Matt Mahan

ads header

Breaking News

David Dương: Từ ‘lượm rác’ thành ‘vua rác’ đến đầu tư vào Đa Phước

Ông David Dương, tổng giám đốc California Waste Solutions (Ảnh: Bùi Văn Phú)
David Dương: Từ ‘lượm rác’ thành ‘vua rác’ đến đầu tư vào Đa Phước

Bùi Văn Phú - Nguồn: VOA

Văn phòng hành chính của California Waste Solutions (CWS) chiếm trọn tầng cao nhất của một toà nhà ba tầng với nhiều văn phòng và bên dưới có hàng quán, siêu thị, cà-phê Starbucks.

Từ lan can văn phòng nhìn ra hướng tây, gần đó là Jack London Square với bến thuyền du lịch. Nhìn về hướng đông, qua bên kia xa lộ 880, dọc theo hai con đường International Blvd. và 12th Street là khu vực có nhiều cơ sở thương mại của người Việt như nhà hàng Ao Sen, Lee’s Sandwiches, tiệm vàng Kim Việt, tiệm thức ăn nhanh Cẩm Hương, Bò 7 món Ánh Hồng, phở Hoà Lão, hớt tóc Nghệ Cung, Bùi Phong Bakery, các siêu thị Thiên Hoà Lợi, Sun Hop Fat và hàng chục văn phòng làm ăn buôn bán khác. Đó là khu vực có đông người Việt sinh sống và những cơ sở thương mại là dấu chỉ của sự phát triển của cộng đồng người Việt tại thành phố Oakland, thủ phủ của quận hạt Alameda ở miền bắc California, từ khi có người Việt tị nạn đến đây định cư sau biến cố 30/4/1975.

Gia đình ông David Dương nhận bằng tuyên dương từ thành phố, quận hạt và tiểu bang trong buổi tiệc năm 2018 ở San Jose đánh dấu 25 năm ngày thành lập công ti CWS (Ảnh: Nê Dư)
Trong số những cơ sở của người Việt ở Oakland, lớn nhất là công ti rác California Waste Solutions của gia đình họ Dương, hiện tại do ông David Dương làm tổng giám đốc.

Từ những năm của đầu thập niên 2000, ông David Dương cũng đã mang công nghệ xử lí rác về Việt Nam, lập công ti Vietnam Waste Solutions (VWS) và khu xử lí rác tại Đa Phước ở huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2018, để ghi dấu 25 năm hoạt động, công ti CWS đã có tiệc mừng tổ chức tại nhà hàng Dynasty trong khu Little Saigon, San Jose với hơn năm trăm khách, trong đó có Giám sát viên Dave Cortese, Dân biểu Tiểu bang Rob Bonta, Nghị viên Diệp Thế Lân, cựu Thị trưởng Oakland Elihu Harris, cựu Phó Thị trưởng San Jose Madison Nguyễn, cựu Thượng Nghị sĩ Tiểu bang Janet Nguyễn cùng nhiều giới chức, doanh nhân và đại diện các hội đoàn Việt, Mỹ vùng Vịnh San Francisco.

Dịp cuối năm, chúng tôi đã có buổi gặp gỡ và trò chuyện với ông David Dương tại văn phòng của CWS.

***

Bùi Văn Phú: Xin ông cho biết gia đình ông khi đến Hoa Kỳ khi nào và đã có những bước đầu lập nghiệp ra sao?

Ông David Dương: Sự khởi nghiệp của gia đình tôi bắt đầu như vầy. Đến Mỹ cuối năm 1979, gia đình có tất cả 16 người lớn bé. Những ngày đầu dĩ nhiên là ba má lo cho con cái đăng ký đi học, lo lấy số an sinh xã hội, làm thủ tục giấy tờ sức khoẻ. Vài tuần sau thì mọi người đều đi học. Tôi cũng đi học lớp Anh văn cho người lớn.

Ổn định giấy tờ xong, ba má tôi dẫn con cái đi vòng vòng downtown, là trung tâm tài chính của San Francisco để ngắm cảnh. Nhìn lên là những toà nhà cao, nhìn xuống thấy những người mang rác ra, rất nhiều giấy các loại, chai, lon nhôm. Khi đó ba tôi mới nẩy ra ý tưởng là những thứ này có thể tái sinh được vì ba má tôi trước năm 1975 từng làm nhà máy giấy Cogido ở Việt Nam (Công ti Giấy Đồng Nai).

Ba tôi nói những thứ này có giá trị nên mới tìm tòi. Những thứ này ai mua, có rồi đó mà bán cho ai, bán ở đâu. Vì thế ba má tôi sắp xếp cho gia đình mỗi người lên một chuyến xe buýt, tôi cũng được xếp lên một chuyến xe. Nhiệm vụ của chúng tôi là cứ quan sát phía bên mình ngồi xem trên đường có nhà máy thu mua đồ phế thải hay không. Đi hết tuyến đường thì xuống xe, đi ngược lại nhìn phía bên kia.

Đi vài ngày như thế, má tôi đi tuyến xe buýt số 16 thấy có một xưởng chứa đầy giấy và bên ngoài có nhiều xe đậu. Chúng tôi biết đó là trạm thu mua giấy và đồ phế liệu.

Gia đình mới nảy nở ra cách làm ăn bắt đầu từ đây. Gom lại hết được 700 đô, tính mua một xe tải nhỏ để chuyên chở chứ mình đâu thể thu gom bằng tay được. Nhưng giá xe là khoảng hơn hai nghìn đô, mà mình mới đến thì đâu có crề-đít gì để đi mượn tiền ngân hàng.

