Matt Mahan

ads header

Breaking News

Vũ Linh -DĐTC: Giảm thuế không có lợi cho nhà giàu


APRIL 14 – 2018

GIẢM THUẾ KHÔNG CÓ LỢI CHO NHÀ GIÀU

Vũ Linh - Diễn Đàn Trái Chiều

Cơ quan không đảng phái Tax Policy Center vừa công bố nghiên cứu của họ về tác dụng của luật giảm thuế mới của TT Trump.

Theo họ, thì luật này không có lợi gì cho ’nhà giàu’, không phải là chuyện ‘nhà nghèo phải đóng thuế thay cho nhà giàu’ như TTDC và đảng DC xuyên tạc.

Với luật mới, nhóm 20% giàu nhất nước sẽ phải đóng góp tới 87% tổng số thu hoặch thuế của cả nước. Trong luật thuế cũ, nhóm này đóng góp 84%, tức là bây giờ đóng góp 3% nhiều hơn.

Nhóm 20% này là nhóm những người có lợi tức hàng năm từ 150.000 đô trở lên.

Theo ước tính của Tax Policy Center, khoảng một nửa dân Mỹ sẽ không đóng một xu thuế lợi tức nào. Gần như tất cả những người có lợi tức dưới 50.000 đô sẽ không phải đóng thuế lợi tức gì hết. Trong số những người phải đóng thuế, hơn hai phần ba sẽ đóng thuế ít đi, 6% sẽ đóng thuế cao hơn, phần còn lại, gần 20% vẫn đóng thuế ở mức trước.

Nhìn chung, mức giảm thuế cá nhân khác nhau tùy theo tiểu bang. Tại các tiểu bang có thuế lợi tức cá nhân cao như Cali, trung bình, người dân được giảm thuế khoảng 5%-6%, trong khi dân các tiểu bang không có thuế lợi tức tiểu bang như Texas sẽ được giảm trung bình 10%.

Khối trung lưu cao với lợi tức từ 300.000 đến 700.000 đô sẽ được giảm thuế chừng 3%-4%, trong khi khối thượng lưu với lợi tức trên một triệu được giảm thuế có 2%.

Ở Mỹ, có 9 tiểu bang không đánh thuế lợi tức tiểu bang, trong đó có hai tiểu bang lớn là Texas và Florida. Các tiểu bang khác đều có thuế lợi tức cá nhân, tuy ở mức khác nhau, thấp nhất là North Dakota với mức thuế lợi tức khoảng dưới 3%. Cali có mức thuế lợi tức cá nhân cao nhất nước, từ 7% tới gần 14%, tiếp theo là Oregon, Minnesota, New Jersey, Vermont, New York. Tất cả đều là những tiểu bang theo DC, bầu cho Obama và bà Hillary.

Bản đồ dưới đây cho thấy mức thuế lợi tức của từng tiểu bang.

ĐÀM PHÁN TRUMP – KIM TIẾN TRIỂN

Cuộc đàm phán giữa TT Trump và Cậu Ấm Ủn đang được mọi bên xúc tiến tốt đẹp.

Một mặt, CIA đã có những buổi họp mật sơ khởi với các cơ quan an ninh Bắc Hàn qua phái đoàn BH tại Liên Hiệp Quốc, và tại một quốc gia đệ tam để thảo luận chi tiết như địa điểm, ngày giờ, nhân sự và dĩ nhiên, các biện pháp an ninh. Cho đến nay, tất cả đều còn là bí mật, chưa ai biết gì về những chi tiết này.

Việc quan chức Mỹ nói chuyện với quan chức BH khá rắc rối vì hai bên không thừa nhận nhau và không có quan hệ ngoại giao trực tiếp. Đã vậy, Mỹ hiện không có ngoại trưởng mà cũng không có giám đốc CIA luôn. Cả hai vị mới được bổ nhiệm chưa được Thượng Viện phê chuẩn.

