Matt Mahan

ads header

Breaking News

Tháo Chạy Hồi Hương


Tháo Chạy Hồi Hương

Ngày 19 tháng 10 năm 2021

Truyền thông Nhà nước CS Việt Nam ngày 13/9 dẫn nguồn từ Cảnh sát Giao thông tỉnh Bình Thuận cho biết, mười lăm người, trong đó có một trẻ bảy tuổi, vào tối ngày 12 tháng 9 được tìm thấy bị nhồi nhét trong thùng xe đông lạnh khi đi qua một chốt kiểm dịch ở tỉnh Bình Thuận. Tài xế xe đông lạnh đón 15 người từ Bến xe Long Thành, tỉnh Đồng Nai để đưa qua chốt kiểm soát dịch COVID-19 Số hai ở Bình Thuận với giá 700 ngàn đồng một người. [Xem hình:Những người ngồi nhồi nhét trong xe đông lạnh để vượt chốt kiểm soát về quê tránh dịch] Sự việc vừa nêu khiến nhiều người liên tưởng đến sự kiện 39 người Việt thiệt mạng trong thùng xe đông lạnh ở Anh Quốc hồi tháng 10 năm 2019 khiến cả thế giới bàng hoàng.

 


Trên hành trình sống còn, anh Xồng Bá Xò, quê ở miền núi Nghệ An, đã chở bằng xe máy người vợ và đứa con mới sinh được 11 ngày, về quê. Nhờ người dân chia sẻ trên mạng xã hội, khi đến Đà Nẵng vợ chồng anh Xò đã được một người dân mang xe hơi đến chở cả nhà về quê. [Chụp lại hình ảnh]

 

Không còn tiền ăn, về thì không có xe chạy, nhiều người biết rõ hành trình cả ngàn cây số đi bộ về quê không hề dễ dàng, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, song hàng trăm người vẫn quyết định lên đường.

 

Theo báo Zing, trong đoàn 500 người đi bộ từ huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, về tỉnh Hà Giang có nhiều trẻ em, phụ nữ mang thai. Sau nhiều tháng thất nghiệp, họ không còn tiền. Xe đò không hoạt động, những người lao động nghèo này đành phải đi bộ về quê, dù quãng đường dài hơn ngàn cây số.

 

Không có xe, chị Chẩu Thị Kính, đang mang thai, cùng chồng đi cùng đoàn 500 người đi bộ từ Bình Dương về quê ở tỉnh Hà Giang. (Hình: T.N/Zing). Chị Chẩu Thị Kính (26 tuổi, ở huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) đang mang thai, tối 2 Tháng Mười đã cùng chồng hòa vào dòng người xuất phát từ huyện Tân Uyên.

 

Ở lại thì không còn tiền ăn, ra về thì không có phương tiện. Em đã khóc rất nhiều khi phải lựa chọn đi bộ gần 2,000 cây số, trong khi mình đã ở những tháng cuối thai kỳ. Nhưng nếu không về, trong người không còn tiền để trụ lại. Bây giờ, ngoài 50,000 đồng ($2.2) tiền mặt, vợ chồng em chỉ còn năm gói mì tôm được phát dọc đường,” chị Kính nói.

 


Nhớ lại, đầu năm 2021, vợ chồng chị Kính gửi hai con nhỏ cho ông bà nội rồi vào Bình Dương làm công nhân. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, họ mất việc sau ba tháng “đang yên đang lành,” đúng lúc chị Kính mang thai đứa con thứ ba. “Có bầu, chân em sưng to, đi lại khó khăn nên không mang được đồ đạc. Từ khi xuất phát, chồng em mang ba túi hành lý, nhưng đi quãng đường dài không đủ sức nữa rồi. Đồ đạc giờ bỏ hết, chỉ mang theo mấy bộ quần áo,” chị Kính thở dài nhìn chồng đang nằm thiếp đi trên nền đất.

