Dư luận sau phát biểu của Ô. Tập Cận Bình trước Quốc hội VN
Add caption |
Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
2015-11-06 Nguồn RFA
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sáng ngày 6/11 có bài phát biểu dài hơn 20 phút, gấp đôi thời gian dự kiến, trước Quốc hội Việt Nam ở Hà Nội.
Đây là bài phát biểu mà nhiều người quan tâm chú ý đến nhất trong chuyến công du Việt Nam lần này của người đứng đầu đảng và chính phủ Trung Quốc.
Sau khi biết được nội dung của bài phát biểu đó do báo chí trong nước tường thuật, phản ứng của những người quan tâm ra sao?
Phát biểu của ông Tập theo truyền thông VN
Một số điểm chính của bài phát biểu được truyền thông trong nước trích thuật. Theo đó ông Tập Cận Bình nói đến mối quan hệ hai nước láng giềng ‘núi liền núi, sông liền sông’ và với câu ‘mất hàng ngàn vàng để mua láng giềng’. Theo ông Tập Cận Bình thì Trung Quốc và Việt Nam cẩn đạt được đại sự, sau đó tiểu sự sẽ giải quyết dễ dàng. Ông này cũng nhấn mạnh ủng hộ Việt Nam tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội…
Linh mục An Tôn Lê Ngọc Thanh, từ Sài Gòn sau khi đọc được những tường trình của báo chí Nhà nước về bài phát biểu của ông Tập Cận Bình trước Quốc hội Việt Nam vào sáng ngày 6 tháng 11 đưa ra nhận xét:
“Tôi nhận thấy phát biểu của ông Tập Cận Bình không tỏ ra hung hăng nhưng rõ ràng vẫn không có thừa nhận một cách rõ ràng về tình trạng Hoàng Sa- Trường Sa thuộc về Việt Nam hoặc ít ra là đang có vấn đề tranh chấp; mà chỉ đề cập một cách rất chung chung như thể đánh lừa các đại biểu quốc hội.
Ba vấn đề chính mà ông đặt ra: đầu tiên ông ta bảo rằng chọn lựa của nhân dân hai nước, hai đảng, hai nhà nước là đi theo con đường chủ nghĩa xã hội; thật ra đó là điều mà nhân dân Việt Nam đâu có chọn. Đó là điều ông ta cố gắng gượng ép. Điều thứ hai ông nói rằng là Việt Nam và Trung Quốc phải tận dụng cơ hội để có thể trở nên trụ cột cho Châu Á. Thật ra ông ta muốn nhờ Việt Nam làm bàn đạp để bành trướng ra Châu Á thì đúng hơn. Bởi vì trên thực tế những gì ông ta đối xử với Việt Nam và các nước Châu Á trong thời gian vừa rồi đều bị các nước phản ứng. Tức không thực tâm muốn phát triển một Châu Á thịnh vượng. Điều thứ ba ông ta cho rằng hai nước Việt Nam và Trung Hoa liền kề nhau nên khó tránh khỏi những va chạm. Thật ra đó là tình trạng ‘cá lớn nuốt cá bé’. Ở kế bên lấn sân rồi nói lỡ không tránh khỏi. Tôi nghĩ phát biểu đó không thật lòng và có một cách nào đó cố tình tránh né điều mà tất cả các đại biểu quốc hội quan tâm là vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.”
Nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang cũng có ý kiến:
“Trước khi ông ấy nói chuyện anh em trí thức trong nước cũng rất quan tâm: ông ấy sẽ nói cái gì, quốc hội sẽ phản ứng ra sao, liệu ông ấy có thể nói như nói với tổng thống Mỹ là Trung Quốc có lợi ích cốt lõi ở Biển Đông không? Cấu nói đó là rất nhạy cảm, nên theo tôi nghĩ trước khi Nhà nước Việt Nam đồng ý để ông ấy nói chuyện ở Quốc hội, hai bên đã có trao đổi về nội dung để ông nói làm sao đừng làm gì xấu cho quan hệ giữa hai nước. Quả nhiên bài nói của ông này trong vòng khoảng 20 phút gì đó, tôi thấy ông này rất khéo. Ông không đụng chạm gì vào những chuyện gây những xích mích lớn mà hai nước đang căng thẳng ở Biển Đông.