Không mua được xe vì chỉ có 700 đô. Ba tôi vô Chinatown, tìm đến hiệp hội người Hoa họ Dương gặp họ trình bày là mình cần mua xe để lập nghiệp. Nghe xong dự tính của gia đình tôi họ đồng ý đứng ra cosign cho mình mua chiếc xe, nghĩa là họ đứng ra bảo đảm. Mình đưa họ 700 đô, lấy xe về, mỗi tháng mình trả góp số nợ còn lại.

Có xe rồi, sáng sáng đưa trẻ đi học. Chiều về cùng ba má lên xe chạy vòng vòng thu thùng cát-tông bên lề đường. Những bao rác người ta cột lại hết, mình mở ra lượm ve chai, lon nhôm. Rồi xong cột bao lại như cũ.

Bùi Văn Phú: Gia đình ông khá đông người, như thế việc thu lượm chắc nhanh và được nhiều rác mỗi ngày.

Ông David Dương: Lượm rác là có việc làm cho gia đình, có thu nhập chút chút, rồi dành dụm tiền. Hồi đó gia đình ở chật chội lắm, 16 người mà ở trong hai studio trên đường Eddy, khu Tenderloin của San Francisco. Mỗi phòng có bốn giường tầng. Ba tôi nói mình mới qua, tiếng Anh còn kém, khó kiếm công ăn việc làm. Tiền bạc không có mà mình muốn khởi nghiệp mà không có vốn, nên ở chật để tiết kiệm.

Con nít đi học. Người lớn ban ngày cũng đi học Anh văn, chiều đi làm dọn dẹp bàn ăn trong nhà hàng ở khu phố Tầu. Rồi dần dần học lái xe, có bằng lái xe và gia đình dành dụm mua được chiếc xe thứ hai, thứ ba và rồi sau vài năm đầu gia đình đông người lớn nên có tất cả chín xe, lúc đó là loại xe tải nhỏ [pick-up truck] một tấn.

Với chín xe, gia đình thu lượm khá nhiều rác, rồi mới thấy là những đồ phế liệu thu lượm được nhưng không có thì giờ lựa ra, vì lúc đó ban ngày vẫn đi học, chiều về có người còn đi làm nên không có người để phân loại rác ra. Vì thế mới nghĩ đến chuyện đi mướn một nhà kho. Thu rác về cứ chất hết vào kho đã, rồi cuối tuần cả gia đình mới tuôn ra ngoài đó lựa và phân loại, giấy trắng, giấy cát-tông, lon nhôm, chai lọ, mủ cao su rồi mới đem bán. Trong tuần ai rảnh thì chở đi bán. Tối tối vẫn đi lượm rác.

Văn phòng hành chính của công ti rác California Waste Solutions ở Oakland, California (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Bùi Văn Phú: Khi nào và vì sao gia đình ông dọn về Oakland mở công ti rác ở thành phố này?

Ông David Dương: Năm 1983. Khi đó gia đình thu lượm rác ngày một nhiều. Ba tôi mới nghĩ ra sao không lập một trung tâm thu mua đồ phế liệu. Khi đó ba tôi mới đi tìm nơi lập ra công ti thì nhà kho bên Oakland cho thuê là rẻ nhất. Bên West Oakland có chỗ có thể thuê làm nhà kho vì đúng với luật zoning code.

Tháng 3/1983 gia đình xin giấy phép thành lập công ti Cogido Paper Corporation, có nhà kho trên đường 18, lúc đó cũng nhỏ thôi, khoảng 28 nghìn sq ft, hơn 3 nghìn mét vuông. Có kho rồi thì mua máy đóng kiện. Công ti khởi nghiệp của gia đình bắt đầu từ đó, toàn người trong gia đình làm.

Bùi Văn Phú: Khởi đầu với công ti Cogido và được đánh giá cao là thành công của một gia đình di dân mới đến Mỹ định cư chỉ vài năm, ông có thể nói về sự phát triển của Cogido tại Mỹ.

Ông David Dương: Vì gia đình chỉ có bấy nhiêu người nên không đủ nhân lực. Bây giờ làm sao phát triển cho có nguồn cung cấp rác cho mình. Ba tôi tìm đến những người Việt mới qua, họ cũng còn đi học ở trường ESL, trường dạy nghề, giúp họ có việc làm sau giờ học, họ đi gom rác bán cho mình. Chỉ cho họ cách lượm rác thế nào để được nhiều giấy trong thời gian ngắn nhất vì kinh nghiệm mình đã trải qua trong mấy năm rồi. Công ti cũng giúp cho họ mượn vốn để mua xe. Cogido phát triển từ đó và cũng đã giúp cho nhiều người Việt mới qua có việc làm, ổn định cuộc sống.

Khi đã có đội ngũ bán hàng cho mình, có nhiều người làm việc thì có đụng chạm vì họ cũng đi lượm rác trên những tuyến đường do mình lượm. Gia đình rút lui, không còn đi thu lượm nữa từ năm 1985 mà chỉ chú ý đến việc phân loại và đóng kiện. Đóng kiện rồi mình vẫn bán lại cho nhà máy thu mua.

