VN dạy Nhật một bài học’ trong vụ điện hạt nhân
Tư liệu - Nhà máy điện hạt nhân Tsuruga của hãng Japan Atomic Power ở Tsuruga, tỉnh Fukui, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo) |
(VOA) Tờ Nikkei Asian Review, thuộc sở hữu của một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất Nhật Bản, đăng bài viết với tựa đề như vậy hôm 5/12, một tháng sau khi Việt Nam ngừng dự án điện hạt nhân.
Tờ báo này cho rằng quyết định đó của Việt Nam là “một bài học cay đắng” cho Nhật Bản về việc “phải biết rõ khách hàng của mình, dù đó là một cá nhân hay một chính phủ”.
Chính quyền Hà Nội hồi tháng 11 thông báo ngừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận do thấy không khả thi trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay, theo báo chí trong nước.
“Nhật phải đánh giá kỹ càng nhu cầu của nước đối tác và tính khả thi về tài chính của một dự án trước khi thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng vào một nước nào đó”, Nikkei viết.
Trả lời VOA Việt Ngữ, ông Nguyễn Việt Phương, Nghiên cứu viên về vấn đề hạt nhân thuộc Trung tâm Belfer, Trường hành chính Kennedy, Đại học Harvard, cho biết rằng ông “không bất ngờ” trước quyết định của Việt Nam vì đã thấy việc nhiều lần trì hoãn khởi công nhà máy.
Ông cho biết thêm đã “nói chuyện với một số chuyên gia nước ngoài, một số cựu quan chức thì họ cũng đều không tỏ ra bất ngờ lắm trước quyết định này vì đối với các quốc gia đang phát triển, thì điện hạt nhân quả thực là một món ăn không dễ nuốt”.
Nhà nghiên cứu này nói thêm:
“Theo tôi, lý do quan trọng nhất của việc dừng dự án điện hạt nhân, đấy là tính kinh tế của điện hạt nhân bây giờ không còn nữa vì hai điều. Thứ nhất, nhu cầu điện năng của Việt Nam trong thời gian qua có hãm lại một chút so với thời điểm mình định phát triển điện hạt nhân. Và thứ hai là, việc phát triển điện hạt nhân quả thực là quá đắt trong điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện nay”.
Ông Phương cho rằng việc thay đổi đội ngũ lãnh đạo ở Việt Nam thời gian qua “không phải là yếu tố quan trọng nhất” dẫn tới việc ngừng chương trình điện hạt nhân của Việt Nam.
Về quan ngại của người dân, nhà nghiên cứu này cho rằng theo quan sát cá nhân của ông, điện hạt nhân “không bị phản đối kịch liệt như ở một số nước”.
Tờ báo của xứ sở mặt trời mọc đưa tin rằng Nhật Bản giành hợp đồng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam năm 2010 trong cuộc gặp giữa Thủ tướng nước này khi ấy là ông Naoto Kan và người đồng nhiệm Nguyễn Tấn Dũng.
Tờ báo cũng đăng bức ảnh hai người đứng đầu chính phủ Việt Nam và Nhật Bản khi ấy bắt tay và cười tươi khi ký thỏa thuận.
Nikkei viết rằng “các quan chức của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng có mặt tại cuộc họp và vỗ tay tán thưởng”.
Tờ báo đặt câu hỏi: “Liệu có bất kỳ ai tham gia đấu thầu từng đặt ra suy nghĩ rằng dự án có thể sẽ khó thực hiện vì khó khăn về tài chính và kỹ thuật?”
Về lý do ngưng dự án, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, được VnExpress dẫn lời nói rằng “công nghệ hạt nhân của Nga và Nhật Bản đều tiên tiến nhất hiện nay và có mức độ an toàn rất cao” nên "việc dừng dự án không phải với lý do công nghệ, an toàn mà do điều kiện kinh tế nước ta hiện nay".
Trong bài viết có tựa đề “Số phận của năng lượng hạt nhân ở Việt Nam” trên một trang web dành cho các nhà khoa học về hạt nhân và nguyên tử, nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Phương viết: “Trong khi bản thân người Việt sẽ thua thiệt nhất từ quyết định ngừng phát triển hạt nhân của chính phủ, nó còn có thể gây ra những tác động bên ngoài đất nước, đối với các đối tác kinh doanh của Hà Nội và đối với an ninh hạt nhân trong khu vực và trên toàn thế giới”.
Cũng liên quan tới vấn đề điện hạt nhân và Việt Nam, hồi tháng Mười, thông tin ba nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc, nằm cách Việt Nam không xa, chính thức đi vào hoạt động, thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước.
Báo chí đăng tải nhiều bài viết về sự kiện này với những hàng tít như “Không được chủ quan với nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc” hay “Nguy cơ của các nhà máy điện hạt nhân đặt gần Việt Nam”.
Theo ông Nguyễn Việt Phương, việc các nhà máy điện hạt nhân xây ở gần biên giới các quốc gia không phải là chuyện hiếm và “vấn đề mà chúng ta phải đặt ra ở đây là “làm thế nào phải đảm bảo đường dây thông tin giữa Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề an toàn. Và vấn đề thứ hai đó là đề nghị Trung Quốc xúc tiến việc đảm bảo an toàn cho các nhà máy này”.