Matt Mahan

ads header

Breaking News

Hơn 80,000 chữ ký yêu cầu Đài Loan áp lực Formosa.

Hàng ngàn người dân biểu tình trước cơ sở của công ty Formosa tại Vũng Áng, Hà Tĩnh, ngày 2 Tháng Mười, 2016. (Hình: FB SVLê)
Hơn 80,000 chữ ký yêu cầu Đài Loan áp lực Formosa ‘khắc phục thảm họa’

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Đã có hơn 80,000 người ký tên vào bản kiến nghị kêu gọi chính phủ Đài Loan áp lực công ty Formosa “khắc phục thảm họa” mà họ gây ra tại vùng biển miền Trung Việt Nam.

Theo thông báo trên trang thông tin và thu thập chữ ký https://www.thamhoaformosa.com, tính tới ngày 30 Tháng Ba, đã có 80,178 người Việt Nam khắp nơi đã ký vào bản kiến nghị kêu gọi chính phủ Đài Loan, các định chế quốc tế làm áp lực buộc công ty Formosa khắc phục thảm họa, trả lại môi trường trong sạch và đền bù thỏa đáng cho các nạn nhân.

Từ hơn một tuần lễ qua, thỉnh nguyện thư do Ủy Ban Trợ Giúp Nạn Nhân Môi Trường Biển thuộc Giáo Phận Vinh, phối hợp với các tổ chức dân sự độc lập tại Việt Nam, vận động chữ ký của người dân Việt Nam khắp nơi yêu cầu chính phủ Đài Loan tác động tới công ty Formosa.

Formosa tuy là một công ty có trụ sở chính ở Đài Loan nhưng khi xây dựng nhà máy luyện gang thép ở cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh, thì sử dụng hầu hết nhân sự là người của Trung Quốc, mọi thứ trang bị máy móc hầu hết cũng mang từ Trung Quốc đến. Khi mới chuẩn bị xây dựng dự án, họ đã cam kết bảo vệ môi trường.

Ngày 2 Tháng Mười Hai, 2012, khi mời Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tới dự lễ khởi công xây dựng nhà máy gang thép Formosa, đại diện công ty này đã tuyên bố bảo đảm “xây dựng đúng tiến độ và bảo vệ môi trường.”

Nhưng đến Tháng Tư, 2016, thử một số bộ phận chuẩn bị đi vào sản xuất, Formosa đã thải ra biển một lượng rất lớn các loại hóa chất cực độc, giết chết tất cả mọi loại tôm cá và sinh vật biển một dọc dài hơn 200 km mà hiện chưa có thống kê nào thống kê đầy đủ các sự thiệt hại cho biển cũng như người dân Việt Nam, đã xảy ra cũng như về lâu về dài.

Người ta chỉ ước lượng biển miền Trung Việt Nam không “tự khắc phục” được mà cần hàng chục tỉ đô la để tẩy rửa nếu không muốn di hại tới nhiều thế hệ. Nhà cầm quyền CSVN không công bố chi tiết các cuộc điều tra về thảm họa cũng như các cuộc điều đình với Formosa trong khi người dân đòi biết.

Nhà cầm quyền CSVN cầm của công ty Formosa $500 triệu nói là bồi thường thiệt hại nhưng chỉ phát lại cho phần nào những người dân dọc theo bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, bỏ mặc dân Nghệ An cũng bị ảnh hưởng vì tôm cá của họ dù có đánh lên được tí nào cũng không ai mua, vì không ai dám ăn.

Đã vậy, nhà cầm quyền địa phương còn ma mãnh, phân phát theo ý riêng, cho người nhà, cán bộ, không đúng thực tế khiến dân chúng dù đã được một ít tiền bồi thường vẫn biểu tình chống đối. Các nạn nhân tại tỉnh Nghệ An cũng đã nhiều lần biểu tình và đi kiện đòi bồi thường nhưng đều bị nhà cầm quyền đàn áp.

Bản kiến nghị viết rằng: “Thảm họa Formosa đã phá hủy nguồn thủy sản, là nguồn thực phẩm chính yếu, truyền thống của người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, thảm họa này đã cướp mất nghề nghiệp của hàng trăm ngàn lao động trong các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá. Các nghề nghiệp liên quan như du lịch, khách sạn, nhà hàng… cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều gia đình lâm vào cảnh túng quẫn do thất nghiệp, nhiều người phải bỏ quê hương xứ sở đi mưu sinh ở những nơi xa. Nhiều trẻ em có nguy cơ rơi vào cảnh thất học do gia đình mất nguồn thu nhập.”

Chưa hết, “Bên cạnh đó, chúng tôi còn đối mặt với nguy cơ mắc các chứng bệnh nan y như ung thư, dị tật, quái thai, thần kinh… do ăn phải thực phẩm bị nhiễm độc tố kim loại nặng do Formosa thải ra tồn lưu trong biển. Kinh hoàng hơn nữa khi báo chí đã tiết lộ nhiều thông tin cho rằng, Formosa không chỉ xả thải ra biển mà còn chôn chất thải rắn nhiều nơi trên đất liền và cả nguồn khí thải cũng chứa nhiều độc tố. Chúng tôi thật sự rất hoang mang lo sợ cho sức khỏe, tính mạng của chúng tôi và tương lai giống nòi của chúng tôi.”

Hiện cuộc vận động chữ ký kêu gọi chính phủ Đài Loan và các định chế quốc tế vẫn đang tiến hành. Trang thông tin lấy chữ ký https://thamhoaformosa.com khó vào vì bị nhà cầm quyền CSVN liên tục ngăn chặn. (TN)

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com