Vì ba tôi từng có kinh nghiệm làm nhà máy giấy hồi còn ở Việt Nam, khi đó cũng có nhập đồ phế liệu từ Đài Loan như giấy, cát-tông. Thế là ba tôi đi tìm đường xuất khẩu rác trực tiếp. Ba tôi đi Đài Loan và tôi cũng đi theo, qua đó gặp bốn năm người, họ nói sẵn sàng giúp đỡ mình. Về lại Mỹ là công ti có những lô hàng đầu tiên xuất khẩu qua bên Đài Loan. Thấy rất là phấn khởi. Khoảng đầu năm 1985 Cogido bắt đầu xuất khẩu rác phế liệu trực tiếp.

Bùi Văn Phú: Mở ra và điều hành một công ti ở Mỹ có những khó khăn gì, ông có thể chia sẻ những trải nghiệm trong việc này.

Ông David Dương: Việc thu mua sau này có cạnh tranh, giá cả thị trường lên xuống, có lúc mình kiếm lời, có lúc giá hạ mình bị lỗ. Khi giá hạ, mình thu mua hàng với giá rẻ thì những người thu gom bán cho mình với giá thấp, họ không đủ chi phí cho xăng nhớt, không đủ chi tiêu. Vì thế có những lúc không có lon chai bên đường, có lúc thì đầy rẫy vì giá cả có đủ cao để bõ công họ đi lượm hay không.

Sau này, năm 1988 tiểu bang California ra luật CRV (California Redemption Value), tức là sả thải phải chi trả cho mỗi chai hay lon là 5 xu, nhà nước chi cho những khu tái chế 3 xu rưỡi. Nhờ luật đó mà giữ được các khu phế liệu. Như thế làm cho công việc thu gom có giá hơn và giá trị của những đồ phế liệu từ đó đứng vững.

Bùi Văn Phú: Trong thập niên 1980 cộng đồng người Việt ở vùng Vịnh San Francisco chưa có nhiều người biết gia đình ông thu mua rác, nhưng nhiều người lại biết đến cá nhân ông là một nhà làm ảo thuật từng lên sân khấu biểu diễn trong các buổi văn nghệ giúp vui cho cộng đồng. Ông đã học biểu diễn ảo thuật ở đâu?

Ông David Dương: Hồi nhỏ ở Sài Gòn tôi đi học, xong học thì về nhà giúp cho gia đình. Gần nhà, cách ba bốn căn có ông ảo thuật gia Tony Quang, mình thấy ông ấy đi biểu diễn hoài, thỉnh thoảng ông kêu con nít trong xóm tập trung lại trong khoảng đất trống rồi ông làm ảo thuật cho xem. Lúc đó mình thấy lạ, hay và có tính hiếu kỳ nên gặp ông ấy xin học. Sau đó mình đăng ký vào một trường dạy ảo thuật để học. Rồi mình nghiên cứu thêm với mấy anh em bạn học thì thấy mê những trò ảo thuật của Pháp và Hồng Kông.

Nhưng mình chỉ mới đi biểu diễn sau năm 1975, khi ba má tôi không còn làm giấy, công ti bị đóng cửa, thu gom rác không còn nữa. Sau năm 75 có nhiều sinh hoạt văn nghệ, lúc đó cùng một số bạn bè chúng tôi cũng đi biểu diễn ở một số nơi.

Sau đó có chính sách đánh tư sản, gia đình tôi bị đưa đi vùng kinh tế mới. Ba má tôi biết là không thể sống sót được nên đã tìm đường mua tầu và đưa cả gia đình vượt biển. Tôi vẫn đi biểu diễn ảo thuật cho đến giờ phút cuối trước khi vượt biển.

Đến trại tị nạn ở Phi Luật Tân tôi cũng dùng nghề đó đi kiếm chút tiền. Có một nhà thờ với cha dòng Don Bosco vào tổ chức sinh hoạt cho đồng bào thì tôi cũng tham gia. Rồi có một ông cha hỏi tôi có muốn kiếm tiền thêm không, ông sẽ đưa ra khu Chinatown, nơi có những quán rượu, hộp đêm để biểu diễn. Trong trại không có nhiều đồ nghề chuyên môn, mình cũng chế ra các dụng cụ nhưng không hiện đại, cũng đi biểu diễn trong ba đêm cuối tuần. Khi đó là người tị nạn thì có thêm đồng nào hay đồng đó.

Bùi Văn Phú: Ông có thể làm ảo thuật với bộ bài bình thường được không. Hay là phải có những dụng cụ ảo thuật chuyên môn.

Ông David Dương: Trò ảo thuật là sự lanh tay mà thôi. Tập làm sao để khán giả hướng mắt vào một việc khác, cho họ không thấy những thay đổi mình muốn xảy ra.

Sau khi qua Mỹ, dĩ nhiên vừa làm việc lượm giấy, một số nơi biết mình có tài ảo thuật nên có mời. Lúc đó hay tham gia những chương trình giúp vui cho cộng đồng dịp Tết Nguyên Đán hay Tết Trung Thu.

Làm ảo thuật không thể đi xa biểu diễn được. Không như ca sĩ chỉ phấn son thì một đêm hát được hai ba nghìn đô. Còn làm ảo thuật phải đem theo nhiều đồ nghề, tốn tiền vận chuyển. Nếu bầu sô trả giá như ca sĩ thì không đủ tiền chi phí cho chuyến đi mà đòi giá cao thì ban tổ chức không thể trả, vì thế cũng đã có lúc tôi đứng ra tổ chức văn nghệ ngay tại địa phương này, lời ăn mà lỗ thì chịu vì mình không thể đi xa.

