Trường Sa: TQ đẩy mạnh quân sự hóa, VN cố sức đối kháng
Ảnh vệ tinh của đảo Trường Sa Lớn (Biển Đông) chụp ngày 23/11/2016 cho thấy công trình nối dài phi đạo gần như hoàn tất.AMTI |
(RFI) Ngay sau khi Bắc Kinh công khai thừa nhận đã bố trí vũ khí trên các hòn đảo trong tay họ ở quần đảo Trường Sa, Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi lên tiếng phản đối hôm 16/12/2016. Không chỉ thế, hình ảnh vệ tinh Mỹ còn cho thấy Hà Nội cũng tăng cường củng cố hạ tầng cơ sở trên một số thực thể mình kiểm soát. Trả lời phỏng vấn của ban Việt Ngữ RFI, giáo sư Ngô Vĩnh Long, trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ) cho rằng dù không rầm rộ, nhưng động thái của Việt Nam là tín hiệu cho thấy ý chí sẵn sàng đối phó với hiểm họa Trung Quốc trên Biển Đông.
Hành vi quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc đã bị cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI (trực thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế / CSIS tại Washington) lôi ra ánh sáng ngày 13/12/2016 với một loạt ảnh vệ tinh mới chụp trong tháng 11, cho thấy các dàn súng cao xạ và tên lửa phòng không trên toàn bộ 7 hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp trên nền các bãi đá ngầm, mà họ chiếm ở quần đảo Trường Sa (Biển Đông).
Theo AMTI, họ đã bắt đầu theo dõi việc xây dựng các cấu trúc hình lục giác trên đá Chữ Thập (Fiery Cross), Vành Khăn (Mischief), và Xu Bi (Subi) từ tháng 6 và tháng 7/2016. Trên các bức ảnh chụp tháng 11, các công trình này đã biến thành những pháo đài phòng thủ giống như những gì mà Trung Quốc đã xây dựng tại 4 đảo nhỏ hơn là Ga Ven (Gaven), Tư Nghĩa (Hughes), Gạc Ma (Johnson) và Châu Viên (Cuarteron).
AMTI đã nêu ví dụ của các cấu trúc phòng thủ trên đá Tư Nghĩa (chụp ngày 23/11) và Ga Ven (chụp ngày 10/11) cho thấy một công trình trung tâm, có 4 nhánh nhô ra bốn phía, đầu mỗi nhánh là một cái bệ phẳng hình lục giác. Ở giữa hai bệ nằm ở hướng đông bắc và tây nam có vật thể rất giống súng cao xạ, còn trên 2 bệ còn lại là một vật chưa thể xác định chính xác là gì, nhưng rất có thể là hệ thống vũ khí đánh gần (CIWS) – còn được gọi nôm na là "vũ khí bám đuôi" - để chống lại tên lửa hành trình.
Hình dạng các cơ sở trên đảo có thể thay đổi, như trên đảo Gạc Ma chẳng hạn, tòa nhà trung tâm chỉ có hai nhánh, với nhánh phía nam có một ổ súng cao xạ như trên đảo Tư Nghĩa hay Ga Ven, và nhánh phía bắc là một giàn CIWS. Theo AMTI, trong ảnh chụp mới nhất ngày 29/11, ổ súng phòng không đã được phủ bạt, nhưng ảnh trước đó đã cho thấy đó là súng cao xạ. AMTI cũng ghi nhận một công trình khác ở bờ đông của đá Gạc Ma, bao gồm một ụ súng cao xạ, một giàn vũ khí đánh gần CIWS và một đài radar.
Các cơ sở kiểu như trên đã được xây dựng trên toàn bộ 7 đảo, và với số lượng lớn hơn trên các đảo lớn như Chữ Thập hay Vành Khăn.
Trung Quốc thản nhiên công nhận quân sự hóa
Ảnh vệ tinh Mỹ như vậy đã vạch trần hành động quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Trường Sa mà chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng công khai hứa là sẽ không tiến hành.
Theo nhận xét của tờ báo Nhật Bản The Diplomat ngày 16/12 vừa qua, thì trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đã thản nhiên công nhận điều mà trước đây họ luôn ra sức phủ nhận, và đổ lỗi cho Mỹ là đã quân sự hóa Biển Đông, với các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải.
