Matt Mahan

ads header

Breaking News

Ngô Quốc Sĩ: Xuân nhỏ lệ trên gạch vụn hoang tàn

Một góc tan hoang của Vườn rau Lộc Hưng sau đợt cưỡng chế ngày 8/1/2019. (@VOA)
XUÂN NHỎ LỆ TRÊN GẠCH VỤN HOANG TÀN

Ngô Quốc Sĩ

Mùa xuân là mùa tươi vui với thông điệp an bình, hy vọng và đoàn tụ. Dân Việt tại quê nhà, cũng như nơi đất khách tạm dung, đều nô nức chào đón xuân về với những ước mơ tròn đầy. Nhưng buồn thay! Tại quê hương dấu yêu, mùa xuân đã tàn héo trên vùng đất chết, với bao oan khiên đổ xuống trên đầu dân Việt. Các nhà đấu tranh dân chủ nối nhau vào tù với những bản án phi lý bất công và bất nhân. Dân oan vẫn kéo lê cuộc sống trên vỉa hè, nơi công viên, cạnh bờ hồ. Tiêu biểu nhất là cư dân Vườn Rau Lộc Hưng vừa bị cưỡng chế nhà cửa đất đai, trở thành vô gia cư, sống cảnh màn trời chiếu đất khi xuân về. Hoàn cảnh khốn khổ và nỗi oan ức đó đã được Trúc Hồ trải lên dòng nhạc đấu tranh mang tên “Mẹ Ơi Xuân Này Con Không Nhà” làm bao con tim rụng rời..

Như mọi người đều biết, ngày 4 tháng 1 năm 2019, nhà cầm quyền cộng sản Tân Bình đã cho trên 400 công an cảnh sát với súng ống dùi cui và xe ủi tới san bằng 468 căn nhà và nghiền nát vườn rau tươi tốt làm kế sinh nhai của dân di cư từ miền Bắc năm 1954. Nơi đây cũng có một số thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa tá túc với sự nâng đỡ của Dòng Chúa Cứu Thế. Tiêu biểu nhất là gia đình cô Phạm Thanh Nghiên, mới ra khỏi tù cộng sản, về đây dựng lại cuộc sống sau những ngày bị tước đoạt quyền sống.

Vào nhạc, Trúc Hồ đã gióng lên tiếng kêu thất thanh của người dân Vườn Rau Lộc Hưng, trước cảnh nhà cửa bị cộng sản cày nát thành gạch vụn, bước vào thảm cảnh dân oan:

Mẹ ơi xuân này con không nhà
Giờ đây chợt nhà tan cửa nát
Vì ai vì ai đau thương lan tràn
Vì ai vì ai nước Việt lầm than

Con kêu mẹ. Nhưng mẹ là ai và con là ai? Không nói thì mọi người đều biết, con mẹ là những nạn nhân hôm nay tại Lộc Hưng. Con mẹ cũng chính con dân đất Việt rải rác năm châu, trong nước cũng như ngoài nước. Còn mẹ con là Mẹ Việt Nam, mẹ Âu Cơ ngàn thương, và cũng là mẹ Quan Âm từ ái, mẹ Maria từ nhân.. Trăm con Việt đã cố kết với nhau trong bọc mẹ trăm trứng, quây quần bên mẹ thánh linh thiêng. Đàn con của mẹ hôm nay, đứa lang thang nơi xứ người, đứa vất vưởng tại quê nhà, bị cộng sản cướp bóc đọa đày trong gông cùm nghiệt ngã. Còn hỏi ai đã làm nhà tan cửa nát, gây đau thương lan tràn và làm cho nước Việt lầm than, thì nào còn ai ngoài bọn cộng sản, lũ con hoang đã đánh mất chất người, mất nhân tính, biến thành hoang thú hút máu người..

