Matt Mahan

ads header

Breaking News

Những anh “mù” làm đại biểu dân

 95 đại biểu HĐND Hà Nội, mỗi người được trang bị một máy tính bảng iPad 2
Văn Quang – Viết từ Sài Gòn _ Tại Việt Nam, số người sử dụng Internet cũng gia tăng nhanh chóng, đến nay đã lọt vào top 20 quốc gia sử dụng Internet nhiều nhất thế giới.

Riêng đối với hộp thư điện tử, có lẽ hàng triệu người Việt Nam giờ đây sẽ không thể tưởng tượng được nếu một ngày nào đó trên thế giới không tồn tại phương tiện này. Riêng tại chung cư nghèo nàn tôi ở, hầu như nhà nào cũng có ít nhất 1 cái computer và nhiều cụ ông trên 60 tuổi vẫn ngồi gõ máy xem tin tức và trao đổi thư từ cùng bạn bè con cái, người thân ở trong và ngoài nước. Nó đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Hôm nào đường internet bị hư, cứ nhấp nha nhấp nhổm, chờ thợ đến sửa như trẻ con mong mẹ về chợ. Có ông còn nhảy sang nhà hàng xóm xem nhờ cái ipad loại mới của mấy cậu sinh viên. Đấy là mấy ông già, còn mấy cô cậu thanh niên, thiếu nữ dù chưa là sinh viên, hầu như cái điện thoại luôn theo sát bên mình còn hơn cả người tình.

Tuy vậy, tôi cũng quen biết vài ông bạn già không chơi e mail, không vào internet vì không thích hay không muốn mất thì giờ, các ông ấy thích nằm rung đùi ngâm thơ, ra quán café đầu đường ngồi cầm tờ báo tán dóc với bạn già, hoặc có ông nói là muốn học cho biết nhưng “đầu óc không chịu dô”. Đó là quyền của mỗi người.

Nhưng đối với các vị “làm việc nước” như mấy ngài “đại biểu” không thể nói không thích hay không muốn bởi nó đã trở thành một phương tiện tối cần thiết như cái xe đi làm, cái cặp hồ sơ đầy ắp công việc lo cho dân. Nếu không thích thì tốt hơn hết là trở lại làm “phó thường dân” như mấy ông tôi quen, chẳng hại tới ai.

Nhiều tỉnh thành đã phát máy tính bảng cho các đại biểu. 

Tại Hà Nội, từ tháng 7 năm 2012, mỗi đại biểu HĐND Hà Nội được trang bị một máy tính bảng để phục vụ công việc. Thay vì lật từng trang giấy, các đại biểu đã bắt đầu quen với việc "kéo, trượt, phóng to, thu nhỏ". Loại máy tính bảng mà các đại biểu HĐND được trang bị là iPad 2. Ông Bùi Đức Hiếu, Chánh văn phòng HĐND cho biết “Việc này sẽ góp phần giảm đáng kể chi phí bởi thành phố hiện phải chi hàng trăm triệu đồng cho việc in, sao tài liệu phục vụ cho mỗi kỳ họp HĐND".

Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng cũng đã trang bị 55 chiếc iPad (giá 20 triệu đồng/chiếc) và xây dựng phần mềm chuyên dụng phục vụ công tác của các đại biểu trong suốt nhiệm kỳ.

Đại biểu HĐND tỉnh Bạc Liêu đã được cấp máy tính bảng Samsung Galaxy tab 10.1, giá hơn 12 triệu đồng/chiếc.

Tỉnh xa nhất nước là Cà Mau, HĐND cũng đã trang bị máy tính bảng iPad 3 cho 53 đại biểu HĐND tỉnh để khai thác thông tin, phục vụ công việc.

Ngoài ra còn nhiều địa phương khác cũng đã làm việc này và đã tiết kiệm được một số tiền không nhỏ cho việc in ấn tài liệu phát cho đại biểu, tiết kiệm thì giờ quý báu phục vụ dân.

Tuy nhiên, việc các vị ấy có chịu sử dụng máy tính không hoặc có biết sử dụng không hay sử dụng máy tính làm việc gì lạ là chuyện khác hẳn. Nếu sử dụng sai mục đích thì đó lại là một sự lãng phí khổng lồ mà thôi.