Về địa điểm, đã có nhiều tin có thể là Thụy Điển, nhưng mới đây cũng có tin là có thể sẽ đàm phán tại Mông Cổ (Ngoại Mông). Có một chi tiết nhỏ nhưng cần lưu ý là Cậu Ấm rất sợ đi xa vì lo ngại đảo chánh, và cũng rất sợ đi máy bay vì máy bay BH không an toàn lắm. Mới đây Cậu Ấm đi Bắc Kinh bằng xe lửa riêng. Đi Mông Cổ bằng xe lửa riêng được, nhưng đi Thuỵ Điển thì phải đi máy bay dĩ nhiên.

Nhưng quan trọng hơn nữa là các hoạt động ngoại giao liên quan đến vụ đàm phán. Chính quyền BH đã xác nhận chủ tịch BH sẵn sàng nói chuyện giải giới lực lượng nguyên tử -denuclearization- của BH.

Chính quyền Bắc Kinh đã chính thức “báo cáo’ cho chính phủ Mỹ nội dung cuộc họp giữa hai chủ tịch TC và BH mới đây. Trong khi đó, thủ tướng Nhật sẽ bay qua gặp TT Trump tại Florida trong tuần tới. Tất nhiên triển vọng họp mặt Mỹ-BH phải khá chắc chắn nên thủ tướng Nhật mới phải đích thân qua gặp TT Trump khẩn cấp như vậy.

NAM CALI PHẢN ĐỐI LUẬT ‘TIỂU BANG AN TOÀN CHO DI DÂN’

Biến chuyển mới nhất trong vụ di dân lậu tại Cali: nam Cali nổi loạn chống luật ‘Tiểu Bang An Toàn Cho Di Dân Lậu’, Sanctuary State Law, được biết là luật SB 54.

Khởi đi từ thành phố Los Alamitos thuộc quận Cam, ở ngoại ô Los Angeles, một phong trào thưa kiện tiểu bang Cali về luật này đã bộc phát mạnh tại nam Cali. Cho đến nay, ngoài Los Alamitos, các thành phố trong quận Orange như Aliso Viejo, Fountain Valley, Huntington Beach, Mission Viejo, Newport Beach, Orange, Westminster, San Juan Capistrano và Yorba Linda đã chính thức nộp đơn thưa. Quận Cam cũng đã thưa. Một vài thành phố ở ngoài quận Orange như Escondido (thuộc quận San Diego), Barstow, và Hesperia của quận San Bernadino cũng đã chống lại luật tiểu bang an toàn của TĐ Brown.


Cali là tiểu bang cấp tiến cực đoan nhất nước. Đây là tiểu bang bầu cho bà Hillary nhiều nhất, tính theo tỷ lệ cũng như số phiếu cử tri. Trong vụ bầu tổng thống vừa qua, bà Hillary đã thắng ông Trump gần 6 triệu phiếu. Tính kết số cả nước thì bà Hillary thắng ông Trump 3 triệu phiếu, nghĩa là trên 49 tiểu bang còn lại, ông Trump đã thắng bà Hillary 3 triệu phiếu. Nôm na ra, bà Hillary là tổng thống Cali, ông Trump là tổng thống Mỹ quốc.

Tất cả các quan chức trong hệ thống hành chánh Cali, cũng như tuyệt đại đa số dân cử Cali đều theo DC hết. Các vị dân cử Cali gốc Việt, nếu may mắn không bị bịt miệng hay lôi ra khỏi phòng họp thì tiếng nói cũng chẳng bao nhiêu vì bị đa số DC áp đảo hết.

Nhờ được dìu dắt bởi các quan cấp tiến DC, Cali cũng đã trở thành tiểu bang với nhiều vấn đề nhức răng nhất:

- thuế lợi tức tiểu bang cao nhất,

- thuế dầu xăng cao nhất,

- giá nhà cao nhất,

- đời sống đắt đỏ nhất,

- tiền phạt và lệ phí hành chánh đủ loại cao nhất,

- nhiều người sống bằng trợ cấp nhất,

- nhiều người nghèo nhất,

- nhiều dân vô gia cư homeless nhất,

- học sinh với kết quả sát hạch thấp nhất,

- sinh viên thiên tả quá khích nhiều nhất,

- nhiều dân xì ke ma túy nhất,

- nhiều di dân lậu và băng đảng nhất,

- nhiều luật ngớ ngẩn nhất như người phục dịch tiệm ăn sẽ bị tù nếu đưa ông hút nước plastic cho khách hàng nếu người này không yêu cầu.

