Matt Mahan

ads header

Breaking News

VAI MẸ GÁNH CẢ SAO TRĂNG - Ngô Quốc Sĩ


VAI MẸ GÁNH CẢ SAO TRĂNG
Ngô Quốc Sĩ

Mẹ là tác phẩm tuyệt vời của Tạo Hóa. Lòng Mẹ là suối nguồn yêu thương bất tận và bàn tay mẹ là niềm an ủi vỗ về đầy âu yếm. Thi ca nhạc không đủ lời tôn vinh mẹ. Riêng đối vời dân tộc Việt Nam, tình mẹ lại càng tha thiết, bao la như biển Thái Bình, tuôn chảy như nước trong nguồn bất tận…Mẹ còn là thể hiện của hy sinh như thân cò lặn lội trong hiểm nguy, quên mình cho hạnh phúc con cái.
Cảm nghiệm tình mẹ, người ta đã nói nhiều về “Lòng mẹ” của Y Vân, “Ơn Nghĩa Sinh Thành” của Dương Thiệu Tước và “Bông Hồng Cài Áo” của Phạm Thế Mỹ, Nhất Hạnh…Hôm nay, nhân sự ra đi của thân mẫu nhà thơ Thu Tuyết, người ta đã có cơ hội thưởng thức bài thơ “Mẹ” của một nhà sư, với những tâm cảm tuyệt vời dành cho nguồn thương lai láng bất tận..

Mở đầu bài thơ, tác giả đã bày tỏ nỗi lòng đứt đoạn trước sự ra đi vĩnh viễn của mẹ như dòng sông chảy xuôi, cuốn trôi bao kỷ niệm  yêu dấu, nay cố tìm lại cũng chẳng được bao nhiêu, chỉ còn mình con cô đơn trên bãi cát dài trống vắng hiu quạnh trong nắng chiều phai:

Chiều ra bên dòng sông vắng
Thẩn thơ theo bờ cát dài
Con tìm dấu chân của mẹ
Tìm hoài không thấy, chiều phai...

Tìm không thấy dấu chân mẹ trên cát, hình như đã bị sóng nước khỏa lấp, nhà thơ chỉ còn biết nhớ về thương về mẹ đã một đời hy sinh cho con như thân cò lặn lội nơi quãng vắng. Chín tháng mười ngày “mang nặng đẻ đau”, rồi sớm chiều tần tảo nắng mưa, hai vai gánh bao khổ nhọc, quên mình cho hạnh phúc con cái. Nhà thơ đã mượn hình ảnh “gánh nước” đầy ấn tượng đễ diễn tả tình mẹ tha thiết ngọt ngào như chuối ba hương, như ngọn mía lau. Nếu Phạm Duy ngày nào đã cảm thương những bà mẹ “vất vả trăm chiều” để “nuôi đàn gà con chắt chiu”, thì hôm nay, nhà sư cũng thương đôi vai mẹ gánh nước như gánh cả cuộc đời nặng chĩu trên đôi vai gầy.

Sớm mai, mẹ đi gánh nước khi mặt trời chưa mọc và sương đêm còn trắng phủ. Với cái nhìn đầy thi vị, tác giả đã thấy trên vai mẹ lủng lẳng hai  “thùng sương đầy”. Sương mai lóng lánh tuy có vẻ thơ mộng, nhưng cũng chuyên chở những bi thương như thể những giọt lệ nhỏ từ những  mảnh đời buốt giá, cô đọng những nhọc nhằn bất hạnh của cuộc bể dâu. Nguyễn Khuyến đã khóc Dương Khuê với  cảm nhận “tuổi già hạt lệ như sương”, và Nguyễn Hữu Thiết đã khuyên “Ai đi ngoài sương gió gió thôi chớ buồn vì mưa. Ai đi ngoài sương gió chớ nức nở nhạc sầu”, thì ở đây, nhà sư cũng nhìn thấy trên gánh nước sớm mai của mẹ, đầy những giọt sương như nước mắt cuộc đời lắng đọng thành nụ buồn:

Sớm mai Mẹ đi gánh nước
Mẹ gánh hai thùng sương đầy
Khi mặt trời còn yên giấc
Bờ lau sậy còn ngủ say.

Sáng mẹ gánh sương thì trưa mẹ lại gánh nắng.! Hình ảnh gánh nắng ban trưa có vẻ tươi tắn và ấp áp hơn. Thật vậy, sương lạnh ướt vai của mẹ,  thì nắng vàng sẽ làm khô những giọt lệ sương và sưởi ấm vai mẹ. Nhà thơ đã nhìn thấy mây trời mênh mang trong gánh nắng của mẹ như thể niềm vui và nguồn sáng trong đời. Nắng vàng trên hoa lá, nắng vàng trong cuộc đời, nắng vàng trong tâm hồn chính là những tia tin yêu và hy vọng vào một ngày mai tươi sáng. Trên gánh nắng trưa của mẹ lủng lẳng cả một bầu trời  huy hoàng đầy mộng ước. Đó là ước mơ thành công của con trên đường sự nghiệp, là mộng ước huy hoàng của đất nước trong tương lai, nói chung là giấc mộng đời thắm tươi, vượt trên hiện thực héo úa:

Buổi trưa Mẹ đi gánh nước
Mẹ gánh hai thùng nắng vàng,
Nghiêng nghiêng con nhìn trong ấy
Thấy cả mây trời mênh mang...

