Matt Mahan

ads header

Breaking News

VN: Phong trào tự trồng gỗ quí trong vườn nhà

Gỗ rừng được đưa về để mổ xẻ.
(RFA) Rừng tự nhiên bị tàn phá trầm trọng, gỗ quí dần mất dấu, nguồn gỗ xây dựng trở nên đắt đỏ và khan hiếm, người dân tự trồng gỗ quí trong vườn nhà với diện tích nhỏ bé nhưng lại hy vọng sẽ hái ra tiền từ nguồn gỗ trong vườn hoặc sẽ có vật liệu để tái thiết, xây dựng nhà cửa đang là một phong trào tại rất nhiều tỉnh thành trên cả nước. Đặc biệt, ở các tỉnh miền Trung, tuy đất đai chật hẹp nhưng thiên tai liên tục, hoa màu không mang lại kinh tế, nhiều gia đình đã quyết định trồng gỗ quí thay cho làm vườn, cây sưa đỏ, còn gọi là cây huỳnh đàn đang là loại cây được ưa chuộng tại các vườn nhà dân.

Mức giá hấp dẫn của gỗ sưa

Một người chuyên buôn gỗ sưa đỏ, đồng thời cũng là chủ một vườn sưa đỏ rộng hai hecta ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, không muốn nêu tên, chia sẻ: “Trong vườn tôi thì có khoảng hơn 100 cây, trồng đại vậy đó. Trồng vô tư, thích thì trồng thôi, trồng tốt thôi chứ. Như trồng keo thì người ta trồng nhiều bởi nhanh thấy thu hoạch. Tùy cây lớn cây nhỏ, đường kính khoảng 20 cm thì có vân rồi. Khoảng năm năm, sáu năm thì bắt đầu có lõi rồi, còn tùy theo đất.”

Theo ông chủ vườn này, hiện tại, gỗ sưa đỏ, còn gọi là huỳnh đàn hay trắc thối, miền Bắc còn gọi là cẩm lai đỏ có mức giá rất cao, người ta không mua bán trên đơn vị mét khối hoặc tấm mà tính bằng ký lô. Mỗi ký lô gỗ sưa đỏ qui cách được bán với giá hai mươi lăm triệu đồng nhưng lúc nào cũng khan hiếm. Chỉ cần ở một nơi nào đó phát hiện ra một cây sưa đỏ thì giới buôn gỗ cả nước lao nhao tìm đến.

Những loại gỗ không có qui cách, gỗ lẻ như rễ sưa, các cành nhánh nhỏ được bán với giá dao động từ năm triệu đồng cho đến mười lăm triệu đồng trên mỗi ký lô. Gỗ sưa đỏ là một loại gỗ cực kỳ nặng, chìm trong nước nên chỉ cần có một mét khối gỗ sưa đỏ, người ta có thể cân lên tới một ngàn rưỡi ký lô, và mỗi ký lô có giá hai mươi lăm triệu đồng theo qui cách như vậy thì một khối của nó sẽ bán được ba mươi bảy tỉ năm trăm triệu đồng, một số tiền khổng lồ mà người ta nằm mơ cũng không thể thấy được.

Trước đây, một số huyện ở Quảng Ngãi như Nghĩa Hành, Sơn Tịnh và các huyện nằm dọc bờ biển Quảng Ngãi, đặc biệt là phố cổ Thu Xà là nơi trồng cây sưa đỏ rất nhiều. Số lượng gỗ sưa đỏ tồn đọng trong nhà dân từ cánh cửa cho đến chiếc tủ, chiếc giường, chiếc thùng đựng lúa, chiếc bàn, đặc biệt là tủ thờ.

Và trước đây ba năm, các tay buôn gỗ sưa đỏ đã hốt bạc tỉ ở khu vực Quảng Ngãi. Vì lúc đó, người dân nơi đây coi trọng gỗ giáng hương, một loại cây cùng họ với cây sưa đỏ. Thợ mộc nhận đặt hàng gỗ giáng hương với giá rất cao, gỗ sưa đỏ là thứ bỏ đi. Nhưng lúc đó, gỗ giáng hương quá hiếm nên phần lớn thợ mộc dùng gỗ sưa đỏ để giả gỗ giáng hương.

Gỗ quí bị đào tận gốc để làm thành bàn ghế. RFA PHOTO.
Các tay buôn gỗ sưa đỏ nắm được tâm lý này, chỉ cần lấy tủ gỗ giáng hương đổi tủ gỗ sưa đỏ và cho thêm chủ nhà vài trăm, ngàn đồng với lý do ở nhà có quá nhiều tủ giáng hương mà lại thiếu tủ gỗ sưa. Đa số người chủ tủ gỗ sưa đỏ nghe vậy là mừng rỡ, chấp nhận đổi ngay, họ không hề hay biết là mình đã giao số tiền hàng chục tỉ đồng cho con buôn, giao số tài sản lớn cả đời làm lụng vất vả, chẳng bao giờ dám mơ tới cho người ta một cách vô tội vạ.

