OÁN TRÁCH AI ĐÂY? Ngô Quốc Sĩ
Ngô Quốc Sĩ
Nhìn lại cuộc chiến tranh Việt Nam, người ta vẫn chưa đồng ý với nhau đâu là nguyên nhân đích thực gây ra sự sụp đổ của miền Nam. Nhiều người trách cứ Hoa Kỳ đã bỏ rơi miền Nam. Người khác lên án bọn phản chiến và truyền thông thiên tả một chiều, bôi nhọ chính nghĩa quốc gia. Có người chê bai chính quyền miền Nam yếu kém, quân đội miền Nam thiếu tinh thần chiến đấu! Riêng Trần Văn Lương, qua bài thơ “Đừng Oán Trách Trời Kia” đã bày tỏ quan điểm khá rõ ràng, đâu là nguyên nhân đích thực của sự thất trận, và ai là kẻ đáng trách trong thảm họa lịch sử đó.
Trước hết tác giả đã thổ lộ tâm thức lưu vong tủi buồn của dân Việt, cảm nhận rằng, nhiều người đến nay vẫn chưa nhận thức rõ ràng đâu là nguyên nhân đích thực của thảm họa mất nước:
Người gục đầu, xót cho phận lưu vong,
Gần hết kiếp còn lông bông xa xứ…
Rồi nghĩ ngợi lan man về quá khứ,
Hết đổ thừa, lại trách cứ lang bang.
Một tâm thức rất cổ điển, là chuyện gì cũng gán cho Trời, tiêu biểu như người chinh phụ của Đoàn Thị Điểm đã oán trách trời gây cảnh chiến tranh tang tóc:
Trời kia thăm thẳm từng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này
Trần Văn Lương thực tế hơn, quan niệm rằng, trách trời không có mắt cũng chỉ là viễn vông, bởi lẽ trời có chuyện trời, người có chuyện người:
Đừng oán trách trời kia không có mắt,
Bắt dân mình luôn mắc cảnh điêu linh,
Cao xanh vốn dĩ vô tình,
Chỉ vận chuyển theo lộ trình sẵn đặt.
Không oán trách trời, tác giả cũng không đổ lỗi cho đồng minh trở mặt, bởi lẽ nước nào cũng có quyền lợi riêng của họ. Chỉ tiếc Việt Nam mang thân phận nhược tiểu, chỉ là con tốt trên bàn cờ quốc tế, lại còn bị nội phản quấy phá:
Đừng trách mãi chuyện đồng minh trở mặt,
Lật lọng là cố tật chúng lâu nay,
Tiếc thay mình nhược tiểu lại non tay,
Thêm nội phản, nên giờ đây mạt lộ.
Nhất là không nên trách người dân hờ hững an thân, vì trước sau, họ chỉ là những người thấp cổ bé miệng, bao năm léo lê cuộc sống khốn khổ, chỉ mong ngày 2 bữa đủ no, đâu còn thì giờ mà quan tâm đến chuyện chính trị:
Đừng trách lỗi người dân đen thấp cổ,
Họ bao năm luôn đói khổ miệt mài,
Ăn bữa rày, chắc gì có bữa mai,
Nước có mất vào tay ai cũng thế.
Và sau cùng, cũng không nên trách cứ những nạn nhân của thời cuộc, vì hoàn cảnh phải bán thân nuôi miệng, hay vướng vào những đường dây buôn người, buộc phải làm nô lệ tình dục, nô lệ lao động chỉ để kiếm sống qua ngày. Họ đáng thương hơn là đáng trách:
Đừng trách kẻ đem xác thân bán rẻ,
Hoặc chạy tiền làm nô lệ bốn phương,
Họ là người bị lừa gạt đáng thương,
Đâu biết được Thiên đường kia chẳng có.
