TQ không cho Philippines cắm cờ trên bãi cạn Scarborough
Cư dân và binh sĩ Philippines trong buổi lễ thượng kỳ nhân chuyến thăm của Tướng Gregorio Pio Catapang, chỉ huy quân đội Philippines đến đảo Thị Tứ, Philippines gọi là Pasaga, ở Biển Đông. |
Cảnh sát biển Trung Quốc ngăn không cho một nhóm người Philippines theo chủ nghĩa dân tộc cắm quốc kỳ trên một hòn đảo ở Biển Đông. Đây là vụ căng thẳng mới nhất giữa hai nước đang vướng vào vụ kiện tại tòa trọng tài Liên hiệp quốc về tranh chấp lãnh hải ở khu vực chiến lược này.
Vụ giằng co giữa nhóm Kalayaan Atin Ito với lực lượng tuần duyên Trung Quốc xảy ra tại bãi cạn Scarborough hôm 12/6 trong lúc Ngoại trưởng các nước ASEAN và Bắc Kinh chuẩn bị họp tại Côn Minh để thảo luận về tranh chấp Biển Đông.
Reuters dẫn lời ông Joy Ban-eg, người đứng đầu nhóm Kalayaan Atin Ito, cho hay cảnh sát biển Trung Quốc không cho nhóm của ông tới gần bãi cạn Scarborough và đôi bên giằng co cho tới khi nhóm của ông quyết định bỏ đi.
Vẫn theo nguồn tin này, chuyến hải hành của 15 người Philippines và 1 công dân Mỹ kéo dài 16 giờ đồng hồ tới bãi cạn Scarborough để kỷ niệm Lễ độc lập lần thứ 118 của Philippines và tìm hiểu xem ngư dân Philippines có được tự do di chuyển, hoạt động tại khu vực hay không.
Nhóm này cho hay chiếc tàu gỗ của họ khi tới gần Scarborough thì bị lực lượng tuần duyên Trung Quốc ngăn chặn, ra lệnh quay về.
Họ nói 5 người trong nhóm nhảy xuống nước để bơi vào bãi Scarborough nhưng bị phía Trung Quốc truy đuổi, xịt vòi rồng, và tìm cách tịch thu máy ảnh lẫn túi xách đựng quốc kỳ.
Bãi Scarborough hiện đang do Trung Quốc chiếm giữ từ năm 2012 tới nay.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Scarborough (Bắc Kinh gọi là đảo Hoàng Nham) là một phần thuộc lãnh thổ Trung Quốc và bất kỳ hành động nào của Bắc Kinh tại khu vực này đều nằm trong quyền chủ quyền của Trung Quốc.
Phát ngôn nhân Lục Khảng tại cuộc họp báo thường kỳ thúc giục Manila ‘tôn trọng chủ quyền Trung Quốc và tránh các hành động khiêu khích.’
Giới chức quốc phòng và quân sự Philippines từ chối bình luận về vụ việc.
Manila đang chờ phán quyết chung cuộc của tòa trọng tài Liên hiệp quốc trong vụ kiện chống lại bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông.