Khủng bố: Tình báo Pháp bị chỉ trích không tròn bổ phận
Bộ trưởng Nội vụ Pháp, Bernard Cazeneuve bác bỏ những cáo buộc "thiết sót" về an ninh. REUTERS/Regis Duvignau |
Ba ngày sau loạt khủng bố tại Paris, Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve tuyên bố trong nỗ lực chống khủng bố, chính phủ đã « huy động 115.000 cảnh sát, hiến binh và binh sĩ quân đội » để bảo vệ an ninh cho dân chúng
Tuy nhiên, theo AFP, theo nhịp độ điều tra và truy bắt thủ phạm, một số trường hợp « bất cập » đã được phát hiện.
Trước tiên là tay khủng bố tự sát Samy Amimour, 28 tuổi, sinh quán tại Pháp. Bị nghi ngờ sang Yemen theo Hồi giáo cực đoan, bị truy tố vào tháng 10/2012 với tội danh « đồng lõa » với khủng bố, Samy Amimour không lãnh án tù nhưng bị tư pháp kiểm soát. Thế nhưng một năm sau Samy Amimour vẫn trốn sang được Syria và trở về ôm bom khủng bố trước sân vận động Stade de France.
Trường hợp thứ hai rất đáng ngạc nhiên : ba ngày sau khủng bố, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, cách nay hai năm, đã thông tin cho Paris biết về đường đi nước bước của Omar Ismail Mostefai, một trong ba kẻ khủng bố mang bom và súng AK47 giết 89 khán giả nhạc Rock tại nhà hát Bataclan. Omar Ismail Mostefai đến Thổ Nhĩ Kỳ năm 2013. Ankara thông báo cho Pháp hai lần : lần đầu vào năm 2014 khi thanh niên này từ Thổ Nhĩ Kỳ lén sang Syria và lần thứ hai, vào tháng 6/2015 khi tình báo Thổ Nhĩ Kỳ mất dấu Omar Ismail Mostefai.
Theo thông tín viên đài RFI Jérôme Bastion ở Istanbul, một viên chức tình báo Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định họ không có ý « đỗ lỗi cho tình báo Pháp » khi công bố trường hợp này mà là để làm « sáng tỏ » đường đi nước bước của một tay thánh chiến. Nhân vật này nhận định « đây là một trường hợp cụ thể chứng minh là cần có sự hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố ».
Lời chỉ trích gián tiếp nói trên khá bất thường. Vì từ xưa đến nay, chính tình báo Châu Âu và đặc biệt là Pháp thường trách đồng nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ không chia sẻ thông tin đầy đủ về hoạt động của các nhóm thánh chiến.
Về hoạt động bảo vệ an ninh, Bộ trưởng Nội vụ Pháp cho biết từ nhiều tháng nay, các cơ quan tình báo Pháp đã tiến hành điều tra và bắt giam những kẻ từ Syria trở về, vô hiệu hóa những thành phần âm mưu khủng bố, và đã ngăn chận được 6 vụ chỉ trong ba tháng hè năm nay 2015.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nội vụ Pháp, loạt khủng bố đẫm máu hôm 13/11/2015 là do các tổ bí mật « từ bên ngoài » hoạch định và huy động những phần tử « không nằm trong danh sách đen » của tình báo Pháp. Còn những phần tử nằm trong danh sách theo dõi thì không có lý lịch dính liếu với khủng bố.
Giới phân tích cũng nhìn nhận là chính sách tự do lưu thông của Châu Âu đã tạo điều kiện dễ dàng cho các thành phần muốn gia nhập khủng bố đi sang Irak hay Syria. Được RFI đặt câu hỏi, ông Louis Caprioli cựu Phó Giám đốc Sở Phản gián Pháp giải thích : những kẻ khủng bố kể trên « có thể rời nước Pháp vì ở trong hiệp ước ( tự do đi lại) Schengen, qua Thổ Nhĩ Kỳ, rồi vượt biên giới sang Syria một cách dễ dàng ».
Alain Chouet, một cựu chỉ huy tình báo, cũng nói thẳng : rất khó mà kiểm soát biên giới ngăn chận những kẻ có nghề. Theo an ninh Pháp, theo dõi lộ trình của 10.000 người có tên trong danh sách đen là một vấn đề.
Trong diễn văn đọc trước Quốc hội lưỡng viện, Tổng thống Pháp François Hollande thông báo sẽ tuyển dụng thêm 8500 nhân viên cho ngành an ninh và tư pháp. Tiền nhiệm của ông là Tổng thống Nicolas Sarkozy đã giảm biên chế hơn 10.000 nhân viên an ninh để tiết kiệm ngân sách. Cựu thủ tướng Alain Juppé (cánh hữu) thừa nhận đây là một quyết định sai lầm.