Đạo luật chế tài vi phạm nhân quyền áp dụng thế nào với VN
Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Ủy Ban Cứu trợ Người Vượt biển (BPSOS). |
(VOA) Ủy ban Cứu trợ Người Vượt biển (BPSOS) hôm 17/3 đã hoàn tất và đệ trình danh sách 168 tổ chức, cá nhân kể cả quan chức, vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam lên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để áp dụng các chế tài trừng phạt theo Đạo Luật Nhân Quyền Toàn Cầu Magnitsky (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act).
Đạo luật được thông qua bởi cựu Tổng thống Barack Obama (23/12/2016) quy định các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân, tổ chức bị chính phủ Mỹ coi là đã tham gia các hoạt động tham nhũng hay vi phạm nhân quyền. Theo luật này, một số các Ủy ban của Hạ và Thượng Viện (bên lập pháp), hay bộ phận chuyên trách dân chủ, nhân Quyền và lao Động trong Bộ Ngoại Giao (bên hành pháp) đều có thể lập ra danh sách đề nghị chế tài. Nếu đề nghị được chấp thuận thì những cá nhân hay tổ chức có tên trong “sổ đen” sẽ bị đóng băng tài sản ở Hoa Kỳ cũng như bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.
Danh sách BPSOS vừa hoàn tất gồm có 5 giới chức thuộc chính quyền trung ương và 38 giới chức lãnh đạo cấp tỉnh. Số còn lại gồm các viên chức thừa hành cấp tỉnh hay lãnh đạo cấp địa phương. Ngoài ra, có một người đứng đầu một tập đoàn doanh nghiệp liên quan đến việc chính quyền dùng bạo lực để cưỡng chế đất của một xứ đạo Công Giáo năm 2010.
Tiến sĩ Nguyễn Đình thắng, Giám đốc điều hành BPSOS, cho VOA biết rằng ông và các cộng sự của mình đã điều tra, phối kiểm cũng như chuẩn bị danh sách này trong vào 3 năm liền, cho nên khi Đạo Luật này được áp dụng, BPSOS là tổ chức đầu tiên đệ trình danh sách chế tài liên quan.
Theo dự kiến, buổi họp báo mở đầu cuộc vận động áp dụng Luật Magnitsky Toàn Cầu đối với Việt Nam và một số quốc gia sẽ diễn ra trong tháng 4 tại Quốc Hội Hoa Kỳ và cuối tháng 6 sẽ diễn ra Ngày Vận Động thường niên cho nhân quyền Việt Nam. Quá trình vận động sẽ kéo dài đến tận cuối năm nay.
Tuy nhiên, với việc danh sách có tên nhiều quan chức chính quyền Việt Nam, đặc biệt có 5 lãnh đạo cấp cao, nhiều người nghi ngại rằng có thể chính phủ Hoa Kỳ sẽ né tránh và không đặt vấn đề nhân quyền lên trên lợi ích ngoại giao, thương mại giữa 2 nước.
Tiến Sĩ Thắng nói với quan ngại đó, trong năm đầu tiên khi lập danh sách đề nghị, tổ chức của ông cũng đã cố gắng hạn chế những nhân vật lãnh đạo quốc gia, nhưng mọi cuộc điều tra về đàn áp nhân quyền trầm trọng rốt cuộc cũng quay về các nhân vật chủ chốt.
“Nếu như chỉ cần một trường hợp bị đưa vào danh sách chế tài thì cũng đủ để tạo ra sự rúng động, quan tâm và chú ý trong giới lãnh đạo, trong các giới chức của Việt Nam,” Tiến sĩ Thắng chia sẻ.
Nhà hoạt động lâu năm tại khu vực thủ đô nước Mỹ này cũng hy vọng với Đạo Luật Nhân Quyền Toàn Cầu Magnitsky, người dân trong nước sẽ thấy rằng “bây giờ quả thực có một công cụ để trừng phạt những người đàn áp nhân quyền một cách nghiêm trọng ở Việt Nam.”
Thông thường, thời gian để Bộ Ngoại Giao kết hợp với Bộ Ngân Khố và Bộ Tư Pháp mở cuộc điều tra về các nhân vật có trong danh sách đề nghị là từ 6 đến 9 tháng.
Ngày 10/12 năm nay là hạn chót để các cơ quan này nộp bản phúc trình đầu tiên lên Tổng thống Hoa Kỳ.