Một ví dụ được The Diplomat nêu bật là phản ứng mới đây của bộ Quốc Phòng Trung Quốc sau khi hành động bị AMTI vạch trần. Trong một thông cáo trên trang web của mình, bộ Quốc Phòng Trung Quốc ghi nhận sự kiện “một trung tâm tham vấn Mỹ đã nói rằng Trung Quốc bị nghi là đã triển khai vũ khí và thiết bị trên các đảo và rạn san hô tại quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi Trường Sa)”, nhưng cho rằng “việc Trung Quốc bố trí các cơ sở phòng thủ cần thiết ở quần đảo Nam Sa là điều chính đáng”.
Đối với The Diplomat, việc bộ Quốc Phòng Trung Quốc thay đổi giọng điệu mang ý nghĩa là Bắc Kinh đã công nhận rằng các hành động của họ đúng là quân sự hóa Biển Đông.
Gs Ngô Vĩnh Long: Chiến lược tằm ăn dâu khó ngăn chặn
Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là âm mưu quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc đã được biết đến từ lâu, ngay từ khi Bắc Kinh bắt đầu công việc bồi đắp đảo nhân tạo tại Trường Sa, thế nhưng tại sao không có ai ngăn chặn, đặc biệt là Mỹ ?
Về vấn đề này, giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia kỳ cựu về Trung Quốc và Biển Đông tại trường Đại Học Maine, (Hoa Kỳ) giải thích.
Ngô Vĩnh Long: Tôi nghĩ một phần là vì Trung Quốc sử dụng chiến lược “tằm ăn dâu” cho nên khó đối phó một cách triệt để và trực tiếp.
Dưới thời tổng thống Obama, Mỹ muốn cùng các nước trong khu vực và các nơi khác trên thế giới lập các hệ thống đa phương để dần dần siết Trung Quốc và buộc Trung Quốc phải hợp tác. Nhưng việc này cần thời gian, trong khi đó một số nước nhỏ một là ỷ lại hay là bị Trung Quốc mua chuộc nên cứ ì à, ì ạch.
Thêm vào đó thì các quan chức và chính phủ Trung Quốc rất lươn lẹo và xảo trá, làm cho nhiều người khó nhận thực ý đồ của Trung Quốc. Một ví dụ cụ thể gần đây nhất là, theo một bài báo của tờ New York Times ngày 15 tháng 12, thì cùng ngày bộ Quốc Phòng Trung Quốc đã ra một thông cáo thừa nhận là đã bố trí vũ khí trên các đảo nhân tạo. Nhưng thông cáo này so sánh những vũ khí đó như những chiếc “ná bắn đá” để tự vệ.
Vũ khí Trung Quốc tại Trường Sa đe dọa Việt Nam
Trong bối cảnh đó Việt Nam là một nước hiếm hoi đã rất cảnh giác trước ý đồ của Trung Quốc và đã nhanh chóng lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động được phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam ngày 16/12 đánh giá là “đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.
Phản ứng nhanh chóng của Hà Nội được cho tương ứng với mối đe dọa của Bắc Kinh trên vùng biển đảo của Việt Nam tại Biển Đông mà một phần đã bị Trung Quốc đánh chiếm, trong lúc đa phần còn lại thì bị Bắc Kinh nhòm ngó. Đối với giáo sư Ngô Vĩnh Long, phương tiện vũ khí của Trung Quốc đặt trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa vừa đe dọa các thực thể mà Việt Nam đang kiểm soát ở đó, vừa hàm chứa nguy cơ đối với các vùng duyên hải của Việt Nam.
Ngô Vĩnh Long: Những vũ khí được đề cập đến ở trên là để phòng không. Nhưng Trung Quốc đã có những đường bay rất dài có thể sử dụng cho những chiến đấu cơ lớn nhất, cũng như có những nhà chứa khoảng 24 máy bay trên mỗi đảo.
Trung Quốc có thể sử dụng những máy bay từ những căn cứ này để tấn công các thực thể mà Việt Nam đang quản lý ở Trường Sa một cách dễ dàng. Những máy bay tầm xa cũng có thể từ đó chiến đấu trên các khu vực duyên hải của Việt Nam.