GIÁM ĐỐC FBI VIẾT SÁCH

Cựu giám đốc FBI, ông Comey, đã viết hồi ký, dự tính sẽ tung ra bán tháng tới. Việc ông Comey viết sách là chuyện bình thường của chính khách Mỹ sau khi về hưu, luôn viết sách kiếm thêm chút tiền hưu, nhân tiện cũng ‘rằng thì là mà’ biện giải những việc mình đã làm. Đây là những nhu cầu quan trọng, nhất là đối với ông Comey đã bị TT Trump cách chức.

Theo những trích dẫn sơ khởi, hồi ký của ông Comey chỉ là bản cáo trạng đả kích TT Trump từ đầu đến cuối, ngoài việc tự bào chữa cho những sai lầm của chính mình.

Hiện nay đang có 5 cuộc điều tra dính liú không nhiều thì ít, tới ông Comey, đó là các cuộc điều tra của công tố Mueller, Thượng Viện, Hạ Viện, tổng thanh tra bộ Tư Pháp, tổng thanh tra FBI. Ông Comey coi như dùng chiến thuật ‘tiên hạ thủ vi cường’ tung hết những chuyện mình biết để vừa đánh chính quyền Trump vừa phòng thân. Nhưng vấn đề là những điều ông viết ra trong sách có đúng sự thật không, hay sẽ có những bóp méo có lợi cho chính mình.

Vấn đề được nêu lên ở đây vì chưa chi thì người ta đã thấy hai tiết lộ của ông Comey và ông phụ tá McCabe hoàn toàn mâu thuẫn nhau. Ông McCabe trước đây ra lệnh xì một vài tin về cuộc điều tra emails bà Hillary ra cho báo Wall Street Journal. Bị chất vấn bởi tổng thanh tra FBI, ông cho biết ông đã xin phép GĐ Comey để làm chuyện này. Trong khi đó, ông Comey khẳng định ông không hề biết chuyện ông McCabe xì tin mật cho WSJ cho đến khi ông đọc thấy tin này trên báo. Trong hai người, tất nhiên có một người nói láo.

Quan trọng hơn nữa, theo nhận xét chung, việc ông viết sách khai lung tung đủ chuyện, sẽ như là việc xì hỏa mù cho cả năm cuộc điều tra, chẳng ai biết đâu là đâu nữa, đồng thời cũng có thể khiến các cuộc điều tra phải mở rộng ra thêm để điều tra những chuyện mới mà ông Comey có thể tiết lộ.

Chẳng ai biết đâu là sự thật, chỉ biết ông Comey cũng chẳng khác gì cả đám chính khách Mỹ, không bao giờ bỏ lỡ cơ hội kiếm thêm tí tiền còm. Không biết ông Comey được trả bao nhiêu triệu đô cho cuốn sách, chỉ biết ông đang đi một vòng nói chuyện quảng bá sách. Quý độc giả muốn đi nghe? Không có gì khó, chỉ cẩn bỏ ra 1.000 đô thôi.

DÂN MỸ COI TV ĐÀI NÀO?

Hệ thống truyền hình Mỹ trên căn bản, có hai loại đài. Những đài TV bình thường tất cả mọi người có thể bắt được qua ăng-ten thường, là các đài địa phương, liên hệ trực tiếp đến 3 hệ thống TV chính của Mỹ là ABC, CBS và NBC. Cả nước đều coi được những đài này, miễn phí. Ngoài ra, còn có hệ thống TV qua giây cáp, cable TV, thông thường phải trả tiền các công ty giây cáp mới coi được.

Trong hệ thống TV cáp, có cả mấy trăm đài, thuộc đủ loại chuyên ngành, chẳng hạn như những đài chỉ có quảng cáo thương mại, hay có đài chuyên về gia chánh, khí tượng, thể thao, tranh hoạt họa cho trẻ em, du lịch, ... không thiếu loại nào hết.

