BÃO CÁT TỪ LÒNG GIẾNG CẠN - Ngô Quốc Sĩ
Tác gỉa Ngô Quốc Sĩ |
Ngô Quốc Sĩ
Thơ đấu tranh mô tả hiện thực bi đát của quê hương đọa đày thật phong phú. Nào là Trần Văn Lương với hình ảnh người sống bị hành hạ và người chết bị cày nát. Nào là Đức Tường với bầy chó hoang cắn xé thi thể mẹ Việt Nam. Nào là cô bé Thùy Dung với hình ảnh đất nước tang thương dân tình thống khổ mà không dám kêu than. Riêng NguyenTuHuy, qua áng thơ xuôi rất tượng hình, truyền cảm mà bi hùng, đã mô tả hình ảnh chết khô của quê hương hôm nay như thể lòng giếng cạn, làm bao con tim thổn thức se héo…
Vào thơ, tác giả đã trần tình một cách chua xót về hoàn cảnh sống vất vưởng của dân Việt, bị đẩy ra khỏi cuộc sống bình thường, sống bên lề xã hội văn minh, trở thành những người vô gia cư, vô tổ quốc, như những kẻ ăn xin trên đường phố, dưới gầm cầu, đúng như Đồng Lầy của Nguyễn Chí Thiện, Địa Ngục Trần Gian của Phạm Thanh Nghiên:
Chúng tôi,
những lòng giếng vừa khô vừa cạn.
Chúng tôi sống trong những túp lều không đàn ông, không trẻ thơ.
Chúng tôi dật dờ trên đường phố, ngủ dưới gầm cầu,
tắm ở bến sông, ăn trong sọt rác,
không sở hữu một mi li mét không gian nào trong cái thế giới vô tận này.
Trong lòng giếng cạn khô bên ngoài “cõi người ta” đó, dân Việt bị đẩy xuống vũng lầy ngu muội qua chủ trương ngu dân và khốn dân của chế độ như Dương Thu Hương đã ghi nhận. Đã thế, dân Việt lại còn bị đầu độc cả trên thân xác lẫn tâm hồn, bị hành hạ tra tấn với bạo lực, phỉnh gạt với bộ máy tuyên truyền lừa đảo, bị bóc lột tận xương tủy để xây ngai vàng đao phủ nghìn tỷ thật huy hoàng:
Chúng tôi,
những lòng giếng vừa khô vừa cạn.
Chúng tôi không hưởng bất cứ thành quả nào của nền văn minh chỉ cách vài chục độ đường.
Chúng tôi bị đầu độc bởi chất độc ngấm trong thực phẩm hàng ngày : thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng, thuốc bảo quản…
Chúng tôi bị tra tấn đánh đập tả tơi ngay trong thời buổi hoà bình.
Chúng tôi bị tấn công bởi sự giả dối, lọc lừa, mánh khoé, bạo lực… và bởi sự quên ãng.
Chúng tôi kiệt quệ cạn khô bên cạnh toà tháp mười lăm tầng nước phun lên tận đỉnh nóc.
Bị đẩy ra khỏi cuộc sống, lại còn bị trấn áp bóc lột, dân Việt chỉ còn sống thoi thóp như thể bám vào chùm rễ tre, ngã lưng trên võng tre, níu kéo chút tình tự dân tộc qua hình ảnh của quê hương dấu yêu muôn thuở, để tìm chút hơi thở trong lời ru ca dao vần điệu lục bát, để vọng lên tiếng nấc như tiếng chim quyên gọi hồn dân tộc:
Vừa khô vừa cạn,
chúng tôi trói mình vào một rễ tre, một cối xay tre, một võng tre, một lời ru tre, một tiếng nấc tre.
Ngày mai, trên cái bãi thải công nghiệp khổng lồ này, chúng tôi sẽ đặt chiếc lá tre cuối cùng lên cánh một bông ly đang nghẹn giọng vì thiếu nữ nhuộm tóc vàng không còn biết khóc
Làm sao giải bày được tâm tình cô đơn và u uẩn của những người bị tước đoạt quyền sống dưới lòng giếng cạn, không người tri kỷ tri âm, không chỗ bám víu, không nơi nương tựa? Thậm chí, dân Việt còn bị xỉa xói, kết án một cách oan ức không thể giải bày. Phía bên kia thì bảo là bị các thế lực thù địch kích động, phản động phá rối trật tự an ninh. Phía bên này thì bảo là khiếp nhược vô cảm vô tâm. Đó là những viên sỏi ném xuống đáy giếng, làm tê điếng những tâm hồn đang lịm chết dưới đáy sâu cuộc đời:
Vừa khô vừa cạn,
chúng tôi không tri âm và không có tri âm,
mọi âm thanh tắt ngấm trên nhúm cát khô và mỏng còn sót lại đáy giếng.
Chúng tôi,
những lòng giếng vừa khô vừa cạn.
Chúng tôi sợ những viên sỏi ném xuống
để đo độ nông sâu hay để đo mức đầy vơi.