Lần cuối cùng tổ chức là sau vụ động đất năm 1989, rồi sau đó bỏ luôn. Vì đam mê ảo thuật, nay tôi vẫn theo dõi và có tên trong hiệp hội của những nhà làm ảo thuật quốc tế IBM để theo dõi họ có những gì mới.

Bùi Văn Phú: Cám ơn ông đã kể cho nghe câu chuyện lý thú về tay nghề ảo thuật. Trở lại công việc liên quan đến rác, Cogido có gặp cạnh tranh trong thu mua rác và ai cạnh tranh?

Ông David Dương: Thời gia đình tôi làm, thực sự lúc đó chỉ có mình là châu Á. Sau đó có vài công ti Đài Loan mở ra, họ mua mạnh nhất vì Trung Quốc lúc đó chưa hội nhập toàn cầu.

Sau năm 1994 mới bắt đầu có những nhà máy mở ra cạnh tranh. Trước đó là những công ti Mỹ vừa thu mua rác, vừa tái chế riêng. Sau cũng có cạnh tranh từ những người Việt trước có làm việc cho mình, họ làm riêng và bán rác cho công ti Đài Loan.

Khi có cạnh tranh nhiều thì số lượng mình mua vào ít đi và tiền lời cũng giảm thì quay qua xu hướng mới. Từ khi có luật bắt người xả rác trả tiền CRV, rồi bắt thành phố phải tái chế 25% lượng rác, đến năm 2000 số lượng này phải lên đến 50%. Thành phố làm sao có thể thực hiện được tiêu chí đó nên thành phố có chính sách thu gom và phân loại tại nguồn, tức cơ bản phân loại.

Khi đó gia đình đã đồng ý cho tôi làm giám đốc công ti để đi đấu thầu thu gom rác ngay tại thành phố Oakland này. Đó là ngã rẽ mới trong hoạt động của công ti. Năm 1991 Oakland bắt đầu đấu thầu để có thể đáp ứng được luật tái chế 25% rác tại nguồn. Chúng tôi trúng thầu lần đầu tiên, từ đó bắt đầu đưa công ti ra khỏi việc thu mua. Bây giờ công ti trở thành công ti thu gom ngay tại từng gia đình với một đội xe rác.

Bùi Văn Phú: Trong vài năm mà Cogido chuyển từ thu mua rác qua công việc đi gom rác cho thành phố Oakland là một bước tiến khá nhanh, đội xe hốt rác đầu tiên của ông có bao nhiêu chiếc?

Ông David Dương: Lúc đó trúng thầu được một phần tư rác của thành phố. Đội xe có 10 chiếc thu gom rác năm ngày trong tuần.

Bởi vì Cogido Paper Corporation chỉ là công ti thu gom rác, trong khi đó còn NorCal Waste System mà theo luật nếu thành phố không thực hiện được chỉ tiêu thì sẽ bị phạt nhiều. NorCal khi đó quá muốn mua công ti của mình. Họ biết mình có đường bán rác, cùng với số lượng thu mua của mình thì sẽ đạt tiêu chuẩn 25%. Nhưng lúc đó phần hùn trong Cogido thì có ba má, chú bác cùng mấy em đứng ra làm chủ chung với nhau.

NorCal trả một giá khá cao. Gia đình cũng quyết định bán để rồi chú bác chia nhau và chỉ muốn ba người chính ở lại là tôi, người chú là Douglas và người em là Victor Dương. NorCal ký hợp đồng mua Cogido, với món nợ trả góp và cho ba người ở lại làm việc trong 7 năm.

Bùi Văn Phú: Như thế coi như sáp nhập Codigo vào với NorCal, nhưng khi nào thì lại có California Waste Solutions, thưa ông?

Ông David Dương: Sau khi ở lại làm việc cho NorCal được chừng 6 tháng, đùng một cái họ không trả tiền trả góp nữa. Họ nói công ti đang gặp khó khăn tài chính nên không thể trả nữa. Nhưng đó chỉ là lí do họ đưa ra để muốn đuổi mình thôi, vì NorCal là công ti lớn thứ 4 tại Hoa Kỳ trong việc xử lí rác.

Nhưng mình vẫn cứ đòi nợ, đòi không được thì mình mướn luật sư đòi. Trong quá trình thưa kiện như vậy, luật sư không làm theo kiểu thắng ăn bao nhiêu phần trăm mà làm tính tiền theo giờ. Thế là lương của ba chú cháu lấy ra đắp vô trả tiền luật sư.

Khoảng sáu tháng trông coi nhà máy của mình ở Oakland và San Jose rồi họ kêu mình tới và nói không cho làm việc ở hai nơi này nữa mà chú cháu phải qua một nhà kho bên South San Francisco làm việc. Đó là một nhà kho lớn nhưng hôi thúi không thể chịu được. Nhà kho đó họ để 8 năm trời không sài tới, người homeless vào sống trong đó. Họ đưa cho ba chú cháu mỗi người một cái sô nước, xẻng, chổi quyét và nói bây giờ làm sạch nhà kho này và vài cái nhà kho nữa.

Bùi Văn Phú: Đang làm quản lí mà giờ phải đi lau chùi, làm sạch nhà kho, cuộc đời có vẻ như lên voi xuống chó như thế, lúc đó ông có cảm nghiệm thế nào?