Thời buổi công nghệ thông tin này, các vị đại biểu dân không biết sử dụng internet nói chung, hộp thư điện tử nói riêng cho công việc của mình chẳng khác mấy anh… mù chữ, không biết đọc, biết viết.

Thế nên tôi thật sự ngạc nhiên trong tuần vừa qua, ngày 11 tháng 12-2014, các báo đồng loạt loan tin “TP Hồ Chí Minh, có đến 50% số cán bộ lãnh đạo không sử dụng hộp thư điện tử (e mail)”.

Một câu hỏi đặt ra là mỗi địa phương tốn hàng chục tỉ đồng phục vụ quý vị đại biểu với những máy tính, laptop, Ipad… được cơ quan trang bị đã được dùng làm gì? Cho con, cho cháu hay chỉ là phương tiện chơi game, xem phim giải trí…?

Mua xe hơi mà không biết dùng thì chỉ là cục sắt

Chiều 11 tháng 12 Đại biểu (ĐB) HĐND chất vấn Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về việc ít lãnh đạo sử dụng thư điện tử cơ quan nhà nước để làm việc, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Sài Gòn Lê Mạnh Hà báo một tin rất đáng buồn và đáng xấu hổ, ông nói nguyên văn: “Tin buồn là tính chung chỉ có 50% lãnh đạo sử dụng thư điện tử. Sử dụng hiệu quả từ giải quyết thủ tục hồ sơ, trao đổi nhanh lắm, chủ tịch quận, huyện làm rất nhanh nhưng chúng ta không chịu”.

Sau đó nỗi thất vọng này được Phó Chủ tịch Hà than thở: “Ta trang bị xe hơi mà không biết lái thì vô phương". Vâng, sắm xe sang dù có là Rolls-Rovce, Benley hay BMW mà không biết sử dụng thì cũng chỉ là... cục sắt..

Phó chủ tịch TP không ngần ngại điểm danh cụ thể ngay trước HĐND số lãnh đạo sử dụng thư điện tử cơ quan nhà nước. Theo ông, Sở Nội vụ, TT&TT, Y tế, Tư pháp có nhiều lãnh đạo dùng email, các sở còn lại số này thấp, thậm chí không hề sử dụng. Nơi chỉ có một lãnh đạo dùng là Sở Văn hóa- Thể thao- Du lịch (VH-TT-DL).

Ông Hà còn không ngần ngại chỉ ra lãnh đạo hai đơn vị là Sở Lao Động- Thương binh -Xã Hội (LĐ-TB-XH) 100% không sử dụng và Sở Xây dựng chỉ có 13% lãnh đạo sử dụng hộp thư điện tử, theo ông Hà lẽ ra mấy cơ quan này phải dùng nhiều nhất vì liên quan đến dân. Điều này có lẽ đủ để lý giải vì sao công việc của họ luôn trì trệ.

Trong khi đó có huyện 100% không sử dụng là Hóc Môn. Đáng chú ý lực lượng phòng cháy chữa cháy sử dụng nhiều thư điện tử cơ quan nhà nước, chỉ có 1 người không dùng. Các quận 7, 8 Bí thư sử dụng nhưng cấp dưới thì không.

Tại Củ Chi thì lãnh đạo huyện 100% sử dụng. Nhưng số cán bộ 2 huyện này sử dụng lại thấp hơn. Phó chủ tịch TP nói rằng TP đã trang bị nhiều cho hệ thống văn phòng điện tử, sử dụng mã nguồn mở trong các quận huyện thống nhất, bản quyền Việt Nam không phải mua của nước ngoài, tiết kiệm nhiều, bảo mật tốt.

Phải nói thẳng ra tiền của nhân dân đóng thuế trang bị đủ thứ cho các đại biểu để hy vọng các ngài nói lên tiếng nói của người dân, nhưng cứ xem như cách các ngài làm việc thì cứ gọi tạm là có tới 50% các ngài chẳng thèm chú ý gì đến nguyện vọng của dân, vậy các ngài chú ý đến cái gì?