 

Cùng lúc, trên tỉnh lộ DT747 đoạn qua huyện Bắc Tân Uyên, một nhóm 28 người dân tộc Đan Lai ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, cũng đang đi bộ về quê. Nhiều người trong số họ đi chân trần do không có giày dép để mang. Tiền không, xe cộ cũng không, nhóm người Đan Lai quyết định đi bộ. Họ biết rõ hành trình 1,400 cây số không hề dễ dàng, có thể mất một tuần, một tháng hay nhiều hơn thế nữa, nhưng rồi họ vẫn quyết lên đường.

 

Trong vô số thảm cảnh mà người Việt phải mục kích vài ngày vừa qua, phải ngậm ngùi cho thân phận của đồng bào mình – những người vì nghèo túng mà phải tha phương cầu thực, giờ do không còn nhìn thấy cơ hội sinh tồn, thất thểu dắt díu nhau tìm đường quay về cố hương dù chưa biết sẽ sống thế nào, tương lai ra sao, có câu chuyện một phụ nữ nguyên quán ở Đồng Tháp đến Long An làm mướn...

            Ngày 30/9/2021, khi Long An nới lỏng kiểm soát đi lại, người phụ nữ đang mang thai này cùng chồng quay về Đồng Tháp. Đến trạm kiểm soát của Long An giáp Đồng Tháp, chị đau bụng dữ dội, máu chảy đầm đìa... Những nhân viên kiểm soát đi lại của Long An vội vàng đưa chị sang trạm kiểm soát của Đồng Tháp nhưng phía Đồng Tháp từ chối tiếp nhận... Cuối cùng, những nhân viên kiểm soát đi lại của Long An phải đưa chị đến một trung tâm y tế trên đất Long An... Đến nơi thì thai nhi đã chết trong bụng mẹ (15)!

 

Mặt khác, tin được đài RFA ngày 5/10/2021 cho biết tối ngày 4 tháng 10, bà Hoàng Phương Lan, nạn nhân trong vụ cưỡng chế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Bình Dương, tổ chức livestream trên trang Facebook cá nhân của bà, qua đó bà Lan thông báo rằng sẽ khởi kiện quyết định của cơ quan chức năng về việc xử phạt bà. [Ảnh chụp màn hình: Bà Lan bị ép đi xét nghiệm COVID-19 hôm 28/9/2021]

            Trong livestream của mình, bà Lan nói: "Tôi có quyền để không cho bất kỳ người nào đụng vào thân thể của tôi, và cái việc họ làm là hoàn toàn sai, sai cả quy trình trong quy định phòng chống dịch cũng như sai về mặt pháp luật. Khi mà họ đã lấy được mẫu bệnh phẩm rồi, nhưng họ vẫn ra quyết định xử phạt, điều này tôi thấy không đúng. Và vì lập luận này thì tôi sẽ khởi kiện hành chính cái quyết định vi phạm hành chính này."

            Cũng theo bà Lan thì bà nhận được quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế đối với bản thân vào hôm 3 tháng 10. Chiếu theo quyết định này thì bà Lan bị phạt hai triệu đồng. Bà cũng phân trần rằng bản thân chưa từng có cơ hội để giải thích cũng như tranh luận với cơ quan công quyền.



            Về quyết định xử phạt hành chính đối với bà Hoàng Phương Lan do Ủy ban Nhân dân phường Vĩnh Phú đưa ra, luật gia Bùi Quang Thắng cho RFA biết quan điểm của ông:

            "Khi nghiên cứu Luật Phòng, Chống Bệnh Truyền nhiễm thì tôi thấy rằng là có thể chị Lan không phải là người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, bởi vì không thấy có thông tin nào nói rằng chị Lan đã tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm, hoặc là đang mang bệnh truyền nhiễm, vì vậy thì chị ấy không phải là đối tượng lấy mẫu xét nghiệm. Do đó mà xử phạt chị Lan về cái hành vi là không lấy mẫu xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền thì nó chưa thỏa đáng."

