Nhân tố Trung Quốc vẫn tác động đến Đại hội Đảng csVN
Quốc hội Việt Nam- Ảnh minh họa. AFP |
Nhận xét đầu tiên của Giáo sư Carl Thayer là ba yếu tố nêu trên đang gây tranh cãi trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam và có thể khiến Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam bị dời lại :
« Đảng Cộng sản Việt Nam (VCP) được cho là sẽ tổ chức Đại hội toàn quốc sắp tới đây vào đầu năm 2016. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy đồng thuận chưa đạt được trên một số vấn đề, trong đó có Biển Đông và quan hệ với Trung Quốc và việc lựa chọn lãnh đạo tương lai cho Việt Nam. Điều này có thể dẫn đến việc dời Đại hội qua một thời điểm sau đó.
Việt Nam tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc năm năm một lần. Một hội nghị điển hình thường kéo dài năm ngày và với sự tham dự của khoảng 1.400 đại biểu, đến từ 63 đơn vị hành chính của Việt Nam (58 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc Trung ương), các tổ chức đảng ở cấp chính phủ trung ương, và Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Một Đại hội Đảng toàn quốc có năm nhiệm vụ chính : Thông qua báo cáo chính trị của Tổng Bí thư, thông qua kế hoạch kinh tế-xã hội của Việt Nam trong 5 và 10 năm tới (2016-2025), điều chỉnh lại cương lĩnh của Đảng, sửa đổi Điều lệ Đảng và, quan trọng nhất, là bầu Ban Chấp hành Trung ương mới. »
Đại hội Đảng lần thứ 12 sắp tới có một vài điểm mới
« Một quy tắc mới đề ra năm nay đã cắt giảm quyền lực của các đại biểu đảng viên trong việc lựa chọn các Ủy viên Trung ương mới. Trong quá khứ, các đại biểu được cử về dự Đại hội được quyền đề cử thêm ứng viên vào Ban Chấp hành Trung ương, bổ sung vào danh sách chính thức đã được lãnh đạo cao cấp trong đảng phê duyệt. Tại Đại hội Đảng gần đây nhất, một vài người được các đại biểu đề cử bổ sung đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương.
Thế nhưng, tại Đại hội toàn quốc lần thứ 12 sắp tới, tất cả các ứng cử viên vào Ban Chấp hành Trung ương mới phải được Ban Chấp hành Trung ương mãn nhiệm chấp thuận trước khi tên của họ được ghi vào lá phiếu. Vào ngày cuối cùng của Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương mới sẽ tổ chức cuộc họp toàn thể đầu tiên đê bầu Bộ Chính trị mới và sau đó chọn một trong các ủy viên Bộ Chính trị làm Tổng Bí thư Đảng. »
Quá trình chuẩn bị Đại hội Đảng bộc lộ một số điểm bất bình thường phản ánh sự chia rẽ trong nội bộ
« Theo Điều lệ Đảng, Ban Chấp hành Trung ương phải họp ít nhất hai lần một năm, và việc họp thường xuyên hơn không phải là không phổ biến. Tuy nhiên, trong năm 2014, Ban Chấp hành Trung ương chỉ gặp nhau một lần. Đấy có thể là dấu hiệu của một sự chia rẽ sâu sắc về chính sách Biển Đông và quan hệ với Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng liên quan đến việc Bắc Kinh triển khai giàn khoan cực lớn của họ tại vùng biển tranh chấp từ tháng Năm đến tháng Bảy.
Công việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 đã rất lặng lẽ so với tám đại hội được tổ chức kể từ khi thống nhất đất nước. Các phương tiện truyền thông Việt Nam đã vô cùng lặng lẽ, và một vài bài báo chỉ mới bắt đầu xuất hiện gần đây thôi, qua đó xác nhận rằng khâu chuẩn bị cho Đại hội đang được xúc tiến hành. Nhưng ngày họp Đại hội vẫn chưa được chính thức công bố.