Ông David Dương: Về nhà ba chú cháu bàn nhau, nó muốn mình nghỉ việc. Tôi bàn với ba tôi thì ông nói rằng họ làm thế là muốn bắt các con nghỉ, nhưng các con phải suy nghĩ lại. Tiền trả góp thì họ không trả, các con còn lấy lương của mình trả cho luật sư nữa mà bây giờ nghỉ thì tiền đâu mà trả. Các con ráng làm đi để đòi tiền nợ của họ. Bỏ việc như thế mình mất hết, trở về con số không như ngày đầu mình đến Mỹ.

Ba tôi còn nói là công bằng ở Mỹ không đến tự nhiên mà phải tranh đấu, phải tranh đấu mãnh liệt hơn. Hôm sau ba chú cháu tôi lại đến nhà kho tiếp tục làm việc lau chùi. Họ muốn mình làm sạch thì mình làm, sát sà bông, xịt nước, quét. Ba tuần sau họ xuống xem có sạch chưa để chuẩn bị đưa mình đến một nhà kho khác.

Bùi Văn Phú: Khi ông bán công ti Cogido cho NorCal, chú Douglas, ông và người em Victor ở lại làm việc cho họ, với mức lương bao nhiêu?

Ông David Dương: Lúc đó họ trả chúng tôi lương năm. Tôi là tổng quản lí thì 75 nghìn đôla một năm, chú và em tôi mỗi người đâu khoảng 55 hay 60 nghìn đô. Lương như thế mà họ bắt đi làm việc lau chùi, rửa nhà kho. Nhưng chúng tôi vẫn làm.

Làm sạch xong hết, ông phó tổng giám đốc Norcal xuống xem. Mình dẫn ông ấy đi xem từng li từng tí. Sau đó ông ngước mắt lên, không thèm nhìn mặt mình rồi ông ấy hỏi khơi khơi: “Do you like the job?” Mình mới xoay qua hỏi ông ấy: “Do you like our job?” Ông ấy nói “Very clean.” Tôi nói cám ơn và hỏi còn bao nhiêu nhà kho nữa. Ông ấy nói hai ngày nữa sẽ đưa chúng tôi đến nhà kho khác.

Rồi tôi hỏi ông, tụi tôi làm việc này với lương hiện thời tính ra là cũng từ 25 đến 30 đô một giờ, trong khi thuê người ngoài chỉ 7 đô một giờ, tôi thấy ai trong công ti đưa ra quyết định cho chúng tôi làm việc này như thế là rất phí cho công ti. Nghe nói thế ông bỏ đi luôn.

Sau đó ba chú cháu được chuyển về Miltiptas, nơi đó có nhà máy vừa làm rác, vừa tái sinh phân hữu cơ. Về đây chúng tôi lại được giao trách nhiện lo quản lí, nhưng họ quản lí mình chặt chẽ. Mỗi ngày mình phải làm báo cáo ghi mỗi 15 phút mình làm gì. Họ muốn đuổi mình nên bắt mình làm thế xem mình có tự động xin nghỉ.

Tuy nhiên mình vẫn theo đuổi vụ kiện đòi nợ trả góp. Sau đó họ điều đình với luật sư của mình. Cũng vào thời điểm đó trên thành phố Oakland có đấu thầu gom rác, mà mình không thể đấu thầu được vì trong hợp đồng bán công ti của mình có điều khoản ghi là non-compete, không được mở công ti khác để cạnh tranh, vì thế mình bị kẹt.

Nhưng may tôi có quen Dân biểu Tiểu bang Elihu Harris và ông cố vấn là nếu lấy được đồng nào trong vụ kiện thì lấy, còn kéo dài thì không có lợi vì NorCal là công ti lớn, họ không sợ kéo dài thời gian kiện, còn mình nếu kéo dài thì tiền cho luật sư ăn hết.

Sau điều đình của luật sư, NorCal trả cho chúng tôi chỉ 10% số nợ thôi, nhưng không còn cấm mình cạnh tranh nữa. Thì mình cũng đồng ý, lúc đó gom lại được vài ba trăm nghìn.

Sau đó lập ngay công ti California Waste Solutions. Tôi và Victor bỏ tiền ra, khoảng 200 nghìn đô để dự đấu thầu và trúng thầu thu rác tại Oakland.

Ít lâu sau ông Harris được bầu làm thị trưởng Oakland. Thời gian đó các công ti lớn thường bỏ giá đấu thầu rất thấp để các công ti nhỏ không được trúng thầu, sau đó hai năm họ xin điều chỉnh giá với thành phố. Nhưng thị trưởng Harris muốn cho các công ti nhỏ có cơ hội trúng thầu nên chia thành phố ra làm 4 khu vực. Một công ti lớn trúng thầu là chiếm 50% rồi, còn lại mình trúng thầu. Lúc đó mình cũng điều đình với thành phố bảo đảm cho đi vay tiền mua chục xe đổ rác, California Waste Solutions chính thức ra đời và phát triển cho đến nay.

Bùi Văn Phú: Khi đó California Waste Solutions thu bao nhiêu rác của thành phố Oakland?

Ông David Dương: Một công ti con khác trúng thầu 25% nhưng họ không làm, bán lại cho mình vì thế mình cũng được 50% rác của thành phố Oakland. Gia hạn thì cứ 5 năm, đấu thầu lại thì 7 năm.

Đến năm 2014 thành phố đấu thầu lại, nhưng lại không chia khu vực như trước nữa. Họ làm thế để mở đường cho công ti lớn. Thầu mới kéo dài thời gian nhiều hơn. Các công ti lớn bỏ giá thầu rất rẻ.

Lúc đó thành phố chia ra rác thường và rác tái chế mà công ti Waste Management (WM) đang làm. CWS ra giá thầu cho rác thường thật rẻ và rác tái chế cao.

Cạnh tranh với nhau trong quá trình đấu thầu mình thấy không công bằng. Sau khi ra giá đấu thầu, nhân viên thành phố lại khuyến cáo chọn WM vì họ nghĩ là an toàn hơn. So với WM có vốn mấy chục tỉ đô còn CWS chỉ có vài trăm triệu. Mình phải tranh đấu mãnh liệt tại hội đồng thành phố để chứng minh giá mình đưa ra rẻ và phục vụ tốt hơn. Sau đó hội đồng thành phố giao hết cho mình thu gom cả hai thứ rác.

Bùi Văn Phú: Vụ thắng đấu thầu hàng tỉ đôla của CWS đã gây tiếng vang trong sinh hoạt cộng đồng người Việt Vùng Vịnh, nhưng sau đó nghe nói có khiếu kiện từ những công ti khác, ông có thể nói chi tiết về vụ việc này.

Ông David Dương: Thành phố vừa quyết định giao hết cho CWS thì WM chơi trò của kẻ có nhiều tiền bằng cách kiện thành phố là đã cho đấu thầu không công bằng. Họ đề nghị tổ chức trưng cầu dân ý đòi huỷ bỏ các quyết định của thành phố, mà trưng cầu dân ý làm tốn tiền của thành phố nữa. Họ có tiền để vận động, rồi họ cũng thua.

Nhưng rồi mình suy nghĩ lại, vì mình không có landfill, là bãi tập trung rác. Mình thấy nếu thắng họ thì đường dài cũng không có lợi nên cuối cùng mình trả phần rác lại cho thành phố. Mình chỉ làm phần rác phế thải thôi.

Bùi Văn Phú: Những hợp đồng của CWS với Oakland và San Jose kéo dài bao lâu?

Ông David Dương: Hợp đồng trực tiếp thu gom và xử lý rác tái chế ở Oakland là 20 năm, trị giá 2.7 tỉ đôla thì mình cũng chia bớt cho WM, giờ còn 1.6 tỉ. San Jose thì hợp đồng còn đến năm 2020. Giờ thành phố San Jose đang điều đình với chúng tôi để gia hạn hợp đồng thêm 15 năm nữa vì họ cũng thấy là khi mới đấu thầu lần đầu họ chưa biết mình có làm tốt được không. Bây giờ mình có đầy đủ thiết bị nhà máy rồi, giá thì chắc chắn sẽ tăng lên cao hơn giá hiện nay.

Ở San Jose CWS cũng thu mua hết những rác tái sinh tức các loại rác có thể tái chế được. Nhưng mình chỉ làm khoảng chừng 80%, còn lại 20% dính chung với một công ti trước đó đã làm việc này.

Bùi Văn Phú: Những nhà máy phân loại và tái chế rác của CWS nằm ở đâu?

Ông David Dương: Oakland có hai nơi, trên đường Wood Street và 10th Street. Hiện nay đã mua đất gần cảng để xây dựng nhà máy mới trong tương lai. San Jose cũng có hai nơi, một nằm ở Berryessa Street và một ở Timothy Drive.

Ngoài hai thành phố Oakland và San Jose, chúng tôi cũng có những hợp đồng gián tiếp với những thành phố khác đem hàng đến cho chúng tôi phân loại tái chế.

Bùi Văn Phú: Với công ti California Waste Solutions thành công trong thương trường Mỹ từ hơn hai chục năm qua, là tổng giám đốc của công ti, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm cần có để làm ăn thành công ở Hoa Kỳ.

Ông David Dương: Thành công chính là nhờ có gia đình và sự cần cù. Mình tạo dựng từ hai bàn tay trắng, lúc đầu vừa học vừa đi lượm rác 12, 17 tiếng mỗi ngày liên tục và gia đình cùng nhau làm chung để gây dựng nên.

Thứ hai là mình phải tự tin, khi đã quyết định làm cái gì đó thì phải tin vào việc mình làm, kiên trì theo đuổi.

Thứ ba là luôn luôn nhớ rằng khi mình phát triển thì sẽ gặp cạnh tranh. Ở đây khi cạnh tranh thì đối thủ đem đủ thứ luật lệ ra để áp đảo mình, vì thế làm gì thì mình cũng phải có luật sư cố vấn. Mình phải làm đúng với luật lệ. Đặc biệt là thuế mình phải làm cho đúng.

Chúng tôi thành công cũng vì không bao giờ nản chí, từ việc chúng tôi bị hạ nhục, bị đày đoạ đi làm sạch, rửa xú uế, hoặc gặp những thái độ và cử chỉ khinh thường, kì thị chúng tôi. Ở xứ Mỹ này vấn đề kì thị còn đó, không công khai nhưng mà tiềm ẩn. Qua những lời nói, cử chỉ đối xử với mình còn ẩn điều đó. Nhưng mình phải cố gắng tối đa.

Đến một đất nước mới, phong tục tập quán mình chưa rõ, mình không sinh đẻ ở đây, ngôn ngữ chưa lưu loát. Những cái đó là điểm yếu của mình, mình phải vượt qua bằng niềm tự tin.