Theo các nhà quan sát, trong những năm gần đây, Việt Nam luôn đề cao cảnh giác trước các tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, và như nhận xét của chuyên gia phân tích trang mạng Mỹ chuyên về chiến lược Stratfor ngày 16/12, Việt Nam đã dự phòng đối phó với khả năng Trung Quốc làm càn theo ba hướng: (1) tăng cường lực lượng không quân và hải quân của mình; (2) thúc đẩy quan hệ đối tác quốc phòng với các nước khác, đặc biệt là với Mỹ, Nga, Pháp và Ấn Độ; và (3) tăng cường phòng thủ các thực thể đang kiểm soát tại Trường Sa.
Việt Nam củng cố phòng thủ Trường Sa
Mới đây, ảnh vệ tinh Mỹ đã cho thấy các công trình cải tạo, bồi đắp và xây dựng cơ sở mà Việt Nam thực hiện ở Trường Sa, bất chấp lời kêu gọi của Mỹ là các bên tranh chấp không nên gây thêm căng thẳng.
Trung tâm Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI đã nêu bật công trình kéo dài phi đạo và xây dựng nhà kho chứa phi cơ mà Việt Nam thực hiện trên đảo Trường Sa Lớn. Bản tin ngày 15/11 lần đầu tiên tiết lộ việc Việt Nam đã kéo dài phi đạo trên đảo này từ 2.500 feet lên khoảng 3.300 feet, và có thể kéo dài thêm đến 4.000 feet. Việt Nam cũng đang xây hai nhà chứa máy bay cỡ lớn.
Chỉ nửa tháng sau, ngày 01/12, AMTI đã cập nhật bản tin của mình dựa trên ảnh vệ tinh mới, theo đó công trình nối dài phi đạo trên đảo Trường Sa Lớn đã gần xong, với chiều dài tổng cộng 4.000 feet, có khả năng dùng cho mọi loại máy bay của không quân Việt Nam, ngoại trừ vận tải cơ hạng nặng AN-26 của Nga và loại phi cơ do thám P-3 mà Việt Nam có thể mua của Mỹ. Số nhà kho được xây không chỉ là hai, mà là 4 cái.
Ngoài ra còn tin tức đến từ nhiều nguồn khác, như việc Việt Nam cải tạo “đảo” Đá Lát, được cho là để quy hoạch nơi trú đóng cho tàu Việt Nam bên trong rạn san hô này, và tin chưa được kiểm chứng, theo đó Việt Nam đã kín đáo đưa pháo phản lực EXTRA ra bố trí tại một số đảo ở Trường Sa.
Tung tín hiệu cứng rắn với Trung Quốc
Nếu gắn kết các thông tin này với công trình trên Trường Sa Lớn, thì có thể thấy rằng Việt Nam vẫn quyết tâm chống lại đà bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Những công trình của Việt Nam tuy nhiên chẳng thấm vào đâu so với những gì Trung Quốc đã tiến hành trong hơn hai năm qua ở Trường Sa. Đối với giáo sư Ngô Vĩnh Long, mục tiêu của Việt Nam không phải chỉ là tăng cường phòng thủ mà là bắn một tín hiệu cứng rắn về phía Bắc Kinh.
Ngô Vĩnh Long: Trước đây Việt Nam muốn chứng minh rằng Việt Nam muốn tìm những giải pháp hoà bình theo luật pháp quốc tế cũng như không muốn tạo cớ cho Trung Quốc gây thêm căng thẳng.
Nhưng gần đây Trung Quốc đã liên tục leo thang khi thấy Hoa Kỳ bận tâm về những việc đối nội, như cuộc tranh cử tổng thống và Quốc Hội vừa qua. Thêm vào đó là một số nước trong khối ASEAN có vẻ nghiêng về Trung Quốc, vì họ tưởng chính sách xoay trục của Mỹ đã thất bại và vai trò của Mỹ trong khu vực sẽ càng ngày càng suy giảm.
Nếu việc xây cất của Việt Nam, như là tại Đá Lát và Trường Sa Lớn, chỉ là để bảo vệ các thực thể này thì ta có thể coi đó là quá muộn và quá ít. Nhưng tôi nghĩ Việt Nam muốn gởi một thông điệp là, nếu bắt buộc thì Việt Nam sẽ sẵn sàng chiến đấu. Khi đó Biển Đông có thể sẽ nổi sóng lớn.