Những viên sỏi tự cho mình cái quyền kết tội chúng tôi vô cảm.
Những viên sỏi khục vào nỗi đau không còn nước.
Tuy đau nhói vì bị bỏ rơi và luận tội một cách oan ức, dân Việt từ đáy giếng khô cạn chất sống, vẫn thấp thỏm chờ đợi cơn bão lửa dân chủ nổi lên, với cơn mưa nhiệt tình và tiếng sét cuồng nộ, với tia chớp can đảm và cả tiếng khóc nức nở, làm vang vọng tiếng trống đồng Ngọc Lũ, tiếng sóng Bạch Đằng:
Chúng tôi đợi
những cơn mưa nhiệt tình
những trận sấm sét cuồng nộ
những tia chớp can đảm
những cơn bão gây hấn,
và cả những tiếng nức nở kẹp trong tiếng gào giông tố
Chờ đợi rồi ước mơ. Từ lòng giếng khô cạn giữa đêm tối ba mươi không trăng không sao, dân Việt vẫn mơ một ngày dành lại quê hương vẹn toàn, lấy lại những hải đảo đã thấm máu hồng của tổ tiên nay bị ngoại bang cướp mất, khâu vá những mảnh chi thể mẹ Việt Nam đã bị chia lìa:
Vừa khô vừa cạn,
đêm không sao
chúng tôi nằm mơ những hòn đảo ngoài khơi
cạn kiệt khô rốc giữa một đại dương ngồn ngộn nước
những hòn đảo mất căn cước
những hòn đảo bị bỏ rơi
máu đỏ hàng bao thế kỷ giờ tím bầm trong nhục nhã
Thêm nữa, từ lòng giếng khô, dân Việt còn mơ ước một ngày đất nước rửa sạch những nhục nhã hôi hám của thời sử đen. Tệ nạn buôn người, đàn bà bán thân nuôi miệng, thiếu nữ làm dâu xứ người, gái trinh bị bán như món hàng nô lệ tình dục..Tất cả phải chấm dứt! Điều mỉa mai là dân Việt đang chết dần chết mòn trong giếng cạn chất sống, mà có những gã đàn ông nhỡn nhơ mang áo gấm về làng, những chàng trai trẻ quay mặt đi trước những bất hạnh chất ngất của dân tộc, đùa vui trên thân xác gái tơ trinh bạch, đúng như Bùi Minh Quốc đã thổ lộ: Chúng nó nhậu trên thân em trinh bạch.Trên lưng mẹ già còm cõi một đời bom.. Sao không biết nhục? Tác giả đã phải thốt lên như một tiếng nấc: Khí phách thời đại đâu rồi?
Đêm không sao
chúng tôi nằm mơ những chị em gái
bị bán làm nô lệ ở xứ người
đàn ông xứ này đang làm gì ?
những kẻ lớn tiếng trách chúng tôi là lòng giếng cạn,
giờ đây các người ở đâu ?
miệng tiếp tục ngậm chặt nỗi sợ hãi
những bông ly tiếp tục nở duyên dáng trong phòng khách của các thiếu nữ @
khí phách thời đại kết tụ trong tự do im lặng
Hiện thực là thế! Nhưng xin đừng thất vọng, bởi lẽ tác giả đã hé thấy vầng trăng tỏa sáng trên sông Hàn, đã nghe tiếng gọi mặc tử đánh thức con tim Việt Nam, réo gọi dòng đang sôi sục trong huyết quản con cháu Lạc Hồng:
Đêm không sao
chúng tôi nằm mơ một vầng trăng rộng
tự sông Hàn
mặc tử gọi chúng tôi
nhớ không :
« lòng giếng cạn
lòng giếng cạn… » ?
chết chẳng ai hay
cạn cho đến khi không còn nước để mất…
Tiếng gọi mặc tử đã đánh thức lòng giếng, khơi dậy sóng Bạch Đằng, khuấy nước kình ngư, thúc dục Kinh kha mài kiêm dưới trăng…Thế là tức nước vỡ bờ! Sức chịu đựng của dân Việt đã tới tận cùng! Sức mạnh dân tộc đang bật tung! Thế là giờ lịch sử điểm. Cơn bảo lửa của Nguyễn Chí Thiện đã châm ngòi. Cơn bão cát của NguyenTuHuy đang tung gió.. Lịch sử sắp sang trang:
nhưng đây
cát
lòng giếng ủ ngấm ngầm một cơn bão cát
và nén chặt
tiếng rền của những lòng giếng cạn
đợi một ngày dâng lên
Đến đây, chỉ xin mượn lời NguyenTuHuy-lòng giếng cạn- để cảnh báo hay đúng hơn, như một lời nhắn nhủ thiết tha: Cơn bão cát đang âm ỉ. Hãy nén chặt uất ức. Chờ đợi ngày bão cát dâng lên quật ngã ngai vàng đao phủ, dẫm nát huyền thoại Ba Đình…