Obama chờ đợi Tập Cận Bình với các hồ sơ gai góc
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh APEC, Bắc Kinh 10/11/2014. REUTERS/Kim Kyung-Hoon |
Tập Cận Bình trước hết đến Seatle, rồi mới đi Washington và sau đó là diễn đàn Liên Hiệp Quốc ở New York. Chuyến đi của ông ta diễn ra trong bầu không khí giá băng giữa hai nước. Nhiều người Mỹ đủ mọi khuynh hướng đả kích sự đón tiếp trân trọng dành cho Chủ tịch nước Trung Quốc, và buối dạ yến khoản đãi ở Tòa Bạch ốc. « Nếu tôi là Tổng thống, tôi sẽ mua cho ông ta một chiếc bánh hamburger ở McDonald, rồi bắt đầu làm việc ». Donald Trump, cũng như nhiều ứng cử viên tổng thống Mỹ khác coi Bắc Kinh là nguồn gốc của mọi vấn đề.
Trong khi năm 2015 khởi đầu có vẻ tốt đẹp. Ông Barack Obama và Tập Cận Bình loan báo một kế hoạch chung chống tình trạng hâm nóng khí hậu, cùng xác định các mục tiêu để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến năm 2030. Tập Cận Bình cũng ủng hộ hiệp định nguyên tử Iran, mà Nhà Trắng phải hết sức vất vả mới đạt được.
Nhưng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ngày càng dữ dội. Bắc Kinh bị tố cáo trộm cắp các bí mật công nghiệp qua internet, nhờ đó các công ty có thể Trung Quốc thủ lợi. Vấn đề này không mới mẻ gì, nhưng đã trầm trọng thêm trong những tháng gần đây. Các vụ gián điệp tin học tại Hoa Kỳ đã tăng đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái – theo công bố mới đây của FBI, và Trung Quốc là thủ phạm hàng đầu.
« Tập Cận Bình không ngần ngại gây hấn với thế giới bên ngoài, khác hẳn với những người tiền nhiệm ». Ông David Lampton, giáo sư chuyên về quan hệ quốc tế của trường đại học John Hopkins nhận xét. Tổng thống Obama đe dọa trả đũa bằng cách hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nhưng Tập Cận Bình có được các đồng minh bất ngờ : ngày 22/9 tại Seatle, ông ta gặp gỡ Tổng giám đốc Apple (Tim Cook) và Microsoft (Satya Nadella) và hơn một chục tập đoàn khác, mà thị trường Trung Quốc đối với họ rất quan trọng.
« Tập Cận Bình sẽ nói với ông Tim Cook rằng ông ta rất vui sướng thấy Apple ăn nên làm ra tại Trung Quốc. Cuộc gặp gỡ này nhằm chứng tỏ các công ty Mỹ có thể làm giàu ở Trung Quốc ». Alec Ross, cựu cố vấn của bà Hillary Clinton lúc bà còn làm Ngoại trưởng, nhận xét. Đây cũng là dịp để nhắc nhở rằng Trung Quốc cũng có thể chơi xỏ lại các tên tuổi của Mỹ nếu muốn.
Cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp diễn ra ba ngày trước chuyến viếng thăm chính thức ở Nhà Trắng, như một sự khiêu khích đối với Tổng thống Mỹ. Theo David Lampton, Tập Cận Bình không mấy mặn nồng với Barack Obama do ông Tập còn trị vì thêm bảy năm, trong khi ông Obama chỉ còn 16 tháng nữa là hết nhiệm kỳ.
Les Echos cho rằng Bắc Kinh cũng sẽ tỏ ra cứng rắn về quần đảo Trường Sa, nơi họ đã cho xây nhiều đảo nhân tạo bất chấp sự phản đối của các láng giềng : các quần đảo này là lãnh thổ của Trung Quốc, sự kiện này đã được lịch sử và luật pháp chứng minh – theo Ngoại trưởng Vương Nghị. Ông ta nói thêm : « Đó là quan điểm của Trung Quốc và quan điểm này sẽ không thay đổi ». Tờ báo kết luận, như vậy, cuộc đối thoại rồi sẽ không đi đến đâu.
« Made in China » đe dọa Châu Âu
Cũng liên quan đến Trung Quốc, thông tín viên của Les Echos tại Bruxelles cảnh báo « Thương mại: Bóng ma hàng Trung Quốc tràn ngập sau năm 2016 ». Bắc Kinh có nhiều hy vọng được công nhận là một nền kinh tế thị trường, và theo một công trình nghiên cứu thì đây là một nguy cơ lớn cho công ăn việc làm tại Châu Âu.