Nếu các nước trong và ngoài khu vực thấy lợi ích của họ là bảo vệ an ninh và hoà bình trong khu vực thì họ phải tích cực hơn trong việc cùng Việt Nam tìm cách ngăn chặn bớt sự leo thang của Trung Quốc.
Nhìn chung chiến lược của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông là thiết lập một nguyên trạng mới, trong đó Bắc Kinh là nước thống trị vùng biển này, áp đặt với các nước khác một “sự đã rồi” mới. Tại Đông Nam Á, hiện nay, có vẻ như ngày càng có nhiều nước thần phục Trung Quốc, mà Philippines của ông Duterte thường được nêu lên như một ví dụ.
Trong toàn cảnh đó, Việt Nam nổi lên thành một nước không muốn chấp nhận sự an bài “made in china”.
RFI: Ảnh vệ tinh được Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI công bố hôm 13/12 cho thấy là Trung Quốc đã bắt đầu bố trí vũ khí trên 7 hòn đảo mà họ mới bồi đắp tại Trường Sa. Đây là điều đã được cảnh báo từ lâu, thế nhưng vẫn xẩy ra. Giáo sư giải thích thế nào về sự bất lực rõ ràng của mọi người trong việc ngăn chặn Trung Quốc?
Ngô Vĩnh Long: Đúng là Trung Quốc đã bắt đầu bố trí súng phòng không và các “hệ thống vũ khí bám đuôi” (close-in weapons systems, CIWS) trên tất cả 7 hòn đảo, mà Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á cho là để phòng vệ trước các cuộc tấn công của “tên lửa hành trình” (cruise missile).
Nhưng tại sao là để phòng vệ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa cruise? Trong khu vực chỉ có Hoa Kỳ là có tên lửa loại này, nhưng chưa bao giờ doạ là sẽ dùng ở khu vực Biển Đông. Thế tại sao tự nhiên Trung Quốc lại nghĩ rằng các đảo nhân tạo kia sẽ bị tấn công với hoả tiển cruise?
Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, chỉ mới tuyên bố ngày 14 tháng 12 taị Sidney (Úc) là nếu bị bắt buộc thì Mỹ sẽ sẵn sàng đối phó với những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng ông trong cùng câu ông nói rằng Mỹ sẽ vẫn cố gắng hợp tác với Trung Quốc. Ông chỉ lưu ý rằng: “Trận chiến đầu tiên của Hoa Kỳ sau khi dành được độc lập là để bảo đảm tự do hàng hải. Đây là một nguyên tắc lâu bền và là một trong những lý do mà tối hôm nay các binh chủng của Mỹ đang chuẩn bị để sẵn sàng chiến đấu.”
Về phần câu hỏi là tại sao cho đến nay mọi người bất lực trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc thì tôi nghĩ một phần là vì Trung Quốc sử dụng chiến lược “tầm ăn dâu” cho nên khó đối phó một cách triệt để và trực tiếp được.
Mỹ, dưới thời Tổng Thống Obama, muốn cùng các nước trong khu vực và các nơi khác trên thế giới lập các hệ thống đa phương để dần dần siết Trung Quốc và buộc Trung Quốc phải hợp tác. Nhưng việc này cần thời gian, trong khi đó một số nước nhỏ một là ỷ lại hay là bị Trung Quốc mua chuộc nên cứ ì à ì ạch.
Thêm vào đó thì các quan chức và chính phủ Trung Quốc rất lươn lẹo và xảo trá, làm cho nhiều người khó nhận thực ý đồ của Trung Quốc. Một ví dụ cụ thể gần đây nhất là, theo một bài báo của tờ New York Times ngày 15 tháng 12, thì cùng ngày Bộ Quốc Phòng Trung Quốc đã ra một thông cáo thừa nhận là đã bố trí vũ khí trên các đảo nhân tạo. Nhưng thông cáo này so sánh những vũ khí đó như những “ná bắn đá” để tự vệ.
Cũng theo bài báo New York Times này thì cùng ngày một người phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố rằng Trung Quốc có quyền xây cất trên các đảo thuộc chủ quyền của Trung Quốc và bố trí những phương tiện tự vệ trên đó. Tuyên bố đó nhấn mạnh là nếu những hành động này được cho là “quân sự hoá” thì việc Mỹ gởi các hạm đội vào khu vực “Nam Hải” của Trung Quốc phải được gọi là gì?
