Ngô Quốc Sĩ: MƠ NGÀY HỘI XUÂN
Giáo sư Ngô Quốc Sĩ |
Ngô Quốc Sĩ
Nỗi lòng người Việt tha hương những ngày đầu xuân thật khó tả. Hẳn nhiên, ai cũng cảm thấy vui mừng được đón xuân trong không khí tự do, với cuộc sống sung túc và con cháu thành đạt. Nhưng trong niềm vui xuân nơi xứ người, dân Việt vẫn ngậm ngùi thương nhớ quê hương khổ đau dưới ách thống trị của tập đoàn cộng sản phi nhân. Tại quê nhà, mọi tiếng nói dân chủ đều bị bóp nghẹt trong trứng nước. Dân Việt vẫn kéo lê cuộc sống khốn khổ lầm than. Tại hải ngoại, dân Việt cố gắng hội nhập vào cuộc sống mới, đa số vẫn nỗ lực đấu tranh cho tự do dân ch và không ngừng chuyển lửa về quê hương, nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh nhằm giải thể chế độ cộng sản đang gieo oan khiên lên đầu dân Việt, làm mùa xuân héo úa.
Nếu Văn Nguyên Duỡng đã thấy mùa xuân mất vẻ tươi tắn, khoác áo mùa đông “ Tết giữa mùa Đông hoa tuyết bay,Căm căm gió trắng lạnh đầy tay...” thì Hoàng Phong Linh qua bài thơ “Ngày hội xuân sẽ đến” cũng thấy mùa xuân nay đã chết, chỉ còn mùa đông lạnh giá bởi lẽ dân tộc đang đắm chìm dưới đáy vực:
Dân Tộc chìm sâu vào đáy vực tàn hơi,
Xuân cũng chết, chỉ còn Đông lạnh giá !
Qủa thế, hôm nay mùa xuân đã chết thật sự trên quê hương. Đàng sau những màn trình diễn thật huy hoàng, những cảnh sắc thật lộng lẫy, đang ẩn dấu những dòng nước mắt cay đắng âm thầm nhỏ xuống đất mẹ khi mầm sống đang bị dẫm nát và hơi thở chỉ còn thoi thóp như đang hấp hối:
Dòng lịch sử mù khơi
Đất trời nghe máu khóc.
Em vàng khô tuổi ngọc
Tang tóc phủ đường Xuân.
Mùa xuân khuất bóng. Giờ đây dân Việt phải sống trong đêm dài tối đen như đêm 30, câm lặng gặm nhấm niềm đau, nói không ra lời, mắt ướt làn mi:
Lệ đã cằn khô – hoàng hôn sẫm tím
Vết đen dài ngã bóng bước ta đi.
Bàn tay khô, anh vuốt nhẹ làn mi
Không tiếng nói mà nghe ngàn ngôn ngữ
Trong đêm dài lịch sử đó, hẳn nhiên mùa xuân đã trôi xa. Hiện thực hôm nay chỉ còn là gian truân, máu và nước mắt chan hòa, chẳng thấy chùm khế ngọt đâu, mà ngày đêm dân Việt chỉ nếm trái đắng:
Xuân nào đâu ? – dòng máu lệ chan hòa
Em vẫn khóc, nhọn đường gai rỗ gót.
Mong cành đau kết thành trái ngọt
Cho Em vơi chua xót nỗi Đời.
Đau đớn nhất là dân Việt phải kéo lê kiếp sống lưu đày trên chính quê hương của mình. Quê hương nay đã cạn khô dòng sữa mẹ, đã tắt lịm nguồn thơ lục bát, chỉ còn lại xà lim vách đá, giam hãm dân Việt trong tù nhỏ tù lớn:
Dòng lục bát từ sữa Mẹ mờ hoen
Lên tiếng khóc – nghẹn xà lim vách đá.
Giữa trời quê hương Em dường khách lạ
Đường hoang vu bao ngả phù vân.
