Dân Đồng Tâm 'quyết chiến' nếu công an cố bắt người
Một cảnh sát cảm ơn người dân Đồng Tâm khi được trả tự do, 22/4/2017 |
(VOA) Công an Hà Nội gửi giấy triệu tập hơn 70 người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Trong khi đó, dân xã nói sẽ quyết chiến nếu công an cố bắt người, theo lời một nhà hoạt động thuật lại với VOA.
Ông Trịnh Bá Phương, nhà hoạt động về quyền đất đai được biết đến rộng rãi ở Việt Nam, nói người dân Đồng Tâm thấy bất an về việc công an chuẩn bị “một trận đánh lớn” nhằm vào họ.
Công an nêu lý do trong giấy triệu tập là để làm rõ về vụ “bắt người trái phép” và “gây rối trật tự công cộng” xảy ra ở xã hồi giữa tháng 4.
Con số tới hơn 70 người bị triệu tập được xem là “trường hợp đặc biệt”, theo ông Phương, vì từ trước đến nay rất ít nơi ở Việt Nam có số người bị triệu tập đông đến như vậy.
Ông Phương cho biết thêm người dân nói với ông rằng công an có âm mưu “bắt nguội” 4 người dân làng được coi là những nhân vật chủ chốt. Trong số đó có ông Lê Đình Công, con trai cụ Lê Đình Kình vốn được xem là “thủ lĩnh tinh thần” trong cuộc tranh chấp đất với nhà nước.
VOA chưa được phía công an xác nhận thông tin này.
Với thông tin có được từ những người xã Đồng Tâm, ông Phương lo ngại rằng nếu công an bắt người, có thể xảy ra đụng độ lớn:
“Người dân Đồng Tâm đã tuyên bố với chính quyền, với lực lượng công an của Hà Nội rằng sau khi nhận hơn 70 quyết định triệu tập, chỉ cần bất kỳ ai ở Đồng Tâm bị bắt thì họ sẽ đóng cửa ủy ban [nhân dân], hai là họ sẽ không còn nhân nhượng với lực lượng cưỡng chế, với những quan chức tham nhũng ở địa phương nữa. Sự không nhân nhượng của người Đồng Tâm theo tôi phỏng đoán rất là nghiêm trọng. Tại Đồng Tâm có thể lặp lại nhiều vụ ở Đắc Nông”.
Ý ông Phương nhắc đến vụ người dân bất bình khi bị giải tỏa đất, đã bắn chết 3 người, 16 người bị thương ở tỉnh trên Tây Nguyên hồi cuối tháng 10/2016.
Hồi giữa tháng 4, khi chính quyền Hà Nội tìm cách thu hồi đất ở xã Đồng Tâm để trao cho tập đoàn nhà nước Viettel làm dự án, người dân đã chống trả, giữ lại 20 nhân viên cảnh sát, và “đóng cửa” làng trong nhiều ngày.
Sau một tuần, người dân xã đã thả số người bị cầm giữ khi chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết bằng văn bản không truy tố người dân.
Tuy nhiên, đầu tháng 6, công an thành phố đã khởi tố vụ án hình sự về việc dân Đồng Tâm giữ người nhà nước. Chủ tịch Chung bị nhiều người lên án “phá vỡ cam kết”.
Cuối tháng 7, thanh tra thành phố Hà Nội đưa ra kết luận rằng toàn bộ vùng đất sân bay Miếu Môn, xã Đồng Tâm, mà người dân có tranh chấp với nhà nước, là đất quốc phòng. Người dân Đồng Tâm phản đối kết luận này.
Trước những động thái của chính quyền chứa đựng đầy bất lợi cho người dân Đồng Tâm, họ đã liên kết với nhà hoạt động vì quyền đất đai Trịnh Bá Phương ở Dương Nội, Hà Nội.
Họ và ông Phương dự định tiếp xúc với các quốc gia dân chủ để cung cấp thông tin về những bất công trong lĩnh vực đất đai.
Trong nỗ lực đó, họ dự kiến gặp tham tán chính trị đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội vào đầu giờ chiều ngày 25/8, nhưng đã bị công an ngăn cản. Ông Phương cho hay:
“Thì [chuẩn bị cho] buổi tiếp xúc với đại sứ quán Mỹ, người dân Đồng Tâm đã photo rất nhiều giấy tờ, hồ sơ liên quan đến vụ Đồng Tâm, và khẳng định đất nông nghiệp tại Đồng Sênh, 59 hectare đó, là đất của người dân Đồng Tâm và Bộ Quốc phòng không có quyền xâm phạm đến mảnh đất của Đồng Tâm. Người dân muốn bày tỏ với đại sứ quán Hoa Kỳ rằng hiện nay Hà Nội đang vi phạm nhân quyền, đang tước đoạt đất đai trái phép và đang lăm le bắt giữ người dân. Ra quyết định như vậy là hành vi khủng bố người dân”.
