Matt Mahan

ads header

Breaking News

Có thể thu hồi dự án Formosa được không?

CÓ THỂ THU HỒI DỰ ÁN FORMOSA ĐƯỢC KHÔNG?
Nguyễn Anh Tuấn

Vài ngày gần đây, không hiểu vô tình hay hữu ý mà có một số bài viết khẳng định như đinh đóng cột rằng không thể đóng cửa Formosa được.

Dường như họ muốn loại trừ phương án TỐNG KHỨ FORMOSA đi.

Tổng hợp các bài viết này, có 2 lý do được đưa ra:

(1) "Hợp đồng giữa Chính phủ và Formosa KHÔNG CHO PHÉP THU HỒI dự án trong bất kỳ hoàn cảnh nào, vì bất kỳ lý do gì."

Tuy nhiên các bài viết đều không đưa dẫn chứng nào cho chi tiết này.

Cũng hợp lý thôi, vì dẫu đã có nhiều lời kêu gọi công khai toàn bộ những giao kèo giữa Chính phủ với Formosa - một việc hết sức đơn giản và rất cần thiết, nhưng tới nay công luận vẫn không thể tiếp cận được với thông tin này.

May thay, mấy ngày vừa rồi mình lùng sục tìm thông tin này thì tình cờ thấy Báo Pháp luật Việt Nam cách đây 2 năm có đề cập đến hợp đồng thuê đất của Formosa năm 2009, trong đó có viết:

“Đảm bảo không thu hồi đất vì mục đích cộng đồng và phát triển kinh tế hay các mục đích khác; đối với thu hồi đất vì LÝ DO QUỐC PHÒNG, AN NINH, hai bên tiến hành thảo luận đi đến thống nhất bồi thường dứt điểm trước khi thực hiện” [1]

Nghĩa là việc không thu hồi dự án không phải là TUYỆT ĐỐI, mà có một ngoại lệ: Quốc phòng - An ninh.

Giữ Formosa lại có gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị tại địa phương hay không, khi mà tình hình lúc nào cũng căng như dây đàn chỉ chực biểu tình?

Formosa tiếp tục vận hành gây ô nhiễm môi trường như vừa rồi có ảnh hưởng tới an ninh biển đảo của Việt Nam không khi mà ngư dân không còn động lực ra khơi bám biển?

Vậy đã đủ lý do để thu hồi, theo đúng giao kèo đã ký kết hay không? Chưa bàn tới việc được gì mất gì nhưng phải khẳng định:

THU HỒI VẪN LÀ MỘT PHƯƠNG ÁN KHÔNG THỂ LOẠI TRỪ.

(2) "Thu hồi dự án Formosa sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư"

Lý do này lại càng không hợp lý.

Giả sử bạn là một nhà đầu tư lương thiện, hoàn toàn không có ý định gây ô nhiễm môi trường để trục lợi.

Trước khi đầu tư vào Việt Nam, bạn thấy nước này đóng cửa nhà máy của một tập đoàn tai tiếng hàng đầu thế giới về gây ô nhiễm môi trường, từng bị trao giải Hành Tinh Đen 2009, được đưa ra làm ví dụ về tàn phá môi trường trong sách giáo khoa ở Mỹ, thế thì:

Bạn có đầu tư không?

Dĩ nhiên là có rồi vì bạn đâu có định làm giống Formosa, tiết kiệm chi phí xử lý chất thải để trục lợi.

Còn nếu ngược lại, bạn là nhà đầu tư kiểu Formosa, thì Việt Nam không tiếc gì nếu bạn tránh tầm mắt khỏi Việt Nam đâu.

Vậy thì ngang đây cho thấy các lý do đưa ra để loại trừ phương án TỐNG KHỨ FORMOSA có vẻ chưa có sức thuyết phục.

Ở chiều ngược lại, có một lý do tống khứ nhà máy này thuyết phục hơn nhiều:

2007 nhiều tầng lớp người dân Đài Loan khác nhau đã đấu tranh và dừng được dự án xây nhà máy thép của Formosa ở nước họ, sao Chính phủ Việt Nam lại rước đúng cái của nợ đó về, để cả quốc gia bây giờ sống trong thấp thỏm?

