Matt Mahan

ads header

Breaking News

Vụ Chặt Đầu Thầy Giáo Pháp Diễn Biến Rất Nguy Hiểm


Vụ Chặt Đầu Thầy Giáo Pháp Diễn Biến Rất Nguy Hiểm

. Đào Văn Bình

Vào ngày 16/10/2020, một nam giáo viên Pháp dạy lịch sử đã cho học trò cả lớp xem những bức hý họa châm biếm Nhà Tiên Tri Mohammad để chứng tỏ quyền tự do ngôn luận đã bị chặt đầu ở một địa điểm gần trường học của ông ở ngoại ô Paris. Hung thủ là người gốc Chechen đối đầu với cảnh sát và bị bắn chết. Trước khi chết thanh niên này hô to, “Thượng Đế Vĩ Đại” bằng tiếng Ả Rập (Allahu Akbar). Mưởi hai người sau đó đã bị bắt trong đó có cả phụ huynh học sinh của trường này.

Theo cuộc điều tra của cảnh sát hung thủ đã dò la, cho tiền các em học sinh của trường học để nhận dạng thầy giáo. Và cũng theo cảnh sát, một vài em học sinh đã khuyên thầy giáo đừng đưa ra bức biếm họa này vì trong lớp có những học sinh Hồi Giáo.

Tổng thống Pháp lên án vụ giết hại này và nói đây là cuộc tấn công của khủng bố Hồi Giáo. Câu chuyện mới đầu tưởng chỉ là vấn đề tự do ngôn luận và an ninh nội bộ của Pháp nhưng nó như lửa cháy, lan nhanh trong thế giới Hổi Giáo. Lên tiếng đầu tiên là Ô. Erdogan- tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ -một người vô cùng bất định và có thể nói là rất hung hăng. Ông này đem quân tiến vào Syria để tiêu diệt lực lượng người Kird và gửi chí nguyện quân tới Libya để ủng hổ chính phủ ở Tripoli.

-Ô. Erdogan nói rằng Ô. Macron cần coi lại hệ thống thần kinh của mình khiến Pháp tức giận triệu hồi vị đại sứ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó Ô.Erdogan kêu gọi tẩy chay hàng hóa Pháp với lý do Tổng Thống Macron đang hướng dẫn một chính sách thù nghịch với người Hồi Giáo.

-Rồi sau đó hàng hóa của Pháp đã bị gỡ xuống tại các siêu thị ở Kuwait, Qatar và một số nước Vùng Vịnh Ba Tư.

-Còn Hồi Quốc thì cũng triệu tập đại sứ của Pháp.

-Còn Tổng Thống Ai Cập al-Sisi nói rằng tự do ngôn luận cần phải ngưng lại khi nó xúc phạm hơn 1.5 tỉ người Hồi Giáo. Thế nhưng Ô. Al-Sisi nói thêm ông phản đối hình thức bạo động hay khủng bố của bất cứ ai nhân danh bảo vệ tôn giáo cũng như bảo vệ biểu tượng hay hình tượng.

-Tại Bangladesh đã diễn ra một cuộc biểu tình khổng lồ để phản đối Tổng Thống Macron.

-Rồi vào ngày 29/10/2020 tình hình trở nên vô cùng nguy hiểm khi lại thêm ba người bị giết trong đó có một người đàn bà lớn tuổi và một người bị chặt đầu, nhiều người khác bị thương khi một hung thủ tấn công khủng bố vào Nhà Thờ Notre Dame tại Nice. Hung thủ bị cảnh sát bắn bị thương vẫn la lớn “Thượng Đế Vĩ Đại” (Allahu Akbar) nhiều lần kể cả lúc đang bị giam giữ.

-Rồi một lính gác lãnh sự quán của Pháp tại Jeddah, Saudi Arabia bị đâm bằng dao. Tổng thống Pháp đã ban hành tình trạng khẩn trương và ra lệnh tăng cường an ninh tại các cơ sở thờ phượng.

-Rồi vào ngày 30/10/2020, cựu thủ tướng Mã Lai Mahathir Mohamad nói rằng người Hồi Giáo có quyền giết nhiều triệu người Pháp (vì phỉ báng Nhà Tiên Tri Mohammad). Twitter sợ quá đã phải xóa đi lời nói này sau khi nó được phổ biến vì gặp phản ứng dữ dội từ chính quyền Pháp.

