN để đá-đít Ông Martin ra khỏi Nhà-Đất VN!  Trong phim tài liệu thời sự này cũng có phần phỏng vấn những người liên quan trong phim như những người miền Nam VN tị nạn, phi công Mỹ lái trực thăng di tản, và lính TQLC ở toà đại sứ Mỹ; dĩ nhiên là không có phỏng vấn những người CS Bắc Việt và VC miền Nam.  Cũng có phần phỏng vấn các nhân vật nổi tiếng quan trọng như Ông Ron Nessen, Trưởng ban Báo chí của Tổng Thống Ford; Ông Richard Armitage, Phụ tá Ngoại Trưởng người đã phụ trách việc di tản Hải Quân VNCH tới Phi Luật Tân; Ông Frank Snepp cựu nhân viên CIA làm việc trong toà Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn; và nhất là có Ông Kissinger, cựu Ngoại Trưởng, Trưởng Đoàn Mỹ trong cuộc hoà đàm Paris 1973, nghe cái giọng của người già Kissinger-gốc-Đức nói tiếng Mỹ “ồm-ồm” lẩm bẩm đến tức cười, Ông Kissinger nói cuộc di tản “hổn loạn kinh khủng”.  Lẽ tất nhiên là phải “hổn loạn kinh khủng” vì có quá đông người phải ra đi trong thời hạn ngắn 24 giờ đồng hồ.  Cũng có lẽ cái lệnh của ông ThT Mẫu “đuổi-nhà-ông-đại-sứ-Mỹ” đã được loan đi lặp lại nhiều lần trên làn sóng phát thanh của đài Sài Gòn làm cho toàn thể người dân miền Nam Việt Nam lúc đó rất hoảng hốt lo sợ, và đã có rất nhiều người dân miền nam bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn, tài sản, thân nhân của mình để vượt biên lánh nạn cộng sản ngay trong ngày 29/4/1975./.

Nguyễn Thành Trí,  Sài Gòn 22/2/2015