Matt Mahan

ads header

Breaking News

TQ ra chính sách mới sau phán quyết của Tòa Án Quốc Tế

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 13 tháng 7 năm 2016, cảnh báo các nước liên quan không được biến Biển Đông thành một "cái nôi của chiến tranh". - AFP PHOTO
Trung Quốc ra chính sách mới sau phán quyết của Tòa Án Quốc Tế

(RFA) Một ngày sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế công bố phán quyết cho rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để tự nhận có chủ quyền lịch sử ở Biển Đông, chính phủ Bắc Kinh đưa ra sách trắng về chính sách, trong đó nhấn mạnh những hòn đảo mà Trung Quốc đang chiếm giữ ở Trường Sa và Hoàng Sa là vùng biển đảo không thể tách rời được của Trung Quốc.

Sách trắng về chính sách mà Bắc Kinh cho công bố sáng nay, 13 tháng 7, gọi khu vực biển đảo đó là di sản của tổ tiên để lại từ ngàn xưa. Đó là cũng là cụm từ Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc sử dụng ngày hôm qua ở Bắc Kinh, khi lên tiếng bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường trực Quốc Tế.

Bài bình luận đăng trên tờ Nhân Dân Nhật Báo số phát hành sáng nay ở Bắc Kinh viết rằng không chỉ có chủ quyền và quyền lợi lãnh hải ở Biển Đông, chính phủ và nhân dân Trung Quốc còn có trách nhiệm phải bảo vệ chủ quyền.

Trong cuộc họp báo công bố sách trắng về chính sách, Thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cũng nói đến điều đó, cho rằng Trung Quốc phản đối những quốc gia nào xâm phạm chủ quyền hay chiếm giữ những hòn đảo của Hoa Lục.

Ông cũng chỉ trích thẳng Philippines, nói rằng chính Manila đã dùng võ lực để xâm chiếm một số đảo và những bãi ngầm của Trung Quốc ở Nam Sa, nhưng bảo thêm là Trung Quốc sẵn sàng đàm phán song phương với Philippines để giải quyết tranh chấp bằng giải pháp ôn hòa.

Nam Sa là tên Trung Quốc dùng để gọi quần đảo Trường Sa.

Thứ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc cũng nói rằng mục tiêu của Bắc Kinh là biến Biển Đông thành vùng biển của hòa bình, hữu nghị và hợp tác, nhưng nhấn mạnh ở điểm Bắc Kinh có quyền lập vùng nhận dạng phòng không, giải thích thêm quyết định quan trọng này tùy thuộc vào mức độ của những mối đe dọa và Trung Quốc phải đối phó.

Việc Bắc Kinh có thể lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông là điều đã được nhiều nhà quan sát nói đến, xem đó là một trong những phản ứng mà Trung Quốc sẽ làm sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế đưa ra phán quyết hoàn toàn bất lợi cho Hoa Lục.

Thứ Trưởng Ngoại Giao Lưu Chấn Dân của Trung Quốc còn nói thêm là Bắc Kinh hy vọng các nước không dùng phán quyết của Tòa để làm áp lực với Trung Quốc.

Tại Washington, Đại Sứ Trung Quốc tại Mỹ là ông Thôi Thiện Khải cũng đưa ra cảnh báo, nói rằng phán quyết của Tòa sẽ làm tăng mức độ căng thẳng, và chuyện va chạm có thể xảy ra.

Trong khi đó, tại Canberra, Bà Ngoại Trưởng Julie Bishop của Úc cho rằng nếu muốn được thế giới quý trọng như một cường quốc, Bắc Kinh nên tuân thủ phán quyết của Tòa.

Bà Bishop nói rõ là uy thế của Trung Quốc với cộng đồng thế giới sẽ giảm, nếu Bắc Kinh không đếm xỉa đến phán quyết mà Tòa Trọng Tài thường trực quốc tế đưa ra.

Bà Ngoại Trưởng Úc cũng cho hay vào giữa tháng này khi đến Lào để dự cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao ASEAN và Đông Á, bà mong có dịp nói chuyện trực tiếp với người đồng cấp Trung Quốc và Philippines, bảo thêm rằng có thể phán quyết của Tòa sẽ là một trong những đề tài được bàn thảo tại hội nghị.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn AFP, Bộ Trưởng Quốc Phòng Indonesia cho hay quân đội nước này sẽ gia tăng hoạt động tuần tra các hòn đảo chủ quyền thuộc về họ ở Biển Đông.

Ông Bộ Trưởng Ryamizard Ryacudu nói rõ sẽ tăng cường bảo vệ ở quần đảo Natuna, đưa thêm chiến hạm, chiến đấu cơ, hỏa tiễn phòng không và máy bay không người lái đến vùng đảo vừa nói.

Vẫn theo ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Indonesia, kế hoạch tăng cường bảo vệ biển đảo được thực hiện từ tháng trước, và sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.

Vào tháng trước, hải quân Indonesia phải nổ súng để đuổi tàu cá của Trung Quốc ra khỏi quần đảo Natuna. Sau đó, Tổng Thống Joko Widodo của Indonesia đã dùng chiến hạm ra thăm đảo, và nhóm phiên họp nội các ngay tại đó, với mục đích gửi tin hiệu cho Bắc Kinh biết là Jakarta quyết tâm bảo vệ chủ quyền bằng mọi giá.