QUÊ HƯƠNG NGẤN LỆ - Ngô Quốc Sĩ
Ngô Quốc Sĩ
Từ ngày toàn cõi Việt Nam rơi vào qũy đạo đỏ với chiêu bài độc lập thống nhất, dân Việt đã thật sự mất quê hương. Kẻ lưu vong nơi quê người đất lạ. Người bị lưu đày trên chính quê hương mình. Kể từ đó, thi ca đã đượm vẻ bi hùng, vừa giăng trải nỗi lòng thương nhớ, vừa biểu tỏ quyết tâm đấu tranh dành lại quê hương đã mất. Đặc biệt, một tác giả ẩn danh đã mượn tên bài thơ mang tên “Cry,The Beloved Country” của Alan Paton để diễn tả nỗi lòng thương nhớ quê hương và niềm thương cảm cho 39 nạn nhân chết thảm trong thùng đông lạnh tại Anh quốc, đặc biệt là Trà My, người con gái Hà Tĩnh xinh đẹp đã ngỏ lời xin lỗi mẹ trước khi tắt thở.
Mở đầu bài thơ “Cry,The Beloved Country” xin tạm dịch là “Quê Hương Ngấn Lệ”, tác giả đã giải bày niềm tâm cảm của một người trẻ sinh trưởng tại đất thần kinh, rất yêu những nét đẹp của quê hương, tiêu biểu là Huế với trường Quốc Học và Đồng Khánh đã hun đúc bao nhân tài đất nước, cũng như những xóm nghèo với mái tranh ửng hồng trong nắng sớm như Hàn Mặc Tử đã mô tả “Sao anh không về thăm thôn Vĩ, nhìn nắng hàng cau nắng mới lên..” Với tâm hồn tuổi thơ trong trắng, tác giả đã “yêu nước một cách lãng mạn”,chưa biết thù hận, chỉ sống một cách chân thật với giấc mơ tuổi trẻ huy hoàng. Tác giả cũng thú nhận, trước năm 75 đã từng tham gia phong trào học sinh sinh viên tranh đấu tại Huế, xuống đường biểu tình chống chính phủ “một cách vô tư”, tưởng thế là yêu nước, là thể hiện ước mơ tự do dân chủ:
Lòng yêu nước lãng mạn tuổi hoa niên
Như giấc mộng lành không gối đầu thù hận
Dầu giòng lịch sử phong ba dẫy đầy cay đắng
Ước vọng huy hoàng yêu nước vô tư..
Nhưng oái oăm thay! Lòng yêu nước vô tư đó đã bị phản bội. Mộng mơ tuổi hoa niên đã biến thành ác mộng khi phải đối diện với hiện thực qúa phũ phàng sau khi miền Nam sụp đổ, cánh cửa tự do khép lại một cách tức tưởi. Quê hương giờ đây chỉ còn là tiếng khóc dân oan, là then cài ngục thất, là vỉa hè ăn xin, bên cạnh những biệt phủ sang trọng với ngà voi gỗ qúy, cầu tiêu dát vàng! Ước mơ hoà bình tự do độc lập giờ đây chỉ còn là những mỹ từ lừa đảo, những khẩu hiệu rỗng tuếch, đầu độc giới trẻ, lấp vùi cả đạo lý, giết chết dân Việt, biến dân Việt thành những kẻ vong thân:
Bốn mươi năm qua
Tàn cơn mộng mị:
Thời khẩu hiệu xả đầy sân đạo lý,
Có tâm hồn không chết cũng vong thân
Trước đây, Trần Vàng Sao, một người trai xứ Huế, cũng đã ngây thơ theo phong trào sinh viên tranh đấu, rồi tập kết ra Bắc, tưởng là yêu nước thương nòi. Ngờ đâu, anh đã vỡ mộng, quay gót trở về, dùng ngòi bút mắng chửi cộng sản một cách thậm tệ: “Tau chưởi.Tau phải chưởi. Tau chưởi bây. Tau chưởi thẳng vào mặt bây. Không bóng không gió. Không chó không mèo. Mười hai nhánh họ bây đem lư hương bát nước. Giường thờ chiếu trải sắp hàng một dãy ra đây. Đặng nghe tau chưởi..”
Hôm nay, tác giả bài thơ “quê hương ngấn lệ” cũng là người con của Huế, tuy không đến nỗi hằn học như Trần Vàng Sao, nhưng cũng đã biểu tỏ niềm hối tiếc một thời ngây thơ lần lẫn, sau 75 mới mở mắt nhìn thấy bộ mặt thật của cái gọi là “Thiên đường Xã Hội Chủ Nghiã”. Hiện thực phũ phàng với nỗi chết bi thảm của dân Việt dưới bàn tay những người tự hào là “kẻ thắng cuộc” đã làm cho người con xứ Huế hoàn toàn thất vọng. Làm sao khỏi buốt nhức trước những tiếng nấc nghẹn ngào, những giọt lệ đắng cay nhỏ xuống đồng không mông quạnh, bên cạnh các biệt phủ nguy nga tráng lệ của bọn đao phủ với ngà voi gỗ qúy, cầu tiêu dát vàng ! Qúa thất vọng, tác giả đành phải chôn vùi giấc mơ hoa niên, ngậm ngùi rời bỏ quê hương nay đã thành đất chết, để đi tìm cuộc sống mới, chấp nhận thân phận thuyền nhân, tìm cái sống chỉ mành trong cả trăm phần chết:
Cho đến một ngày tôi là Thuyền Nhân:
Vượt đại dương trên chiếc ghe nan đan bằng tre thiếu dầu sơn quét,
Trốn quê Mẹ giữa hai đầu sống chết.