Có rất nhiều gia đình bị lừa lấy tủ gỗ sưa đỏ như vậy. Đặc biệt là ở các huyện miền núi, nhiều gia đình nghèo khổ, tự lấy gỗ sưa đỏ trên núi về làm nhà, bị dân buôn gỗ lừa xây cho một căn nhà tình nghĩa cấp bốn bằng bê tông là mừng mở cờ trong bụng, tháo ngay căn nhà gỗ sưa ra để xây dựng, mạnh thường quân trá hình liền lấy ngay số gỗ đó để bán kiếm hàng chục tỉ đồng, có khi là vài chục tỉ đồng.

Chuyện này xảy ra cho đến khi một số cây sưa trong thành phố Quảng Ngãi bị cưa trộm, báo chí loan tin thì người dân mới té ngửa biết mình bị lừa quá nặng. Và người chủ vườn gỗ sưa đang trồng cũng từng là nạn nhân của kiểu lừa này. Nhưng ông xem như đó là một tai nạn trong cuộc đời, ông lại nghĩ đến việc vay vốn trồng một vuờn sưa đỏ để sau này con cái ông có vốn liếng làm ăn. Ông luôn tin vào tương lai vườn sưa đỏ của gia đình mình.

Bàn tay của người Trung Quốc

Một cựu nhân viên kiểm lâm, từng bị thương gãy chân vì đuổi theo bắt một nhóm lâm tặc và bị chống trả, sau đó bị mất việc một cách vô lý vì lý do “không còn đủ sức khỏe công tác”, ông không muốn nêu tên, bức xúc chia sẻ: “Huỳnh đàn giờ họ không có mà mua, ở các xã vùng biển như Đức Minh, Đức Lợi, Đức Chánh huyện Đức Phổ trước đây nhiều lắm. Mấy người họ đi mua, đến nơi họ thử rồi biết chứ dân có biết đâu, nó giống gỗ hương. Sau đó họ đổi tủ hoặc bù thêm ít tiền.”

Theo ông, sở dĩ gỗ sưa đỏ trở nên đắt đỏ, gần đây cả gỗ gõ và gỗ lim gụ cũng đắt đỏ là do các thương nhân Trung Quốc đã mua sạch các loại gỗ quí của Việt Nam, giá gì họ cũng mua. Chính vì kiểu mua gỗ khó hiểu như vậy mà hầu hết các cánh rừng lâu năm tại Việt Nam đều bị cưa sạch. Trong khi đó, trên một cánh rừng, có thể chỉ có vài cây gỗ quí nhưng chính những cây gỗ quí này là trụ cột để phân bổ năng lượng cũng như chắn gió và trụ trước gió bão để cả cánh rừng tồn tại.

Nếu chặt hết các cây gỗ quí lâu năm, những cây gỗ còn lại sẽ tự nhiên mà chết đi hoặc bị bão đánh gãy, giông sét đánh cháy, lũ quét cuốn phăng, đời sống thực vật trở nên đảo lộn. Người đàn ông này nói rằng không cần phải bỏ bom xăng để đốt cháy Trường Sơn vì đánh theo hướng này thì quá tốn kém, có thể lên cả ngàn tỉ đô la cho quá trình khai hỏa và thực hiện chiến tranh, lại mang tiếng với quốc tế. Trong khi đó, chỉ cần bỏ ra vài tỉ đô là để mua hết gỗ quí về nước, vừa có gỗ quí mang về lại vừa tàn phá được Trường Sơn. Vị này cho rằng dường như người Trung Quốc đã thành công trong chiến dịch tàn phá Trường Sơn của họ bằng cách mua sạch gỗ quí.

Và cũng theo vị này, khi các vườn sưa đỏ và các thành phố trồng đầy gỗ lim, gõ, gụ… đến lứa thu hoạch gỗ, chắc chắn giá gỗ quí không còn cao ngất như hiện tại, thậm chí có thể tình trạng trứng cút, cau non, bưởi non, rễ tiêu, trái tiêu non… lại xuất hiện lặp lại với gỗ sưa đỏ, tức gỗ huỳnh đàn.

Nhưng cũng theo vị cựu nhân viên kiểm lâm, đó chỉ là dự đoán của ông chứ trên thực tế, lượng gỗ quí của Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung đã quá cạn kiệt, gỗ sẽ mỗi ngày một quí hơn. Và nếu có không quí hơn, không đắt hơn chăng nữa thì với một vườn nhà đầy gỗ quí hoặc một rừng tự trồng đầy gỗ quí bao giờ cũng giúp cho con người giàu có hơn về cả vật chất lẫn tinh thần.

Để kết thúc câu chuyện, vị cựu nhân viên kiểm lâm nói rằng ông cũng đang là chủ của một vườn sưa đỏ tự trồng được trên mười năm, chừng mười năm nữa ông sẽ thu hoạch lứa gỗ đầu tiên. Ông khuyên mọi người nên tự trồng rừng trong vườn nhà mình vì rừng tự nhiên đã chết, thật sự chết!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.