Xe ủi cán người trong vụ cưỡng chế đất
Nhiều nông dân nghèo mất ruộng ở Việt Nam đi biểu tình đòi đất vì không được bồi thường thỏa đáng. |
Xe ủi cán người trong vụ cưỡng chế đất: người nhà nạn nhân lên tiếng
(VOA) Gia đình nạn nhân bị xe ủi cán qua người khi tham gia biểu tình phản đối cưỡng chế đất ở Hải Dương sáng 10/7 quyết tâm đấu tranh đến cùng để đòi lại công lý.
Vụ việc của bà Lê Thị Châm, 54 tuổi, người thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giang, xảy ra lúc 8 giờ sáng trước cổng dự án thi công khu công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền khi bà cùng đám đông tìm cách ngăn không cho chiếc máy xúc ủi đất ruộng của nông dân để tiến hành dự án vì giá bồi thường quá thấp.
Trong cuộc trao đổi với VOA Việt ngữ lúc 9 giờ tối cùng ngày, bà Lê Thị Thụy, chị ruột của nạn nhân cho biết bà Châm đã được chuyển từ bệnh viện tỉnh Hải Dương sang phòng cấp cứu bệnh viện Việt - Đức ở Hà Nội, đồng thời kêu gọi mọi người ủng hộ công lý cho dân nghèo mất ruộng cày để tránh những thảm cảnh đau lòng khi máu đã đổ vì đất.
Bấm vào để nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn
- Danh mục
- Tải
Bà Thụy: Bà Châm bây giờ hãy còn nằm phòng cấp cứu. Con rể và con dâu nhà tôi đang ở bên trong, tôi ở bên ngoài chưa biết thế nào được.
VOA: Xác định ban đầu, bác sĩ cho biết tình trạng bà Châm thế nào?
Bà Thụy: Bà Châm bị gãy xương bả vai, gãy quai hàm mặt, tổn thương mắt, mắt bây giờ sưng húp không còn nhìn thấy gì nữa.
VOA: Tình hình có nguy kịch đến tính mạng không?
Bà Thụy: Cái này thì chưa biết. Bệnh viện tỉnh bảo nếu mổ thì nguy cơ bị nhiễm trùng nhiều, cho nên họ sợ họ phải đưa lên trên này.
VOA: Mọi chuyện sáng nay diễn ra thế nào?
Bà Thụy: Bà con chúng tôi đứng chặn đầu xe ủi. Chị em chúng tôi cứ giật lùi đến đâu thì nó tiến đến đấy. Bà Châm ngã ra thế là nó chèn lên luôn. Chúng tôi chỉ muốn giữ đất của chúng tôi. Chúng tôi quyết không cho xe nào vào ủi cả. Thế nhưng người điều khiển xe ủi hung hăng lắm, nó bảo giết chết hết. Chị em chúng tôi cầm cờ, nó lủi hết vào cờ. Khi bà Châm ngã ra, nó chèn lên luôn. Hình ảnh đã đưa lên trên Facebook cả, bà Châm lọt vào gầm xe như thế còn gì là người. Nó chèn lên rồi, chúng tôi hô hoán, nó vẫn đứng ở trên xe nó nhìn. Chúng tôi kêu gào "Giết chết em tôi rồi" mà mãi về sau nó mới lái xe lùi lại. Lúc đó bà Châm mới được đưa đi cấp cứu. Nếu nó lùi ngay từ đầu thì bà ấy không đến nỗi nặng như thế.
VOA: Bà con có xác định được người điều khiển xe ủi là ai không, người của đơn vị thi công hay của công ty chủ đầu tư?
Bà Thụy: Tụi này nó thuê bọn đầu gấu, bọn xã hội đen về.
VOA: Vì sao bà con phản đối dự án này?
Bà Thụy: Từ 2008 họ đòi phá ruộng, giá đền bù quá thấp chị em chúng tôi không lấy. Chúng tôi không nhất trí với giá tiền hỗ trợ mà bây giờ chúng tôi đã mất trắng ruộng đất rồi. Không còn ruộng đâu để mà cấy hết. 8 năm trời nó không nói năng gì đến. Bây giờ có công ty Singapore nhảy vào. Thay vì họ họp xem ý của chúng tôi thế nào, đằng này từ đợt chúng tôi đấu tranh trên ruộng về, gần 2 tháng nay, nó không nói năng gì. Thế bây giờ nó đưa người về để áp đảo chúng tôi. Nó thuê đầu gấu về để đánh đập dân. Chiều qua nó đánh 1 thanh niên rồi sáng nay lại xảy ra chuyện này. Người dân chúng tôi trăm sự nhờ báo chí lên tiếng giúp đỡ chúng tôi cho đỡ thiệt thòi. Đơn từ chúng tôi khiếu kiện cả trung ương. Trung ương gửi đơn về, nó chẳng giải quyết gì cả từ xã lên tỉnh đến huyện. Từ hôm qua đến giờ nó cho người đến áp đảo, đánh đập. Người dân chúng tôi rất bức xúc. Đề nghị các ban ngành giải quyết làm sao cho nhanh chóng. Dân chúng tôi cũng mệt lắm rồi. 2 tháng nay cơm nắm, cơm đùm lên đồng để canh gác không cho nó ủi đất. Bây giờ nó san lấp mặt bằng, ép dân. Sáng nay xảy ra vụ việc như thế mà chiều nay nó vẫn đưa mấy xe bọn đầu gấu về mà không có công an nào can thiệp cả. Áp đảo, người dân chúng tôi khổ lắm.
VOA: Nếu họ vẫn tiếp tục, không lùi bước, người dân dự định thế nào?
Bà Thụy: Người dân chúng tôi đấu tranh đến cùng. Đổ máu thì đổ, đấu tranh đến cùng. Không để cho chúng nó như thế được. Chúng tôi rất bức xúc, cả thảy 115 hộ mất sạch ruộng rồi, không còn một tấc đất nào để chúng tôi sống nữa.
VOA Việt ngữ cố gắng liên lạc với quan chức địa phương để ghi nhận ý kiến giới hữu trách nhưng không được hồi đáp.