Đừng nên ngây thơ trước sức mạnh thương mại của Trung Quốc. Người đọc có thể rút ra kết luận trên đây, sau khi tham khảo bản báo cáo của một trung tâm nghiên cứu Mỹ. Theo yêu cầu của một hiệp hội kỹ nghệ Châu Âu, Viện Chính sách Kinh tế (EPI) ở Washington vừa công bố kết quả nghiên cứu : từ 1,7 đến 3,5 triệu việc làm có thể bị mất đi tại Châu Âu nếu 28 nước thuộc Liên Hiệp công nhân tư cách nền kinh tế thị trường cho Trung Quốc. Riêng tại nước Pháp, từ 183.000 đến 367.000 nhân viên có thể bị sa thải.
Công bố trên đây không phải là tình cờ : các tác giả cố gắng gây chấn động trong lúc Bruxelles chuẩn bị ra phán quyết về vấn đề này. Vào thời điểm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Bắc Kinh được cho thời hạn 15 năm để trở thành một nền kinh tế thị trường thực sự, và trong khi chờ đợi, các đối tác thương mại duy trì quyền áp đặt thuế hải quan. Từ nay đến 2016, Bruxelles phải xác định rõ điều mà Bắc Kinh cho là một sự bất thường mang tính giai đoạn.
Robert Scott, nhà kinh tế chịu trách nhiệm về công trình nghiên cứu của EPI đã sử dụng hai kiểu tính toán khác nhau. Một dựa trên khả năng giảm giá của hàng « made in China » khoảng 30%, còn cách tính thứ hai tập trung vào các kỹ nghệ nhạy cảm nhất, đặc biệt là những ngành mà Trung Quốc sản xuất thừa, có thể tràn ngập Châu Âu như giấy, thép, sứ hay thủy tinh. Kết luận : « Dễ dàng bị mất đi 3 triệu việc làm, và tổng sản phẩm nội địa Châu Âu giảm từ 1 đến 2% ».
Kịch bản sẽ còn trầm trọng hơn nếu Liên Hiệp Châu Âu đơn phương làm « cử chỉ đẹp » đối với Bắc Kinh, trong khi Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên trạng. Tuy có những nhà kinh tế cho rằng tự do hóa toàn bộ sẽ có lợi cho tất cả vì giá thành sẽ xuống thấp, nhưng trên thực tế tác động tích cực sẽ rất hạn chế.
Bắc Kinh không ngần ngại đe dọa một số ngành kỹ nghệ của Châu Âu để cố đạt được tư cách nền kinh tế thị trường. Bruxelles có thể sẽ nhường bước trước áp lực, với hy vọng qua đó thu hút được đầu tư Trung Quốc, nhưng theo Robert Scott, việc này sẽ tạo nên một ít việc làm nhưng về lâu về dài, số việc làm bị mất đi lại lớn hơn rất nhiều.
Vụ nổ Thiên Tân: Tiền bồi thường không bù được sức khỏe
Quay lại với Thiên Tân, hơn một tháng sau vụ nổ ở kho hàng Thụy Hải chứa trên 3.000 tấn hóa chất nguy hiểm làm 173 người chết, đặc phái viên Le Figaro mô tả đây là một thành phố chết. Số tiền đền bù của Nhà nước không làm cư dân thỏa mãn, họ lo sợ hậu quả độc hại đối với sức khỏe con người.
Một rào cản và công an ngăn bước những người khách không mời mà đến bước vào khu vực trung tâm nơi xảy ra thảm họa. Bên trong « Ground Zero » Trung Quốc, những người mặc bộ combinaison trắng và mặt nạ chống hơi độc đang tẩy rửa những container còn sót lại sau vụ nổ. Các xe bồn phun những làn nước xanh vào một chiếc hồ chứa đầy chất độc với một núi rác.
Tại khu dân cư Vanke Harbor ở gần khu vực tai nạn, các vỉa hè bị vỡ tan, cây cối bật gốc, mặt tiền nhà và các cửa sổ ám khói đen. Một tấm bảng quảng cáo vẫn hãnh diện khoe khoang đây là « khu nhà đẹp nhất của khu tự do mậu dịch Thiên Tân ». Tuy vậy hàng ngàn cư dân không hề muốn quay lại nhà cũ. Ngoài đường tràn ngập những tấm nệm, rèm cửa, quần áo, máy móc gia dụng, đồ chơi…do người dân sợ bị nhiễm độc nên quẳng hết.
Một cư dân mạng viết trên Vi Bác : « Thế giới thèm muốn tăng trưởng của Trung Quốc, nhưng cần phải hiểu rằng nó được xây dựng bằng máu. Chính quyền không quản lý nổi các công ty hóa chất, làm sao tin tưởng được về an ninh các nhà máy điện nguyên tử ? ». Một nhà quan sát nhận định, Thiên Tân là cái tát chính trị ngoạn mục nhất cho ê kíp Tập Cận Bình – Lý Khắc Cường kể từ khi lên ngôi năm 2012.
Nước Mỹ rộn rã chờ đợi Đức Giáo hoàng
Về chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Đức Giáo hoàng Phanxicô, nhật báo công giáo La Croix cho biết « Nước Mỹ sôi nổi chờ đợi Đức Giáo hoàng ». Sau ba ngày ở Cuba, tối nay người đứng đầu Giáo hội công giáo đến Washington trong khuôn khổ chuyến công du năm ngày. Ngài đang được mến chuộng ở mức độ cao nhất, cho dù những chỉ trích chủ nghĩa tư bản của Đức Giáo hoàng vẫn gây ra một số bất đồng.
