Matt Mahan

ads header

Breaking News

Từ ‘khủng hoảng Bob Kerry’ đến tình huống của Bí thư Thăng

Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng (trái).
Từ ‘khủng hoảng Bob Kerry’ đến tình huống của Bí thư Thăng 

15.06.2016 
Phạm Chí Dũng (VOA) 

Dấu hiệu mới nhất và rõ ràng nhất về tình huống mà Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đang lậm vào là vụ “khủng hoảng Bob Kerry.” Bài phỏng vấn ông Thăng - thể hiện quan điểm ủng hộ ông Kerry giữ chức chủ tịch Hội đồng tín thác của Đại học Fulbright Việt Nam do báo Tuổi Trẻ thực hiện với tựa đề “Vượt lên thù hận, chúng ta mạnh mẽ hơn” – đã bị chính Tuổi Trẻ và hàng loạt báo khác gỡ xuống, và “thay thế” bằng bài viết “Thư ngỏ gửi người Việt Nam và các bạn Mỹ” của bà Tôn Nữ Thị Ninh – người quyết liệt đào bới quá khứ thảm sát người dân Việt của Bob Kerry.

Điều đáng lo ngại đối với Đinh La Thăng là trong vận hành nội bộ đảng cầm quyền ở Việt Nam từ trước tới nay, hiếm có chuyện bài của một ủy viên bộ chính trị bị gỡ bỏ.

Phải chăng Ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng đang lâm vào một tình huống chông chênh?

Phá sản “3 tháng phải giảm tội phạm”

Vẫn còn khá sớm để đánh giá hiệu quả trong công tác chỉ đạo và điều hành của Bí thư Thăng. Nhưng có khá nhiều sự việc được ông thực hiện trong thời gian 4 tháng “cầm tay chỉ việc” của ông ở TP.HCM đã được mô tả là “đầu voi đuôi chuột”.

Trước hết, công tác dưới khẩu hiệu “3 tháng phải giảm tội phạm” của Đinh La Thăng đã hầu như phá sản. Tại Sài Gòn - nơi giấc mơ “trở lại Hòn ngọc Viễn Đông” của Bí thư Thăng bị coi là hoang tưởng - vẫn liên tiếp xảy ra những vụ cướp táo tợn sau 3 tháng “quyết liệt” ấy. Giới công an quen hành dân nhưng ít dám trị cướp tại thành phố này đành thúc thủ mô tả trong báo cáo: khi bị phát hiện bọn cướp sẵn sàng chống trả bằng dao, súng với nạn nhân và lực lượng chức năng.

Một vụ việc điển hình được một tờ báo nhà nước đăng tải cho thấy rõ tinh thần phá sản vừa nêu: Ngày 27/5, anh Rachid (34 tuổi, quốc tịch Marốc) cùng vợ Trần Thị Thu Trang (37 tuổi) và con gái 2 tuổi đi ôtô về đậu trước hầm chung cư Phúc Yên, quận Tân Bình ở Sài Gòn. Vừa bước xuống xe, người vợ bị hai thanh niên đeo khẩu trang, mặc áo mưa, đội nón bảo hiểm chạy xe máy áp sát giật phăng chiếc bóp. Chị Trang đuổi theo chụp được áo mưa khiến chúng ngã nhào. Anh Rachid vội đặt con gái xuống, lao đến ôm tên cướp vật ngã. Trong lúc giằng co, người đàn ông bị một trong hai đối tượng dùng vật nhọn đâm trúng vùng mặt và ngực, mất nhiều máu. Hai kẻ cướp lên xe tiếp tục bỏ chạy, người đàn ông nước ngoài cố gắng đuổi theo nhưng đã bị 2 đồng bọn của cướp đi cùng cản lại. Cuối cùng, 4 kẻ cướp tẩu thoát thành công!

Còn khá nhiều vụ cướp táo tợn và dã man mà báo chí và người dân ghi nhận, nhưng không thấy công an “báo cáo”…

Một kết quả không thể hiện trên bất cứ thông báo nào là nếu vào thời điểm đầu tháng 2/2016 khi hàng loạt du khách nước ngoài đã bị cướp tấn công và giật đồ và Ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng chỉ đạo “3 tháng phải giảm tội phạm” đối với Công an thành phố TP.HCM, thì hơn 4 tháng sau đó, “từ nay tôi sẽ dành toàn tâm toàn ý cho TP.HCM” vẫn giậm chân tại chỗ.

