Không loại trừ Trung Quốc ‘đánh chiếm Trường Sa’?
Tàu của hải quân Trung Quốc nã pháo trong một cuộc tập trận chung năm 2014. |
(VOA) Một nhà nghiên cứu kỳ cựu về quan hệ Việt – Trung nhận định rằng Bắc Kinh “có thể đánh chiếm Trường Sa”, trong bối cảnh truyền thông Trung Quốc cảnh báo “nên chuẩn bị đối đầu quân sự”.
Hoàn cầu Thời báo, ấn phẩm của Nhân dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 5/7 viết rằng Bắc Kinh nên “sẵn sàng cho một cuộc đối đầu quân sự trên biển Đông”.
Trong bài xã luận trên cả ấn bản tiếng Hoa lẫn tiếng Anh, tờ báo có chủ trương cực đoan viết rằng cuộc tranh chấp, vốn đã trở nên phức tạp vì sự can thiệp của Mỹ, nay lại leo thang vì phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc về vụ kiện Trung Quốc của Philippines.
Tờ báo từng nhiều lần chỉ trích quan hệ Việt – Mỹ viết rằng “Washington đã triển khai hai nhóm tàu sân bay tại biển Đông, phô trương sức mạnh là cường quốc lớn nhất trong khu vực” để “chờ Trung Quốc phải phục tùng”.
Hoàn cầu Thời báo nói rằng Trung Quốc cần phải nhanh chóng tăng cường khả năng phòng thủ.
Tờ báo này viết thêm: “Dù Trung Quốc không thể theo kịp Hoa Kỳ về mặt quân sự trong ngắn hạn, Trung Quốc sẽ có thể buộc Hoa Kỳ phải trả giá nếu nước này can thiệp vào cuộc tranh chấp Biển Đông bằng vũ lực. Trung Quốc hy vọng các cuộc tranh chấp có thể có thể được giải quyết thông qua đàm phán, nhưng cũng cần phải sẵn sàng cho bất kỳ một cuộc đối đấu quân sự nào”.
Bài xã luận được đăng tải một ngày sau khi Bắc Kinh thông báo tổ chức tập trận gần quần đảo Hoàng Sa, đồng thời cấm tất cả tàu bè qua lại, từ ngày 5 tới 11/7.
Về các diễn biến dồn dập này, ông Dương Danh Dy, chuyên gia nghiên cứu về quan hệ Việt – Trung, nhận định với VOA Việt Ngữ:
“Đó là ý đồ lâu dài và bất biến của Trung Quốc rồi. Nếu lấn được, quấy được, phá được thì họ phá. Ý đồ của Trung Quốc trong chuyện Biển Đông họ không nhân nhượng đâu. Ý đồ bá chiếm Biển Đông, độc chiếm Biển Đông, theo tôi, không có thay đổi gì cả. Thiên hạ đừng có nghĩ, tốt đẹp với Trung Quốc họ sẽ nương nhẹ tay. Không có đâu.”
Cuộc thao dượt quân sự này dự kiến sẽ kết thúc một ngày trước khi Tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc của Philippines.
Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó lên tiếng “phản đối mạnh mẽ” cuộc diễn tập này, đồng thời “yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm”.
Phát ngôn viên Lê Hải Bình hôm 4/7 cũng kêu gọi Bắc Kinh “chấm dứt ngay và không có những hành động đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông hay làm gia tăng căng thẳng tại khu vực này”.
Về phản ứng của Việt Nam trước các hành động của Trung Quốc trong những ngày qua, ông Dương Danh Dy nhận định tiếp:
“Sự phản kháng của Việt Nam, của các nước trong khu vực, của một số nước lớn trên thế giới thì Trung Quốc họ cũng phải coi chừng, không dám coi thường cái đó. Nhưng phải nói thẳng ra là, nếu họ thấy họ có thể làm được cái gì ở Biển Đông là họ làm thôi. Không có gì lạ cả. Đừng coi thường. Có thể họ đánh chiếm một số đảo ở quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đang chiếm giữ. Họ có thể đánh chứ, không loại trừ đâu”.
Sau khi bài xã luận của tờ Hoàn cầu Thời báo gây quan ngại về khả năng bùng ra xung đột ở Biển Đông, chính phủ Trung Quốc đã tìm cách trấn an dư luận.
Trong cuộc họp báo hôm 5/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng chính quyền Bắc Kinh “quyết tâm theo đuổi hòa bình”.
Ông Hồng nói rằng Trung Quốc sẽ “hợp tác với các quốc gia ASEAN để bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.
Hôm 1/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng nước ông sẽ không bao giờ thỏa hiệp về vấn đề chủ quyền.
Phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh nhân kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập nói rằng “không quốc gia nào nên kỳ vọng chúng ta phải nuốt viên thuốc đắng” về chủ quyền.