Vài suy nghĩ bất chợt về bài: “Tôi Nên Viết” của ông Đặng Xương Hùng
Vài suy nghĩ bất chợt về bài:
“Tôi Nên Viết” của ông Đặng Xương Hùng
Trần PhongVũ
Hôm Thứ Sáu 17-2-2023, ông Đặng Xương Hùng, cựu Lãnh Sự của Hànội tại Thụy Sĩ đã viết một bài ngắn với tiêu đề “Tôi Nên Viết”.
Được biết, ông Hùng đã tuyên bố bỏ đảng CSVN cách đây chẵn 10 năm (2013). Và từ đấy ông công khai chọn lá cờ vàng ba sọc đỏ và sinh hoạt thường xuyên với cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản tại Genève, Thụy Sĩ.
Trong những năm qua, đã nhiều lần ông lên tiếng, phần lớn hướng vào các đồng nghiệp của ông ở Bộ Ngoại Giao Hànội. Với tư cách một người tự do, ông trải rộng tâm tình với những “đồng chí cũ” vẫn còn trầm luân trong địa ngục Đỏ (có thể đã phản tỉnh, nhưng vì nhiều nguyên nhân, trong đó có cả những ‘ăn chia hậu hĩnh’, nên chưa đủ can đảm dứt áo ra đi).
Sau khi Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh bị mất chức, ông Hùng cũng đã lên tiếng với tiêu đề: “Vài hàng viết thêm gửi các bạn ở Bộ Ngoại Giao”. Ông tỏ ý tiếc khi tên độc tài Nguyễn Phú Trọng đã loại ông Minh ra khỏi cuộc chơi vào lúc chỉ còn một năm nữa là chẵn 50 năm, thời điểm Hoàng Sa sẽ chính thức rơi vào tay kẻ thù Phương Bắc, nếu Bộ Ngoại Giao của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXNCNVN) tiếp tục câm nín.
Trong những dịp này, bản thân người viết đã có bài bình luận.
Ô Hùng từ bài phỏng vấn của Mặc Lâm trên RFA |
Bài “Tôi Nên Viết ” của ông Đặng Xương Hùng lần này thuộc loại “Nói Hay Đừng”. Chính vì thế đã khiến ông cân nhắc, đắn đo tới 7 năm sau mới viết. Điều quan trọng là quyết định này cũng chỉ đến với ông khi có một biến cố được coi là một scandal liên hệ tới Giáo Hội Công Giáo Viết Nam (GHCGVN).
Là một chức sắc cao cấp một thời trong ngành ngoại giao của chế độ CSVN, cho dẫu đã can đảm từ bỏ quyền hành, lợi lộc để tìm về với chính nghĩa dân tộc, ông có lý do chính đáng để suy nghĩ khi sự kiện viết ra lại liên quan tới một hàng Giáo Phẩm trong Giáo Hội Công Giáo.
Giáo phẩm đó là ai? Đó là Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, khi ấy là Giám Mục Giáo phận Vinh vào dịp ngài lãnh đạo phái đoàn qua Thụy sĩ nhân vụ Formosa tháng 5 năm 2016, 3 năm sau khi ông Đặng Xương Hùng tuyên bố bỏ đảng và đang sinh hoạt trong cộng đồng tị nạn Việt Nam ở Genève.
Lý do nào thúc đẩy ông Hùng viết ra sau bảy năm im lặng? Thắc mắc này được giải tỏa khi ông cho biết: “Mục đích để cho những người hiểu biết nhiều về Công Giáo tham khảo, sau vụ tấn phong “Linh mục’ Hồ Hữu Hòa.”
Để độc giả hiểu rõ vấn đề, sau đây là trích đoạn nguyên văn phần chính trong bài viết của ông cựu Lãnh sự Đặng Xương Hùng:
“Tôi có một kỷ niệm không đẹp, nếu không muốn nói là xấu với Đức Cha Nguyễn Thái Hợp.
Tháng 5/2016, một phái đoàn do Ngài dẫn đầu sang Genève, trong một cuộc vận động đấu tranh chống ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra ở miền trung. Ngay trước khi chuẩn bị đón đoàn, chúng tôi đã được cảnh báo Đức Cha là người thân cộng cực kỳ trong thời gian Đức Cha học tại Fribourg - Thụy sĩ (1972-1978).