RFI: Mức độ đe dọa của vũ khí Trung Quốc trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa đối với Việt Nam như thế nào ?
Ngô Vĩnh Long: Những vũ khí được đề cập đến ở trên là để phòng không. Nhưng Trung Quốc đã có những đường bay rất dài có thể sử dụng cho những chiến đấu cơ lớn nhất, cũng như có những nhà chứa khoảng 24 máy bay trên mỗi đảo.
Trung Quốc có thể sử dụng những máy bay từ những căn cứ này để tấn công các thực thể mà Việt Nam đang quản lý ở Trường Sa một cách dễ dàng.
Những máy bay tầm xa cũng có thể từ đó chiến đấu trên các khu vực duyên hải của Việt Nam.
RFI: Gần đây có tin là Việt Nam cũng cải tạo các đảo ở Trường Sa, cụ thể là đối với Đá Lát và Trường Sa Lớn. Phản ứng của Việt Nam phải chăng quá muộn và quá ít trước các mối đe dọa đến từ Trung Quốc ?
Ngô Vĩnh Long: Trước đây Việt Nam muốn chứng minh rằng Việt Nam muốn tìm những giải pháp hoà bình theo luật pháp quốc tế cũng như không muốn tạo cớ cho Trung Quốc gây thêm căng thẳng. Nhưng gần đây Trung Quốc đã liên tục leo thang khi thấy Hoa Kỳ bận tâm về những việc đối nội, như cuộc tranh cử tổng thống và Quốc Hội vừa qua.
Thêm vào đó là một số nước trong khối ASEAN có vẻ nghiêng về Trung Quốc vì họ tưởng chính sách xoay trục của Mỹ đã thất bại và vai trò của Mỹ trong khu vực sẽ càng ngày càng suy giảm.
Nếu việc xây cất của Việt Nam, như là tại Đá Lát và Trường Sa Lớn, chỉ là để bảo vệ các thực thể này thì ta có thể coi đó là quá muộn và quá ít. Nhưng tôi nghĩ Việt Nam muốn gởi một thông điệp là nếu bắt buộc thì Việt Nam sẽ sẵn sàng chiến đấu. Khi đó Biển Đông có thể sẽ nổi sóng lớn.
Nếu các nước trong và ngoài khu vực thấy lợi ích của họ là bảo vệ an ninh và hoà bình trong khu vực thì họ phải tích cực hơn trong việc cùng Việt Nam tìm cách ngăn chặn bớt sự leo thang của Trung Quốc.
RFI: Phải chăng Trung Quốc đã thành công trong việc áp đặt một "nguyên trạng mới" và một "sự đã rồi" tại Trường Sa?
Ngô Vĩnh Long: Trung Quốc muốn áp đặt một nguyên trạng mới và coi như sự chiếm đóng ở Trường Sa là một “sự đã rồi.” Nhưng thành công đến đâu thì vẫn chưa rõ. Trung Quốc đang lợi dụng sự giao động ở Mỹ cũng như ở các nước trong khu vực để đe doạ và leo thang. Nhưng làm quá thì cũng có thể sẽ có những phản ứng ngược.
Một sự kiện đáng chú ý là ngày 16/12, bộ Quốc Phòng Mỹ đã thông báo là khi một chiếc tàu ngầm không người lái (unmanned underwater vehicle, gọi tắt là UUV) dùng để lấy những mẫu thí nghiệm thuộc tàu hải dương học USNS Bowditch - sắp được vớt lên, thì một chiến hạm của Trung Quốc nhào đến cướp đem đi.
Có thể đây là một hành động vừa thách thức Donald Trump trước khi ông vào Nhà Trắng và vừa nắn gân Tổng Thống Duterte của Philippines.
Dẫu sao đi nữa thì phản ứng trong thời gian tới của Mỹ cũng như của các nước khác trước hành động khiêu khích mà chính phủ Mỹ nói là “chưa từng xảy ra” này sẽ cho ta biết rõ hơn là Trung Quốc đã có phần nào thành công trong việc áp đặt một nguyên trạng mới hay một sự đã rồi hay không.