Hy Lạp sẽ là tai mắt của Nga trong Châu Âu ?
Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotzias và đồng nhiệm Đức Frank-Walter Steinmeier tại Bruxelles - REUTERS /Francois Lenoir |
Trong tuần, Ngoại trưởng Nikos Kotzia đã nhắc đến mối quan hệ lịch sử lâu đời giữa Hy Lạp và Nga, đồng thời ông cũng không ngần ngại chỉ trích chính sách hiện nay của Bruxelles đối với Matxcơva là cương cứng.
Tuần trước, chính phủ của Thủ tướng Tsipras đã thẳng thắn phản đối thông cáo của Liên Hiệp Châu Âu đe dọa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Matxcơva trên hồ sơ Ukraina và nói rằng Athènes không được tham khảo trước về thông cáo này. Đến lúc này, nhiều nhà bình luận bắt đầu cảm thấy thái độ của chính phủ Hy Lạp không đơn thuần là mối thiện cảm với nước Nga mà còn là những dấu hiệu chuyển hướng ngoại giao đáng quan tâm.
Thái độ thân Nga của Athènes được khẳng định thêm khi trong chuyến thăm đảo Chypre hôm 02/02/2015, ông Tsipras tuyên bố mong muốn Hy Lạp trở thành « cầu nối » giữa Châu Âu và nước Nga.
Dư luận báo chí ở Châu Âu bắt đầu tỏ nghi ngại về thái độ thân Nga của Hy Lạp. Tuy nhiên, ông Constantinos Filis, Giám đốc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Athènes nhận thấy những động thái như vậy của chính phủ Tsipras chưa thể nói lên rằng trong thời gian tới Hy Lạp sẽ quay ngoắt 180 độ trong chiến lược đối ngoại.
Nhìn từ nước Nga, ông Fiodor Loukianov, Chủ tịch Hội đồng chính sách đối ngoại và quốc phòng, có trụ sở tại Matxcơva nhận định, ưu tiên hiện nay của Hy lạp là thoát khỏi chương trình hỗ trợ tài chính nhiều trói buộc của Liên Hiệp Châu Âu, chứ thực tế ông Tsipras không muốn làm nảy sinh thêm vấn đề mới lúc này, dù ông không che giấu mối thiện cảm riêng với Matxcơva.
Giới quan sát cũng ghi nhận, đại sứ Nga tại Athènes là người đầu tiên gặp Alexis Tsipras ngay sau khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 25/01. Điều đáng chú ý nữa là trước đó hồi tháng 05/2014, tức là chỉ hai tháng sau khi Nga sáp nhập Crimée, ông Tsipras đã tới Matxcơva gặp gỡ nhiều quan chức của chính quyền Kremlin và tại đó ông đã công khai phản đối chủ trương NATO mở rộng về phía đông.
Cũng cần phải hiểu là Hy Lạp có mối liên hệ văn hóa lịch sử lâu dài và nhiều tương đồng với Nga. Không chỉ có chính phủ cánh tả của ông Tsipras, người có xuất xứ chính trị là cộng sản, mà ngay cả chính phủ tiền nhiệm của Thủ tướng Antonis Samaras, được coi là bảo thủ, cũng không bao giờ tỏ thái độ thù hằn với Matxcơva.
Trong quá khứ, cánh tả Hy Lạp đã từng có quan hệ mật thiết với Liên Xô trước đây. Nhưng vấn đề đặt ra là tình cảm của chính phủ Athènes hiện nay giành cho Matxcơva có tác động đến chính sách đối với Nga của Châu Âu trong thời gian tới ? Trong khi Liên Hiệp Châu Âu chưa bao giờ là một khối thống nhất hoàn hảo, thì liệu nhân tố Hy Lạp thân Nga có gây thêm chia rẽ ?
Theo nhiều nhà phân tích chính trị thì phản ứng chống đối của chính phủ Tsipras đối với thông cáo của Liên Hiệp Châu Âu dọa trừng phạt Nga tuần trước chỉ là một động thái tỏ cho thấy Hy Lạp là một đối tác quan trọng trong Liên Hiệp. Thể hiện thái độ thân Nga đôi khi cũng có ích nhất là vào thời điểm lúc này khi mà Hy lạp đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán nợ với các đối tác Châu Âu được dự báo sẽ rất khó khăn.
Vừa thành lập nội các xong, cả Thủ tướng lẫn Bộ trưởng Tài chính liền đôn đáo ngược xuôi trong Liên Hiệp Châu Âu để lo cho gánh nợ của đất nước. Những tuyên bố thân Nga của các thành viên chính phủ chỉ là những lời nói theo gió bay đi không có gì gọi là cam kết, bởi vậy cũng chẳng có gì nói lên được rằng Hy Lạp sẽ là tai mắt của Matxcơva tại Bruxelles.
Giới quan sát nhận hiểu rằng các động thái gần gũi Nga đó được tung ra trong bối cảnh chuẩn bị cho các cuộc đàm phán nợ sắp tới của Hy Lạp. Chính phủ mới ở Athènes muốn tìm cho mình một áp lực trở lại với các đối tác Châu Âu. Đó cũng có thể là cách để Athènes khẳng định rằng nếu Bruxelles không mềm mại với họ trên vấn đề trả nợ thì Hy Lạp có thể gây ách tắc trên những hồ sơ nhạy cảm của cả khối.