Ông Tập Cận Bình: Xung đột Mỹ-Trung sẽ là 'đại họa'
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu hôm thứ ba 22/9/2015 tại Seattle. |
Ông Tập Cận Bình đưa ra lời kêu gọi cải thiện quan hệ Mỹ-Trung trong bài diễn văn chính sách ông đọc trước các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ hôm thứ 3 tại Seattle.
Ông nói “Nếu Trung Quốc và Hoa Kỳ hợp tác với nhau một cách tốt đẹp, họ có thể trở thành nền tảng cho sự ổn định toàn cầu. Nếu đôi bên xung đột hoặc đối đầu với nhau thì điều đó sẽ dẫn tới tai hoạ lớn cho cả hai nước và cho toàn thế giới.”
Trung Quốc sẵn sàng đối thoại về an ninh mạng
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đề cập tới nhiều vấn đề khác đang gây căng thẳng cho các mối quan hệ song phương, kể cả vấn đề tin tặc mà Tổng thống Barack Obama đã nói rõ là sẽ nằm cao trong nghị trình thảo luận của cuộc họp sắp tới tại Tòa Bạch Ốc.
“Chính phủ Trung Quốc không hề tham gia, khuyến khích hay hỗ trợ bất cứ ai để thực hiện những vụ đánh cắp bí mật thương mại,” ông Tập Cận Bình nói như vậy và lập lại những tuyên bố trước đây của Bắc Kinh là Trung Quốc là nạn nhân, chứ không phải thủ phạm, của những vụ tấn công mạng.
Ông Tập cho biết Trung Quốc sẵn sàng thiết lập “một cơ chế đối thoại cấp cao với Hoa Kỳ về việc phòng chống tội phạm mạng”, trong một cố gắng nhằm trấn an các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang cảm thấy lo âu trước mối đe dọa ngày càng lớn của những vụ tin tặc.
Ông Tập Cận Bình cũng nói rằng Trung Quốc sẽ không hạ thấp tỉ giá hối đoái của đồng nguyên để thúc đẩy xuất khẩu. Đây là một vấn đề mà các giới chức Mỹ đã lo ngại từ nhiều năm qua và sự lo ngại này đã gia tăng hồi gần đây vì những vụ phá giá chỉ tệ mà Trung Quốc đã thực hiện một cách bất ngờ khi thị trường chứng khoán Trung Quốc tuột dốc.
Cuộc họp thượng đỉnh dự kiến có nhiều căng thẳng
Theo dự liệu, hai nhà lãnh đạo Mỹ, Trung sẽ có một cuộc thảo luận cặn kẽ về gián điệp mạng và các vấn đề kinh tế khi nhà lãnh đạo Trung Quốc thực hiện chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên tới Tòa Bạch Ốc vào ngày thứ 6.
Ông Jason Furman, kinh tế gia trưởng của Tòa Bạch Ốc, hôm qua cho biết Hoa Kỳ sẽ thúc giục Trung Quốc không nên tiến hành những hoạt động gọi là “sửa nhanh” để giải quyết các vấn đề kinh tế, như phá giá đồng nguyên để thúc đẩy xuất khẩu.
Ông Furman nói việc Trung Quốc nới lỏng sự kiểm soát đối với đồng nguyên “đã gây ra hỗn loạn” trên các thị trường tài chánh toàn cầu và các giới chức Mỹ cũng sẽ đề cập tới vấn đề thị trường chứng khoán có nhiều dao động của Trung Quốc.
Trước khi ông Tập Cận Bình lên đường sang thăm Hoa Kỳ, các giới chức cấp cao của chính phủ Mỹ đã mạnh mẽ lên án những hoạt động gián điệp mạng do Bắc Kinh bảo trợ. Họ nói rằng đây là một chướng ngại lớn cho các mối quan hệ Mỹ-Trung.
“Chúng tôi nghe thấy mỗi lúc một nhiều những mối quan tâm về những hoạt động của Trung Quốc, cho nên chúng tôi muốn làm rõ là khả năng của Trung Quốc để tiếp tục tăng trưởng sẽ gặp rủi ro nếu các doanh nghiệp không tin là họ sẽ không bị tin tặc tấn công,” Phó Cố vấn an ninh Quốc gia Hoa Kỳ Ben Rhodes nói.
