40 năm Người Việt tại Canada và dự luật S-219
Nghị sĩ Ngô Thanh Hải |
TNS Ngô Thanh Hải: Đó là dự luật để tưởng nhớ tới hơn hai triệu người Việt Nam bỏ nước ra đi với tư cách là tị nạn, là thuyền nhân. Thứ hai là để tưởng nhớ 250 ngàn người Việt Nam đã bỏ mình trên biển cả hoặc là bị cướp, bị bão hay điều gì đó. Thứ ba nữa dự luật này nhằm cám ơn chính phủ Canada đã nhận một trăm hai chục ngàn người Việt Nam tỵ nạn vào cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 rồi sau này lên tới 300 ngàn người. Đồng thời cũng là cám ơn chính phủ Canada đã mở rộng vòng tay để đón nhận thuyền nhân tỵ nạn của chúng ta tại đây. Thứ tư nữa là cám ơn chính phủ, nhân dân Canada đã sponsor từ cá nhân, nhà thờ đến các cơ quan thiện nguyện đã bảo trợ giúp đỡ cho chúng ta. Thứ năm là Canada là một quốc gia mà trong thập niên đó, cuối 70 đầu 80 thì Canada là quốc gia đầu tiên trên thế giới đã nhận người tỵ nạn do đó mà Cao Ủy Tỵ Nạn (UNHCR) Canada đã trao giải Nansen cho Canada. Đạo luật này dựa trên 5 điều đó thôi.
Mặc Lâm: Thưa, ông là một dân cử gốc Việt tại Canada với chức vụ Thượng Nghị Sĩ liên bang, đời sống của người Việt nam hôm nay vừa đúng 40 năm kỷ niệm ngày ra đi của họ thì ông thấy có sự thành tựu nào đáng kể nơi xứ tạm dung mà bây giờ đã trở thành quê hương thứ hai của họ hay không?
TNS Ngô Thanh Hải:: Thưa bây giờ thì mình thấy rằng cộng đồngViệt Nam mình tại Canada sau 40 năm thì phát triển rất mạnh. Tôi thấy Việt Nam mình đóng góp cho xứ sở, xã hội Canada rất nhiều, chính phủ Canada cũng đã công nhận sự đóng góp của người Việt tại đây và họ đã để ý rất nhiều chẳng hạn như cách đây ba năm chính phủ Canada của Đảng Bảo thủ đã nhận hết những người tỵ nạn tại Phi Luật Tân còn lại, khoảng hai trăm mấy chục người đã nhận rồi và đồng thời mới đây cũng hai năm rồi chính phủ đã chính thức chấp nhận tất cả người Việt tỵ nạn còn lại tại Thái Lan và Cao Miên (Campuchia). Trong tháng vừa rối bốn mươi mấy gần năm chục người tỵ nạn tại Thái đã qua tới Canada. Hy vọng cuối năm nay hết một trăm mấy chục người đó sẽ đến Canada để chấm dứt giai đoạn chót của người tỵ nạn chúng ta đã ra đi hơn mấy chục năm nay.
Mặc Lâm: Thưa ông nhìn chung vấn đề người Việt tỵ nạn khắp nơi được chính phủ Canada mở rộng vòng tay để đón họ và ông là người đại diện cho người Việt ở đó ông có cảm thấy sự thành tựu của họ trên lĩnh vực kinh tế, kiến thức hay khoa học thì lĩnh vực nào thành công nhất thưa ông?
TNS Ngô Thanh Hải: Cộng đồng của mình thì anh thấy chẳng hạn như tại Montreal thì đa số người Việt mình là bác sĩ, dược sĩ ở Montreal. Tại vùng Ontario thì bác sĩ, kỹ sư đủ hết mọi ngành chuyên môn, luật sư bây giờ cũng đông lắm. Vùng Calgary thì kỹ sư rất nhiều vì tỉnh bang đó có rất nhiều dầu mỏ thành ra Việt Nam mình ở trên xứ Cadana này thành công rất nhiều. Không những như thế mà cộng đồng người Việt mình cũng đã đứng ra để nhận lãnh nếu kể ra thì hai trăm mười mấy người bên Phi Luật Tân và một trăm mấy chục người bên Thái và Cao Miên. Chính cộng đồng bỏ tiền ra đóng góp mua vé máy bay, bảo hiểm sức khỏe cho khoảng 400 người tỵ nạn cuối cùng của cái lớp đã bỏ đi từ 75 tới giờ.
Không những như thế mà cộng đồng còn đứng ra bảo lãnh những người đó qua để mà tiếp tay với chính phủ đã từng làm cho chúng ta nên bây giờ phải đáp lại bằng cách yễm trợ và bảo trợ người Việt Nam tỵ nạn còn lại của chúng ta. Đa số những người này bị kẹt từ hai tới ba mươi năm ở Phi và Thái Lan.
Mặc Lâm: Vâng, thưa ông bên cạnh những thành tựu nhất định đó thì chắc chắn bất cứ một cộng đồng nào cũng đều có những trở ngại khó khăn. Ông có thể cho biết cộng đồng Việt Nam tại Canada thì những trở ngại khó khăn ấy cụ thể là gì?
TNS Ngô Thanh Hải: Tôi thấy thì những trở ngại của cộng đồng không có gì lắm bởi vì đa số thế hệ thứ nhất cũng đã thành công rồi còn thế hệ thứ hai, thứ ba thế hệ con cháu chúng ta đã hội nhập vào xã hội Canada từ nhỏ cho tới lớn. Thành ra theo tôi nghĩ, tôi không biết chỗ nào khác nhưng riêng Canada này thì những trở ngại của cộng đồng nếu mà có thì cũng nho nhỏ thôi, chẳng hạn như con cái của chúng ta lớn lên thì vấn đề tiếng Việt của mình nó hơi khó khăn. Trường học dù có mở lớp tiếng Việt dạy cho con em của chúng ta nhưng chắc con em mình nó đã thấm nhuần xã hội Canada nói tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt thành ra đó là cái mà tôi lo ngại nhất. Tôi hy vọng văn hóa Việt Nam mình sẽ tồn tại tới thế hệ thứ ba, thứ tư và ngay cả về sau này nữa. Đó là điểu mà tôi lo ngại thôi chứ ngoài ra thì tôi thấy cộng đồng người Việt riêng tại Canada thành công rất nhiều. Trở ngại thì văn hóa và tiếng mẹ đẻ của con em chúng ta lớn lên ở đây thì nó hơi khó khăn trong vấn để đó
Mặc Lâm: Xin cám ơn TNS Ngô Thanh Hải.