Riêng về tin tức và bình luận chính trị, cũng có cả mấy chục đài. Có những tổ chức, cơ quan chuyên làm thống kê số người coi các đài, quan trọng nhất là tổ chức Nielsen. Đây là yếu tố quan trọng nhất, có thể nói là sống còn của các đài no8i chung và các chương trình nói riêng. Nhiều người coi thì sẽ có nhiều quảng cáo cũng như giá quảng cáo sẽ cao hơn.

Chúng ta chẳng dính dáng gì đến các chuyện quảng cáo, nhưng cũng nên biết qua về các chương trình TV chính trị nào được dân Mỹ coi nhiều nhất, để có một khái niệm về hậu thuẫn chính trị của các đài TV này. Dưới đây là vài con số mà Nielsen đã đưa ra cho tháng Hai vừa qua.

- Có khoảng gần 80 chương trình TV bàn về những chuyện chính trị.

- Trong 20 chương trình nhiều người coi nhất, 15 là của Fox News, 5 của MSNBC, một công ty con của NBC.

- Tổng cộng số người coi 20 chương trình này là 40 triệu người. Hơn 30T coi các chương trình của Fox News, 10T coi các chương trình của MSNBC.

- Trong 5 chương trình top, Fox News chiếm hạng 1 (Hannity: 3,3T), 2 (Tucker Carlson: 3,2T), 4 (Ingraham: 2,6T), và 5 (Bret Baier: 2,5T). MSNBC chiếm hạng 3 (Rachel Maddow: 2,9T). Tổng cộng Fox News: 11,6T, gấp 4 lần số người coi MSNBC.

- Chương trình ‘hạng bét’ của Fox News là Fox News At Night, hạng 19 với 1,5T người coi.

- Chương trình ‘hạng nhất’ của CNN là của Anderson Cooper, hạng 24, với 1,1T người coi. Nôm na là chương trình ăn khách nhất cùa CNN vẫn đứng 5 bậc sau chương trình hạng bét của Fox News.

- Tổng số người coi các chương trình của Fox News lớn hơn tổng số các người coi tất cả các chương trình khác hợp lại, kể cả ABC, NBC, CBS, MSNBC, và CNN.

CÁI NGUY CỦA VIỆC LÀM... CỰU TỔNG THỐNG

Trong các chế độ dân chủ, người dân bầu tổng thống cho một hai nhiệm kỳ, sau đó thì tổng thống yên ổn gác kiếm về nhà đi câu, cho tổng thống mới lên thay thế. Nghe có vẻ lý tưởng, thần tiên. Nhưng thực tế coi bộ nhức đầu hơn nhiều. Tin báo chí mới nhất, cựu tổng thống Brazil đã khăn gói vào ngồi tù 12 năm. Cựu tổng thống Nam Phi thì đang vác chiếu hầu toà. Cựu tổng thống Peru đi tù rồi, xin ân xá bị bác.

Rồi tin mới nhất, cựu tổng thống Nam Hàn, bà Park Geun Hye đang làm tổng thống, bị đàn hặc, truất phế, rồi ra tòa. Bây giờ bị tuyên án 24 năm tù.

Đại Hàn hiển nhiên đoạt kỷ lục về cựu tổng thống không bị giết thì cũng đi tù. Từ sau chiến tranh Cao Ly cho tới nay, tổng cộng đã có 9 vị tổng thống. Hai vị tổng thống đầu tiên là Lý Thừa Vãn và Phác Chánh Hy đều bị đảo chánh. Ông Lý đi lưu vong, ông Phác bị giết. Tiếp theo là 7 tổng thống, tất cả đều bị dính dáng vào tham nhũng, hoặc trực tiếp nhúng tay, hoặc vợ con, hoặc phụ tá hay bạn tâm giao. Kết quả hoặc đi tù hoặc tự tử vì xấu hổ. Chẳng có một người nào đi vào lịch sử một cách huy hoàng hết.

Mặt trái của dân chủ?