Thông thường, các dự thảo văn kiện về chính sách như Báo cáo Chính trị và Kế hoạch Kinh tế-Xã hội sẽ được lặng lẽ chuyển cho một số nhóm trọng điểm để thảo luận và nhận xét. Sau khi được tinh chỉnh, các dự thảo văn kiện sẽ được công bố để công chúng cho nhận xét. Ví dụ, dự thảo Báo cáo chính trị và Báo cáo Kinh tế Xã hội cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 tổ chức vào tháng Giêng năm 2011, đã được phát hành vào ngày 20 Tháng Tư năm 2010, tức là 9 tháng trước Đại hội. Nếu Đại hội lần thứ 12 diễn ra vào đầu năm tới, Việt Nam chỉ có bốn tháng để hoàn tất quá trình này.
Vấn đề đáng chú ý khác là Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, nhân hội nghị vào tháng Năm năm nay, đã thảo luận một cách chung chung về thành phần nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương tiếp theo. Có tin là một số cuộc họp trong tương lai cho tháng Mười và tháng Mười hai đã được lên kế hoạch. Tháng Ba vừa qua, nhiều nguồn tin quốc phòng Việt Nam đã tiết lộ với tác giả rằng Sách trắng Quốc phòng mới, dự kiến phát hành trong năm nay, sẽ được hoãn lại cho đến sau Đại hội lần thứ 12. »
Nguyên nhân gây nên những diễn biến bất thường
« Lời giải thích thỏa đáng nhất có lẽ là sự chồng lấn lên nhau của hai vấn đề gây tranh cãi - yếu tố Trung Quốc (Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Đảng Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là sẽ thăm Hà Nội vào tháng Mười hoặc tháng Mười một) và việc Việt Nam lựa chọn lãnh đạo mới.
Quy tắc hiện thời trong Đảng Cộng sản Việt Nam không cho phép một người giữ quá hai nhiệm kỳ. Quy tắc của Đảng cũng yêu cầu các quan chức nghỉ hưu ở tuổi 65. Nếu dựa trên cả hai quy định đó, thì chín trên mười sáu thành viên của Bộ Chính trị hiện nay sẽ về hưu ở Đại hội năm tới. Điều này có nghĩa rằng Chủ tịch Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, và một số người khác, sẽ rời vị trí hiện tại của họ.
Tuy nhiên, có khả năng một người được miễn áp dụng quy định về tuổi hưu bắt buộc trong những trường hợp đặc biệt. Có rất nhiều tin đồn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang tìm cách trở thành Tổng bí thư Đảng sẽ yêu cầu được đặc miễn. Điều này chưa từng thấy trong nền chính trị Việt Nam.
Với hai nhiệm kỳ là Thủ tướng, ông Dũng sẽ mang lại kinh nghiệm kinh tế và quốc tế chưa từng có cho chức vụ Tổng Bí thư Đảng. Có rất nhiều khả năng là ông Dũng sẽ không để cho ý thức hệ bó tay mình trong việc đối phó với Trung Quốc. Trong cuộc khủng hoảng giàn khoan dầu vào năm ngoái, ông đã lên tiếng thẳng thắn trong việc bảo vệ chủ quyền Việt Nam và nêu lên khả năng xúc tiến hành động pháp lý quốc tế nhắm vào Trung Quốc.
Ông Dũng được hậu thuẫn rộng rãi của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, nhưng Bộ Chính trị hiện nay đang chia rẽ sâu sắc. Nguyên do không chỉ là sự ganh đua cá nhân, mà còn là khác biệt ý kiến về cách thức quản lý các mối quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Việt Nam dự kiến là sẽ đón tiếp cả Chủ tịchTập Cận Bình lẫn Tổng thống Barack Obama vào cuối năm nay.
Trong khi Đại hội lần thứ 12 được cho là sẽ không dẫn đến thay đổi đáng kể trong chính sách chủ động hội nhập quốc tế hiện hành, vấn đề ai là lãnh đạo tương lai của Việt Nam vẫn còn trong vòng cân nhắc ».