Nếu có thể, hãy tự trách mình trước khi chỉ trích người khác. Sau thời gian đầu “lên đồng” về hiện tượng Bí thư Thăng, giờ đây nhiều dư luận và cả báo chí bắt đầu “hồi tố” nhân vật này. Được nâng đỡ bằng cả một trào lưu “thế và lực” hùng hậu từ Tổng bí thư Trọng sau đại hội 12, cùng tư thế “Bình Nam chính ủy” nhằm chống nạn cát cứ của 15 năm “triều đại Lê Thanh Hải”, Bí thư Đinh La Thăng đã “la” quá nhiều trong khi hành động thực tại lại tỏ ra là một nốt giáng hoàn toàn bất tương xứng.

Vào lúc này, một số cán bộ hưu trí đang nêu nghi vấn: ngay khi mới chân ướt chân ráo về Sài Gòn nhậm chức và chưa kịp nắm tình hình nơi đây, ông Thăng đã đưa ra một chỉ đạo về giảm tội phạm, nhưng lại không hề cụ thể hóa về phải giảm những loại tội phạm nào, tỷ lệ giảm bao nhiêu, hay hình thức kỷ luật đối với cơ quan công an nếu “không hoàn thành nhiệm vụ”. Kết quả là mặc dù “đồng loạt ra quân trấn áp tội phạm”, công an thành phố này vẫn chỉ đạt thành tích tiêu biểu nhất là đàn áp và đánh đập dã man hàng trăm người dân xuống đường biểu tình vì môi trường vào tháng 5/2016, còn tội phạm chỉ tạm lắng khoảng một tháng, sau đó lại tiếp tục nhởn nhơ và lộng hành hơn. Thậm chí người dân còn có cảm giác là đám cướp giật chuyên nghiệp đã nắm thóp rằng chẳng bao lâu chỉ đạo của Bí thư Thăng sẽ bị cho “chìm xuồng”.

Sau một thời gian được “truyền cảm hứng” (như cách dùng từ của Bí thư Thăng trong cuộc tiếp xúc đối ngoại đầu tiên với đại diện các cơ quan lãnh sự tại TP.HCM), nhiều người đang thật sự nghi ngờ vào tương lai phục hồi “Hòn ngọc Viễn Đông” của ông. Với một thành phố mà chính ông Thăng còn phải nêu ra khuyến nghị phục hồi loại hình đội Săn bắt cướp (SBC) có từ thời mới “giải phóng”, sẽ mất bao nhiêu thập kỷ để thành phố này trở về Sài Gòn trước năm 1975?

Ai sẽ “tiến về Sài Gòn”?

Ngày càng nhiều cán bộ hưu trí “càm ràm” về chuyện Bí thư Thăng “đi đâu cũng báo, chỗ nào cũng báo” - ý nói ông Thăng đã tìm cách đánh bóng mình một cách quá thô thiển bằng việc kéo theo một đội ngũ phóng viên làm tin, viết bài, ghi hình và tung hứng cho ông trong nhiều cuộc làm việc với quận huyện.

Tấm hình nổi bật nhất cho thủ thuật đánh bóng trên là Đinh La Thăng - quần áo tinh tươm và tóc tai bóng mượt - “dọn rác” trên bờ kênh giữa một rừng ống kính của các phóng viên đã được thông báo trước về ngày giờ và địa điểm xuất hiện của Bí thư thành ủy.

Nếu nhìn lại, tinh thần phá sản của “3 tháng phải giảm tội phạm” chỉ là một câu chuyện nhỏ. Nhiều câu chuyện nhỏ khác như vụ bí thư hỗ trợ nông dân Củ Chi tiêu thụ sữa, bí thư nghe trực tiếp điện thoại của dân, bí thư đòi cách chức trưởng phòng tài nguyên môi trường huyện Hóc Môn… mà kết quả tuy chưa đến mức thất bại nhưng thành công cũng chẳng thấy đâu đã dần xác nhận đánh giá trước đó của một cựu cán bộ có thâm niên dày về công tác nhân sự: Đinh La Thăng là người có nhiều sáng kiến nhưng lại thiếu óc tổ chức thực hiện, là người thiếu tầm nhưng lại thích mơ mộng khoa trương, là người không biết dùng người nhưng lại bị hành hạ bởi căn bệnh ảo tưởng chính trị.