Tôi, một người từ phía cộng sản chạy sang (chạy sang phía tự do -Người viết ghi thêm cho dễ hiểu), đã bênh vực Đức Cha.
Tôi đã phân tích cho mọi người rằng một người thân cộng thời kỳ trước đây, đều có thể vỡ lẽ sau khi đã nhận ra bộ mặt của cộng sản. Tuy nhiên, trên xe đưa đoàn từ sân bay về khách sạn, do ấn tượng không thể phai nhòa, một cựu sinh viên Fribourg cùng thời với Đức Cha, đã tố cáo Đức Cha rất nhiều với những người trên xe, trong đó có 2 Linh mục cùng đoàn.
Tôi được gặp và chào Đức Cha trong vòng hai, ba phút trong sảnh khách sạn nằm trên đường Route de Lausanne-Genève. Tôi không có ấn tượng nhiều về Đức Cha ngoài nhận xét Đức Cha đẹp và hiền từ. Vì đoàn đến khá muộn, nên tôi và anh nữa được cử đi mua bữa tối (đêm) cho đoàn.
Ngày hôm sau, dự kiến tôi sẽ được cùng cả đoàn vào dự buổi gặp với chính giới Thụy sĩ tại Điện Palais Eynard. Nhưng chỉ 20 phút trước cuộc gặp, tôi được thông báo là Đức Cha không muốn sự có mặt của tôi. Tôi vô cùng ngạc nhiên và bất ngờ. Rất nhiều người bất bình. Người đứng ra tổ chức cuộc gặp còn nói Đức Cha là khách, theo sự sắp xếp của chúng tôi, tại sao được quyền ra điều kiện. Tuy nhiên, vì mục đích xa hơn, tôi đã chấp hành mệnh lệnh của tổ chức, ra về cùng một người khác, người này tỏ thái độ tẩy chay cuộc gặp.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, chúng tôi đã phải hủy cuộc gặp của Đức Cha với cộng đồng người Việt vào ngày hôm sau, đề phòng những phản ứng bất lợi cho Đức Cha...
.....
Cho đến tận lúc này, tôi vẫn chưa hiểu lý do gì mà Đức Cha loại tôi ra trong sự kiện đó. Tôi đã từng so sánh hai sự việc: năm 1976, Đức Cha trả hộ chiếu Việt Nam Cộng hòa để đổi lấy hộ chiếu của Việt Nam dân chủ cộng hòa, tức là lấy quốc tịch cộng sản - năm 2013, tôi vứt bỏ thẻ đảng cộng sản để đi với cờ vàng. Tôi muốn dành sự đánh giá phân định cho các bạn độc giả về chuyện này.
Tôi viết lại câu chuyện này sau khi nghe tin tức Đức Cha có ảnh hưởng trong việc tấn phong ‘Linh mục’ Hồ Hữu Hòa”. (hết trích – người viết bài này tô đậm một số đoạn).
Vài nhận định chợt đến với người viết.
Gần cuối trích đoạn, tác giả viết:
“Tôi muốn dành sự đánh giá phân định cho các bạn độc giả về chuyện này:
Tôi viết lại câu chuyện này sau khi nghe tin tức Đức Cha có ảnh hưởng trong việc tấn phong ‘Linh mục’ Hồ Hữu Hòa”.
Qua vài dòng ngắn ngủi, tác giả cho thấy sự quan tâm đặc biệt của ông đối với một biến cố có một không hai, đe dọa tới sự an nguy của Giáo Hội CGVN dưới chế độ cộng sản vô thần. (Vụ ông Gioan Baotixita HHH*). Ông Hùng đã tỏ ra khiêm tốn và quảng đại bỏ qua sự kiện công khai bị xúc phạm ở Genève bảy năm trước, để đến thời điểm này mới lên tiếng.
Với tư cách cá nhân của một tín hữu Công Giáo, tôi cám ơn thiện ý của ông.
