Sách dạy trẻ dũng cảm đi trên thủy tinh vỡ gây tranh cãi ở VN
Trong cuốn Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1' có bài học dạy trẻ bước trên thủy tinh vỡ đã vấp phải nhiều phản ứng, đa phần là tiêu cực, của người đọc. |
Trong cuốn "Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1", phần học về lòng dũng cảm có đoạn: “Cô giáo rải một thảm thủy tinh dày trước mặt cả lớp và yêu cầu các bạn đi qua đó. Cả lớp đều rất sợ hãi và An cũng vậy. Nhưng cô giáo đã động viên và hướng dẫn, giúp An tự tin đi qua thảm thủy tinh, nhờ vậy mà An đi qua thảm thủy tinh một cách dễ dàng. Khi đi qua rồi, An cảm thấy thảm thủy tinh không đáng sợ như mình nghĩ và An quay lại động viên các bạn để các bạn dũng cảm như an. Cuối cùng cả lớp đều dũng cảm đi qua thảm thủy tinh”.
Sau đó, trong phần thảo luận, bài học đặt câu hỏi: “Em đã dũng cảm như thế nào? Em hãy kể về sự dũng cảm của mình cho các bạn nghe”.
Hình ảnh trang sách mới xuất hiện trên mạng xã hội đã vấp phải nhiều phản ứng, đa phần là tiêu cực, của người đọc.
Về những quan ngại của dư luận, chủ biên cuốn sách, tiến sỹ Phan Quốc Việt cho VOA Việt Ngữ biết rằng tổ chức do ông sáng lập là Tâm Việt Group đã “thực hiện bài tập này 10 năm nay rồi, và chưa em nào gặp phải nguy hiểm”.
Ông nói thêm:
“Đến nay thì chưa có một khuyến cáo nào về độ nguy hiểm cả. Trên truyền hình, tôi có cõng cả người khác trên lưng tôi đi qua mảnh chai cũng không việc gì cả. Hiện nay chúng ta thấy, trong giáo dục, không thể dạy về đạo đức, các vấn đề xã hội thông qua thuộc lòng được. Chỉ có trải nghiệm mới dẫn tới hiểu biết, chứ không có trải nghiệm thì chả là gì cả. Trong cuộc sống bình thường, việc gặp phải mảnh chai là rất bình thường. Nếu chúng ta muốn các con an toàn quá, thì không thể sống trong xã hội này được. Xã hội này đầy rẫy khủng hoảng và tai nạn. Chúng ta muốn con chúng ta thành gà công nghiệp hay thành đại bàng?”
Ông Việt cho biết bộ sách về kỹ năng sống của nhóm Tâm Việt đã bán được khoảng một triệu bản.
Tin cho hay, Nhà Xuất bản Giáo dục là nơi phát hành cuốn sách này. Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam hôm nay, 25/8, đã có công văn yêu cầu cơ quan xuất bản này “kịp thời chấn chỉnh và có biện pháp xử lý về những nội dung gây ảnh hưởng không tốt đến tâm sinh lý học sinh, phụ huynh và toàn xã hội”.
Trên một diễn đàn, một phụ huynh viết: “Việc đi chân trần trên thủy tinh chỉ có trong các chương trình biểu diễn xiếc kèm theo cảnh báo nguy hiểm, không nên thực hiện tại nhà. Làm sao có thể đưa việc đó vào sách dạy cho trẻ em?”
Trong khi đó, tiến sỹ Việt việc dạy các học sinh đi trên thảm thủy tinh sẽ giúp các em trải nghiệm những gì giống như trong đời thực. Ông nói tiếp:
“Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ, trăm sờ không bằng một làm. Giáo dục trên thế giới thì đều thông qua trải nghiệm hết. Chúng ta muốn cải cách giáo dục, mà Enstein nói rằng là ‘làm như cũ mà mong kết quả mới là điên’. Nếu chúng ta muốn đổi mới, muốn thay đổi mà lại mong êm dịu thì người đó không nên làm đổi mới. Tôi muốn đổi mới giáo dục, muốn thay đổi đất nước để hội nhập."
Người sáng lập “trường phái giáo dục giúp con người khai sáng tiềm năng và khẳng định tài năng” còn cho biết thêm rằng, ngoài việc đi trên thảm thủy tinh, bài học về lòng dũng cảm còn có phần học sinh lấy kim tiêm tự đâm vào tay, rút ra sau đó tự cho thuốc đỏ rồi dùng bông băng lại.
Trong phần giới thiệu về tổ chức trên trang web, Tâm Việt Group viết rằng tổ chức này “đã trải qua những giai đoạn khác nhau với bao thăng trầm, sóng gió nhưng luôn luôn kiên định với sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi của mình”.