Ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố “không ngờ” được bầu lại
Đại hội 12, kéo dài hơn một tuần, đã chính thức bế mạc ở Hà Nội hôm nay, với việc bầu ra tổng bí thư và 19 thành viên đầy quyền lực của Bộ Chính trị. |
(VOA) Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay đã khiến mạng xã hội “dậy sóng” với tuyên bố rằng ông “không ngờ” lại được “tín nhiệm bầu vào vị trí Tổng bí thư với số phiếu gần như tuyệt đối”.
“Tôi bất ngờ vì tuổi đã cao, sức khỏe có hạn. Tôi cũng đã xin nghỉ rồi nhưng với trách nhiệm của Đảng đã giao thì tôi là đảng viên phải thực hiện. Giao trách nhiệm cho chúng tôi, chúng tôi rất lo lắng”, ông Trọng đã nói như vậy trong cuộc họp báo sau khi kết thúc Đại hội đảng 12.
Nhà lãnh đạo hơn 70 tuổi nói thêm rằng “công việc sắp tới còn nặng nề lắm, gánh trách nhiệm rất lớn”.
Trước đó đã rộ lên thông tin về việc “đấu đá nội bộ” và ông Trọng sẽ tại vị thêm một thời gian nữa.
Về kết quả của đại hội này, tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, một trí thức ở Hà Nội, người theo dõi sát đại hội đảng 12, nhận định với VOA Việt Ngữ:
“Trong dư luận mạng xã hội, người ta chia làm hai phe. Một là phe thân Tàu và hai là phe thân Mỹ. Có những người nữa người ta chia làm một phe nữa là phe trung dung. Thế như vậy là, chả có phe nào thân dân cả. Việc Đảng cộng sản Việt Nam để ông Nguyễn Phú Trọng lên làm tổng bí thư nhiệm kỳ thứ hai khi đã ở tuổi 72, thì đấy là một thất bại của đại hội lần này. Chúng tôi quan sát đại hội qua các văn kiện thì vấn đề phát triển đất nước không được bàn như các đại hội trước, mà đại hội lần này, có mỗi vấn đề nhân sự. Bàn về nhân sự mà cuối cùng lại chọn một người là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ làm tổng bí thư để kế thừa chính ông ấy. Đấy là một bước lùi và một sự thất bại.”
Khi trả lời báo giới về cảm nghĩ khi được bầu lại làm tổng bí thư, ông Trọng cũng nói thêm rằng “trước tình hình diễn biến trong nước, quốc tế như thế này, thời cơ thuận lợi, nhưng khó khăn thách thức cũng rất nhiều”.
Tuy nhiên, người lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam không nói rõ các thuận lợi và khó khăn đó là gì.
Trong khi đó, nhận định về các thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt, ông Nguyễn Trung, một cựu cố vấn cho thủ tướng và nay làm công tác nghiên cứu, nói với VOA Việt Ngữ:
“Ban chấp hành Trung ương mới bây giờ làm được gì, thay đổi được gì, đấy là các vấn đề đang đặt ra cho họ, để xem họ làm được đến đâu. Thách thức lớn nhất là Việt Nam phải tự thay đổi chính mình, để có thể vươn lên nắm lấy cơ hội mới. Một thách thức rất lớn nữa là vấn đề Trung Quốc. Trung Quốc không phải chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà còn trở thành vấn đề của toàn thế giới. Xử lý vấn đề Trung Quốc như thế nào, nhất là Việt Nam lại là một nước láng giềng cạnh nách Trung Quốc nữa. Trong tình hình hiện nay, Việt Nam chỉ có thể tạo ra được sự phát triển mới nếu tự thay đổi chính mình, và thích nghi được tốt nhất với thế giới mới đang diễn ra này.”
Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Trọng đã cam kết với các đại biểu rằng Bộ Chính trị “sẽ cố gắng, vượt qua mọi thách thức trong thời gian tới”.
Trong danh sách 19 ủy viên của cơ quan được coi đầy quyền lực của Việt Nam này có tới ba người xuất thân từ công an, trong đó có ông Trần Đại Quang, người được đề cử làm Chủ tịch nước.
Trong khi đó, trong số 200 ủy viên Ban chấp hành trung ương mới có tới 20 người từ Bộ Quốc phòng. Nhận định về điều này, tiến sỹ Diện nói:
“Cái chuyện nhiều vị tướng như vậy là để bảo vệ đảng, chứ không phải bảo vệ, ứng phó với Trung Quốc đâu, bởi vì nếu đảng có mục tiêu tăng nhiều số quân đội lên để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ đất nước thì người ta sẽ đưa ông Đỗ Bá Tỵ vào Bộ Chính trị để lên nắm Bộ Quốc phòng vì ông ấy là người chuyên về tác chiến, chứ không phải ông Ngô Xuân Lịch chuyên về chính trị.”
Trong khi trao đổi với báo giới, ông Trọng khẳng định rằng “Đảng luôn thực hiện mục tiêu dân chủ, không độc đoán”, nhưng nhấn mạnh đất nước cần siết chặt kỷ cương nếu không sẽ “rối loạn”.
Ngoài ông Trọng và ông Quang, hai vị trí thuộc “tứ trụ” khác được đề cử là ông Nguyễn Xuân Phúc làm thủ tướng và bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm chủ tịch quốc hội.
Khi được hỏi kỳ vọng gì vào “bộ tứ” này, ông Diện nói thêm rằng ông hy vọng sẽ có “tác động từ bên ngoài vào Việt Nam, nhất là khi Việt Nam gia nhập TPP”, còn theo ông, “nội lực trong nước sẽ không có gì thay đổi”.
Cũng cùng quan điểm với ông Diện, ông Nguyễn Minh Thuyết, cựu đại biểu quốc hội Việt Nam, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng sẽ khó có “đột biến” ở Việt Nam trong những năm sắp tới. Ông nói thêm:
“Theo dõi tình hình Việt Nam hàng chục năm nay, nếu có tiến thì chỉ tiến từng bước một, nhích lên từng tí thôi, còn nếu mà nói có phát triển đột biến gì thì tôi cũng chưa nhìn thấy, bởi vì đọc trong các cương lĩnh và báo cáo chính trị trình ra đại hội đảng thì tôi cũng chưa thấy có ý kiến, tư tưởng có tính đột phá. Còn về các vị lãnh đạo mới, tôi nghĩ rằng họ sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình nếu như họ lấy mục tiêu chính là vì đất nước, vì người dân để mà đưa ra các quyết sách và họ chịu khó lắng nghe các ý kiến tham mưu tốt.”
Người từng lên tiếng mạnh mẽ ở quốc hội Việt Nam còn cho rằng việc các nhà quan sát nước ngoài so sánh giữa ông Trọng là người bảo thủ, thân Trung Quốc và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là cải cách, thân phương Tây như vừa qua “có lẽ không hiểu cách làm việc của Việt Nam”.
Ông nói: “Ở Việt Nam, tất cả các chính sách lớn về đối nội và đối ngoại đều là chính sách của Bộ Chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam. Cho nên, ông ai dám đi chệnh ra ngoài các đường lối mà Bộ Chính trị đã vạch ra”.
Trong 19 ủy viên Bộ Chính trị lần này, theo ông Trọng, “phần đông là trẻ”, trong đó người trẻ nhất là 46 tuổi, và có 3 phụ nữ trong cơ quan đầy quyền lực này.