Các giới chức Mỹ đã đề nghị áp dụng các biện pháp chế tài đối với Bắc Kinh, và Tổng thống Obama cho biết Washington đang chuẩn bị “một số biện pháp” để chứng tỏ cho Bắc Kinh thấy là “đây không phải chỉ là một vấn đề làm cho chúng tôi bực bội đôi chút.”
Biển Đông
Một lãnh vực bất đồng khác là những yêu sách chủ quyền gây nhiều tranh cãi của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong bài diễn văn hôm thứ ba, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh là Trung Quốc không muốn đối đầu với các nước khác, và không muốn hạn chế tự do hàng hải trong khu vực.
Ông nói “Tôi xin nhắc lại: bất kể là phát triển cho tới mức nào đi nữa, Trung Quốc cũng không bao giờ theo đuổi ý đồ bá quyền hay bành trướng.”
Trong thời gian qua Trung Quốc đã tiến hành những dự án xây đảo nhân tạo và thiết lập các cơ sở dân sự và quân sự trên những hòn đảo nhỏ mà họ chiếm cứ ở quần đảo Trường Sa, nơi các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng có những yêu sách chủ quyền chồng chéo nhau.
Hồi đầu tuần này, ông Tập Cận Bình nói với tờ Wall Street Journal rằng Trường Sa, mà Trung Quốc gọi là Nam Sa, là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa.
Ông nói “Sự phát triển và bảo trì mà Trung Quốc thực hiện trên một số những hòn đảo và bãi cạn ở quần đảo Nam Sa không ảnh hưởng tới hoặc nhắm tới bất kỳ quốc gia nào khác, và việc này không nên bị diễn giải quá đáng.”
Hoa Kỳ đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc ngưng các hoạt động mà Washington cho là không phù hợp với các tiêu chuẩn hành xử quốc tế và có thể làm bùng ra những vụ xung đột ở Biển Đông.
Vấn đề nhân quyền
Thành tích nhân quyền của Trung Quốc là một nguồn xích mích khác với Hoa Kỳ và đề tài này có phần chắc sẽ được nêu ra trong chuyến viếng thăm của ông Tập Cận Bình.
Trong lúc nhà lãnh đạo Trung Nam Hải đọc diễn văn tại Seattle hôm thứ ba, nhiều người đã tụ tập ở gần đó để lên án điều mà họ cho là các chính sách hà khắc của Bắc Kinh ở Tây Tạng và việc đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Ông Tập Cận Bình cũng sẽ gặp phải những cuộc biểu tình phản kháng tương tự khi ông tới Washington và New York trong những ngày sắp tới.
Hồi đầu tuần này, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, bà Susan Rice, nói rằng các giới chức Mỹ sẽ tiếp tục hối thúc Trung Quốc ngưng câu lưu các nhà tranh đấu, nới rộng tự do ngôn luận, và loại bỏ những sự hạn chế đối với các sinh hoạt tôn giáo.
Tuy nhiên, những phát biểu tương tự trong quá khứ đã bị Bắc Kinh bác bỏ và không mang lại tiến bộ nào đáng kể. Bên cạnh đó, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Obama sẽ dành ưu tiên cao hơn cho vấn đề nhân quyền trong cuộc họp sắp tới với ông Tập Cận Bình.
Bà Sophie Richardson, giám đốc bộ phận Trung Quốc của tổ chức Human Rights Watch, nói “Đây là một mối quan hệ lớn và phức tạp. Điều này tuyệt đối chính xác. Và do đó, có rất nhiều đề tài cần lưu ý. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng sự xuống cấp của tình hình nhân quyền ở Trung Quốc dưới sự cai trị của ông Tập Cận Bình là một việc cần đặc biệt lưu tâm.”
Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho VOA, bà Richardson nói “Chúng tôi cũng cố gắng nhắc nhở mọi người là những luật lệ và những định chế độc lập ở Trung Quốc có thể giúp bảo vệ nhân quyền – như một hệ thống toà án độc lập, tôn trọng quyền tự do diễn đạt; những luật lệ và định chế đó cũng rất cần thiết cho một mối quan hệ lành mạnh về thương mại và cho một sự hợp tác tốt đẹp hơn về ngoại giao và cho nhiều khía cạnh khác của mối quan hệ”.