Tiếng nói của người dân 

Sau bản tin này, đã có rất nhiều dư luận trên các phương tiện thông tin. Mời quý vị đại biểu đọc… chơi mấy lời tâm tình này:

- Bạn Lê Xuân Thủy (e-mail: lexuanthuy1962@yahoo.com.vn) viết ngày 15-12-2014:

“Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội là những nơi được coi như là văn minh tiến bộ, đi trước của cả nước nhưng còn thế thì các địa phương khác còn " tồi tệ " hơn nhiều. Không hiểu chuẩn hóa, tuyển dụng công chức thì trong hồ sơ đã có "bằng cấp " này nọ rồi còn gì, và tuyển như thế nào nhỉ? Trước đây chính tôi đã gặp nhiều lãnh đạo mỗi ngày được cấp nhiều loại báo nhưng chẳng bao giờ đọc cả, nhiều vị lâu nay chỉ chờ trình ký nhưng cũng chẳng xem lại ký gì trước khi ký, chứ nói chi là tự thảo văn bản, tự tay đánh văn bản... thế nhưng trong phòng các vị lại được trang bị máy tính loại tốt và sử dụng những điện thoại thông minh, đắt tiền để...chơi, để khoe là đẳng cấp, biết xài sang mà thôi”.

- Bạn Nguyễn Văn Dũng (e-mail: chuhoang_324@yahoo.com) viết:

“Nếu biết dùng thì hóa ra mua dây buộc mình à. Có thể chầy cối rằng Công văn ấy,Văn thư nọ, Ý kiến của dân bị hành chưa tới tay, chưa được cấp dưới trình.v.v... Nhưng không thể chối bay chối biến được khi nó chình ình trong “Hộp thư điện tử”. Vì nó chính là cửa tử cho những câu chầy cối kia”.

- Bạn trânchu (e-mail: trânchu1954@gmail.com) viết:

“Họ không biết IT nhưng hành dân thì họ biết rất tốt!”.

Tôi nghĩ chỉ đọc “3 lời tâm tình” trên đây các ngài đại biểu cũng đã thấy dân nghĩ gì. Còn có sửa đổi được hay không là do các ngài chứ không phải việc của tôi.

Đại biểu HĐND TP. Sài Gòn vừa chơi game vừa giơ tay biểu quyết

Một vị đại biểu chơi game đánh bài trong hội trường
Phóng viên Nguyễn Cường của trang Infonet.vn đã tận mắt chứng kiến cảnh “ngoạn mục” này ngay trong phòng hội nghị của Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Sài Gòn.

Sự việc diễn ra vào chiều ngày 10/7 tại kỳ họp thứ 14, HĐND khóa VIII TP. Sài Gòn. Theo ghi nhận, vào 14h cùng ngày HĐND TP. Sài Gòn bắt đầu phiên họp bằng việc nghe đề nghị điều chỉnh mức phụ cấp đối với lực lượng công an.

Dù thư ký đang đọc tờ trình để xin ý kiến hội nghị nhưng vị đại biểu này vẫn thản nhiên ngồi chơi game đánh bài. Tới lúc nghe đề nghị biểu quyết ông mới giật mình giơ tay trong khi mắt vẫn hướng về màn hình điện thoại.

Tiếp sau đó thư ký trình bày về nội dung bầu cử bổ sung các hội thẩm nhân dân TP, quận, huyện. Tương tự trước đó vị đại biểu này vẫn không quan tâm đến điều này và tiếp tục chơi game. Hành động của vị đại biểu này gần như liên tục trong gần 40’ (từ 14h10’ tới 14h47’).

Tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 do UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 13/2/2014, một số đại biểu cũng thản nhiên chơi game.

Đến đây, để có nhận định khách quan hơn, mời bạn đọc một bài của tác giả Xuân Dương bình luận về vấn đề này.

Nghị trường, nghị quyết và… nghị gật 

Ngủ gật, đọc báo, chơi trò chơi trên điện thoại di động… khi họp tuy không phải là phổ biến nhưng cũng không còn là hành động cá biệt.

Tờ Infonet ngày 12/7/2014 có bài của tác giả Nguyễn Cường: “Đại biểu HĐND TP. Sài Gòn vừa chơi game vừa giơ tay biểu quyết!”. Quả thực nếu không phải là bài viết trên Infonet.vn – Báo điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông thì nhiều người sẽ không tin rằng đó là sự thật.