Không những bộc lộ nhiều dấu hiệu kém thành công trong chỉ đạo, người được Tổng bí thư Trọng đặc cách điều động vào TP.HCM với một trong những nhiệm vụ tối khẩn là chống tham nhũng, lại vừa vấp phải lực cản 15 năm quá khứ: Lê Trương Hải Hiếu - con trai của “triều đại Lê Thanh Hải” kéo dài suốt một thập kỷ rưỡi ở Sài Gòn - dù trước đây không trúng Ban chấp hành đảng bộ TP.HCM tại kỳ đại hội đảng thành phố này vào tháng 10/2015, đã đột ngột được chỉ định bổ sung vào ban chấp hành này vào tháng 5/2016, bồi thêm một vết nhơ không chỉ cho bí thư thành ủy cũ mà cả với bí thư thành ủy mới.

Chỉ mới hơn 4 tháng về Sài Gòn, nhưng sự va vấp với dàn nhân sự cũ của “Anh Hai” (cựu bí thư Lê Thanh Hải) đang khiến phát sinh dư luận về chuyện “Thành ủy làm thay Ủy ban”, hoặc tệ hơn là “Thăng không biết làm việc”. Nghe nói một số ông bà hưu trí - những người còn giữ ảnh hưởng ở mức độ nào đấy đối với lớp cán bộ đương nhiệm và đang chịu tác động nào đó của vài cán bộ khuất nhiệm - đang tụm năm tụm ba chỉ trích người vẫn còn bị xem là “tân bí thư” của TP.HCM.

Những câu chuyện mang tính thất bại như thế, dù mới chỉ là khởi đầu và tạm thời, đang bắt đầu gây ảnh hưởng từ không nhỏ đến phần nào nghiêm trọng đối với vị thế chính trị của Đinh La Thăng, không những ở Sài Gòn mà cả trong Bộ chính trị.

Bài phỏng vấn Bí thư Thăng “Vượt lên thù hận, chúng ta mạnh mẽ hơn” bị gỡ bỏ bởi một tờ báo nằm dưới quyền chỉ đạo trực tiếp của bí thư thành ủy TP.HCM, đã phát ra tín hiệu bất ổn, thậm chí rất bất ổn chính trị đối với ông Thăng. Dư luận đang ồn ào về chuyện ai là người chỉ đạo gỡ bài. Tất nhiên, nhân vật trưởng ban Tuyên giáo trung ương có thẩm quyền và đã quen làm chuyện “gỡ đục” như thế. Nhưng trong bảng tổng sắp Bộ chính trị, thứ hạng của bí thư thành ủy TP.HCM và trưởng ban tuyên giáo trung ương là gần ngang nhau. Như vậy có khả năng nhân vật “quyết” việc gỡ bài của Đinh La Thăng phải là một cấp cao hơn.

Phải chăng người cùng họ với Bí thư Thăng - Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban bí thư và cũng là nhân tố tích cực trong các cuộc “hội thảo lý luận giữa hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc”? Hay còn “cao” hơn nữa?

Nhưng dù gì, cứ với đà này và nếu tình hình chỉ đạo của ông Thăng không được cải thiện trong thời gian tới, hoặc bản thân ông chẳng nắm được gì mà chỉ toàn “cưỡi ngựa xem hoa” cùng những mệnh lệnh “trên trời” - như bình phẩm cười buồn của nhiều người, có thể hình dung một tương lai không mấy sáng lạn chờ đợi ông: rất có thể một nhân vật khác sẽ được điều động vào Sài Gòn làm bí thư thành ủy thay cho Đinh La Thăng.

Một trong những nhân vật vẫn còn tiềm năng “tiến về Sài Gòn” là Võ Văn Thưởng - người đã phải nín lặng nhường vị trí bí thư TP.HCM cho Đinh La Thăng và giờ đây đang khá lặng lẽ trong chức vụ Trưởng ban Tuyên giáo trung ương mãi tận Hà Nội.

Một trí thức ở tận hải ngoại là Trần Hồng Tâm đã nhận xét: “Tính nhân văn của ông Thăng không bằng Võ Văn Thưởng. Khi biểu tình nổ ra tại Quảng Ngãi, ông Thưởng không dùng dùi cui, hơi cay, côn đồ hay cảnh sát. Ông Thưởng giản dị gặp dân, lắng nghe những lời khao khát”…

Phạm Chí Dũng
Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'.