Charlie Hebdo ra số mới với biếm họa nhà Tiên tri Muhammad
Ban biên tập Charlie Hebdo làm việc tại tòa soạn nhật báo Pháp Liberation trong thủ đô Paris, 9/1/15 |
Các trang bìa của tạp chí được phát hành hôm thứ Tư cho thấy Nhà tiên tri Muhammad đang khóc và cầm một biểu ngữ viết "Tôi là Charlie." Bên trên bức hình có dòng chữ "Tha thứ tất cả."
Họa sĩ Renald Luzier, bút danh "Luz," liên tục bật khóc trong một cuộc họp báo ở Paris hôm thứ Ba khi ông nói về bức biếm họa:
"Đây không phải là trang nhất mà thế giới muốn chúng tôi làm mà là chính chúng tôi muốn làm. Đây không phải là trang nhất mà những kẻ khủng bố muốn chúng tôi làm, bởi vì không có những kẻ khủng bố trong đó, chỉ có một người đàn ông đang khóc," Luzier nói.
Những bức họa về Muhammad thường mang tính châm biếm của Charlie Hebdo khiến hai tay súng Hồi giáo cực đoan nổi giận và xông vào tòa soạn của tạp chí vào tuần trước, bắn chết 12 người trong đó có năm họa sĩ biếm họa.
Vụ tấn công khơi ra sự ủng hộ ào ạt dành cho tờ báo, với những cuộc tuần hành đoàn kết toàn cầu và khẩu hiệu "Tôi là Charlie" tràn ngập trên Internet.
Dù đối với nhiều người những bức biếm họa này đã trở thành biểu tượng cho tự do ngôn luận, vấn đề này phức tạp hơn đối với nhiều người Hồi giáo xem những bức biếm họa nhà tiên tri của họ là cấm kỵ.
Bà Zainab Chaudry là phát ngôn viên của Hội đồng Quan hệ Mỹ-Hồi giáo. Trả lời VOA, bà nói việc truyền thông toàn cầu đăng tải những bức biếm họa có ý xúc phạm như vậy là đáng lo ngại:
"Điều này rất đáng lo ngại đối với chúng tôi. Rõ ràng điều này đã trở thành vấn đề thiên về việc nếu chúng ta không cho đăng chúng ta đang cho phép những kẻ khủng bố giành chiến thắng, hơn là vấn đề tự do ngôn luận," bà nói.
Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề này được nêu ra. Ông Naser Khader là cựu nghị sĩ của Đan Mạch từng trải qua cuộc bạo loạn chết người năm 2006 sau khi một tờ báo Đan Mạch đăng bức biếm họa nhà tiên tri của Hồi giáo. Ông nói:
"Là con người chúng ta không có nghĩa vụ làm cảnh sát của Đấng Allah đi can thiệp và giết hại những người vẽ tranh biếm họa. Phản đối những những bức biếm họa này thì được nhưng sử dụng bạo lực thì không. Quan điểm của tôi trước sau vẫn vậy. Nếu không thích những bức biếm họa đó thì đừng xem."
Vấn đề này cũng quan trọng đối những họa sĩ xem châm biếm là một cách quan trọng để thách thức quyền lực và khơi ra những cuộc thảo luận có giá trị.
James MacLeod, một họa sĩ báo chí của báo Evansville Courier & Press ở bang Indiana thuộc miền trung tây của Mỹ, cho biết điều quan trọng là phải bảo vệ tự do ngôn luận và tự do biểu đạt.
"Mặt khác, có những lời chỉ trích rằng đây là một ấn phẩm thường mô tả người Hồi giáo, người Do Thái và người có nguồn gốc châu Phi theo cách mà có thể bị coi là hạ thấp giá trị. Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người cần phải xem những hình ảnh này và đưa ra nhận định của riêng mình. Dĩ nhiên theo nhận định của tôi, một số những hình ảnh này có tính cách hạ giá trị, và thực ra là phân biệt chủng tộc," ông MacLeod nói thêm.
Tranh cãi đã dẫn tới mối quan tâm chưa từng có đối với Charlie Hebdo. Tạp chí này bình thường in 60.000 bản mỗi tuần. Tạp chí này cho biết họ đang in 3 triệu bản cho số ra tuần này.