[1]http://baophapluat.vn/doanh-nghiep/lat-lai-ho-so-formosa-dai-gia-xin-du-thu-ky-1-188890.html

Ảnh minh họa
Lật lại hồ sơ Formosa: “Đại gia” xin đủ thứ (Kỳ 1)

(PLO) - Không còn lạ gì Formosa, nhưng khi nghe tin doanh nghiệp này xin thành lập “đặc khu kinh tế” Vũng Áng với vành đai xanh cách ly với người dân địa phương, bà con Hà Tĩnh không khỏi ngỡ ngàng.

Dường như hàng loạt ưu đãi mà phía Việt Nam dành cho vẫn chưa làm c ho Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS, 100% vốn Đài Loan – Trung Quốc), chủ đầu tư Dự án xây dựng Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương thỏa mãn.

Theo nguồn tin riêng của PLVN, ngay trước khi xin lập “đặc khu”, ông chủ dự án này cũng vừa mới “xin” Chính phủ xem xét miễn thuế nhập khẩu cho một số nguyên vật liệu, mà con số nếu phải nộp có thể lên đến 1.000 tỷ đồng.

Thời gian gần đây, chủ dự án liên tục gửi văn bản tới các cấp, ngành “trình bày hoàn cảnh” và xin Chính phủ cho phép được miễn thuế nhập khẩu đối với vật liệu gạch chịu lửa và dây cáp điện cùng các loại linh kiện, bộ phận, chi tiết, vật tư khác được sử dụng đồng bộ với máy móc thiết bị của nhà máy, tạo tài sản cố định cho dự án mà không xét đến trong số hàng hóa này Việt Nam đã sản xuất được hay chưa.

1.000 tỷ đồng

Theo tìm hiểu của PLVN, FHS “trải lòng” rằng dù gặp phải tình hình kinh tế thế giới khó khăn nhưng Công ty vẫn “một mực giữ lời hứa” với Chính phủ Việt Nam, tập hợp nguồn lực, tích cực đưa “Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương” sớm đi vào hoạt động, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh ngành thép, nhằm thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Việt Nam...

Thuyết minh như vậy nhưng mục đích chính của chủ đầu tư là xin được miễn phần thuế phải nộp cho các nguyên vật liệu nói trên để nhằm kéo chi phí dự án không phải “cõng” thêm được 50 triệu USD (tương đương 1.000 tỷ đồng) nếu tính thêm phần thuế phải nộp này. Trong khi Cục Hải quan Hà Tĩnh cho rằng, căn cứ vào danh mục những vật tư trong nước đã sản xuất được thì chủ dự án bắt buộc phải nộp thuế đối với loại hàng hóa đi kèm là dây cáp điện và gạch chịu lửa.

Nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh có công suất hơn 10 triệu tấn/năm ở giai đoạn I và hơn 20 triệu tấn/năm ở giai đoạn II. Tổng mức đầu tư nhà máy này cho giai đoạn I với nguồn vốn khoảng 10 tỷ USD. Tổng diện tích thực hiện dự án hơn 3.300ha, bao gồm cả diện tích mặt biển (cảng Sơn Dương). Thời gian thuê đất là 70 năm, tiền thuê đất hơn 96 tỷ đồng cho toàn bộ thời gian thuê.

Thế nào là đủ?

Với những con số kể trên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đã “như cho không”. Ngoài ra, dự án không những được miễn tiền thuê đất 15 năm, thuế thu nhập doanh nghiệp 10% từ năm có thu nhập chịu thuế (thông thường là 25%), mà 4 năm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, sau đó giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.

Để đảm bảo ổn định đầu tư, tại hợp đồng thuê đất ngày 6/2/2009 còn quy định: “Đảm bảo không thu hồi đất vì mục đích cộng đồng và phát triển kinh tế hay các mục đích khác; đối với thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, hai bên tiến hành thảo luận đi đến thống nhất bồi thường dứt điểm trước khi thực hiện”. Như vậy, theo một luật gia, dự án thậm chí không bị chi phối bởi Điều 38 Luật Đất đai 2003.

Chưa biết “yêu sách” mà Cty FHS đưa ra liệu có được Chính phủ chấp thuận không, nhưng được biết trong 6 tháng qua, chủ dự án liên tục gửi kiến nghị nội dung nói trên tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng để thúc giục nhưng chưa được các cơ quan này giải quyết.

http://baophapluat.vn/doanh-nghiep/lat-lai-ho-so-formosa-dai-gia-xin-du-thu-ky-1-188890.html