       Gánh sương mai buốt lạnh, gánh nắng trưa ấm áp, thì gánh mưa chiều lại đẫm ướt vai gầy. Gánh chiều chơ đầy cơn mưa làm cuộc đời chĩu nặng và lòng người hiu hắt. Người ta không còn phân biệt đây là  mưa ngoài trời hay chỉ là  mưa trong lòng,  mưa trên quê hương hay mưa trong cuộc đời. Nếu Đặng Thế Phong đã than : “Gió ngừng đi mưa buồn chi cho cõi lòng lâm ly”  và Trần Dần ngày nào nhòa lệ khóc quê hương, bước đi “không thấy phố không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”, thì hôm nay nhà thơ cũng chỉ thấy trên gánh nước chiều của  mẹ hai thùng mưa đầy của khổ đau, làm mềm nón lá, làm ướt áo mẹ, ướt cả hồn mẹ mà mẹ vẫn thản nhiên gánh vác! 

Buổi chiều Mẹ đi gánh nước
Mẹ gánh hai thùng mưa đầy
Mưa lên nhạc mềm nón lá
Mẹ về ướt áo không hay!

Gánh ngày chưa đủ, mẹ còn gánh cả đêm khuya. Gánh nước đêm không còn sương sớm nắng trưa mưa chiều, mà chở đầy  trăng sao! Qủa là hồn thơ lai láng, ý thơ tuôn đầy. Thơ mộng quá. Truyền cảm quá! Gánh đêm lung linh sao trời và lơ lửng trăng trôi. Sao đêm dẫn lối đạo sĩ đến đón mừng Giáng Sinh. Sao biển hướng dẫn tàu thuyền trôi dạt lênh đênh. Nếu có ai hỏi, sao gánh chiều ướt mưa mà gánh đêm lại đầy trăng sao? Xin thưa hình như tác giả muốn vẽ ra một bức tranh về mẹ, như thể  một ánh nắng giữa cơn mưa, một ánh sao trong đêm tối, một vầng trăng giữa đêm thâu;

Rồi đêm… lại đi gánh nước
Mẹ gánh hai thùng sao trời.
Có hôm con nhìn rất lạ
Trong thùng có cả trăng trôi
Thì ra mẹ là tất cả! Là niềm vui trong nỗi buồn, là hy vọng trong thất vọng, là ước mơ trong hiện thực, là hạnh phúc trong khổ đau.. Điều cần khắc tâm là mẹ sinh ra không phải để sống cho mẹ, mà chỉ để sống cho con, gánh vác cho đời. Mẹ cho tất cả mà không nhận lại chút gì, kể cả khi phải khi phải lìa con cũng chỉ mong được  nhắm mắt trong danh dự khỏi làm nhục  dòng  giống “Có xáo thì xáo nước trong, đừng xáo nước đục đau lòng cò con”. Sư hy sinh cao cả đó đã làm nhà thơ nghẹn ngào, và cũng làm cho tất cả những ai sinh ta từ lòng mẹ se thắt. Nói sao cho vừa và nói cũng bằng thừa, chỉ xin cảm nhận và ghi khắc trong đáy lòng và tự hỏi sao “ Cha mẹ thương con như trời như bể” mà “con thương cha mẹ con kể từng ngày?

Một đời Mẹ đi gánh nước
Gánh theo sương nắng bao mùa
Gánh cả đời con nằng nặng
Tình thương Mẹ nói sao vừa!

Hẳn không cần nói, mà chỉ cần ghi khắc bóng mẹ trong hồn, khẻ nhấp tình yêu cao vời của mẹ như mật ngọt trên môi, thầm gọi tên mẹ như tiếng gọi đầu đời:

Một chiều Mẹ lìa đôi gánh
Bốn mùa thương nhớ gọi tên
Con nhìn hai thùng nước nhỏ
Chờ trông bóng Mẹ hiện lên.

Chờ trông bóng mẹ, thầm gọi tên mẹ, lắng tâm nghe lời mẹ nhắn nhủ như tiếng ru hời, rồi ghì siết đòn gánh mẹ như hòa vào nỗi đau và  tình thương bất tận. Có thoáng chút buồn khi hoàng hôn xuống, nhưng lại tràn niềm an ủi vỗ về trong cánh mẹ yêu thương khi đêm về:

Chiều trên bến ngồi quạnh quẽ
Còn nghe kĩu kịt trong hồn.
Tay ôm cây đòn gánh Mẹ
Mắt buồn... dõi bóng hoàng hôn

Xin chia sẻ niềm tâm cảm tình mẹ của nhà thơ khoác áo tu hành. Xin chia niềm hạnh phúc với những ai có mẹ trong đời. Một bông hồng cho những ai có mẹ và còn mẹ…