Matt Mahan

ads header

Breaking News

Mỹ sẽ không gửi phái đoàn đến dự tang lễ Fidel Castro

Phát ngôn viên Josh Earnest phát biểu trong buổi họp báo hàng ngày tại Tòa Bạch Ốc, ngày 29 tháng 11 năm 2016.
Mỹ sẽ không gửi phái đoàn đến dự tang lễ Fidel Castro

(VOA) Mỹ sẽ không gửi một phái đoàn tổng thống tới Cuba để dự tang lễ của lãnh tụ cộng sản Fidel Castro, Tòa Bạch Ốc cho biết hôm thứ Ba. Quyết định này phản ánh lịch sử đầy trắc trở của mối quan hệ Mỹ-Cuba.

Thay vào đó, Ben Rhodes, một phụ tá của Tổng thống Barack Obama, người đã tiến hành những cuộc đàm phán bí mật suốt 18 tháng đưa tới sự xích lại gần nhau giữa Mỹ và Cuba vào năm 2014, và Jeffrey DeLaurentis, nhà ngoại giao cao cấp của Mỹ ở Havana, sẽ đại diện Mỹ.

Quyết định này cho thấy Tòa Bạch Ốc muốn thừa nhận lịch sử thù địch giữa Mỹ và Cuba cũng như tiến trình bình thường hóa quan hệ với Cuba của Tổng thống Obama, một chính sách có thể bị giảm bớt hoặc đảo ngược khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nhậm chức vào ngày 20 tháng 1.

"Có rất nhiều khía cạnh của mối quan hệ Mỹ- Cuba mà đã được định hình bởi rất nhiều xung đột và hỗn loạn, không chỉ trong suốt chế độ Castro," phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói, dẫn ra lo ngại của Mỹ về sự tôn trọng của Cuba đối với nhân quyền.

Ông Earnest cũng nhấn mạnh những điểm tích cực, lưu ý rằng ông Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc và theo lịch trình sẽ có những cuộc gặp gỡ ở Havana, "đã đóng vai trò dẫn đầu trong việc soạn thảo chính sách bình thường hóa" với Cuba.

Cuba và Mỹ là hai kẻ thù ý thức hệ từ ngay sau cuộc cách mạng năm 1959 đưa ông Castro lên nắm quyền.

Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao với Havana vào năm 1961 khi Cuba ngả theo đường lối cánh tả, biến hòn đảo nằm cách bang miền nam Florida của Mỹ chỉ 140 kilômét này thành một đồng minh thân cận của Liên bang Soviet.

Quyết định không gửi một phái đoàn tổng thống cũng có thể là để tránh những chỉ trích của những người phản đối việc xích lại gần nhau giữa hai nước, trong đó có việc chính thức khôi phục quan hệ ngoại giao vào năm ngoái.

"Với lịch sử thù địch của mối quan hệ của Mỹ với Fidel Castro, không ngạc nhiên là Tổng thống Obama quyết định không gửi một phái đoàn tổng thống," ông Ted Piccone, một nhà phân tích khu vực Mỹ Latin tại viện nghiên cứu chính sách Viện Brookings nói.

"Trước đe dọa của Tổng thống đắc cử Trump đảo ngược sự khai mở đối với Cuba, đây có thể là cơ hội cuối cùng và tốt nhất của chính quyền Obama để thể hiện cho các cấp lãnh đạo cao nhất hiện thời của Cuba thấy tính cấp thiết của việc đạt được nhiều tiến bộ nhất có thể trước khi ông Trump vào Tòa Bạch Ốc," ông Piccone nói thêm.


Ông Trump: “Fidel Castro là một nhà độc tài tàn ác”
Những đứa trẻ mang theo những bức ảnh của Fidel Castro và Che Guevara trong một đoàn diễu hành tại Regla, Cuba, 08 tháng 1, 2015.
Trong khi Tổng thống Obama ngỏ lời chia buồn với nhân dân Cuba về cái chết của lãnh tụ Fidel Castro của họ, và hứa sẽ tiếp tục làm việc để bình thường hoá quan hệ với Cuba, Tổng thống tân cử Donald Trump tải lên trang Twitter của ông dòng chữ này:

“Fidel Castro đã chết!”

Sau đó ông Trump ra thông báo, miêu tả nhà lãnh đạo Cuba là “một kẻ độc tài tàn bạo” đã đàn áp nhân dân nước ông trong suốt 60 năm qua.

Thông báo của ông Trump có đoạn viết:

“Di sản mà Fidel Castro để lại là di sản của các đội xử bắn, trộm cắp, những gian khổ vượt ngoài sức tưởng tượng, dân nghèo đói và bị tước các quyền làm người căn bản.”

Trong khi đưa ra một quan điểm cứng rắn chống cá nhân ông Fidel Castro, ông Trump nói ông hy vọng rằng cái chết của ông Castro đánh dấu “một bước tiến bỏ xa những sự tàn bạo mà người dân Cuba đã chịu đựng từ quá lâu.”

Ông Trump viết:

“Tôi xin được cùng sát cánh với nhiều người Mỹ gốc Cuba, những người đã nhiệt liệt ủng hộ tôi trong cuộc vận động tranh cử- kể cả Lữ đoàn 2506 của Hội Cựu Chiến binh, trong niềm hy vọng rằng một ngày nào đó không xa, chúng ta sẽ được chứng kiến một nước Cuba tự do.”

Có cha mẹ di cư sang Hoa Kỳ trước khi ông chào đời, Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio cũng chia sẻ quan điểm với ông Trump và gọi ông Castro là “một kẻ độc tài giết người.”

