Tập Cận Bình biết dọn đường để cầm quyền lâu dài
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lúc đến khai mạc Đại Hội 19 của ĐCSTQ, ngày 18/10/2017. REUTERS/Jason Lee |
(RFI) Theo thông lệ tại Trung Quốc trong thời gian gần đây, nhiệm kỳ của người lãnh đạo tối cao là 5 năm, và từ thời Giang Trạch Dân đến nay, tên tuổi người kế nhiệm vào vị trí số một thường được biết trước, và người này luôn được bầu vào Ủy Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị. Với ông Tập Cận Bình, tình hình có dấu hiệu đổi khác, và trong thời gian qua, giới quan sát dự đoán rằng ông sẽ tìm cách ở lại lâu dài ở vị trí lãnh đạo tối cao. Kịch bản này đã được tiến hành theo hai bước nhân Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc vừa kết thúc, với hồi thứ hai vừa hoàn tất hôm nay, 25/10/2017 với việc bầu ra Ủy Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị khóa mới.
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, trong số 7 ủy viên thường vụ của Bộ Chính Trị mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), hầu như không có người nào có thể là mối đe dọa đối với ông Tập Cận Bình.
Điểm đáng chú ý nhất, là ngoại trừ hai người cũ là ông Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường, trong số 5 người mới được đưa vào cơ chế lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, không một ai có điều kiện tuổi tác để có thể thay thế ông Tập Cận Bình trong vòng 5 năm tới đây : Tất cả đều tuổi từ 60 trở lên, do đó sẽ quá già - hay nói đúng hơn là quá tuổi được quy định - để có thể được chọn lên kế nhiệm ông tại Đại Hội Đảng vào năm 2022.
Một điểm đáng chú ý thứ hai, là hai nhân vật, cho đến nay được cho là có thể kế nhiệm ông Tập Cận Bình đều không được bầu vào Ủy Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị. Đó là trường hợp của ông Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua) bí thư Quảng Đông, và Trần Mẫn Nhi (Chen Miner) cựu bí thư Trùng Khánh.
Hai người này thuộc diện « thế hệ thứ sáu », tức là ở độ tuổi 50, lớp hoàn toàn đủ điều kiện tuổi tác để kế nhiệm ông Tập Cận Bình trong năm năm tới đây. Có điều là dù được bầu vào Bộ Chính Trị gồm 25 thành viên, hai nhân vật này không vào được Ủy Ban Thường Vụ.
Cách nay 10 năm, nhân Đại Hội Đảng lần thứ 17 năm 2007, việc đề cử hai « thanh niên » Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường vào Ủy Ban Thường Vụ là tín hiệu cho thấy họ sẽ trở thành hai lãnh đạo tối cao trong tương lại thế vào vị trí của hai ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo, điều đã được xác nhận tại Đại Hội thứ 18.
Tóm lại, trong Ủy Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị vừa được bầu lên hoàn toàn vắng bóng những người có thể kế nhiệm ông Tập Cận Bình.
Ông Tập Cận Bình như vậy đã thành công trong việc chặn đường người kế nhiệm bằng tiêu chí tuổi tác. Còn bản thân ông, đã 64 tuổi, được cho là sẽ đương nhiên không bị giới hạn tuổi tác chi phối.
Với sự kiện « Tư Tưởng Tập Cận Bình » được đưa vào điều lệ Đảng vào hôm qua, câu hỏi đặt ra là liệu có ai dám đặt ra vấn đề hạn tuổi đối với ông Tập Cận Bình vào năm năm, hay 10 năm tới đây nếu ông muốn tiếp tục lãnh đạo đất nước.
Có thể nói rằng việc đưa « Tư Tưởng Tập Cận Bình » vào điều lệ Đảng Cộng Sản Trung Quốc chính là bước một của tiến trình dọn đường cho đương kim lãnh đạo Trung Quốc trụ lại lâu dài ở thượng tầng quyền lực.
Đối với hãng tin Anh Reuters, các yếu tố trên đây đã làm dấy lên những suy đoán về dụng tâm của ông Tập Cận Bình là muốn tiếp tục nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc sau nhiệm kỳ chính thức thứ hai sẽ kết thúc vào năm 2022.