Điều quan trọng nữa là khi mình làm ăn cũng luôn cần có sức mạnh, không chỉ về khoa học kỹ thuật hay bộ óc mà là những động lực thúc đẩy, hỗ trợ cho mình từ gia đình, bạn bè và cộng đồng.

Chúng tôi phát triển được là cũng nhờ vào cộng đồng người Việt ở đây. Bất cứ khi nào gặp khó khăn, chúng tôi luôn có sự hợp lực, chung sức của cộng đồng. Sự thành công của chúng tôi cũng là sự thành công của cộng đồng di dân nói chung, đặc biệt là người Việt. Để đáp lại, dĩ nhiên những sinh hoạt của cộng đồng chúng tôi cũng luôn luôn đóng góp, có mặt để ủng hộ.

Bùi Văn Phú: Từ 15 năm qua, ông đã mang công nghệ xử lí rác về giúp Việt Nam với khu xử lí rác ở Đa Phước. Theo quan sát và nhận xét của ông, lãnh vực nào mà Việt kiều đã có những đóng góp và đầu tư nhiều nhất.

Ông David Dương: Theo tôi khi nói đến Việt kiều là nói đến những người Việt đang sống ở nhiều nước. Nhưng tôi gom lại hai thành phần thôi, đó là Việt kiều từ khối tư bản như Mỹ, Anh, Úc, Pháp, Canada và Việt kiều từ khối Đông Âu, Ukaraine, Nga tức là các nước cộng sản cũ.

Khối Đông Âu, cộng sản cũ, họ phát triển rất mạnh về bất động sản và thành công trong việc đó. Khối tư bản thì phần đông là các khoa học gia, chuyên gia kinh tế tài chánh, các giáo sư đại học về đóng góp nhiều hơn.

Còn đóng góp về kinh tế, tạo ra công ăn việc làm cũng như đầu tư thì thực sự còn rất ít và cũng không có mấy anh em được nổi. Mà nhiều anh em về cũng gặp rất nhiều khó khăn. Mà để giải quyết đòi hỏi sự nhẫn nại, sẵn sàng bỏ thời gian tìm tòi, học hỏi để biết được những khó khăn mà tháo gỡ.

Những Việt kiều từ các xứ tư bản thì gặp khó khăn về cách làm việc đi vào lề lối và có thời biểu rõ ràng. Thí dụ như tôi muốn vào làm dự án này và chỉ có bao nhiêu thời gian thôi. Vào Việt Nam thì nói chung mình phải bỏ ra rất nhiều thời gian, vì thế Việt kiều từ xứ tư bản về không có đủ thời gian, vì họ thấy sao nó dài quá, rắc rối quá nên họ không làm. Hay vào làm một thời gian thấy khó khăn quá nên bỏ cuộc. Cách làm việc ở khối tư bản rất khác với cách làm việc trong nước, tôi thấy đó là trở ngại lớn nhất.

Điển hình như tôi được mời về, người của chính quyền qua bên này mời tôi về đóng góp cho quê hương với công nghệ xử lí rác, đó là công nghệ chôn lấp mà nhà nước đã chọn. Đến bây giờ dự án của chúng tôi được nhiều cơ quan đến tham quan học hỏi nhất, được nhiều phái đoàn quốc tế từ Phần Lan, Nam Hàn, Úc, Phi Luật Tân, Campuchia đến tìm hiểu và học hỏi. Đến thăm họ cũng ngạc nhiên thấy mình làm còn tốt hơn bên Mỹ nữa. Bất cứ đoàn nào vào thăm lãnh đạo thành phố, hỏi quí vị xử lí rác như thế nào thì Vietnam Waste Solutions đều được lãnh đạo chọn giới thiệu xuống để tham quan cho biết cách xử lí rác như thế nào.

Đó là điều làm tôi hãnh diện, dầu rằng nhiều thông tin trái chiều nói chúng tôi làm không đúng. Nhưng tôi có thể khẳng định rằng công nghệ của chúng tôi nay vẫn tốt nhất bởi vì xử lí 5, 6 nghìn tấn rác một ngày đâu phải là số lượng ít. Mà là rác thành phần hữu cơ nhiều và độ ẩm ướt cao nữa.

Đến nay chúng tôi đã xử lí trên 17 triệu tấn rác tại khu vực đó. Những việc làm của chúng tôi có sơ sót nhỏ nhưng tôi vẫn có thể khẳng định rằng, cũng như nhiều lãnh đạo trong nước đã biết là chúng tôi xử lí rác tốt nhất và đồng thời giữ cho công ti luôn làm tốt. Khi thành phố muốn chúng tôi thay đổi công nghệ thì chúng tôi đồng ý, nhưng họ có cho chúng tôi điều chỉnh giá để thay đổi công nghệ hay không.

Bùi Văn Phú: Vietnam Waste Solutions đang có đề nghị đặt thùng rác tại nhiều nơi để làm sạch, làm đẹp cho Thành phố Hồ Chí Minh, chi tiết về dự án này ra sao ông có thể cho biết.

Ông David Dương: Thành phố muốn người dân không xả rác nhưng phương tiện thùng rác công cộng thì rất ít và không đồng bộ. Người dân không có đầy đủ phương tiện nên rác đang bị xả bừa bãi. Chúng tôi đang đề nghị được lắp đặt những thùng rác thông minh, hiện đại và mỹ quan cho trung tâm thành phố, sử dụng năng lượng mặt trời để tự động mở nắp khi có người đến gần và bỏ rác.