            Ngoài ra, luật gia Bùi Quang Thắng cũng cho rằng, chiếu theo luật thì cơ quan y tế có thẩm quyền ở đây phải là cơ quan y tế cấp huyện, nhưng trong sự việc này cơ quan nhà nước trực tiếp tham gia yêu cầu bà Lan lấy mẫu xét nghiệm lại là cấp xã/phường. Do vậy, bản thân cơ quan Nhà nước đã hành xử sai luật, nay lại muốn phạt người dân thì càng sai.

            Về khả năng thắng kiện của bà Hoàng Phương Lan, luật gia Bùi Quang Thắng cho biết:  "Nếu chiếu theo các quy định của pháp luật mà tôi đã nêu, và nếu tòa án xử một cách công tâm, thì có khả năng là chị Lan sẽ có cơ hội để thắng kiện."

 

Chuyện "Tháo Chạy Hồi Hương" của người dân Việt là "chuyện dài" và các hành xử tàn bạo vô nhân đạo của Việt Cộng cũng là "chuyện dài" không ai có thể kể hết, nhưng trong thời gian qua, bên cạnh cái "vô nhân đạo của Việt Cộng", cũng có vô số những con người và hành động "nhân đạo" của một số không nhỏ nhà hảo tâm trên suốt lộ trình "tháo chạy" của đổng bào.

 

Điển hình ai cũng thấy rõ qua bài viết được đăng trên blog của đài VOA ngày 10/8/2021 của Thiên Hạ Luận có tên ‘Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng’, Giáo Già xin cho đăng lại nguyên văn dưới đây.

 

Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng’

Thiên Hạ Luận

 

Dẫu nhiều nơi mưa như trút, rồi gió, giông,... nhưng nhiều ngàn người Việt, kể cả người già, trẻ con, thậm chí không ít sơ sinh vẫn lầm lũi đi tới vì chưa về đến nhà... Đợt di tản khỏi các đô thị, trung tâm công nghiệp đã kéo dài hơn một tuần, chưa biết bao giờ mới chấm dứt. Đã có những người vĩnh viễn nằm lại dọc đường như mẹ con chị Hà Thị Vuông gốc Quảng Xương, Thanh Hóa (1), anh Giàng A Chìa gốc Phù Yên, Sơn La (2),... hoặc đói khát, kiệt sức nên nửa đêm ngã xuống mương, may mắn có người phát giác, đưa đi cấp cứu và đang nằm bệnh viện như Nguyễn Đức Mỹ, Nguyễn Đình Phương gốc ở Lộc Hà, Hà Tĩnh (3),...

 


May mắn là bên cạnh những thông tin, hình ảnh đau lòng về thảm cảnh hồi hương đó còn có những thông tin, hình ảnh khác như Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng - tên nhạc phẩm mà Trầm Tử Thiêng viết hồi tháng 8/1996, thời điểm người Việt tha hương cùng nhau đóng góp, xây dựng làng Việt Nam trên đất Philippines cho những đồng bào kém may mắn hơn: Đã thoát khỏi Việt Nam đến Philippines nhưng không thể đi định cư tại quốc gia thứ ba: Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng. Một vòng tay vừa mới mở ra. Cứu anh em những đời mạt vận. Ðường mơ đi càng bước càng xa... Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng. Bao sinh linh nhận phép giải oan. Siết tay nhau cúi đầu gạt lệ. Tạ ơn trên. người vẫn thương người (4)! [Xem hình] Dòng người kéo nhau về quê. Những cảnh đời này đã được người dân các địa phương giúp đỡ khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn nhất.

 

***

 

            Đó là câu chuyện Thuan Kieu kể về những gì đã diễn ra ở chợ Cống Đôi, xã Đại Hải, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng sau khi nạn dân lũ lượt lên đường tìm về nhà: Bốn giờ sáng ngày 2/10/21 được tin hàng ngàn người đang kẹt ở chốt đầu tỉnh Sóc Trăng, cả chợ xôn xao... Ai đó thốt lên: Mua bánh mì cho họ! Toàn bộ bánh mì tại chợ Cống Đôi bị mua hết. Tất cả được mang về nhà ông Phó Sơn. Có bánh mì thì có thịt quay, có chả lụa... Cả xóm nhà lồng chợ góp của, góp sức, chưa đầy một tiếng hơn ngàn ổ bánh mì được phát cho bà con nhưng vẫn còn nhiều người chưa có.....