Ông đưa ra những khẩu hiệu láng giềng tốt, cùng nhau tiến lên thì không mới vì ‘4 tốt’ và 16 chữ vàng’ (nói) 7,8 năm qua rồi, dân Việt Nam không lạ. Nhưng phải nói rõ về bản chất thế này: tôi không nhớ tác giả một bài báo đăng trên báo Ban Tuyên giáo Trung ương, mà ông này là một giáo sư người Trung Quốc, nói rõ bản chất, truyền thống của người Trung Quốc là hoạt giảo, xảo ngôn, bịp bợm. Ông Tập Cận Bình sang Việt Nam vẫn theo thái độ đó, vẫn mù mờ như thế. Ru ngủ.”
Phía VN hoàn toàn thụ động
Đáp từ của chủ tịch quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng là cảm ơn về những phát biểu tốt đẹp của ông Tập Cận Bình về mối quan hệ giữa hai nước.
Ông Nguyễn Sinh Hùng nhắc đến sự giúp đỡ của Trung Quốc cho Việt Nam trong hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ. Chủ tịch quốc hội Việt Nam cho rằng quan hệ giữa hai phía có trải qua sóng gió nhưng đến nay phát triển đúng theo định hướng mà hai ông Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông từng mong muốn.
Đối với những bất đồng giữa hai phía theo chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng thì theo nguyên tắc tiếp tục kiểm soát những bất đồng, vượt qua trở ngại để đưa quan hệ phát triển bền vững, ổn định hơn vì sự công bằng, phát triển của nhân dân hai nước.
Linh mục Lê Ngọc Thanh đề cập đến thái độ của các đại biểu quốc hội Việt Nam khi đón ông Tập Cận Bình:
“Tôi thấy các đại biểu quốc hội hoàn toàn thụ động lắng nghe và tỏ một thái độ rất lịch sự là vỗ tay chào mừng bài phát biểu mà không hề có một phát biểu ngược lại. Còn việc ông Nguyễn Sinh Hùng với tư cách chủ tịch, người chủ nhà ông ta đáp lễ như một cách thức xã giao mà không dám nhấn mạnh đến nội dung mà tất cả dân chúng Việt Nam đang quan tâm, đó là Hoàng sa, Trường Sa là của Việt Nam chứ không phải của Trung Quốc.”
Và phát biểu của chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng về điều mà ông này cho là trợ giúp của Trung Quốc trong hai cuộc chiến ở Việt Nam:
“Khi nhắc đến vấn đề đó các ông này đã làm sai mà không biết nhục vì khi nói đến điều đó các ông đã vi phạm Hiêp định Geneve và Hiệp định Paris mà các ông ấy vẫn coi như là điều đúng mà không biết ngượng.”
Không đề cập hoạt động của TQ ở Biển Đông
Theo thông tấn xã Việt Nam trong những cuộc hội đàm vào ngày 5 tháng 11 giữa tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với ông Tập Cận Bình; cũng như giữa thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và chủ tịch Trung Quốc, mọi bất đồng giữa hai phía về biển được đề cập đến.
Tuy nhiên theo linh mục Lê Ngọc Thanh những trao đổi giữa các lãnh đạo về những vấn đề tranh chấp biển đảo giữa hai nước mà truyền thông Nhà nước loan tin vẫn chưa thể làm thỏa mãn thắc mắc của người dân quan tâm:
“Trong các cuộc họp, truyền thông luôn bảo rằng quốc hội và chính phủ và cả bên đảng có những trao đổi rất thẳng thắn. Nhưng thẳng thắn như thế nào đến lúc này dân chúng không được biết. Ở Việt Nam có điều rất lạ là họ hưởng lương từ tiền thuế của dân, rồi ‘được’ do dân bầu, nhưng cuối cùng vẫn xem dân là những người kém hiểu biết, không trưởng thành để rồi cuối cùng họ không công bố sự thật và lãng tránh điều đó. Đến lúc ngày người dân không hiểu rõ họ nói đến đâu và nói những gì với Trung Quốc.”
Việc Trung Quốc chiếm dụng Hoàng Sa lâu nay đến hoạt động gần đây tiến hành bồi đắp, xây dựng những đảo nhân tạo trên các đảo, bãi đá cưỡng chiếm của Việt Nam tại Trường Sa vào những năm 1988 và 1995; thế rồi vấn đề ngư dân Việt Nam đi đánh bắt tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc xua đuổi, đánh đập, cướp phá thậm chí có trường hợp bị bắt, bị đâm chìm tàu và bị giết chết chính là những điều mà nhiều người yêu cầu lãnh đạo Việt Nam phải nêu ra với phía Trung Quốc.