Trở lại với trường hợp Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp được tác giả “Tôi Nên Viết” cho hay, người sinh viên cùng lớp với ngài thời gian còn học ở Fribourg, Thụy Sĩ nói ra công khai Đức Cha là ngưởi “thân cộng” với đoàn đi đón ngài ở phi trường trước sự hiện diện của ông Hùng và hai Linh Mục cùng đoàn.
Thật ra đây là chuyện không mới mẻ đối với nhiều người Công Giáo VN.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, sự quy kết cho Đức Cha Hợp là “thân cộng”, theo tôi, hơi vội vã và có phần quá đáng. Những người có ý nghĩ như vậy, phần lớn vì nghe biết thời ấy ngài thường qua lại các quốc gia Nam Mỹ, quê hương của ‘Phong Trào Thần Học Giải Phóng”. Chính ngài đã viết sách về Phong Trào này. Tuy nhiên giữa Phong Trào Thần Học Giải Phóng và ‘thân cộng’ khác nhau khá xa, cho dù PT này không được Giáo Hội chuẩn nhận.
Gác ra một bên chuyện thân cộng hay ngả theo Thần Học Giải Phóng.
Tôi thấy cần tô đậm chi tiết ông Hùng “so sánh hai sự việc: năm 1976, Đức Cha trả hộ chiếu Việt Nam Cộng hòa để đổi lấy hộ chiếu của Việt Nam dân chủ cộng hòa, tức là lấy quốc tịch cộng sản và năm 2013, tôi vứt bỏ thẻ đảng cộng sản để đi với cờ vàng”.
Là một viên chức ngoại giao, lại từng nắm vai trò Lãnh Sự của CHXHCNVN tại Thụy Sĩ, tôi tin ông không bịa chuyện. Vì thế, dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng trong thâm tâm, tôi không khỏi nhói đau khi nhẩm đọc và suy nghĩ về đoạn so sánh trên đây của tác giả bài viết.
Một bên là Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, Chủ Chăn Giáo Phận Nghệ An VN, một Giáo Phận đã sản sinh biết bao gương Anh Hùng Tử Đạo dưới thời Minh Mạng, Tự Đức. Trong lịch sử đương đại, chính địa danh sinh nhân kiệt này đã làm cho tập đoàn CS Hànội phải bay hồn bạt vía trước cuộc biểu tình của cả trăm ngàn đồng bào Công Giáo huyện Quỳnh Lưu vào năm 1956. Đây là cuộc đứng dậy đầu tiên sử sách gán cho danh hiệu một cuộc “khởi nghĩa đẫm máu dân lành”. Để đối phó, nhà nước CS đã phải cử tướng Văn Tiến Dũng điều động Sư đoàn 304 từ Thanh Hóa, Phủ Quỳ và Ðồng Hới về bao vây nghĩa quân trong nhiều ngày đêm**.
Chỉ với gậy gộc, giáo mác thô sơ, và tinh thần dũng cảm, mến đạo, yêu nước, thương nói bà con nông dân Quỳnh Lưu đã làm điên đảo cả chục ngàn Bộ đội chính quy và lực lượng cảnh sát cơ động khát máu CS được trang bị súng ống, đạn dược cùng mình.
.Và một bên là ông Đặng Xương Hùng, cựu Lãnh Sự CHXHCNVN người đã từ bỏ nhiều quyền lợi của một viên chức cao cấp trong ngành ngoại giao, chấp nhận rủi ro, hiên ngang trả lại thẻ đảng để tìm về với chính nghĩa quốc gia.
Định mệnh đã xui khiến hai người chạm mặt nhau ở Genève năm 2016, ba năm sau khi ông Hùng “vứt bỏ thẻ đảng cộng sản để đi với cờ vàng”, để ngay sau đó lại xảy ra chuyện bất bình giữa đôi bên. Không rõ khi Đức Cha Hợp gặp ông Hùng trong đoàn ra sân bay đón phái đoàn VN, ngài có hay biết về hành động thoái đảng của ông không? Nếu không biết, thì nguyên cớ nào đã khiến ngài không muốn sự hiện diện của đương sự trong cuộc phó hội với nhà cầm quyền Thụy Sĩ như lời kể của ông Hùng:“chỉ 20 phút trước cuộc gặp, tôi được thông báo là Đức Cha không muốn sự có mặt của tôi”?