Thế thì trách ai? Ai là kẻ gây thảm họa? Ai là kẻ tội đồ? Trần Văn Lương đã thẳng thắn chỉ đích danh bọn con hoang phản dân hại nước. Trước tiên phải vạch mặt bọn thái thú đang ngự trị tại Ba Đình. Đó chính là bọn Việt gian nhẫn tâm bán nước cầu vinh. Nếu ngày nào, Lê Lợi đã gọi bọn chúng là lũ gian tà, bán nước buôn dân:
Quân cuồng Minh thừa cơ gây hoạ,
Bọn gian tà bán nước cầu vinh.
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.
Thì hôm nay, Trần Văn Lương cũng chỉ mặt bọn chúng mà xỉ vả:
Hãy oán trách lũ tội đồ đầu sỏ,
Đám tay sai Tàu đỏ ở Ba Đình,
Bán giang san rồi khóa miệng dân mình
Bằng tù ngục, bằng cực hình thảm thiết.
Hẳn nhiên phải quyết liệt lên án lũ Việt gian bán nước. Nhưng bên cạnh đó, còn phải lên án bọn người mê danh tham lợi, đã bán rẻ lương tâm, tiếp tay với bạo quyền gây tội ác, gieo oan khiên lên đầu dân Việt, chỉ vì đặc quyền đặc lợi:
Rồi kế đến bọn mang dòng máu Việt,
Vì lợi danh mà quên hết tổ tiên,
Trực tiếp hay gián tiếp giúp bạo quyền,
Để bọn chúng gây nên nghìn thứ tội.
Đó là chưa kể tới những người nhẹ dạ nông nổi, đã một thời bị tuyên truyền mua chuộc, đứng ra bao che, tiếp tế cho bọn cộng sản nằm vùng, tưởng thế là yêu nuớc thương nòi, ngờ đâu chỉ là nuôi ong tay áo, tiếp tay cho tội ác:
Trách những kẻ đã một thời nông nổi,
Chuyên chở che bọn nón cối tà ma,
Giấu đặc công, du kích ở trong nhà,
Gom gạo, thuốc... chuyển ra bưng từng chuyến.
Thêm vào đó, còn phải lên án bọn sinh viên phản chiến, đã hùa theo cộng sản phá nát miền Nam mà cứ tưởng là trí thức yêu nước!
Trách những đứa xưa đua đòi phản chiến
Tuổi sinh viên chẳng lo chuyện học hành,
Hùa theo bầy thân Cộng để đấu tranh
Lúc nhúc khắp nẻo thị thành gây rối,
Cũng không thể không quan tâm về một số người Việt vô tâm, đã vội quên căn cước tị nạn cộng sản của mình, trở về Việt Nam hợp tác làm ăn với cộng sản, hát cho cộng sản nghe, hay khoe khoang “áo gấm về làng", ăn chơi thỏa thích trên máu và nước mắt đồng bào!
Hãy trách bọn có hành vi khả ố,
Quên hẳn thời khốn khổ chạy qua đây,
Được chút tiền chưa kịp ấm bàn tay,
Đã cuống quít về loay hoay xoay xở.
Thế là quá rõ ràng, ai là nạn nhân và ai là phạm nhân. Từ nhận thức về thảm họa mất nước, Trần Văn Lương đã muốn đánh thức dân Việt tỉnh ngộ, đứng lên tự cứu lấy chính mình, không ỷ lại trông chờ ngoại bang, quyết tâm mở đường máu để giải cứu quê hương:
Đã đến lúc phải cùng nhau tỉnh ngộ,
Để thấy rằng chỉ có chính dân Nam
Mới một lòng vì đất nước giang san,
Chấp nhận cảnh máu đào loang ngập đất.
Dù ai có cổ võ cho đấu tranh bất bạo động, thì Trần Văn Lương vẫn xác quyết, chỉ có máu Lạc Hồng mới tô thắm vườn hoa Lạc Việt, nên dân Việt phải “Chấp nhận cảnh máu đào loang ngập đất!”. Con đường máu chính là con đường sống của dân Việt!