Vừa chơi games vừa giơ tay biểu quyết
Một số nước, người ta gọi những người được bầu vào thượng viện là thượng nghị sĩ, còn trúng cử vào hạ viện là hạ nghị sĩ, các hạ nghị sĩ được dân bầu trực tiếp nên người ta cũng thường gọi họ là dân biểu. Để đỡ tốn thời gian bạn đọc, trong bài viết này xin phép không dùng cụm từ “đại biểu HĐND thành phố” mà thay bằng “dân biểu”.

Những ai cho rằng dân biểu ở thành phố đông dân và thuộc hàng năng động nhất đất nước như TP. Sài Gòn hẳn phải là những con người vừa có tâm, vừa có tầm chắc sẽ lắc đầu ngao ngán khi nhìn những ảnh chụp trong bài báo của Infonet.

Trong nghệ thuật múa rối, con rối khi bị giật dây thì cử động còn vị dân biểu nọ khi bị giật mình thì giơ tay (biểu quyết), chung quy cũng chẳng khác con rối là mấy.

Tại sao vị dân biểu nọ không cần quan tâm đến nghị quyết mà HĐND thành phố thông qua, cứ giơ tay biểu quyết bừa trong khi mắt vẫn dán vào trò chơi điện tử? Có nhiều cách suy đoán, thứ nhất: ông ta cho rằng nghị quyết không có gì quan trọng, tất cả đã có Thành ủy lo lắng quán xuyến rồi, nghị quyết của HĐND có thông qua cũng chỉ là hình thức. Thứ hai: do quá bận “công tác chuyên môn”, ít có thời gian thư giãn nên cuộc họp HĐND là dịp hiếm có để tranh thủ giải lao, tranh thủ tạo cảm giác sảng khoái. Thứ ba, thể hiện thái độ phản đối nội dung nghị quyết bằng cách không thèm để ý?…

Đại biểu đọc báo tại hội nghị, mặc kệ ai báo cáo cứ báo cáo
Báo chí đã tốn nhiều giấy mực về loại “công chức cắp ô”, đến giờ phát hiện thêm loại “dân biểu cắp Iphone”, cộng với loại “quan chức cắp phong bì” thế là xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 21 hình thành nên ba loại người, tạo thế chân vạc nâng đỡ thượng tầng kiến trúc. Bộ ba loại người này liên kết với nhau sẽ là một khối vững mạnh, khó mà lay chuyển bởi nó bao gồm cả lập pháp, hành pháp và tư pháp, người dân lao động liệu có thể trông chờ vào đó mà hưởng phúc?

Họp cứ “vuốt ve nhau” nguy hiểm lắm

Những người như vị dân biểu nọ không còn là con sâu làm rầu “nồi canh nghị trường” mà đã trưởng thành thêm một bậc, biến thành “con nhộng” rồi. Biết đâu gặp ngày đẹp trời cái con “nhộng biểu” ấy lại chẳng biến thành bướm, lúc đó thì thiên hạ tha hồ mà chiêm ngưỡng, tán dương, thậm chí có khi còn phải cúi đầu kính cẩn…

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Sài Gòn sau khi biết chuyện phát biểu: “Tôi hoan nghênh báo chí đã phản ánh việc này. Đó là một thực tế và cũng là một nội dung HĐND cần chấn chỉnh trong hoạt động của mình”.

Báo điện tử Tiền phong ngày 29/6/2014 dẫn lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Họp cứ vuốt ve nhau, nguy hiểm lắm”. Qua ngôn từ mà bà Chủ tịch HĐND TP. Sài Gòn đã sử dụng, không khó để dự đoán rồi thì cũng chỉ “vuốt ve nhau” mà thôi.

Người dân luôn đặt niềm tin vào những đại diện mà mình lựa chọn từ HĐND địa phương đến Quốc hội. Nghị quyết của HĐND đưa ra có thể ví như luật trong phạm vi địa phương mà chính quyền phải thực hiện, cũng giống như luật mà Quốc hội ban hành Chính phủ phải thực hiện.

Dành tới 40 phút trong kỳ họp để chơi điện tử, vừa chơi vừa giơ tay biểu quyết, hành động của vị dân biểu nọ không thể là của một con người được đào tạo cẩn thận, nói cách khác đó không thể là hành động của người có học. Theo truyền thống, những cán bộ cỡ trung cấp trở lên đều được học tập và có bằng lý luận chính trị, không hiểu vị dân biểu này có thuộc diện đó hay không, nếu phải thì cái bằng “lý luận chính trị” của ông ta có giá trị gì không?

