Matt Mahan

ads header

Breaking News

Vụ "đánh bom quần lót" máy bay, qua lời kể của thủ phạm

Umar Farouk Abdulmutallab (trái) và giáo sĩ Anwar al-Awlaki
Vụ "đánh bom quần lót" máy bay Northwest Airlines qua lời kể của thủ phạm 

Ngày 25/12/2009, khi đang chở 290 hành khách và phi hành đoàn đến Detroit, tiểu bang Michigan, chiếc máy bay Airbus A330-323E mang số hiệu 253 của hãng hàng không Northwest Airlines, bị một phần tử al-Qaeda đánh bom bằng chất nổ dẻo giấu trong quần lót.

May mắn, quả bom tự chế này không phát nổ mà chỉ tóe lửa, khiến thủ phạm phỏng nặng và lập tức bị khống chế. Vụ việc gây chấn động vì Umar Farouk Abdulmutallab, thủ phạm vụ đánh bom, có thể lọt qua hàng rào an ninh để lên máy bay cũng như mức độ tinh vi của chất nổ mà al-Qaeda sử dụng.

Các tài liệu mới công bố mà New York Times có được sau hai năm đấu tranh pháp lý dựa trên Đạo luật tự do thông tin đã cung cấp cái nhìn rõ nét hơn về vụ án năm xưa.

Giáo sĩ Anwar al-Awlaki chủ mưu

Trong hàng loạt cuộc trao đổi ở các điểm trú ẩn của al-Qaeda tại Yemen vào năm 2009, Anwar al-Awlaki đều chăm chú quan sát Umar Farouk Abdulmutallab, một tình nguyện viên trẻ người Nigeria. Awalaki kết luận cậu thanh niên này có đủ tinh thần dấn thân để thực hiện "sứ mệnh cảm tử" và cuối cùng y đã chỉ đạo Abdulmutallab thực hiện một vụ đánh bom tự sát, theo New York Times.

Awlaki, một giáo sĩ Hồi giáo sinh ra tại Mỹ, là chuyên gia tuyên truyền hàng đầu cho al-Qaeda. Y đã nói với Abdulmutallab rằng "vụ tấn công nên xảy ra trên một máy bay Mỹ", theo lời Abdulmutallab.

Abdulmutallab khai với các nhân viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hắn "quyết tâm sát hại người vô tội và xem cái chết của họ như 'tổn thất ngoài dự kiến'".

Việc chính phủ Mỹ cáo buộc Awlaki đứng sau âm mưu đánh bom bằng chất nổ giấu trong đồ lót trở thành cái cớ làm cho Tổng thống Barack Obama ra lệnh tiêu diệt giáo sĩ này trong một vụ không kích bằng máy bay không người lái ở Yemen vào năm 2011.

Awlaki là công dân Mỹ đầu tiên bị tiêu diệt chủ động theo lệnh từ Tổng thống mà không qua bất kỳ quy trình truy tố hình sự hay xét xử nào kể từ cuộc nội chiến Mỹ (1861 - 1865).

Một số học giả chất vấn tính hợp hiến trong mệnh lệnh trên. Tổng thống Obama cho rằng quyết định tiêu diệt Awlaki cũng giống như hành động có thể biện minh của cảnh sát khi họ bắn chết một người có súng đang đe dọa mạng sống những người xung quanh.

200 trang tài liệu với những phần bị kiểm duyệt đã được cấp cho New York Times theo lệnh từ một thẩm phán tòa án liên bang cho thấy chính quyền Obama đã nắm rõ chính Awlaki giám sát công tác huấn luyện cũng như là người lên ý tưởng cho Abdulmutallab thực hiện âm mưu đánh bom.

FBI đưa người thân của Abdulmutallab đến Mỹ để động viên tinh thần và khuyên y mở miệng. Cuối cùng, họ thành công. Trong nhiều cuộc thẩm vấn, Abdulmutallab miêu tả tất cả những người mà y có thể nhớ từ chi nhánh al-Qaeda trên bán đảo Arab (AQAP) tại Yemen.

Abdulmutallab cũng giúp tái dựng sơ đồ một trại huấn luyện khủng bố, căn nhà Awlaki sống cùng nhiều căn nhà khác của al-Qaeda ở Yemen.

Đánh bom bất thành

Awlaki, người mà các thành viên thuộc một trại huấn luyện của al-Qaeda ở Yemen đều gọi là sheikh (thủ lĩnh), dành rất nhiều thời gian để nói chuyện với Abdulmutallab, lúc bấy giờ mới 23 tuổi và là con trai một ông chủ nhà băng giàu có.