Bùi Văn Phú: Sau gần hai thập niên đầu tư tại Việt Nam, có những khó khăn hay lợi ích nào để công ti của ông tiếp tục góp phần cho quê hương phát triển hơn nữa.

Ông David Dương: Vấn đề là lãnh đạo cần quan tâm và hiểu rõ hoạt động của công ti chúng tôi. Lãnh đạo cần đi đến để kiểm tra những thông tin nói về dự án của tôi cũng như của các anh em Việt kiều về đầu tư. Nếu cứ đưa ra những thông tin trái chiều mà không kiểm chứng rồi đưa ra quyết định thì điều đó làm cho anh em Việt kiều nản chí.

Lãnh đạo có những quyết định sai làm ảnh hưởng đến công việc của anh em. Đồng ý là làm ăn thì có cạnh tranh, nhưng chưa thấy lãnh đạo nào nói rằng Vietnam Waste Solutions của chúng tôi là tốt nhất nước trong xử lí rác. Nếu lãnh đạo thấy đúng như thế thì công khai khẳng định, điều đó sẽ làm chúng tôi vui hơn và luôn làm tốt hơn và những người cùng ngành nghề cũng sẽ cố gắng làm tốt hơn để cạnh tranh.

Tuy nhiên có những thông tin cạnh tranh tiêu cực, cạnh tranh không lành mạnh, bất chính. Mà cứ như vậy hoài thì việc phát triển kinh tế cho Việt Nam nói chung và cho Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng không được tốt. Như thế tạo khó khăn cho sự kêu gọi đầu tư từ nước ngoài. Nếu không tạo môi trường thông thoáng hơn, các nhà đầu tư sẽ nhức đầu, vì họ cứ phải nghĩ đến chuyện đối phó với cạnh tranh không lành mạnh, thông tin tiêu cực, không đúng sự thực thì những nhà đầu tư còn thời gian đâu mà nghĩ đến việc phát triển công ti.

Bùi Văn Phú: Khi có thay đổi lãnh đạo thành phố hay ở trung ương, việc đó có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và nếu có theo hướng tích cực hay tiêu cực?

Ông David Dương: Có. Bởi vì có những người chưa chính thức lên làm lãnh đạo nhưng họ nghe có những thông tin xấu, trái chiều nên khi lên nắm quyền thì trong suy nghĩ của họ đã có những thông tin thiếu trung thực. Khi mà họ đã có những suy nghĩ như thế thì họ sẽ có những quyết định không tốt cho nhà đầu tư, ảnh hưởng cho những người nước ngoài đang làm ăn ở Việt Nam.

Mỗi lần có thay đổi lãnh đạo trung ương cũng như địa phương, khi đó lại có những ban ngành, những điều tra đưa ra những thông tin đảo chiều. Bởi vì những người cạnh tranh không lành mạnh biết rằng lãnh đạo mới lên không nắm rõ được tình hình của công ti họ muốn cạnh tranh nên họ tung ra những thông tin xấu, lũng đoạn với thư nặc danh hay dùng một số phóng viên chỉ chạy theo kinh tế để đưa ra những thông tin không đúng sự thực, làm như thế để tạo xáo trộn gây khó khăn, khiến các nhà đầu tư phải đối phó. Vì thế mình cứ luôn luôn phải đối phó, đối phó và đối phó.

Như thế cho đến một lúc nào nhà đầu tư cảm thấy việc họ làm không còn hiệu quả thì họ rút. Họ muốn góp phần xây dựng quê hương, nếu họ đầu tư tốt thì nhà nước phải bảo vệ họ chứ. Những người đã về đầu tư lâu dài, tạo nhiều công ăn việc làm cho dân thì nhà nước phải giúp để họ cảm thấy yên tâm, an toàn để tái đầu tư thêm. Thay vì kêu gọi nhiều đầu tư, nhà nước đưa vào 5 người mới lại đẩy 5 người cũ ra.

Tôi nói điều này với những nhà đầu tư nước ngoài. Lúc đầu mình về, tốn thời gian tìm hiểu cách làm ăn, xây dựng được công ti rồi thì tới một lúc nào đó sẽ có va chạm lợi ích, gọi là lợi ích nhóm, khi đó sự cạnh tranh càng khốc liệt, bị đánh phá càng dữ dội hơn nữa. Tới lúc mệt mỏi quá họ quyết định bán công ti, đưa gia đình ra nước ngoài. Theo tôi nghĩ đây là cái mà chính quyền cần xem xét, phải làm sao tạo môi trường lành mạnh, bảo đảm đầu tư cho sự phát triển đất nước. Cứ kêu gọi FDI thì mình lệ thuộc nhiều vào nước ngoài, cần ủng hộ người trong nước đầu tư nhiều hơn nữa.

Anh em Việt kiều về nước, trước khi đầu tư thì họ nghĩ tới tấm lòng muốn giúp cho quê hương, cho đồng bào mình. Đầu tư trong nước có kiếm được lời hay không chưa biết, nhưng khi họ quyết định về vì họ có tấm lòng. Thành công thì ra ngoài họ nói với người hải ngoại là họ thành công. Điều đó sẽ tốt cho nhà nước thôi.

Bùi Văn Phú: Cám ơn ông đã dành thời gian cho buổi tiếp xúc, trò chuyện hôm nay. Chúc ông Năm Canh Tý sức khoẻ dồi dào, công ti California Waste Solutions và Vietnam Waste Solutions ngày càng phát triển bền vững hơn ở hai bên bờ Thái Bình Dương.