Thông tín viên của La Croix tại New York cho biết đến thứ Năm Đức Giáo hoàng mới đến đây, nhưng hình ảnh của ngài đã xuất hiện khắp nơi. Tại chuỗi siêu thị 7/11, xuất hiện các tượng nhỏ Đức Giáo hoàng Phanxicô, và trên các nón kết, áo thun, thậm chí bao bì bánh ngọt, bánh mì nướng…cũng có ảnh của vị Giáo hoàng Mỹ la-tinh đầu tiên. Tại Philadelphia, các nhà hàng giao bánh pizza trong những hộp carton có hình Đức Giáo hoàng Phanxicô đứng trước các tòa nhà chọc trời của thành phố. Một cha xứ địa phương còn tái tạo đại giáo đường Thánh Phêrô với nửa triệu mảnh lego.
Theo thăm dò của trường đại học Quinnipiac công bố hồi đầu tháng Chín, 66% người Mỹ « thích » hoặc « rất thích » Đức Giáo hoàng Phanxicô, 87% người công giáo Mỹ ủng hộ ngài, 61% tín đồ Tin Lành và 63% người thăm dò không theo tôn giáo nào có hình ảnh tốt đẹp về người đứng đầu Giáo hội công giáo.
« Đức Giáo hoàng Phanxicô là một nhà lãnh đạo gợi nên những tình cảm tích cực. Đó là một trong những lãnh đạo được lòng người nhất trên thế giới » - Vincent Miller, giáo sư khoa tín ngưỡng trường đại học Dayton ở Ohio nhận định. Theo ông, người dân Mỹ rẩt nhạy cảm trước những « thông điệp trắc ẩn » của ngài, sẽ theo dõi bài diễn văn của Đức Giáo hoàng đọc trước Quốc hội ngày thứ Năm tới, và ngài có thể nhân đó thúc đẩy các nghị sĩ Mỹ trên nhiều chủ đề như nhập cư, khí hậu…
Tại Washington, nơi Đức Giáo hoàng Phanxicô đến chiều nay, một viên chức Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ cho rằng: « Đức Giáo hoàng là một nhân vật độc lập, không thể biết được ông sẽ phát biểu những gì tại Mỹ. Chắc chắn sẽ có những thông điệp mà chúng tôi không đồng tình, nhưng trên những hồ sơ lớn như khí hậu, đấu tranh chống nghèo đói, chúng tôi hy vọng uy tín của ngài sẽ giúp vấn đề tiến triển ».
Không gặp được đối lập, Đức Giáo hoàng vẫn kêu gọi «chấp nhận khác biệt »
Cũng về Đức Giáo hoàng Phanxicô, Le Monde khi nói về chuyến thăm Cuba trước đó, ghi nhận ngài có « một cuộc gặp với Fidel Castro nhưng lại không gặp được các nhà ly khai ».
Đức Giáo hoàng đã không cưỡng lại được ý định đến thăm Fidel Castro, 89 tuổi, sống khép kín trong ngôi nhà với các tiện nghi y tế ở Punto Cero, La Habana hôm Chủ nhật 20/09/2015. Là sứ giả của lòng khoan dung, ngài mang lại một món quà bất ngờ : bài thuyết giảng của Cha Armando Llorente, người hướng dẫn tinh thần của Fidel sống lưu vong ở Miami, qua đời mà không gặp lại người lãnh tụ già Cuba.
Giáo hội có mời hai khuôn mặt đối lập đến gặp Đức Giáo hoàng, đó là nữ cựu tù chính trị Martha Beatriz Roque và nhà báo nữ độc lập Miriam Leyva. Nhưng cả hai đều bị an ninh ngăn trở. Những người nào hô « Tự do ! » khi chiếc xe « papamobile » đi ngang qua đều bị bắt giữ ngay lập tức.
La Croix cho biết thêm, giới trẻ trong cuộc gặp tối Chủ nhật ở La Habana không chỉ là thanh niên công giáo mà có cả các đoàn viên thanh niên cộng sản, một số mặc áo thun có in hình Che Guevara. Hiểu được điều đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi : « Với những ai không phải là tín đồ, tôi mong rằng ít nhất quý vị cũng chúc lành cho tôi ».
Bài diễn văn ứng khẩu đọc dưới trời mưa nhẹ hạt của ngài mời gọi không nên tự giam hãm trong ý thức hệ, xây dựng nên « tình bằng hữu xã hội » thông qua « năng lực chấp nhận những ai có suy nghĩ khác với mình ». Một lời kêu gọi đối thoại và đa phương hầu như mang tính nổi loạn đối với chế độ độc đảng vốn không chấp nhận bất kỳ phong trào đối lập nào.