Biển Đông phủ bóng quan hệ Trung Quốc và Singapore
Tổng thống Mỹ Barack Obama và và phu nhân tiếp đãi thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong dạ tiệc tại Nhà Trắng ngày 02/08/2016. REUTERS/Mary F. Calvert |
(RFI) Quan hệ giữa Trung Quốc và Singapore đang trong tình trạng bất định, sau phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye về tranh chấp Biển Đông. Theo các nhà quan sát, cho dù Singapore không đòi hỏi chủ quyền vùng biển này, nhưng các động thái liên quan gần đây của Singapore, đã khiến Bắc Kinh lo ngại.
Theo South China Morning Post, Trung Quốc và Singapore có mối liên hệ chặt chẽ, đặc biệt là về kinh tế. Trong những thập kỷ qua Singapore đã trở thành nơi huấn luyện kỹ năng cho các quan chức Trung Quốc, và thường xuyên được các lãnh đạo Bắc Kinh nêu ra như tấm gương về quản lý đô thị.
Nhưng những phát biểu gần đây của thủ tướng Lý Hiển Long đã khiến Trung Quốc lo lắng về tương lai quan hệ hai nước.
Sau khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông, ông Lý Hiển Long tuyên bố phán quyết là « sự khẳng định mạnh mẽ » về luật pháp quốc tế trong tranh chấp chủ quyền trên biển. Bắc Kinh đáp trả bằng cách kêu gọi Singapore nên có « thái độ khách quan và công bằng », trong vai trò người điều phối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN.
Bắc Kinh đã vô cùng tức tối khi Philippines, được Hoa Kỳ ủng hộ, đã nộp hồ sơ lên Tòa Trọng Tài năm 2013, tuyên bố sẽ làm ngơ trước mọi quyết định của tòa.
Ông Thẩm Thế Thuận (Shen Shishun), nhà nghiên cứu tại Trung tâm châu Á-Thái Bình Dương của Trung Quốc cho rằng nếu Singapore có quan điểm tương tự như Hoa Kỳ, thì Bắc Kinh sẽ coi đây là việc « đùa cợt với những vấn đề thuộc về nguyên tắc chủ đạo ». Ông nói : « Trung Quốc tin rằng Singapore có thể giữ được cân bằng với các cường quốc, nhưng những vấn đề này không phải trò đùa. Là một quốc gia châu Á, Singapore cần phải gần gũi với Trung Quốc hơn ».
Căng thẳng cũng đã khơi mào vào đầu tháng này, khi ông Lý Hiển Long nói với tổng thống Mỹ Barack Obama là ông hy vọng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hành động một cách tích cực ở Đông Nam Á. Ông Obama trả lời rằng Singapore và Mỹ là « các đối tác bền vững như bàn thạch ».
Tờ Global Times, ấn bản của Nhân dân Nhật báo nổi tiếng là hung hăng, trong một bài xã luận nói rằng chuyến đi Mỹ của ông Lý Hiển Long khiến Trung Quốc cảm thấy « rất khó chịu ». Đặc biệt là khi ông Obama ca ngợi Singapore là « một chiếc neo » cho sự hiện diện của Hoa Kỳ tại châu Á. « Hai chiếc neo » trước đây là Nhật Bản và Úc, hai đồng minh của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương.
Quan hệ với Trung Quốc không phải luôn căng thẳng như thế. Hồi năm 1978 lúc Đặng Tiểu Bình thăm Singapore, ông rất ấn tượng và xin thủ tướng Lý Quang Diệu một lời khuyên để Trung Quốc có thể trở nên thịnh vượng. Ông Lý nói cần phải mở cửa với thế giới tư bản, và ba thập kỷ sau, Trung Quốc đã được hưởng lợi từ cải cách kinh tế thị trường.
Mối dây liên hệ về kinh tế cũng rất chặt chẽ. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Singapore, và đảo quốc sư tử là một nhân tố chủ chốt trong dự án Con đường tơ lụa trên biển của Bắc Kinh. Các dự án giữa hai chính phủ như khu công nghiệp Tô Châu (Suzhou) và thành phố sinh thái Thiên Tân (Tianjin) cũng là những điểm chính trong việc hợp tác.
Thêm vào đó, đảng Cộng Sản Trung Quốc thường xuyên gởi cán bộ sang Singapore học tập, nhiều người trong số đó nay đã là chủ tịch thành phố, thậm chí chủ tịch tỉnh tại Trung Quốc. Ngay cả phó thủ tướng Uông Dương (Wang Yang), vốn là bí thư tỉnh Quảng Đông, cũng đã dẫn nhiều phái đoàn đến Singapore nghiên cứu cung cách phát triển kinh tế xã hội.
Singapore cũng từng đón tiếp « Uông-Cô (Wang Koo) hội đàm » năm 1992, giữa ông Uông Đạo Hàm (Wang Daohan) chủ tịch Hiệp hội vì quan hệ hai bên eo biển Đài Loan của Trung Quốc và ông Cô Chấn Phủ (Koo Chenfu), người đứng đầu tổ chức tương tự của Đài Loan. Cuộc gặp lịch sử tháng 11/2015 giữa ông Tập Cận Bình và tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu (Ma Yingjeou), lần đầu tiên từ 70 năm qua, cũng diễn ra ở Singapore.
Oh Ei Sun, nhà nghiên cứu tại S Rajaratnam School of International Studies, Singapore nhận định, Singapore có cùng quan điểm về tranh chấp Biển Đông với các nước Đông Nam Á khác. Ông nói : « Hầu hết cho rằng trọng tài là giải pháp thông thường và hiệu quả để giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng pháp luật. Vì vậy chúng tôi không thấy có gì sai khi một lãnh đạo ASEAN bày tỏ cảm tưởng này ».
Còn Du Jifeng, chuyên gia về Đông Nam Á của Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh cần phải cảnh giác nhiều hơn về vai trò của Singapore trong sự hiện diện chiến lược của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, nhưng quan hệ kinh tế Trung Quốc-Singapore vẫn mạnh mẽ. Ông nhận xét : « Singapore không phải là nước yêu sách chủ quyền Biển Đông. Những lời bình luận của ông Lý Hiển Long không làm ảnh hưởng đến phương hướng giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ».