Chính quyền Ukraina và phe ly khai thỏa thuận ngừng bắn
Các nguyên thủ quốc gia Nga Putin, Pháp Hollande, Ukraina Porochenko và Đức Merkel tại Minsk - REUTERS /Vasily Fedosenko |
Theo AFP, điểm đầu tiên của thỏa thuận là ngừng bắn sẽ chính thức có hiệu lực vào nửa đêm ngày Chủ nhật 15/02. Chính Tổng thống Nga đã thông báo về chi tiết này trước báo giới, trước khi khoác măng tô, rời phòng họp.
Điểm chủ yếu thứ hai của thỏa thuận là hai bên buộc phải rút khỏi đường chiến tuyến hiện nay, để tạo thành một vùng đệm, có chiều rộng từ 50 km đến 70 km, thay vì 30 km theo thỏa thuận tại Minsk hồi tháng 9/2014. Phe nổi dậy sẽ phải rút về phía sau đường chiến tuyến được xác định hồi tháng 9/2014. Sở dĩ chiều dài của vùng đệm được tăng lên là do phe ly khai đã giành thêm nhiều đất đai kể từ đó. Tổng thống Ukraina Porochenko cho biết thêm, phe nổi dậy sẽ phải rời khỏi vùng đệm phi quân sự và rút hết các vũ khí hạng nặng trong vòng 14 ngày.
Thỏa thuận tại Minsk hôm nay là một đảm bảo có trọng lượng cho việc giải quyết xung đột tại Ukraina, vì có sự tham gia của hai nguyên thủ Nga và Ukraina, Tổng thống Putin và Tổng thống Porochenko – được hai lãnh đạo Pháp và Đức hậu thuẫn. Về mặt chính thức, Tổng thống Nga không ký vào văn bản thỏa thuận. Ông Putin và các lãnh đạo Châu Âu chỉ ký vào một « tuyên bố ủng hộ » thỏa thuận ngừng bắn, mà những người trực tiếp ký là phe ly khai và đại diện của chính quyền Kiev, dưới sự bảo trợ của Nga và OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu).
Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, các bên đã « thành công để đạt được một thỏa thuận về phần cơ bản ». Tổng thống Pháp François Hollande ghi nhận thỏa thuận này mang lại « một giải pháp chính trị tổng thể cho xung đột tại Ukraina », cho dù « còn nhiều việc phải làm », thỏa thuận cũng là « một hy vọng thực sự cho Ukraina, một sự nhẹ gánh đối với Châu Âu ».
Trong khi đó, Thủ tướng Đức nhấn mạnh nhiều hơn đến « các trở lực lớn » phải vượt qua để đến được một giải pháp thực sự và không nên « ảo tưởng » về thỏa thuận vừa đạt được. Ngoại trưởng Đức còn tỏ ra bi quan hơn, với nhận định thỏa thuận hôm nay tại Minsk « không mang lại một giải pháp tổng thể », cũng « không phải là một đột phá ».
Không khí của cuộc đàm phán xuyên đêm căng thẳng đến phút cuối. Cho tận đến lúc Tổng thống Nga thông tin với báo giới và rời phòng họp, ít có dấu hiệu lạc quan đáng kể được ghi nhận. Sáng nay, trả lời AFP, Tổng thống Ukraina Porochenko tỏ ra bị quan, vì « những điều kiện » mà Nga đặt ra là « không thể chấp nhận được ».
Theo một nguồn tin thân cận với hồ sơ này, thỏa thuận mới tại Minsk cũng sẽ hướng đến « việc thực thi cụ thể thỏa thuận Minsk ngày 05/09 ». Thỏa thuận 05/09 cho dù được tất cả các bên liên quan ký kết vẫn không được tôn trọng trên thực tế. Xung đột tại miền Đông Ukraina tiếp tục sau ngày 05/9 và bùng phát dữ dội trở lại từ đầu tháng 1/2015. Về mặt chính thức, ít nhất 5.300 người thiệt mạng tại Donbass kể từ khi xung đột bùng nổ cách nay 10 tháng.
Theo các quan sát tại chỗ, trước cuộc đàm phán thượng đỉnh hôm nay, đụng độ giữa quân đội Ukraina và phe ly khai miền Đông gia tăng.