Hóa thân, cuộc chiến ngầm giữa đức Đạt Lai Lạt Ma và Bắc Kinh
Ảnh lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma. AFP PHOTO / BENJAMIN HAAS |
Những thổ lộ về chủ đề này chỉ được các phóng viên thu nhặt một cách kín đáo hay chỉ thấy được qua ánh mắt của các nhà sư Tây Tạng. Đây là chủ đề chính trong bài phóng sự đề tựa « Tại một Tây Tạng như mơ ước của Đảng » trên Le Figaro số ra ngày 24/12/2015.
Theo tường thuật của thông tín viên Patrick Saint-Paul, Trung Quốc mời một nhóm nhỏ phóng viên nước ngoài thường trú tại Bắc Kinh đến xem « diện mạo mới » của Tây Tạng. Một « thực tế » mà các nhà báo ngoại quốc không được tự do nhìn thấy bằng chính con mắt của họ : bởi vì, không như nhiều vùng khác, để vào được Tây Tạng người ta vẫn phải cần được Bắc Kinh cấp giấy phép đặc biệt.
Đi du ngoạn được « hộ tống »
Đoàn tham quan được 5-6 nhân viên an ninh hộ tống. Mỗi người được phân nhiệm vụ theo dõi sát sao từng nhóm nhỏ, bám sát các phóng viên từng ly một, hòng tránh mọi sự « vượt rào ». Các cuộc tiếp xúc, trao đổi giữa phóng viên và các nhà sư hay người dân Tây Tạng đều bị hạn chế. Hầu hết các cuộc trao đổi bị chặn lại ngay sau vài câu hỏi liên quan đến cuộc sống thường nhật trong tu viện, giờ niệm kinh Phật và giờ ăn.
Phóng viên Saint-Paul cho biết chương trình tham quan dày đặc, giống như là đi « hành quân », để tránh mọi cơ hội tiếp xúc cũng như là những trao đổi có thể xảy ra. Theo quan sát của phóng viên Le Figaro, một cuộc chiến ngầm đang diễn ra giữa Bắc Kinh và lãnh tụ tinh thần Tây Tạng lưu vong.
Bắc Kinh cho đến giờ vẫn cho rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma là « con sói đội lốt cừu », một thành phần ly khai « nguy hiểm », dẫu rằng Ngài đã từ bỏ việc đòi độc lập, chỉ thỉnh cầu một nền « tự trị thật sự ». Cũng Trung Quốc quan niệm là Đức Đạt Lại Lạt Ma cho đến ngày này chẳng làm gì được cho Tây Tạng, nên chắc chắn Ngài sẽ không được yên nghỉ tại Potala, cùng với các vị Đạt Lai Lạt Ma trước đây, theo như giải thích của một người hướng dẫn.
Nhưng vấn đề gai góc nhất hiện nay gây nhiều tranh cãi : Đó là sự hóa thân của Ngài trong tương lai. Để có thể nói chuyện với phóng viên Le Figaro, một tu sĩ đã phải kín đáo thổ lộ quan điểm của mình về chủ đề này. Theo ông, người dân Tây Tạng ai cũng tin vào sự hóa kiếp. Đó chính là vòng luân hồi. Nếu như chúng ta những người bình thường không thể tự chọn cho mình kiếp sau là gì, đối với các Đạt Lai Lạt Ma, chính cái nghiệp của họ sẽ quyết định, chứ không phải ai khác.
Trên thực tế, vị lãnh tụ tinh thần Tây Tạng gần đây có khẳng định là ông có thể sẽ chọn hóa thân kiếp sau thành phụ nữ, hay là một ai đó ngoài Tây Tạng, hoặc cũng có thể là không hóa kiếp, trở thành người nối dõi sau cùng. Lời tuyên bố của ông đã khiến Bắc Kinh giận dữ.
Nếu như các tu sĩ Tây Tạng vẫn khẳng định rằng « Không ai có thể thay cái nghiệp của Ngài để chọn sự hóa thân tiếp theo ». Nói rõ ra là Bắc Kinh sẽ không chỉ định vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 15. Thế nhưng, theo nhận định của phóng viên Le Figaro, chính quyền Trung Quốc không có ý định bỏ lỡ cơ hội nào để chọn ra người có thể đảm nhiệm cả vị trí lãnh đạo tinh thần lẫn chính trị đối với người Tây Tạng, dù rằng Tenzin Gyatso, lãnh đạo tinh thần Tây Tạng hiện nay đã từ bỏ vai trò này.
Bắc Kinh vừa dọa, vừa xoa Tây Tạng
Một điểm khác cũng đáng lưu ý trong chuyến đi này là hình ảnh cũng như các bài thuyết giảng của Đức Đạt Lai Lạt Ma hầu như bị cấm đoán. Các học viên chỉ được quyền tham khảo các sách cổ xưa có giá trị từ ngàn năm nay. Ngay tại thiền viện Séra, nằm cách trung tâm Lhassa 5 km, một trong những địa điểm nhạy cảm nhất, phóng viên báo Le Figaro Saint-Paul ghi nhận điểm thú vị là rất nhiều tác phẩm của Chu Ân Lai, Tập Cận Bình và nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc khác chiếm một vị trí khá quan trọng trong các tủ sách tại đây. Theo giải thích của một vị quản lý tu viện, đó là những tác phẩm « rất phổ biến không chỉ tại Tây Tạng, mà trên toàn cả nước ».
Phóng viên nhật báo còn cho biết là để mua chuộc các sư sãi tại Tây Tạng, Bắc Kinh đã sử dụng công cụ 'cây gậy và củ cà rốt'. Một mặt, chính quyền trung ương buộc các sư sãi phải tham gia các khóa học « giáo dục lòng yêu nước », học các quy định về luật và Hiến Pháp, các « chiến dịch chống chủ nghĩa ly khai ». Mặt khác, Bắc Kinh sử dụng đến « chiếc phong bì » để thu phục giới tu sĩ tại đây như chu cấp cho các thầy đến tuổi về hưu mỗi tháng 500 nhân dân tệ, và chịu hết các phí tổn về y tế.