Matt Mahan

ads header

Breaking News

“Chụp mũ” - mạ lỵ - phỉ báng vừa phi pháp vừa vô đạo đức


Những chiến thắng của các nạn nhân đối với những kẻ lợi dụng “Tự Do Ngôn Luận” để vu khống, mạ lỵ người khác, đặc biệt trong trường hợp mới đây của báo Người Việt kiện bà Hoàng Dược Thảo và tờ báo Saigon Nhỏ, đã nêu bật được những điều sau đây:

1. Đây là chiến thắng của sự thật, của công lý và là chiến thắng chung cho những nạn nhân bị chụp mũ là thân cộng hay bị cáo buộc là cộng sản, cũng như bị vu khống về nhân cách khiến thanh danh họ bị xúc phạm, đời sống của họ bị tác hại.

2. Ðồng thời là một cảnh cáo cho những người dùng chiêu bài ‘chống cộng’ để vu cáo, phỉ báng người lương thiện chỉ do lòng đố kỵ hay tư thù, và coi thường luật pháp, gây xáo trộn và chia rẽ cộng đồng, làm nản lòng những người có thiện chí và khả năng muốn dấn thân đóng góp vào sinh hoạt cộng đồng.

3. Vụ này sẽ là một án lệ quan trọng tạo dễ dàng cho những người bị vu cáo và phỉ báng đưa những kẻ vô lương tâm ra tòa. Nó cũng khích lệ các nạn nhân của phỉ báng/vu khống mạnh dạn đưa các phạm nhân ra tòa.

4. Đây là những bài học lớn cho tất cả chúng ta về một số điều:

· Tự Do phải luôn đi đôi với tinh thần trách nhiệm, trong đó bao gồm cả trách nhiệm pháp lý cũng như trách nhiệm đạo đức.

· Đừng để lòng hận thù chế độ cộng sản làm chúng ta mù quáng và cực đoan, nhìn vào ai hay điều gì không hợp ý cũng thấy “hình bóng cộng sản”, vô tình đổ oan cho nhau và tạo sức mạnh cho chế độ, vi phạm luật pháp và tạo ra đau khổ cho tất cả mọi người trong cuộc kể cả chính kẻ vu khống.

· Đừng hễ thấy ai đội mũ “chống cộng” là điều gì họ nói hay viết cũng tin. Hãy nhìn vào lối hành xử của họ có văn hóa không? phê bình có xây dựng không? cáo buộc có bằng chứng không? hành xử có công bằng không – thí dụ một cơ quan truyền thông thì phải bắt buộc tìm hiểu hai chiều, phải cho người bị cáo buộc cơ hội lên tiếng, không thể chỉ cho một phía lên tiếng cáo buộc/mạ lỵ người khác.

· Luôn luôn tự mình tìm hiểu nhiều nguồn thông tin khác nhau để có thể thẩm định về giá trị của một bản tin, về giá trị của một cơ quan thông tin hay một cá nhân nào đó.

· Khi thấy những hiện tượng sai trái xảy ra từ một vài cá nhân hay cơ quan truyền thông lợi dụng tự do ngôn luận thì cần phải tích cực lên tiếng và hành động, thí dụ như tẩy chay không đọc/không nghe những cơ quan truyền thông ưa làm điều xấu, ưa dùng những chuyện xào xáo, giựt gân để bán báo hay tạo “tiếng vang”.

· Trong tinh thần chống độc tài, chống cái ác và phục hồi điều thiện cũng như lẽ phải, cực đoan không thể có chỗ đứng trong lòng dân tộc nếu muốn tạo sức mạnh đoàn kết và xây dựng. Tinh thần nhân bản cũng đòi hỏi chúng ta phải phân định giữa hai hiện tượng, đó là những sự sai sót/lầm lẫn rất người (nhân vô thập toàn) cần được sự thông cảm/châm chước của mọi người, và hiện tượng cố tình bôi bẩn, làm hại người khác.

· Trên đường dài, những kẻ nói láo hay gian tà đều sẽ bị phơi bày và đền tội. Yếu tố nhân quả ngày nay đi rất nhanh - quả báo nhãn tiền.

Trần Diệu Chân