Ông Rubio nói trong một thông báo:

“Ông Fidel Castro đã chiếm quyền lực với lời hứa sẽ mang lại tự do và thịnh vượng cho Cuba, nhưng chế độ cộng sản của ông đã biến đảo quốc này thành một hòn đảo ngục tù nghèo đói.”

Ông nói tiếp:

“Trong hơn 6 thập kỷ, hàng triệu dân Cuba bị đẩy vào thế phải bỏ nước ra đi, những người bị tố cáo là chống đối chế độ thường xuyên bị bỏ tù và thậm chí bị giết.”

Thượng nghị sĩ Rubio nói cái chết của ông Castro không có nghĩa là nhân dân Cuba giờ đã được tự do, mà có nghĩa là tương lai của Cuba bây giờ đang nằm trong tay của nhân dân Cuba. Ông kêu gọi quốc hội và tân chính phủ Mỹ của ông Trump hãy hậu thuẫn nhân dân Cuba trong cuộc “đấu tranh đòi tự do và quyền làm người căn bản.”

“Nhà độc tài đã chết, nhưng chế độ độc tài vẫn tồn tại. Một điều rõ rệt là, lịch sử sẽ không xoá tội ác của Fidel Castro. Lịch sử sẽ nhắc đến ông như một kẻ ác, một nhà độc tài giết người đã gây biết bao gian khổ cho chính nhân dân nước ông.”

Ông Trump thúc công ty Apple rút khỏi Việt Nam

Điện thoại iPhone được trưng bày tại trụ sở của Apple ở Cupertino, California, 21/3/2016.
Tổng thống đắc cử của Mỹ không muốn tập đoàn Apple tiếp tục sản xuất sản phẩm ở Việt Nam, mà thay vào đó, chuyển về Hoa Kỳ, đã gây nhiều phản ứng trái chiều ở trong nước.

Ông Donald Trump mới đây đã nói với ông Tim Cook, Tổng giám đốc điều hành của Apple, rằng ông muốn tập đoàn sản xuất iPhone lập nhà máy ngay tại Hoa Kỳ.

Tổng thống tân cử tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với tờ the New York Times hôm 23/11 rằng ông sẽ đưa ra các chính sách về thuế có lợi để Apple “xây một hoặc nhiều nhà máy lớn ở Mỹ” thay vì sản xuất sản phẩm ở các nước như Trung Quốc hay Việt Nam.

Tiến sĩ Ngô Trí Long, cựu viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng quan điểm của ông Trump “có tính chất chủ nghĩa dân tộc, bảo hộ”, và điều đó sẽ khiến thế giới và Việt Nam “chịu thiệt thòi”.

Về tuyên bố muốn rút việc sản xuất linh kiện sản phẩm của Apple khỏi Việt Nam, chuyên gia kinh tế độc lập này nói thêm:

“Ít nhất bản thân ông ấy cũng sẽ bị ảnh hưởng vì khi đưa về, tiền lương, tiền công ở bên đấy rất là cao, mà khi tiền lương, tiền công cao thì chi phí giá thành đội lên rất là lớn. Mỹ liệu có khả năng chịu đựng được hay không. Nếu lao động, nhân công rẻ thì chắc chắn nó sẽ tốt hơn, chi phí thấp hơn mà chi phí thấp hơn thì Mỹ được hưởng lợi”.

Nhiều tờ báo ở trong nước cũng đồng loạt đưa ra nhiều bình luận về tuyên bố của ông Trump. Tờ Người Đưa Tin viết rằng “ông Trump tung chiêu dụ Apple bỏ Trung Quốc, Việt Nam để về Mỹ”.

Tờ này viết tiếp: “Bất kỳ chính sách ưu đãi như thế nào đi chăng nữa thì để sản xuất một sản phẩm tại một quốc gia có chi phí nhân công cao như Mỹ, giá iPhone sản xuất tại Mỹ có thể tăng gấp đôi so với giá hiện tại, điều mà Apple chắc chắn không muốn”.

Báo chí trong nước trích dữ liệu từ Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết rằng công ty Apple đã lập chi nhánh tại Việt Nam cuối năm ngoái với vốn điều lệ 15 tỷ đồng.

Trước những phát ngôn ít ỏi liên quan tới Việt Nam, ông Long cho VOA Việt Ngữ biết thêm rằng các kinh tế gia ở trong nước vẫn đang theo dõi mọi động thái của ông Trump để đoán định xem chính sách đối với Việt Nam của ông Trump trong tương lai ra sao.

Tiến sỹ kinh tế này nói thêm:

“So với ông Obama thì ông này tính cách hoàn toàn khác. Người ta cũng có suy nghĩ rằng với tính cách thất thường thì đường lối của ông ấy như thế nào cũng chưa rõ. Người ta cũng đang chờ đợi. Chính kiến Việt Nam thực sự mà đánh giá cụ thể ông như thế nào thì cũng chưa có ai có quan điểm, nhưng tất nhiên là cũng sẽ khó khăn hơn thời ông Obama”.

Dù theo đánh giá của các nhà quan sát, hiện vẫn chưa rõ chính sách của ông Trump đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng, phát biểu tại một cơ quan nghiên cứu về chính sách công ở thủ đô Washington DC mới đây, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh bày tỏ lạc quan rằng mối quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục phát triển.

Quan chức ngoại giao hàng đầu của Việt Nam ở thủ đô Washington nói thêm rằng Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với tân chính quyền Mỹ để củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện một cách thực tiễn, lâu dài và bền vững.

Việt Nam sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, APEC, vào năm sau và theo ông Vinh, Hà Nội hy vọng rằng Tổng thống đắc cử Trump sẽ tới thăm Việt Nam và tham dự sự kiện này.