Matt Mahan

ads header

Breaking News

VN giữ nguyên lãnh đạo đảng CS, bầu nữ chủ tịch quốc hội đầu tiên

Nhóm 'Tứ trụ' mới (từ trái): Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
(VOA) Những người hy vọng thấy cuộc đấu đá chính trị kịch liệt ở Việt Nam đã thất vọng khi Đảng Cộng sản hôm Thứ Năm giới thiệu nhóm lãnh đạo “tứ trụ” đã được phê duyệt từ trước, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm thêm một nhiệm kỳ và một phụ nữ lần đầu tiên được bầu vào một trong “tứ trụ” của đất nước. Thông tín viên Liên Hoàng của đài VOA tường thuật từ Sài Gòn.

Kết quả của đại hội đảng đã chấm dứt sự phỏng đoán trong nhiều tháng rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể sẽ thực hiện một cuộc chỉnh đốn và thế chỗ ông Trọng. Thay vào đó, đảng đã quay về với sự ổn định nội bộ qua việc bầu lại vị tổng bí thư tương đối bảo thủ. Đảng cũng đặt cược an toàn với việc chọn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho chức thủ tướng, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho chức chủ tịch nước, và nữ Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm chủ tịch Quốc hội.

Ông Vũ Tường, giáo sư khoa học chính trị tại trường Đại học Oregon, nhận xét: “Không thực sự có những bộ mặt mới, những cá tính mạnh, hay những cá nhân có sự lôi cuốn. Có lẽ bà Ngân [là ngoại lệ], bà là người có nhiều ẩn số. Nhưng vị trí của bà vẫn thấp trong nhóm tứ trụ. Có lẽ từ nay đến đại hội sau bà sẽ thăng tiến, ai mà biết được”.

Bà Ngân trở thành phụ nữ đầu tiên được cất nhắc vào nhóm lãnh đạo hàng đầu của đảng, nhưng ông Tường nói lý do cất nhắc bà có thể là vì sự cân bằng vùng miền hơn là vì giới tính. Bà là người miền nam, ông Phúc miền trung, còn ông Quang và ông Trọng là người miền bắc.

Nhiều người đã thảo luận sôi nổi về sự khác biệt giữa ông Dũng, với tư cách một nhà cải cách kinh tế có 3 con học ở phương Tây, với ông Trọng, một đảng viên trung kiên ngả về Trung Quốc, nước cộng sản duy nhất lớn hơn Việt Nam.

Nhưng các nhà quan sát nói cỗ máy tự do hóa Việt Nam đã được gài số từ nhiều năm trước và sẽ tiếp tục chạy, bất chấp ai là người cầm quyền.

Giáo sư Phạm Quý Thọ, thuộc Học viện Chính sách và Phát triển ở Hà Nội, nói thế hệ lãnh đạo tiếp theo biết rõ là Việt Nam phải chuẩn bị để cạnh tranh và hội nhập với phần còn lại của thế giới. Ông đề cập đến một loạt hiệp định thương mại sẽ mang lại những đối thủ nước ngoài, từ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương cho đến Cộng đồng Kinh tế của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á.

“Sẽ có cải cách, không chỉ kinh tế mà cả xã hội, để người dân có thể thích nghi với những yêu cầu của nền kinh tế mới và các nhu cầu về nguồn nhân lực”, ông Thọ nói.

Các nhà đầu tư có chung suy nghĩ với vị giáo sư môn chính sách công này.

Kinh tế gia Izumi Devalier của HSBC viết trong một bài tham luận rằng “các ứng viên dường như đều cơ bản nhất trí rằng phi tập trung hóa hơn nữa nền kinh tế là điều cần thiết để bảo đảm nâng cao mức sống”. Bà đề nghị Việt Nam cân nhắc tới việc giảm bớt những sự liên hệ chặt chẽ giữa các công ty nhà nước và các ngân hàng đang cho các công ty đó vay một cách dễ dãi.

Tương tự như vậy, ông Kevin Snowball, Tổng Giám đốc Điều hành của Công ty Quản lý Tài sản PXP Vietnam, tin rằng các cải cách nhiều khả năng sẽ tiếp tục tiến tới, không chậm chạp hơn nữa dưới quyền ông Trọng. Trong một email gửi các nhà đầu tư, ông Snowball nói ông hy vọng trước khi hết nhiệm kỳ vào mùa hè năm nay, ông Dũng sẽ trấn an “những cán bộ quan liêu ít hiểu biết về thị trường” rằng người nước ngoài sẽ không mua các công ty nhà nước chỉ để cướp phá chúng.

“Vì những cải cách đó, nhất là về thị trường chứng khoán, đã khựng lại trong mấy tháng nay gần cuộc đại hội đảng, cho nên ít có khả năng các cải cách đó lại chậm chạp thêm chút nào nữa so với hiện nay”, ông Snowball nói.

Kết quả của đại hội đảng - diễn ra 5 năm một lần - đã được dự đoán trước nhiều ngày. Dù vậy một số ủng hộ viên của ông Dũng vẫn nuôi hy vọng cho dù, như lời Giáo sư Tường, một cá nhân không thể quyết định trong một hệ thống cai trị bằng sự đồng thuận. Bất chấp sức mạnh cá nhân của ông Dũng, người Việt Nam đổ dồn về ông để chia sẻ cảm giác bất an về sự xâm lấn của Trung Quốc.

Tuy cuộc bầu bán năm nay của đảng thu hút nhiều sự chú ý cũng như bàn tán trên mạng hơn mọi khi, song hầu hết người Việt Nam chỉ chú ý vào công chuyện thường ngày.

Ông Nguyễn Huyền, làm việc tại một tổ chức thiện nguyện phục vụ người khuyết tật, nói: “Nói thật, tôi không thực sự quan tâm đến chính trị. Tôi biết tôi chẳng thay đổi được gì”.