Họ trở thành “đại biểu dân” bằng cách nào?

Vấn đề là tại sao cái người không được “đào tạo cẩn thận” ấy lại trở thành đại biểu HĐND TP. Sài Gòn? Bằng cách nào, nhờ đâu mà ông ta đắc cử?

Biết chắc chắn có phóng viên quay phim, chụp hình trong hội trường nhưng vẫn mặc kệ, vẫn chơi trò chơi, vậy nếu ở những nơi kín đáo không có camera giám sát vị dân biểu nọ sẽ còn “chơi” những cái gì nữa? Trở thành dân biểu nhưng rõ ràng ông ta chưa được “huấn luyện” về những hành vi cư xử chốn nghị trường, hành động của ông ta không chỉ đánh cắp niềm tin cử tri gửi gắm mà cũng phần nào cho thấy chất lượng của cuộc họp HĐND thành phố.

Có ý kiến thanh minh rằng, dự thảo đã được UBND chuyển cho đại biểu trước nửa tháng, các đại biểu đã thảo luận ở tổ, đưa ra hội trường thông qua chỉ là thủ tục! Quả thật đó chính là cái “thủ tục” đã làm tốn bao tiền thuế của dân. Nếu thảo luận đã nhất trí, chỉ cần ký tên vào biên bản rồi công bố số người đồng ý, số người phản đối, hà cớ gì còn phải giơ tay biểu quyết lần nữa, còn phải tiêu tốn thời gian và tiền bạc của dân?

Có một suy nghĩ không chính xác là công tác cán bộ chỉ bó hẹp trong phạm vi công chức, viên chức nhà nước, đại biểu Quốc hội và HĐND là do dân bầu, không thuộc phạm vi công tác cán bộ. Thực chất các đại biểu mà Mặt trận Tổ quốc các cấp hiệp thương giới thiệu trong các cuộc bầu cử cũng đều được “chọn lọc” cẩn thận. Điều này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về đạo đức, tư cách nhân sự trong bộ máy công quyền.

Ngủ gật, đọc báo, chơi trò chơi trên điện thoại di động… khi họp tuy không phải là phổ biến nhưng cũng không còn là hành động cá biệt. Ở một số nước, dân biểu tranh luận đến mức đánh nhau vỡ đầu, chảy máu trong phòng họp, hành động đó mặc dù là thiếu văn hóa song ở chiều ngược lại nó cho thấy nghị trường không phải là nơi ngủ gật, không phải là nơi giải trí.

Nếu còn “vuốt ve nhau” thì những phiên họp của tất cả các tổ chức, không riêng HĐND sẽ còn những hình ảnh phản cảm được trưng bày. Đó chính là sự xuống cấp văn hóa ngay ở chính các tổ chức và những con người được xem là có học.

Chẳng lẽ TP. Sài Gòn với dân số gần 8 triệu người lại không tìm được người có tài và có đức thay thế vị dân biểu nọ? Hay vì đại biểu HĐND cũng có quyền “bất khả xâm phạm” như đại biểu Quốc hội nên còn phải chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên?

Chúc mừng Năm Mới trên đường phố Sài Gòn
Thưa bạn đọc,

Chúng ta đang bước sang Năm Mới 2015, tôi không muốn nói thêm về những cái tin thuộc loại “Tin Buồn Của Dân” như thế này nữa. Hãy dành chút thời gian để cho dân Sài Gòn chúng tôi được thở. Thôi thì cũng gượng buồn làm vui vậy. Thành phố cũng đang chộn rộn đón mùa xuân mới. Đầu năm 2015 chúng ta lại tiếp tục mấy chuyện thuộc loại “Lẩm Cẩm Sài Gòn” thú vị hơn.

Xin kính chúc bạn đọc một năm mới HẠNH PHÚC - AN KHANG - THỊNH VƯỢNG.

Văn Quang – Viết từ Sài Gòn

Cảnh ông đồ đang mải viết chữ đã mang đến niềm vui, nỗi nhớ cho mỗi chúng ta.