Matt Mahan

ads header

Breaking News

Trump gây khó khăn cho chiến lược Bắc Triều Tiên của Mỹ

Quang cảnh phiên họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 72 tại New York ngày 19/09/2017. REUTERS/Brendan McDermid
Trump gây thêm khó khăn cho chiến lược Bắc Triều Tiên của Mỹ

(RFI) Ai cũng biết rằng ông Donald Trump không phải là một nhân vật ôn hòa, nhưng hôm qua cả thế giới đã sững sờ khi nghe tổng thống Hoa Kỳ lên tiếng đe dọa « hủy diệt  hoàn toàn » Bắc Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một vị tổng thống Mỹ đưa ra lời đe dọa tiêu diệt một quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc. Cho tới nay, người ta chỉ nghe những lời đe dọa như vậy từ chế độ như Bình Nhưỡng.

Khi phát biểu như trên, ông Donald Trump có lẽ muốn thể hiện quyết tâm của Washington bằng mọi giá ngăn chận Bắc Triều Tiên trang bị vũ khí hủy diệt hàng loạt, cho dù chính quyền Hoa Kỳ hiện nay biết rằng họ không thể chọn ngay giải pháp quân sự với chế độ Bình Nhưỡng. Bởi vì, mọi can thiệp quân sự nhằm tiêu diệt kho vũ khí tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên đều chứa đựng nhiều nguy cơ đối với các đồng minh của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản, những nơi hoàn toàn nằm trong tầm bắn của tên lửa Bắc Triều Tiên.

Bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis, khi được hỏi về bài phát biểu của tổng thống Trump hôm qua, đã tuyên bố rằng chính quyền Hoa Kỳ vẫn muốn giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên « thông qua các phương tiện ngoại giao ».

Các biện pháp trừng phạt ngày càng nặng nề của Liên Hiệp Quốc nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng cho tới nay hầu như không có tác dụng, trong khi mà chính quyền Mỹ vẫn chưa vạch ra được chiến lược nào khác một cách rõ ràng. Nga và Trung Quốc, tuy bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc, vẫn thúc giục Hoa Kỳ tìm cách đối thoại với Bắc Triều Tiên. Nhưng phía Mỹ cho rằng hiện chưa phải là lúc mở lại đàm phán chính thức với chế độ Kim Jong-Un.

Trong khi đó, tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, bài phát biểu của tổng thống Trump có giọng điệu ngày càng hiếu chiến với Bắc Triều Tiên. Tệ hại hơn, tổng thống Mỹ còn đặt hai chế độ Bình Nhưỡng và Teheran vào chung một rọ mang tên là « quốc gia côn đồ ». Bất chấp việc Iran đã chấp nhận ký với các cường quốc một hiệp định về ngưng chương trình hạt nhân của nước này cách đây hai năm, nhưng tổng thống Trump lại dọa sẽ rút khỏi hoặc sửa đổi hiệp định này.

Theo nhận định của chuyên gia Mark Fitzpatrick, thuộc Viện Quốc tế Nghiên Cứu Chiến Lược, IISS, việc ông Trump so sánh Bình Nhưỡng với Teheran có thể khiến cho Kim Jong-Un càng thấy cần phải trang bị vũ khí nguyên tử và tên lửa đạn đạo để đối đầu với Hoa Kỳ, và không thể nào thương lượng một hiệp định tương tự với Mỹ để rồi cũng sẽ có chung số phận như Iran.

Khi thương lượng hiệp định hạt nhân Iran năm 2015, chính quyền Obama vẫn luôn nhấn mạnh rằng thỏa thuận này nhằm chứng tỏ Washington sẵn sàng thương lượng với bất cứ đối thủ nào có thiện chí, ám chỉ đến những quốc gia như Bắc Triều Tiên.

Với những vụ bắn tên lửa và thử hạt nhân khiêu khích cộng đồng quốc tế, Bình Nhưỡng coi như đã loại trừ khả năng đạt thương lượng ngoại giao. Nhưng các đồng minh của Mỹ vẫn không muốn tổng thống Trump từ bỏ hẳn giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên.

Hôm qua, phát biểu trước ông Trump, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi chọn con đường ngoại giao. Một sự mong đợi không được đáp trả. Vài phút sau, tổng thống Mỹ đã dọa « hủy diệt hoàn toàn » Bắc Triều Tiên và như vậy ông đã khép chặt hơn nữa cánh cửa đối thoại với Bình Nhưỡng.

Nếu Kim Jong Un tiếp tục cho bắn tên lửa và thử hạt nhân mà chính quyền Trump vẫn không có hành động quân sự nào để « hủy diệt hoàn toàn », thì lúc đó còn gì là uy tín của Hoa Kỳ ?