            Thế là một cuộc hội ý nhanh: Cần nấu cơm tiếp tế cho họ... Như cái máy đã được lập trình, mỗi người một tay nên chưa đầy một giờ đã có hơn trăm hộp cơm đến tay đồng bào về quê... Thông tin lan nhanh, cả chợ mới họp ngày đầu tiên sau Chỉ thị 16, ai có gì cho nấy, hơn 30 con người lại tiếp tục. Lúc đầu ông Phó Sơn cho 1 bao gạo ST25, một bao Tài Nguyên nhưng đến giờ đã có hơn 10 bao gạo,... Gia đình anh Hiển cho bốn con heo 100 ký làm sẵn. Một người chưa biết tên, lúc 2 giờ sáng 3/10/2021 gởi 20 con gà cho 100 phần ăn. Sáng nay nhận thêm hơn 1.000 trứng gà, vịt của anh Hai Tường và anh Công.

            Chia lửa với bà con chợ Cống Đôi, gia đình chị Hạt gần nhà thờ Nam Hải nhận nấu cơm. Đến 9 giờ sáng 3/10/2021 đã nấu hơn 100 ký gạo do ông bà Uân giúp đỡ và chưa từ chối nấu tiếp. Cả xóm chợ, người lớn tuổi nhất là chị Loan - 70 tuổi - vẫn có mặt trong suốt 30 tiếng qua... Chưa một lời kêu gọi nhưng vẫn có hơn chục triệu tiền mặt, gần một tấn gạo và hàng tấn thịt, rau củ, trứng đã trao cho xóm chợ. Sáng nay cả ngàn người đổ về, mấy trăm phần cơm từ ba nơi vẫn không đủ, thế là toàn bộ các quán bún, cháo, hủ tíu, bánh mì lại một lần nữa lên đường tiếp tế, họ mang đi cho, không bán. Sáng hôm qua trời mưa toàn bộ áo mưa ở chợ Cống Đôi đã được mang ra phát cho bà con.

            Chiều hôm qua tôi theo anh em mang cơm đến chốt phát mà bùi ngùi... Mấy trăm con người nhếch nhác, mệt mỏi, thấy cơm họ mừng mà mình lại thấy rưng rưng. Đêm qua tôi trằn trọc khi thấy đoàn người vẫn ùn ùn về quê. Sáng nay khi qua xóm chợ chợt thấy hàng quán đua nhau đi cứu trợ, thay vì bán, hàng ngàn ổ bánh mì, cả trăm phần hủ tíu, bún, cơm cứ ào ào lên chốt. Tôi tự hỏi trong hàng ngàn con người đó có ai là thân nhân của họ không mà tại sao họ có thể thức suốt đêm để phục vụ và vui vẻ như làm tiệc đãi bà con xa về? Tất cả đều đọng lại hai tiếng ĐỒNG BÀO thật quí giá (5)!

            Đó là rất nhiều những video clip mà nội dung na ná như video clip được giới thiệu trên trang facebook của Đức Nguyễn làm người xem vừa muốn ứa nước mắt, vừa muốn mỉm cười: Một người đàn ông lam lũ chạy một chiếc xe hai bánh gắn máy, phía sau kéo một cái thùng gỗ tự chế, đang giúp ba cha con anh Trần Văn Liêm đi bộ về Thốt Nốt, Cần Thơ leo vào bên trong để đưa họ đến Bến Lức, Long An – nơi nghe nói là sẽ có xe đưa họ đi tiếp... Sau chiếc thùng gỗ có dòng sơn nguệch ngoạc: Xe 0 đồng! Nghe người ghi video clip hỏi thăm mới biết chủ xe cũng... 0 đồng nhưng muốn góp sức. Ông gốc ở Bình Phước, đến Sài Gòn làm mướn rồi mắc kẹt, chưa về quê vì có cái thùng gỗ... có thể tiếp sức cho người cô thế, thiếu phương tiện đi thêm được cây số nào hay cây số đó (6)!