Đọc và suy nghĩ thêm về nội dung hé lộ “năm 1976, Đức Cha trả hộ chiếu Việt Nam Cộng hòa để đổi lấy hộ chiếu của Việt Nam dân chủ cộng hòa, tức là lấy quốc tịch cộng sản” trong bối cảnh năm 2013 ông Hùng “vứt bỏ thẻ đảng cộng sản để đi với cờ vàng”, tôi không khỏi nghĩ rằng ông muốn ám chỉ thái độ bất thân thiện của Đức Cha Hợp đối với ông chỉ vì chuyện ông bỏ đảng. Lý giải cho đến tận cùng suy nghĩ này sẽ đẩy câu chuyện đi rất xa. Khi đó, thế tất một phản ứng tự nhiên sẽ không thiếu những câu hỏi từ vô thức tự động phát sinh trong đầu mà những người có nhân cách thường cố gắng tránh né không dám tiếp tục suy nghĩ nhiều hơn. Trong trường hợp ông Đặng Xương Hùng, phải chăng cũng không có ngoại lệ, cho nên có một đoạn ông viết: “Cho đến tận lúc này, tôi vẫn chưa hiểu lý do gì mà Đức Cha loại tôi ra”. cho dẫu với linh cảm bén nhạy, tôi dự cảm một cách nào đó, ông đã rõ lý do này.
Riêng với một tín hữu Công Giáo như tôi, vấn đề còn bị đẩy xa hơn. Mọi suy nghĩ dù còn ở trong đầu, chưa phát lộ ra lời nói hoặc hành động, trước những vấn đề tế nhị liên hệ tới những phẩm trật trong Hội Thánh, khi chưa có chứng cớ chắc chắn, đều có thể cấu thành đầu mối cho tội lụy cần phải xám hối, nhất là trong Mùa Chay –Mùa Thương Khó-.
Như vậy, không ai khác, chỉ có Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp là người suy nhất có thẩm quyền và có trách nhiệm giải tỏa nỗi băn khoăn của nạn nhân là ông Đặng Xương Hùng, kể cả các tín hữu Công Giáo.
Vài giòng trước khi kết thúc
Trên đây là những lời lạm bàn khách quan của tôi khi đọc nội dung bài viết của một giới chức ngoại giao cao cấp của CHXHCNVN liên quan tới Đức Cha Nguyễn Thái Hợp. Ngay sau khi đương sự công khai tuyên bố bỏ đảng năm 2013, xin tị nhạn chính trị tại Thụy Sĩ, là một người làm truyền thông tôi đã để tâm theo dõi vụ này. Qua bài phỏng vấn của nhà báo Mặc Lâm*** trên mạng đài RFA, tôi đã nhận ra những dằn vặt nội tâm cùng những suy tư chín chắn của ông trước khi có quyết đinh sinh tử này.
Đọc bài viết, ai cũng hiểu, vì có “biến cố HHH”, ông mới quyết định công bố bài này.
Nói cách khác, nếu không có biến cố kể trên, dù cảm thấy bị xúc phạm, qua bài viết của ông, tôi tin ông vẫn cố gắng “sống để dạ, chết mang theo”, dứt khoát không lên tiếng
Và qua sự kiện này, người đọc thấy hai điều.
Thứ nhất, khi chuyện không hay xảy ra mà ông coi là “một kỷ niệm không đẹp, nếu không muốn nói là xấu với Đức Cha Nguyễn Thái Hợp” bảy năm trước, vậy mà ông hoàn toàn giữ im lặng. Có thể vì “bứt dây động rừng”, ông Hùng sợ làm phiền tới một chức sắc trong hàng Giáo Phẩm Công Giáo. Cũng có thể ông khiêm tốn xem nhẹ việc cá nhân mình bị tổn thương với ý nghĩ bao dung. Dĩ hòa vi quý. Rồi moị chuyện rồi sẽ qua, nhưng tình người vẫn còn đó.