Hiện nay ngoại trừ người Hồi Giáo, còn thế giới đều giữ im lặng, không dám bênh mà cũng không dám chống. Tại sao vậy? Phải công tâm mà nói, người Hồi Giáo rất nhạy cảm trong vấn đề đức tin và tôn giáo. Ai đụng chạm tới tôn giáo của họ là phải chết thôi. Luật phỉ báng nhà Tiên Tri Mohammad được thi hành một cách nghiêm ngặt tại các quốc gia Hồi Giáo, cái giá là tử hình. Vài triệu người Hồi Giáo xuống đường và sẵn sàng chết cho tôn giáo của họ là chuyện rất bình thường. Chính vì thế mà cả thế giới đều sợ và không dám đụng chạm tới Hồi Giáo. Hồi thập niên 1960, báo chí Miền Mam có loan tin một triệu người Hồi Giáo đã chết vì có tin cái râu của Nhà Tiên Tri Mohammad bị mất. Nay tôi muốn kiểm chứng lại tin này nhưng chưa tìm ra tài liệu.

Nói về sự khác biệt giữa giáo lý của các tôn giáo tôi xin kể ra câu chuyện của chính gia đình mình. Vào năm 2001, qua truyền hình trực tiếp, cả thế giới đều nín thở theo dõi lực lượng Taliban dùng mìn và đại bác phá hủy pho tượng Phật khổng lồ tại Bamiyan- một di tích lịch sử 1500 năm. Bà xã tôi vừa xem vừa khóc! Thế nhưng tôi đã an ủi nhà tôi là: Em ơi đừng khóc, xá lợi/thân xác của Phật còn vô thường huống chi bức tượng này. Mất bức tượng này thì ta xây bức tượng khác. Và trong lòng tôi không bao giờ nảy ra ý nghĩ thù hận người Taliban. Bởi vì giáo lý của Đức Phật dạy rằng cuộc đời này, thế giới này là huyễn ảo, chỉ có cải tâm Từ Bi, cái thần thức giác ngộ và sáng suốt là đáng kể mà thôi. Đức Phật dạy phải xả bỏ dù đó là niềm tin tuyệt đối vào giáo lý của Đức Phật.

Thế nhưng thế giới này, do “nghiệp lực từ vô thủy” mà hình tướng, đầu óc, cuộc sống, hảnh động của con người khác nhau. Cử thử nhìn vào một khu rừng với biết bao nhiêu loài thú, loài cây cỏ…có con nào, cây nào giống cây nào không? Có loài đại thụ cao ngất trời, có cây dại mọc lan dưới đất và có cả loài tầm gửi. Có con bay trên trời, có con chui rúc dưới hang sâu, dưới đất. Xã hội loài người cũng thế. Có những ngưởi thật thông minh đĩnh ngộ, có những người thật ngu độn. Có những người thật đạo đức, có những kẻ lại vô cùng hung ác. Có những kẻ rất vị tha nhưng lại có những kẻ rất ích kỷ. Thế giới Ta Bà này là như thế. Nó đã như thế cách đây cả triệu năm và nó sẽ như thế cho đến ngày tận thế.

Nhưng nói thế không có nghĩa là chúng ta cứ ù lỳ và chấp nhận thực tại. Đạo Phật nói về Nghiệp nhưng lại nói Phi Nghiệp và Chuyển Nghiệp. Những cọ sát, những đau thương, những xung đột của hiện tại sẽ đưa tới một cái gì đó khác đi ở ngày mai theo giáo lý Trùng Trùng Duyên Khởi của Kinh Hoa Nghiêm.

Xin tất cả mọi người nhớ cho, thế giới này không phải chỉ dành cho người Hồi Giáo, Thiên Chúa Giáo hay Phật Giáo… mà nó là một cộng đồng chúng sinh, nếu muốn tồn tại chúng ta phải dung hòa với nhau, nhường nhịn và chịu đựng nhau…để cùng tiến lên. Và cũng xin nhớ cho chân lý của mình chưa hẳn là chân lý của người - mà chúng ta cần phải chia xẻ giá trị của chân lý. Đây là nhiệm vụ cao quý của các nhà lãnh đạo tôn giáo, lãnh đạo chính quyền, các triết gia, các nhà tư tưởng, các nhà bảo vệ nhân quyền và của tất cả mọi người nếu chúng ta muốn sống trong một thế giới yên bình.

Và sau hết, chúng ta cũng cầu nguyện cho nước Pháp qua khỏi cơn nguy khốn này.

Đào Văn Bình
(California ngày 30/10/2020)