Nước mắt Lộc Hưng
Trong đàn con của mẹ là nạn nhân, trước tiên phải kể đến tuổi thơ Việt Nam đang bị chế độ cướp mất tương lai và lẽ sống. Trúc Hồ cảm thấy buốt nhức nhìn những em bé run rẫy trên tay mẹ lạnh cóng, đâu dám mơ chuyện khoe áo mới, mừng tuổi lì xì ngày xuân! Tương lai tuổi trẻ đi vào ngõ cụt. Đó chính là thảm nạn văn hóa Vũng Áng kéo dài hàng thế hệ đã làm cho Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp thổn thức. Nay thảm nạn Lộc Hưng cũng đã làm Trúc Hồ quặn thắt:

Mẹ ơi nhìn con thơ không nhà
Lòng con quặn đau từng cơn đau tới
Vì ai vì ai quê hương điêu tàn
Mẹ ơi xuân này người người không nhà

Bên cạnh trẻ thơ bơ vơ, còn biết bao dân oan uất nghẹn. Họ là những người dân hiền lành chất phác, chỉ biết sống với ruộng vườn, với đàn gà chắt chiu như bà mẹ quê của Phạm Duy. Họ còn là những bà mẹ chiến sĩ, ân nhân của chế độ, đã từng bao che cho con cháu nằm vùng, tiêu biểu như cụ bà Lê Hiền Đức. Nay họ đã trở thành dân oan, bị cướp đoạt cửa nhà, ruộng vườn tài sản, bị đẩy ra khỏi quê hương nông thôn, sống lây lất nơi đầu đường xó chợ. Cư dân Vườn Rau Lộc Hưng hôm nay, một sớm một chiều cũng đã trở thành dân oan như Pham Thanh Nghiên đã xác nhận: “Chúng tôi phải mặc trên mình không chỉ thân phận tù đày, bách hại, oan ức, mà còn là thân phận của những dân oan mất đất và một phần thân phận của đồng bào Miền Nam trong biến cố đau thương 1975.” Ở đây, Trúc Hồ đã thấm thía nỗi đau của dân oan khi gió mưa về trong cảnh màn trời chiếu đất:

Một kiếp dân oan biết về đâu khi đêm mưa về
Lắng nghe trong tim nỗi đau gần một thế kỷ
Nước mất nhà tan hư hao suốt một đời
Trời đất tan hoang xuân này con không nhà, mẹ ơi!

Đáng thương nhất là những thương phế binh, đã hy sinh một phần thân thể, cánh tay, đôi chân, con mắt cho quê hương, nay cũng bị cộng sản cướp mất chút bám víu cuối cùng nơi cọng rau ngọn cỏ! Cộng sản đã ngoảnh mặt trước sư hy sinh của cá chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa tại Hoàng Sa năm 1974, đã bỏ quên hàng ngàn chiến sĩ miền Bắc đã bỏ xác trong trận chiến biên giới 1979. Cộng sản cũng đã làm ngơ trước sự hy sinh của các chiến sĩ hải quân miền Bắc tại Trường Sa năm 1988, Nay cộng sản lại cướp nốt chút hơi ấm còn lại của các thương binh tại Vườn Rau Lộc Hưng:

Người lính thương binh làm sao khi đêm mưa về
Lằng nghe trong tim nỗi đau gần một thế kỷ
Nước mất nhà tan hư hao một đời
Một kiếp thương binh xuân này không nhà, mẹ ơi!

Thương cho trẻ thơ không nơi nương tựa. Thương cho dân oan vất vưởng điêu đứng. Thương cho thương phế binh mất nốt chút an ủi cuối cùng, Trúc Hồ đã chấp tay nguyện cầu mẹ thấu hiểu nỗi đau chất ngất của toàn dân Việt trong gông cùm của loài qủy đỏ.

Mẹ ơi có thấu nỗi đau không nhà
Mẹ ơi có thấu nỗi đau không nhà

Mẹ thấu không? Mẹ ơi mẹ Việt Nam! Mẹ ơi mẹ thánh linh thiêng! Dân Việt mang nỗi đau không nhà. Dân Việt đang bị lưu đày trên chính quê hương mình. Xin mượn lời học giả Đường Thi Cao Phương Kỷ, vừa tạ thế, dâng lời nguyện “Xin mẹ cứu nước con..” Hãy cùng với Trúc Hồ cất tiếng hát “Mẹ ơi có thấu nỗi đau không nhà “ và cùng toàn thể dân Việt nguyện cầu “Mẹ ơi đoái thương xem nước Việt Nam…”