Mỉa mai thay! Trong khi dân Việt đang ngộp thở trong gông cùm nghiệt ngã, đang quằn quại dưới cờ đó búa liềm, thì cái loa tuyên truyền cộng sản vẫn ngày đêm oang oang ca tụng chủ nghĩa vô sản chuyên chính, tô hồng chế độ phi nhân lỗi thời:
Em đã quằn vai, gánh nặng gian truân
Anh đổ máu, luống cày trơ vỏ đạn.
Loa thét vang khàn hơi Vô Sản
Át lời ca tiếng hát tuổi Em thơ
Trong nỗi đắng cay chua xót của người mang tâm thức lưu đày, tác giả đã quay gót tìm về dĩ vãng, ôn lại những kỷ niệm êm đẹp thuở xa xưa:
Và hôm nay, nơi quê người xứ lạ
Anh chạnh lòng nhìn lại tóc Em xưa
Trắng bạc làn mây, ướt sũng chân mưa,
Tay nắm chặt, nghe lòng run kỷ niệm.
Từ những kỷ niệm đẹp trên tóc em thuở nào, tác giả đã mơ hồ nghe mùa xuân dân tộc gọi mời, với Hồ Gươm trải lụa dệt thơ, với rừng chân dậy đất và muôn người cất cao tiếng hát, làm mắt em tuôn trào lệ vui và đáy lòng rung nhịp tự do:
Từ thuở Hồ Gươm áo lụa thành Thơ
Cao tiếng hát giữa rừng chân dậy đất.
Mắt nai Em trào vui lệ mật
Nghe đáy lòng rung phím Tự Do.
Ngày đó, những trang sử mới sẽ được viết ra, và ánh bình minh sẽ chiếu rạng trên đỉnh cuộc đời. Cũng từ đó Tổ Quốc Việt Nam sẽ hiên ngang đậm nét trên những trang giấy học trò trinh trắng, thắm đượm tình tự dân tộc:
Tổ Quốc hiên ngang trên trang giấy học trò
Đường rộng mở rộn ràng thơm lịch sử.
Ánh bình minh trên đỉnh đời cao ngự
Ngàn sông về tình tự bến ca dao.
Như một giấc mơ sắp thành hiện thực, Hoàng Phong Linh từ nỗi đau ê chề, đã thật sự hồi sinh, tìm lại được cả một trời hy vọng với ánh bình minh chiếu rạng trên quê hương yêu dấu:
Vườn quê hương sẽ hồng nhung tươi sáng
Một trời Xuân bừng rạng ánh bình minh.
Anh đưa Em về, quỳ hôn đất quê mình
Nghe nhịp thở hồi sinh từng ngọn cỏ
Đất mẹ hồi sinh, quê hương trổ hồng nhung tươi sáng, từng ngọn cỏ lung linh nhịp thở ngọt mềm. Dù tóc em có điểm sương, thì hồn em vẫn ánh lên ngà ngọc, dĩ vãng đau buồn sẽ chìm vào quên lãng, nhường chỗ cho những bước chân trải lụa trong nắng ửng hồng:
Tóc Em trắng nhưng hồn Em vẫn ngọc
Gió lụa vờn hương tỏa bước Em vui.
Bao nhiêu năm ngậm ngùi
Chôn vùi theo dĩ vãng.
Và lúc ấy, anh sẽ rước em vào ngự trị trong hồn. Hai ta cùng nhau nức men nồng của ngàn hoa ngát thơm:
Hãy cố cười lên, hồn anh Em ngự
Dù trắng bờ vai, Em mãi là Xuân.
Anh đưa Em về, chấm dứt gian truân,
Cho Em lại cả mùa hoa Dân Tộc.
Còn gì đẹp hơn và thơ mộng hơn! Anh sẽ đón em là mùa xuân vào hồn anh và dân Việt sẽ đón mùa xuân vào lòng dân tộc. Đó là mùa xuân đích thực, miên trường, không còn bóng dáng mùa đông lạnh giá:
Bước Xuân về theo gió
Vàng rợp ánh cờ bay.
Dù Em tóc trắng hôm nay
Tình anh vẫn mãi đợi ngày Hội Xuân.
Hẹn gặp nhau trong ngày Hội Xuân dân tộc để cùng nhau nâng Ly Rượu Mừng..