Bị đánh dã man vì phát tờ rơi trích lời của Thủ tướng
Anh Hoàng Bình với vết thương trên cổ và Cô Đỗ Thị Minh Hạnh. |
Ngày 25 tháng 12 vừa qua, nhiều người bị đánh đập dã man chỉ vì một vài nhà hoạt động nghiệp đoàn thuộc tổ chức Lao Động Việt phát tờ rơi mang thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc thành lập nghiệp đoàn độc lập, một trong những điều kiện khi tham gia Hiệp định đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP mà Việt Nam là một trong 12 quốc gia tham gia ký kết. Một thành viên của Lao Động Việt tại Việt Nam là cô Đỗ Thị Minh Hạnh cho biết:
“Ngày 18/11 thì ông Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố là Việt Nam cần có một công đoàn độc lập. Chúng tôi rất là ủng hộ tinh thần này và chúng tôi nghĩ rằng đưa những lời đó của Thủ tướng đến với người dân theo một chiều hướng tốt như thế này thì chắc chắn là người dân sẽ vui mừng. Những tờ giấy đó in ấn là nhằm mục đích cho công nhân hiểu thêm, nâng cao nhận thức cho họ thì lý ra là phải được nhà nước hoan nghênh, hỗ trợ. Tuy nhiên chúng tôi không hiểu vì sao lời của Thủ tướng lại bị gọi là vi phạm mà họ bắt bớ và đánh đập những người truyền tải những nội dung của thủ tướng đến với người dân.”
Trên tờ rơi trích lời nói của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 18/11 được đăng lại trên tờ Kinh tế Sài Gòn online như sau: Theo Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP là công nhân được quyền thành lập những nghiệp đoàn do chính công nhân bầu lên, hoạt động độc lập với Tổng Liên đoàn lao Động Việt Nam, trong tờ rơi cũng trích dẫn một vài điều khoản được quy định trong hiệp ước này cũng như trong kế hoạch lao động giữa Hoa Kỳ và Việt Nam về quyền thành lập nghiệp đoàn, quyền thương lượng tập thể cũng như cách để cho công nhân tiếp cận với thông tin này. Anh Hoàng Bình, thành viên của Lao Động Việt giữ nhiệm vụ phân phối những thông điệp này đến với công nhân đã bị khoảng 20 công an vây bắt lúc đang giữ 4.500 tờ rơi. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, công an đã không nhắc nhở gì đến nội dung các tờ rơi này mà lại lấy một lý do không hề có là anh Hoàng Bình gây tai nạn xe cộ và bỏ chạy. Tại đồn công an phường Hoà Thạnh, anh Hoàng Bình cũng bị đánh đập dã man và liên tục bởi những người công an mặc thường phục và sắc phục. Anh Hoàng Bình kể lại sự việc xảy ra tại đồn công an Hòa Thạnh ngày 25/12 vừa qua:
“Hôm qua em vừa ra khỏi đầu hẻm thì công an giao thông đến nói là em gây tai nạn bỏ chạy, thì em vẫn hợp tác về đồn. Về đồn thì họ đây em vào phòng có 6 người đánh em liên tục khoảng độ 30 phút, đánh liên tục, đánh rất là nhiều. Có 6 nhân viên an ninh mang khẩu trang đánh em liên tục và nói là ‘lúc ở ngoài đường mày nói cái gì ? bây giờ mày ngon thì mầy nói đi’ thế là họ đánh em liên tục. Đè đầu vào bàn đánh liên tục, Em úp mặt vào bàn, họ bóp cổ và đánh, họ đánh vào 2 cánh tay của em làm em không thể nào nhấc tay lên nổi. Họ đánh vào đầu và tai em làm em ù hết cả tai, sau đó chuyển em sang phòng khác. Ra phòng ngoài này lại đánh tiếp. Lúc đó em có triệu chứng buồn nôn và chóng mặt vì bị đánh vào đầu nhiều. Lúc đó em mê man không biết gì thì có bác sĩ đến khám thì chỉ đo huyết áp và nói là sức khoẻ bình thường, chỉ có huyết áp thì thấp một chút nhưng tim phổi bình thường và ổng bỏ về ngay sau đấy.
Thì công an nói là mày giả vờ thì thay phiên nhau, cứ 30 phút là hành hạ một lần lúc thì đánh trực tiếp, lúc thì nắm tóc giật ngửa lên, đặc biệt là có anh an ninh thành phố tên là Trần Văn Vũ bóp cổ em, dập vào đầu và tát hơn 30 tát vào hai bên tai em. Em thì ngồi nhắm mắt để cho đánh, em không kháng cự gì cả. Thì ông ấy dùng 2 ngón tay móc vào hẳn mắt của em nói mày mở mắt ra. Ổng ấy móc vào mắt, bóp vào cổ họng và đấm vào sau lưng để cho em sặc không thở được . Em cứ để cho hành hạ và nói các ông dùng biện pháp này thì nói chung các anh không thể đánh chết được nhưng ngay từ đầu là anh thua rồi, anh không khuất phục tôi được nên tôi không đồng ý với cách làm của các anh còn các anh thích đánh thì đánh. Thì họ bịt miệng em lại, bóp cổ, bịt miệng không cho nói, họ hành hạ em liên tục sau rồi vất em trong phòng và bỏ đi.”
