Matt Mahan

ads header

Breaking News

ASEAN quan ngại hành động của TQ ở Biển Đông

Các Ngoại trưởng ASEAN tại Naypyidaw, ngày 08/08/2014 - REUTERS/Soe Zeya Tun
Các Ngoại trưởng ASEAN hôm nay 28/01/2015 tuyên bố quan ngại về việc Trung Quốc yêu sách chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông, trong lúc Philippines kêu gọi toàn khối phản kháng lại Bắc Kinh.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Manila cảnh báo các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong cuộc họp thu hẹp tại Malaysia, rằng uy tín của cả 10 quốc gia sẽ bị ảnh hưởng, nếu không có thái độ thẳng thừng hơn trước « vấn đề cấp thiết ngay trong sân nhà của chúng ta ».

Sau hai ngày họp, Ngoại trưởng nước chủ nhà Malaysia Anifah Aman tuyên bố : « Hội nghị chia sẻ quan ngại được một số Ngoại trưởng nêu ra về yêu sách chủ quyền tại Biển Đông », nhưng không nêu cụ thể yêu sách đó từ nước nào.

Không dám làm phật lòng người láng giềng khổng lồ phương Bắc, trong nhiều năm qua, các nước ASEAN đã tỏ ra thận trọng trước những hành động độc đoán của Trung Quốc nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền trên Biển Đông.

Bắc Kinh đòi hỏi gần như toàn bộ vùng biển quan trọng này, gây xung đột với các thành viên ASEAN (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei) và Đài Loan ; và ngày càng có những hành động hung hăng hơn, gây quan ngại cho các nước láng giềng, sợ rằng sẽ xảy ra xung đột.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tuần trước tố cáo Bắc Kinh đang ra sức bồi đắp các đảo nhỏ xung quanh nhiều bãi đá ở quần đảo Trường Sa, trên đó có thể xây dựng các công trình kiên cố thậm chí cả phi đạo, gây trở ngại cho tự do hàng hải trên Biển Đông.

Hôm nay, ông Rosario tuyên bố : « Việc xây dựng quy mô này đặt ra cho ASEAN vào cái thế phải lựa chọn chiến lược. Nếu chúng ta cứ khoanh tay đứng nhìn, thì sẽ có hại cho sự đoàn kết của khối, do ASEAN bất lực trong việc hành động tập thể và thống nhất trước một vấn đề cấp thiết như thế ngay trong sân nhà của chúng ta ». Ngoại trưởng Philippines cũng cho rằng cộng đồng quốc tế cần phải « nói với Trung Quốc rằng những gì họ đang làm là sai trái, đồng thời phải chấm dứt các hành động xây dựng trên ».

Các Ngoại trưởng ASEAN họp tại thành phố Kota Kinabalu trên đảo Borneo. Đây là hội nghị đầu tiên trong số nhiều cuộc gặp khác sẽ diễn ra năm nay tại Malaysia, nước làm chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2015.

Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Malaysia cũng kêu gọi ASEAN gia tăng nỗ lực nhằm đạt được việc thực hiện Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông, để ngăn ngừa các xung đột.

Sau nhiều năm dưới áp lực, đến 2013 Trung Quốc mới chấp nhận đối thoại với ASEAN về vấn đề này. Nhưng nhiều nhà phân tích vẫn nghi ngờ những cam kết của Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc rất có thể sẽ trì hoãn trong lúc ra sức tăng cường hoạt động củng cố cho các yêu sách trên biển của mình.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần qua bác bỏ các tố cáo của Philippines về những hành động bồi đắp đảo nhân tạo, nói rằng « các nước nhỏ không thể gây rắc rối từ những chuyện không đáng kể ».

Trung –Hàn đòi Nhật không chối bỏ xin lỗi về quá khứ quân phiệt

media
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (G) đến viếng đền Yasukuni, Tokyo, 26/12/2013 - REUTERS
Hàn Quốc và Trung Quốc hôm qua 27/1/2015 đã lên tiếng cảnh báo, trong dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2 tới đây, Nhật Bản không được phủ nhận những lời xin lỗi về quá khứ quân phiệt Nhậ mà giới lãnh đạo ở Tokyo đã đưa ra cách đây 20 năm.

Cuối tuần qua, Thủ tướng Shinzo Abe trả lời đài truyền hình NHK về tuyên bố ông dự kiến đưa ra trong dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2 trong năm 2015 này. Theo đó, ông Abe hé lộ tuyên bố sẽ chỉ đề cập đến quan điểm của chính phủ hiện nay về quá khứ chiến tranh và khẳng định tiếp tục duy trì lập trường của các chính phủ tiền nhiệm về các vấn đề lịch sử của nước Nhật. Ông Abe cho biết không muốn lặp lại những lời xin lỗi một cách cụ thể.

Năm 1995, cựu Thủ tướng Nhật Bản Tomiichi Murayama đã ra tuyên bố nhân dịp 50 năm kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai.

Trong tuyên bố, ông Murayama bày tỏ "sự hối hận sâu sắc và lời xin lỗi chân thành" về hành động xâm lược của Nhật Bản ở Châu Á thời chiến tranh. Cựu Thủ tướng Koizumi Junichiro vào năm 2005 cũng đã ra thông điệp tương tự.

Phát biểu của Thủ tướng Shinzo Abe ngay lập tức đã gây phản ứng từ Hàn Quốc và Trung Quốc, hai nước không muốn các chính phủ Nhật Bản quên đi quá khứ lịch sử và phải lên tiếng xin lỗi về những tội ác mà quân đội Nhật Hoàng đã gây ra trong thời kỳ chiếm đóng nhiều nước Châu Á.

Phát ngôn viên ngoại giao Hàn Quốc, ông Noh Kwang-il, hôm qua, trong một cuộc họp báo, đã lên tiếng cảnh báo chính phủ Nhật hiện nay phải nhìn thẳng vào lịch sử và lên tiếng xin lỗi như những người tiền nhiệm trước đây.

Trước đó một hôm, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh cũng tuyên bố tỏ lo ngại về thái độ của chính hiện nay của Nhật muốn xem nhẹ những tội ác của quân đội Nhật Hoàng đã gây ra trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai.

Thủ tướng Shinzo Abe vẫn nổi tiếng là một người có tư tưởng dân tộc cứng rắn trong việc nhìn nhận quá khứ của quân phiệt của Nhật Bản. Ông luôn tránh đưa ra xin lỗi trực tiếp về các vấn đề lịch sử này. Nội các của ông cũng có những động thái tôn vinh quá khứ quân phiệt Nhật Bản, không ít lần gây căng thẳng ngoại giao với các nước láng giềng Châu Á của Nhật.