Ông Phương nói dù không được gặp trực tiếp, song qua trao đổi với một viên chức đại sứ quán Mỹ, ông được biết đại sứ quán “rất quan tâm”, và việc chính quyền ngăn cản cuộc gặp càng làm họ “chú ý hơn”.
Viên chức đại sứ quán, theo lời ông Phương, nói “không bất ngờ” về việc Hà Nội ngăn cản cuộc gặp vì những việc tương tự đã diễn ra nhiều lần trước đây. Viên chức nói vẫn sẵn sàng gặp người dân Đồng Tâm bất cứ khi nào họ thu xếp được.
Ông Phương khẳng định người Đồng Tâm sẽ “tìm cách này hay cách khác” để nêu ra trường hợp của họ với Mỹ và các quốc gia dân chủ.
Việt Nam khởi tố thêm tội danh đối với Luật sư Nguyễn Văn Đài
Thông báo của Viện Kiểm sát Tối cao về tội danh của LS Nguyễn Văn Đài. (Photo: Facebook Ha Huy Son) |
Từ Hà Nội, Luật sư Hà Huy Sơn hôm 25/8 nói với VOA rằng ông Đài trước đây bị truy tố theo Điều 88 “tuyên truyền chống phá nhà nước,” nay vừa bị khởi tố thêm Điều 79 “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân,” theo một thông báo mà văn phòng của ông vừa nhận được từ Viện Kiểm sát Tối cao hôm 24/8:
“Tôi có nhận thông báo của Viện Kiểm sát Tối cao, khởi tố thêm tội ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo Điều 79. Vì vụ án thuộc Chương An ninh Quốc gia nên họ chưa cho luật sư tham gia. Tôi chưa được tiếp cận luật sư Đài.”
Cũng theo Luật sư Sơn, ông Đài bị bắt vào tháng 12 năm 2015 cùng với cộng sự là bà Lê Thu Hà và thời hạn điều tra và gia hạn điều tra đã chấm dứt vào ngày 16/8/2017.
Luật sư Hà Huy Sơn cho biết thêm rằng theo luật định, khi bị truy tố thêm tội danh, thời gian điều tra tối đa là 20 tháng và có khả năng việc điều tra vụ án thuộc tội xâm phạm an ninh quốc gia này sẽ kéo dài, đặc biệt là khi Bộ Công an mở rộng vụ án, vừa bắt thêm bốn nhà tranh đấu khác trong tháng vừa rồi.
Bà Vũ Minh Khánh, vợ của Luật sư Đài nói rằng chồng bà vô tội:
“Họ cố tình gán ghép chồng tôi vào tội danh như vậy. Tôi biết chắc chắn một điều rằng chồng tôi vô tội, chồng tôi hoàn toàn đấu tranh cho tiếng nói của người dân. Chồng tôi không làm gì vi phạm luật pháp, hay Hiến pháp của Việt Nam.”
Vào cuối tháng 7, Hà Nội bắt giữ các nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Tôn và Phạm Văn Trội, gọi là “các bị can” trong vụ án "Nguyễn Văn Đài và đồng bọn.”
Bà Minh Khánh phản đối việc chính quyền Việt Nam bắt giam những nhà tranh đấu:
“Họ cố tình trù dập và bắt bớ những người lên tiếng cho tiếng nói của công lý, lương tâm và nhân quyền. Chồng tôi và những người khác không hề có vũ khí hay lực lượng làm sao có thể gọi là ‘lật đổ chính quyền. Họ cố tình rất dã man và đưa tội danh đó vào. Tôi kịch liệt phản đối cách hành xử của nhà nước cộng sản.”
Hôm 21/8, Nữ dân biểu Hoa Kỳ Zoe Lofgren, đại diện Điạ hạt 19, bang California đã viết thư cho Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson yêu cầu Hoa Kỳ có thái độ đối với hành động đàn áp nhân quyền ở Việt Nam, đơn cử việc Hà Nội bắt giữ các nhà hoạt động trong vụ án Nguyễn Văn Đài.
Trong tuyên bố báo chí ngày 21/8 về Đối thoại Nhân quyền hàng năm lần thứ 14 giữa Australia - Việt Nam năm 2017, Bộ Ngoại giao Australia “bày tỏ lo ngại về việc chính phủ Việt nam tiếp tục ngăn chặn, cấm đoán đối với các quyền dân sự và chính trị, bao gồm tự do ngôn luận, hiệp hội và hội họp.” Phía Australia nhấn mạnh mối lo ngại nghiêm trọng về việc quấy rối, bắt và giam giữ các nhà hoạt động nhân quyền. Australia đã nêu ra những trường hợp cụ thể cần phải quan tâm.