            Đó là miền Nam, ở miền Trung, Nguyễn Nguyên mô tả quang cảnh Hải Vân Quan và tâm trạng khi phải chứng kiến cảnh tượng này: Một đoàn xe bán tải đợi sẵn ở Hải Vân Quan để đợi đoàn người thiên di từ Nam về Bắc, người lớn tuổi, hay xe có trẻ em sẽ được ưu tiên chuyển cả người và xe qua đèo. Một chốt phát đồ ăn và xăng 0 đồng đợi suốt ngày đêm ngay cửa ngõ Hải Lăng để tiếp sức cho đoàn người về... Tất cả, vẫn là dân.

            Những ngày qua có tới chín vạn người tháo chạy về quê hương từ vùng tam giác kim cương nhưng chẳng ai thấy các cấp lãnh đạo cúi đầu xuống để nhìn xem dân thống khổ thế nào. Nhà nước có đầy đủ phương tiện di tản nhưng đâu có đoái hoài, từng đoàn người đạp xe hàng ngàn cây số, từng đoàn người đi bộ hàng trăm cây số cũng như một cơn gió lướt qua mắt các vị. Mà cũng đúng, nếu họ thật sự nghĩ tới dân dù chỉ một lần thì đâu có những thảm cảnh này xảy ra, đâu có chuyện những cửa hàng 0 đồng mọc lên.

            Không giúp nhưng họ đang làm việc gì khi ăn thuế của dân? À! Thừa Thiên - Huế dọa ai về sẽ phạt tất tay. Còn trong Bình Dương mấy hôm nay họ bận xử lý ai lên mạng lập đoàn về quê. Từ bao giờ kêu gọi thành đoàn đi cùng nhau mà lại gán cho cái danh “đối tượng”? Từ bao giơ đoàn người tha hương đã đến hồi hấp hối muốn tìm sự sống bị gắn cho là hành vi kích động? Ai mới kích động? Ai đã làm cho gần 90.000 doanh nghiệp lặn không sủi tăm? Ai, ai mới kích động làm cho FDI tháo chạy? Những người này ư? Hay chính sách chống dịch cực đoan thiếu trí tuệ nhưng thừa lưu manh?

            Những hình ảnh chân thật chỉ có dân giúp dân những ngày qua đẹp nhưng buồn, buồn tới nao lòng. Đẹp là vì không có mùi “diễn xuất”, không giơ tay “quyết thắng”, không ngôn ngữ “truyền thông”, không hô hào “vĩ đại” không màu hồng “quang vinh ngạo nghễ”. Nó thật tới tận cùng bản chất sự việc nên đã chạm đến trái tim mỗi người. Buồn vì nó phản ánh không gì trần trụi hơn sự bất tài của một thể chế vô dụng, một hệ thống chính trị vô nhân, tham lam, tàn nhẫn với chính đồng bào mình. Quan chức chẳng bao giờ cúi đầu nhìn đến người dân một lần để ra quyết sách nhân đạo. Chính phủ gì mà cứ mỗi nghị quyết ban ra hay thay đổi chính sách là một lần dân tháo chạy, vậy là vì dân hay vì chính bản thân các vị quan chức?

            Dịch dã trên toàn thế giới suốt hai năm nay, tất cả các dân tộc trên địa cầu phải gánh chịu. Nhưng chẳng biết có nơi đâu khổ hơn dân nước Việt? Chẳng biết nơi đâu dân lại lầm than như thế kia? Hôm nay họ quyết ra đi, những giọt nước mắt và dư chấn suốt bốn tháng qua đủ để họ có động lực hồi hương, trong tâm thế đầu không ngoảnh lại, lỗi này ai kích động?