Đánh không cần nói lý do
Khi Hoàng Bình bị bắt thì bạn bè thông tin trên Facebook, khoảng 20 người đã kéo đến đồn công an để đòi người. Lúc đầu, một số người đến đồn công an phường Tân Sơn Nhì, nơi đó, họ được chỉ đến đồn công an phường Hòa Thạnh. Tại đây, họ tiếp xúc với ban Tiếp Dan để hỏi về anh Hoàng Bình, thay vì được tiếp dân thì bảy người bị bắt vào đồn, đó là: anh Trần Bang, Phát ‘lớn’, Phát ‘nhỏ’, Hồ Thị Kim Ninh, Faceboker Phạm Tuấn Kiệt, trong số đó, nhiều người bị đánh đập dã man. Một người trẻ tuổi nhất trong nhóm là cậu Huỳnh Thành Phát, 16 tuổi thuộc nhóm tự phát Zombie cũng bị bắt và đánh, Huỳnh Thành Phát kể lại chuyện xảy ra sau khi rời khỏi đồn công an Tân Sơn Nhì:
“Tiếp đến là mọi người kéo qua đồn công an phường Hòa Thạnh thì bên phía chính quyền cho cảnh sát giao thông, cơ động, dân phòng rất là nhiều chưa kể phía an ninh thường phục đứng vây chặn không cho đi vào. Thì lúc đó tụi em đi vào nhưng mà họ không chấp nhận cho tụi em đi vào. Chúng em đi vào thì bị những người tự xưng ‘câu thần chú: Tao là dân rồi bắt đầu đánh đập thoải mái trước mặt công an. Những người đó đánh em từ đầu hẻm 70, đánh dài vô tới đồn khoảng 50 mét, vô tới trong phòng rồi bắt đầu lấy còng tay em lại dồn vô chân tường đánh tiếp. Khoảng mười mấy - hai mươi người, mấy anh đó cao khoảng 1,80 mét, tướng rất là to con, họ cứ nói ‘tao là dân’ rồi xông vào đánh không cần nói lý do gì cả. Chẳng hiểu sao những người tự xưng ‘tao là dân’ và mặt thường phục lại có còng tay đi còng, thì công an cũng chỉ đứng nhìn thôi. Có một anh cũng mặc sắc phục đánh em, em nhớ tên anh này là Phạm Khắc Đông.”
Khoảng 4 giờ 30 sáng thì Huỳnh Thành Phát được thả ra, lần lượt mọi người khác cũng được thả ra. Riêng Hoàng Bình chỉ được thả ra vào khoảng 2 giờ trưa ngày 26/12 sau khi bị bắt ký vào các biên bản. Hoàng Bình phản đối việc ký tên vào các văn bản mà anh không được đọc thì công an gọi người dân ở gần đó đến ký thay cho anh. Hoàng Bình cho biết:
“Ra ba quyết định trừng phạt, quyết định trừng phạt thứ nhất là: kêu gọi mọi người gây rối mất trật tự, thực chất em ngồi trong đồn thì em không thể kêu gọi được .Quyết định thứ hai là em tàng trữ tài liệu không có chứng từ nguồn gốc xuất bản, không có giấy phép. Còn quyết định thứ ba là gây rối, mất trật tự. Có tất cả là 3 quyết định nhưng mà em chưa được đọc, họ vừa trao cho em, em vừa nhìn thì họ dùng camera quay làm bằng chứng là họ trao cho em. Họ trao xong là họ ngắt camera liền họ giật lại liền, em chưa kịp cầm lấy. Em nhìn thì em biết là có 3 quyết định đấy.”
Như đã thông tin, ngày 22/11 vừa qua cô Đỗ Thị Minh Hạnh và ông Trương Minh Đức trong khi giúp cho công ty Yupoong đấu tranh đòi quyền lợi thì bị công an bắt, cô Minh Hạnh bị đánh đập dã man. Ngày 25 tháng 12 vừa qua thì thêm một thành viên Lao Động Việt khác bị đánh đập khi mang thông điệp về quyền lao động cho công nhân. Trước những sự kiện đó, cô Minh Hạnh có vẻ bi quan cho một nghiệp đoàn độc lập trong tương lai:
“Đến giờ phút này thì thật sự Lao Động Việt rất là e ngại về vấn đoàn nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam vì hiện nay cho thấy được những sự đàn áp ngày càng gia tăng đối với những người hoạt động nghiệp đoàn như trường hợp Minh Hạnh cùng Trương Minh Đức bị đánh đập ở Đồng Nai và vừa qua Hoàng Bình, một thành viên của Lao Động Việt lại bị bắt giữ 24 tiếng đồng hồ, cũng bị đánh đập, hăm doạ. Vì những sự việc diễn ra mang tính chất đàn áp, khủng bố như vậy khiến cho nghiệp đoàn độc lập khó mà có thể thực hiện được ở Việt Nam.”
Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP được 12 nước ký kết ngày 5/10/2015 và hiện đang trong quá trình thông qua Quốc hội tại các nước thành viên. Hiệp ước TPP đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích về mặt thuế quan trên các Thị trường đối tác, nhất là Hoa Kỳ. Nhưng bên cạnh đó Việt Nam phải bảo đảm tuân thủ một số cam kết về quyền lao động trẻ em, quyền sở hữu trí tuệ… và đặc biệt là quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập mà nhiều nhà quan sát cho đây là một khúc xương khó nuốt của một quốc gia với một thể chế chính trị mà bất cứ một tổ chức nào cũng phải nằm dưới sự kiểm soát của đảng.
Tường An, thông tín viên RFA
2015-12-26