Matt Mahan

ads header

Breaking News

Một ngày "Toàn dân cầu nguyện cho nạn nhân csVN


MỘT NGÀY “TOÀN DÂN CẦU NGUYỆN
CHO NẠN NHÂN CSVN”?

Tâm Việt

Hôm 7/7, nhân chuyến đi xuyên lục địa bằng xe hơi từ California về Washington để tham-gia cuộc biểu tình chống Tổng-bí-thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đến Tòa Bạch Ốc, ông Phan Kỳ Nhơn thuộc Liên Ủy Ban Chống Cộng và một số đồng-bào đi theo phái-đoàn Cali đã đến Tượng-đài Nạn-nhân Cộng-sản ở đầu đường New Jersey và Massachusetts Avenues để có một buổi cầu nguyện cho nạn-nhân CSVN dưới chân tượng Nữ-thần Dân-chủ.  Buổi lễ có sự tham-gia của một số đồng-hương trong vùng cũng như đến từ vài tiểu-bang khác như Ohio, Arkansas, Illinois, Iowa… khi họ được tin là có buổi cầu nguyện ý nghĩa này.

Cũng bởi buổi lễ có được thông-báo trước cho văn-phòng Tượng-đài Nạn-nhân CS nên ở đây họ cũng ra tiếp đón rất ân cần và còn đưa tin về buổi lễ này trên website của VOCMF (Victims of Communism Memorial Foundation).  Không những thế, ông David Talbot còn đại diện VOCMF tuyên-bố là bất cứ lúc nào người Việt muốn đến cầu nguyện cho nạn-nhân CSVN ở Washington, họ sẵn sàng tiếp tay, kể cả nếu chúng ta muốn có một ngày đặc-biệt dành cho các nạn-nhân CSVN.

Phát động phong trào

Dựa trên lời hứa đó, ông Phan Kỳ Nhơn, sau khi về lại Quận Cam đã liên-lạc với nhiều hội-đoàn chia xẻ ý-tưởng nên có một ngày trong năm dành riêng cho việc cầu nguyện cho khoảng 5-6 triệu nạn-nhân CSVN đã mất trong chiến-tranh (4 cuộc chiến cả thảy từ 1946 đến 1989), trong cuộc nội-chiến Quốc-Cộng, trong Cải Cách Ruộng Đất ở Miền Bắc (ít nhất 172.008 người), trong Tết Mậu Thân (nhất là ở Huế), trên Đại-lộ Kinh hoàng (Mùa Hè Đỏ Lửa), trong những cuộc di tản kinh hồn vào mùa Xuân năm 1975, trên biển cả trong bước đường chạy trốn “thiên-đường CS,” chưa kể đến hàng triệu dân oan trong nước, các tù-nhân lương-tâm…

Lập-tức ý-tưởng này đã gặp sự đồng-thuận của nhiều tổ-chức, trong đó phải kể Cộng-đồng Người Việt Quốc gia của B.S. Võ Đình Hữu (có các hội-đoàn thành-viên trên toàn-quốc Hoa-kỳ) và nhất là của Hội-đồng Liên-tôn ở Nam Cali.  Điều này rất quan trọng bởi một ngày cầu nguyện cho nạn-nhân CSVN chỉ có thể có ý nghĩa khi các tôn-giáo tham-gia để có những nghi-lễ mang lại sự an ủi cho các linh-hồn đã chết oan uổng trong 70 năm Cộng-sản lên cầm quyền ở Việt-nam.  Có lẽ cũng vì thế mà lời kêu gọi đã được sự hưởng-ứng gần như tức-khắc của một số cộng-đồng như ở San Diego, Houston, v.v.  Ngay tại vùng thủ-đô, nơi có Tượng-đài Nạn-nhân CS Quốc-tế, một số đồng-bào cũng đang dự-tính tham-gia vào phong trào cầu nguyện trên toàn thế-giới này, cũng tương-tự như ngày 25/7 chúng ta đã tham-gia trong chiến-dịch “We Are One” của các anh chị em trẻ phát động từ trong nước và có sự hưởng-ứng của đồng-bào trên 22 thành-phố trên toàn thế-giới.

Lần này cũng vậy, khi phát động phong trào cầu nguyện cho các nạn-nhân CSVN, những người chủ-trương cho rằng ai cũng có thể tham-gia.  Thậm chí nếu ta ở một vùng không có đông người Việt, ta vẫn có thể dành thời giờ tại gia mà hướng về các nạn-nhân CSVN mà cầu nguyện, tương-tự như quan-niệm “tọa-kháng tại gia” của cô Phạm Thanh Nghiên ở Hải-phòng.  Mà làm ở một qui-mô rộng lớn thì đến ngay ở trong nước, Cộng-sản cũng không thể ngăn chặn được.

Chọn ngày nào?

Trong một buổi họp khoáng-đại ở Quận Cam, nhiều người đã đưa ra những ngày khác nhau để chọn làm ngày đặc-biệt trong năm “cầu nguyện cho các nạn-nhân CSVN.”  Có người đế nghị ngày Quốc-hận 20/7 vừa là để nhớ ngày chia đôi đất nước vừa là để đánh dấu sự phân chia Quốc-Cộng nhưng cuối cùng ý-kiến này không được chấp nhận vì, như nạn-nhân Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc hay dân oan ngày hôm nay thì đâu có gì dính dáng đến chuyện phân chia Quốc-Cộng.  Bởi vậy mà cuối cùng, ngày được chọn (và cũng để cho dễ nhớ) là ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng 8 mỗi năm, năm nay nhằm ngày thứ Bảy 29/8.  Làm vào ngày thứ Bảy là để không vướng vào các buổi lễ tôn-giáo vào Chủ-nhật hàng tuần.  Nhưng năm nay chọn ngày 29/8 là rất khéo, bởi ngày hôm sau là lễ Vu Lan, lễ truyền-thống của Phật-giáo dành cho các linh-hồn vất vưởng không nơi nương tựa—như các nạn-nhân chiến-tranh, nhất là những người dân thường bị “đạn lạc tên rơi” hoặc hàng trăm nghìn người chết ngoài biển cả trên đường đi tìm tự do.  Đúng là như đại-thi-hào Nguyễn Du đã viết:

Trong trường dạ tối tăm trời đất
Xót khôn thiêng phảng phất u minh
Thương thay Thập loại chúng sinh
Phách đơn hồn chiếc lênh đênh quê người
Hương khói đã không nơi nương tựa
Phận bồ côi lần lữa đêm đen
Còn chi ai khá ai hèn
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu…

(Đính kèm là Lời Kêu Gọi và Thông Báo của Cộng-đồng Nam Cali về vấn-đề này)