Boat people! Nhân loại thốn tâm…
Từ ngày đau thương gọi là Quốc Hận đó, dân Việt như đàn chim hải âu nối cánh nhau bỏ xứ đi tìm đất sống. Nhưng oan ức thay! Bao cánh chim đã gãy nửa đường tìm về đất hứa. Bao thân xác đã rữa nát trong bụng cá hay vùi chôn dưới lòng biển sâu!
Bao nhiêu cánh hải âu đã gãy.
Bao thân tàn ma dại vượt biên.
Bao thân xác tiêu diêu trong bụng cá,
Dưới đáy biển sâu…
Tác giả đã may mắn đến được bến bờ tự do, sống đời tạm dung. Mang thân phận lưu vong, người con xứ Huế vẫn luôn luôn canh cánh bên lòng hình ảnh quê hương yêu dấu. Sau gần nửa thế kỷ xa cách, tác giả vẫn tưởng niềm đau đã khép lại, uất hận đã lắng xuống. Thậm chí ngày ngày từ miền đất khách, người Việt lưu vong lại còn được nghe tiếng vọng từ quê hương ngọt như mật ong. Nào là quê hương đẹp tươi chưa bao giờ có, nào quê hương là “chùm khế ngọt”, là “bông hoa sữa” của Hà Nội Phố…
Rồi nửa thế kỷ sau,
Cứ tưởng vạn niềm đau đã khép,
Từ quê người nghe tiếng vọng… lao xao:
“Có bao giờ quê hương ta đẹp như thế này đâu!”
Thật là mỉa mai hết chỗ nói! Tiếng vọng lao xao về quê hương đẹp tươi chỉ là tuyên truyền lừa bịp. Quê hương tươi đẹp đâu chẳng thấy, mà chỉ thấy toàn bất hạnh khổ đau, nên tác giả phải thẳng thắn hỏi tội bọn người đã lừa gạt thế giới với những thủ đoạn tuyên truyền dối trá. Tại sao dân Việt hãnh diện với quê hương gấm vóc, với bốn ngàn năm văn hiến sáng ngời mà hôm nay phải ngậm ngùi bỏ nước ra đi, tủi hận xa lìa cuống rốn thân yêu. Trước đây, cả triệu người đã lao mình vào biển cả, tìm cái sống mong manh. Nay, sau hơn 40 năm gọi là hòa bình thống nhất, dân Việt lại phải lao vào con đường sinh tử để tìm khí thở, tiêu biểu như Trà My và 38 nạn nhân vừa chết dẫy dụa vì nghẹt thở trong thùng đông lạnh tại Anh quốc!
Ai đã nói hãy cúi đầu tự hỏi:
Nước bốn nghìn năm có thời nào đến nỗi,
Quê Mẹ rốn lìa sinh tử ra đi!
Có bao giờ quê hương ta nghe lời nhắn Trà My:
“Con xin lỗi bố mẹ nhiều…
Con đang chết vì không thở được…”
Không còn lời nào để diễn tả nỗi đau dân tộc. Không còn nước mắt để khóc thương những mảnh đời xấu số mang thân phận Việt Nam thời nhục sử. Con, Trà My không thở được trong thùng đông lạnh. Dân Việt cũng đang ngộp thở trong ngục tù dị sử như những con thiêu thân. Trà My đã chết trong thùng đông lạnh. Dân Việt cũng đang chết trong tù nhỏ tù lớn trên quê hương đọa đày. Thân phận dân Việt qúa nhỏ bé như chiếc móng tay của cô giáo Lam, hay như mấy cùi hàng rẻ mạt trong tay bọn buôn người:
Nhân loại rụng rời tiếng nói Việt Nam!
Chết đau thương như số phận mấy cùi hàng,
Không gian rộng thân phận người khép lại,
Việt Nam ơi… hãy khóc những niềm đau:
Quê hương ta có khi nào tức tưởi thế này đâu!
Thuyền Nhân trước nay thành “Thùng Nhân” Việt…
Nói ra thật đau lòng. “Thuyền nhân” hay “thùng nhân” thì cũng đều là con cháu Lạc Hồng đã bị chế độ ruồng rẫy, đuổi ra khỏi xã hội dành riêng cho “con cháu Bác”. Thôi! Khóc thương thế cũng đủ rồi. Chỉ xin chấp tay khấn nguyện cho vong linh những kẻ xấu số sớm an nghỉ trong cõi an vi, bên kia bờ sướng khổ, bên kia chốn thiên địa phong trần. Điều mong ước tha thiết của tác giả, cũng chính là ước nguyện của dân Việt, là nỗi oan khiên với cái chết tức tưởi hôm nay phải là tiếng chuông đánh thức lương tri nhân loại, cảnh tỉnh những tâm hồn ngây thơ còn tin vào lời đường mật dối trá của cộng sản:
Xin cầu nguyện cho những linh hồn vừa khuất bóng.
Giải oan khiên nầy thức tỉnh tận lương tri,
Chết là hết, hết hận thù sướng khổ,
Nguyện sớm về yên nghỉ cõi an vi.
Lời trần tình của người con xứ Huế ẩn danh qủa là tiếng kêu của con tim thật truyền cảm, đánh động bao tâm hồn đang rướm máu trước những oan khiên chất ngất của dân tộc. Giải khăn sô cho Huế cũng chính là giải khăn tang cho đồng bào ruột thịt tại Hà Tĩnh Nghệ An, và là giọt nước mắt pha máu cho quê hương ngấn lệ hôm nay…