Abdulmutallab khai với FBI rằng Awlaki cho y tá túc tại căn nhà của hắn ở tỉnh Shabwah, đồng thời giới thiệu y cho những chuyên gia huấn luyện khác cũng như các chuyên gia chế tạo bom al-Qaeda. Awlaki còn giao cho Abdulmutallab một địa chỉ email để báo cáo về tiến độ thực hiện âm mưu.

Awlaki khuyên Abdulmutallab xóa vết tích bằng cách bay từ Yemen đến một nước châu Phi khác rồi mới đặt vé cho chuyến bay mà y dự định kích nổ bom. Abdulmutallab được quyền tự quyết định điểm đến hay thời điểm chính xác để đánh bom.

Abdulmutallab cho biết y chọn Detroit và ngày 25/12 là hoàn toàn ngẫu nhiên dựa trên giá vé và lịch bay. Awlaki cũng đưa ra lời nhắc nhở cuối cùng: "Hãy đợi đến khi tới Mỹ rồi mới đánh bom".

Theo lời Abdulmutallab, y đã theo dõi lộ trình chuyến bay 253 của hãng hàng không Northwest Airlines trên màn hình gắn sau ghế ngồi trên máy bay suốt thời gian nó khởi hành từ Amsterdam, Hà Lan, đến Canada.

Khi máy bay tiếp cận biên giới Mỹ, y vào phòng vệ sinh để thực hiện các bước chuẩn bị cuối cùng cho vụ tấn công và dự định kích nổ bom tại đây. Tuy nhiên, nhằm chắc chắn đã ở trên đất Mỹ, y quay trở lại ghế ngồi để kiểm tra bản đồ trước khi nhấn ống bơm dưới quần áo với mục đích pha trộn các hóa chất và đốt cháy chất nổ.

Có lẽ do bị ẩm quá mức, quả bom không phát nổ mà chỉ tóe lửa, khiến Abdulmutallab bỏng nặng. Abdulmutallab cho hay lúc đó, y đã cố cởi chiếc quần dài đang bốc cháy ra trong lúc những hành khách khác nhảy bổ vào khống chế y.

Abdulmutallab bị khống chế sau khi kích nổ bom quần lót bất thành
Trước khi bị dẫn giải khỏi phi cơ, Abdulmutallab thừa nhận cố kích nổ một quả bom và là thành viên al-Qaeda. Y im bặt và chỉ hé miệng trở lại vài tuần sau đó. Abdulmutallab khiến các công tố viên bất ngờ tại phiên tòa xét xử y vào năm 2011 khi bỗng nhiên nhận tội. Y bị kết án tù chung thân vào năm 2012.

Các cuộc thẩm vấn của FBI đã hé lộ câu chuyện về một người rụt rè, thành thực và đứng đắn, con trai một ông chủ nhà băng có vai vế người Nigeria. Abdulmutallab nói y theo học Đại học London, Anh, với mong muốn nghiên cứu kỹ thuật công trình để sau này về làm việc cho công ty xây dựng gia đình. Y sống trong một căn hộ đắt tiền ở London. Tuy nhiên, Abdulmutallab bỗng dưng chú ý đến vấn đề tôn giáo và nó dần lấn át các mối quan tâm khác trong cuộc sống của y.

Năm 2005, Abdulmutallab phát hiện ra những đoạn ghi âm các bài thuyết giảng của Awlaki được bán tại một tiệm sách Hồi giáo ở London. Lúc bấy giờ, giáo sĩ Awlaki vẫn chưa hoàn toàn ủng hộ bạo lực.

Năm 2009, trong lúc đang sinh sống ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Abdulmutallab chợt nhận thấy "Đấng tối cao đang chỉ lối" đưa y tới "con đường mới". Abdulmutallab lập tức sang Yemen, tìm kiếm Awlaki, một thủ lĩnh al-Qaeda mới nổi thời điểm bấy giờ.

Trong quá trình huấn luyện, y tập dùng súng trường Kalashnikov một vài lần nhưng "chưa bao giờ bắn dễ dàng". Tuy nhiên, sự nghiêm túc của Abdulmutallab đã thuyết phục Awlaki rằng y đáng tin cậy, đủ để giao phó thực hiện một cuộc tấn công tự sát.

Khi một người bạn từ Nigeria gọi điện hối thúc Abdulmutallab về nhà, y biết cha mẹ đã nhờ anh ta gọi. Lúc chuẩn bị cho chuyến bay đến Detroit, y lo lắng tìm cách nói lời chia tay họ.

Abdulmutallab khai chỉ có Awlaki hoặc một thủ lĩnh vai vế tương đương mới có "thẩm quyền tôn giáo" để khuyên y dừng lại. Email cuối cùng từ giáo sĩ Awlaki đã động viên y thực hiện sứ mệnh chết chóc. "Tôi chúc kế hoạch diễn ra suôn sẻ, tôi chúc cậu điều tốt đẹp nhất", Awlaki viết.