            Nhìn trên Hải Vân Quan mưa giăng khắp lối, trắng xoá như một bức tranh đầy nét chấm phá, hoạ lên một thảm cảnh buồn vô tận cả không gian và thời gian, như nói lên nỗi lòng của từng người đang đầy bão tố.

Dân bế tắc, hoang mang, đoạn đường dài thênh thang chỉ biết kêu trời - mà trời cũng chỉ biết khóc. Trên đỉnh Hải Vân, mưa giăng kín, nhìn đoàn người thiên di lầm lũi lướt qua, nối từng đoàn rồng rắn như mang hình hài cả Việt Nam trước mắt. Người ta cứ chạy, phía trước chẳng còn ai nhìn thấy tương lai (7).

 

***

 

Những tấm bảng “không đồng”: Nước... không đồng! Cơm... không đồng! Xăng... không đồng!... đã được dựng trên nhiều nẻo đường khắp Việt Nam. Xuan Bình Nguyen cảm thán: Trong thảm họa nhân đạo, chính quyền không điều động nổi vài đoàn tàu hỏa, vài trăm quân xa giúp dân cùng cực vượt đường dài, băng qua nắng nóng, mưa bão,... để về quê! Trong hoạn nạn chỉ còn có dân tự chăm lo, đùm bọc nhau? Trên đất nước đã có hơn 70 năm lâm vào đại nạn, chỉ có những tấm biển “KHÔNG ĐỒNG” là đáng giá (8)!

 

Chú thích

(1) https://congan.com.vn/giao-thong-24h/hai-me-con-tu-vong-khi-tren-duong-ve-que-tranh-dich_121111.html

(2) https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/an-toan-giao-thong/2-vo-chong-bi-tai-nan-tren-duong-tu-mien-nam-ve-son-la-nguoi-vo-nguy-kich-duoc-chuyen-den-bv-bach-mai-394258.html

(3) https://baoquangnam.vn/xa-hoi/bi-tai-nan-tren-duong-ve-que-tranh-dich-hai-nguoi-dan-ong-khong-tien-vao-vien-118247.html

(4) https://www.youtube.com/watch?v=6Ca3m3K5ThQ&ab_channel=AsiaEntertainmentOfficial

(5) https://www.facebook.com/100021610994456/posts/948810085849349/

(6) https://facebook.com/story.php?story_fbid=4750907491595393&id=100000285671991

(7) https://www.facebook.com/minhchau.troidong/posts/6276259452447792

(8) https://www.facebook.com/529185933/posts/10160131045790934/

 

Thiên Hạ Luận

 

Tự kể điều mình biết, tự nói điều mình nghĩ, với hàng triệu người đã trở thành chuyện đơn giản và bình thường. Khi một người nói, nhiều người có thể cùng nghe, bất kể người nói là ai, làm gì, ở đâu thì vai trò, vị trí của cá nhân trong tương tác với xã hội đã khác trước và chắc chắn sẽ càng ngày càng khác.

 

Đó cũng là lý do để dù muốn hay không, hệ thống truyền thông chính thống phải tự thay đổi. Ban Việt ngữ VOA cũng thấy phải tự thay đổi...

 

Trước mặt bạn là “Thiên hạ luận” – chuyên mục mới của Ban Việt ngữ VOA. Tuy nhiên đây chỉ là bước đầu tiên - tập hợp thông tin, ý kiến của nhiều người sử dụng mạng xã hội bằng Việt ngữ về những sự kiện, vấn đề đang được nhiều người quan tâm và có thể là mọi người nên biết, nên bàn thêm - của một tiến trình.

Liệu “Thiên hạ luận” có thể trở thành nơi mà độc giả chủ động đóng góp mọi thứ (thông tin, ý kiến, hình ảnh) về những sự kiện, vấn đề mà theo họ, mọi người cần biết, cần bàn hay không sẽ do các bạn quyết định.

Các bài viết của Thiên Hạ Luận là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

 

Hẹn con thư sau,

Giáo Già