Thứ hai, khi “biến cố HHH” xảy ra, ông phá vỡ sự im lặng với lý do được minh bạch nêu ra trước công luận: “Tôi viết lại câu chuyện này sau khi nghe tin tức Đức Cha có ảnh hưởng trong việc tấn phong ‘Linh mục’ Hồ Hữu Hòa”.
Từ đấy, người viết những dòng này nghĩ rằng mai đây Đức Cha Nguyễn Thái Hợp cũng sẽ phải công khai lên tiếng làm sáng tỏ sự kiện ngài yêu sách ông Đặng Xương Hùng không được có mặt trong dịp phái đoàn do ngài lãnh đao gặp gỡ chính quyền Thụy Sĩ năm 2016.
Sau khi bài viết của ông Hùng được công bố, khá nhiều giả thuyết đã được nêu ra trên các trang mạng xã hội liên quan tới sự kiện này.
Ngoài ra, Đức Cha Hợp cũng phải trả lời Giáo hội về những mảng tối chưa khai thông liên quan tới vụ Gioan Baotixita HHH được Đức cha Precioso D. Cantillas SDB, DD, Giám mục Maasin, Phi Luật Tân truyền chức 6 và sau đó là Thánh Chức Linh Mục.
Đã có khá nhiều người, trong số có tín hữu và cả Linh Mục, Tu Sĩ đã lên tiếng với những cường độ phê phán, nhận định khác nhau. Riêng tôi mới trả lời dè đặt trên hai làn sóng phát thanh ở xa, chưa viết gì.
Tương lai gần, chắc chắn tôi sẽ viết.
Lúc này tôi dành thì giở lắng nghe và cầu nguyện.
Miền nam California, những ngày sửa soạn đón tuổi 91.
____________________________
*Lý do trong bài này tôi không dùng danh xưng “Linh Mục” khi nói về ông Gioan Baotixita Hồ Hữu Hòa mà thay thế bằng những cụm từ “Ông Gioan Baotixita Hồ Hữu Hòa” hay “biến cố Hồ Hữu Hòa (HHH)” vì tôi sợ vô tình xúc phạm tới các Linh Mục khác.
** Chi tiết này được lấy trên Google.
***Trong một cuộc phỏng vấn dài do nhà báo Mặc Lâm thực hiện đăng trên trang mạng RFA ngày 4-2-2014, xin trích lại hai câu trả lời của ông Đặng Xương Hùng, nguyên Lãnh Sự của CHXHCNVN ở Thụy Sĩ
Trả lời câu hỏi của ML, ông có đắn đo, cân nhắc khi có quyết định từ bỏ đảng CS, ông Đặng Xương Hùng trả lời dứt khoát:
Cân nhắc chứ. Cân nhắc nhiều lắm chứ vì mình còn đang ở bộ phận được hưởng lợi mà bỏ đi. Rồi sự đe dọa nữa ai mà chả sợ? Ai mà chả sợ nhất là sợ sự tàn ác, trả thù của Việt Nam? Nó rất quỷ quái, nó không những chỉ trả thù cá nhân đâu mà vào gia đình, vào những người khác của mình làm cho mình nhụt chí đi. Có những người không sợ với cá nhân họ nhưng người ta sợ việc làm của họ sẽ ảnh hưởng đến gia đình người thân. Nếu người nào đã xác định được giới hạn cuối cùng của sự trả giá để vượt qua nỗi sợ đó thì chả còn gì để phải sợ nữa”.
Trong một câu hỏi khác là sau khi xin tị nạn chính trị tại Thụy Sĩ ông sẽ làm gì, họ Đặng trả lời:
“Tôi cho là ít nhất phải làm một điều gì đó. Trước nhất là tỏ thái độ cái đã. Đi là tỏ thái độ rồi. Ra đi bỏ cả chức vụ bỏ cả đảng là tỏ thái độ rồi. Tỏ thái độ dứt khoát hơn nữa mình sang đây rồi thì hòa nhập vào lực lượng đấu tranh cho dân chủ nhân quyền cho Việt Nam. Đấu tranh cho một nước Việt Nam có dân chủ, tôn trọng nhân quyền và hòa nhập với thế giới văn minh. Đó là tương lai tươi sáng cho đất nước Việt Nam.