Matt Mahan

ads header

Breaking News

Một số từ Anh- Việt đối chiếu (Bổ túc)


Do sự du nhập quá nhanh của văn hóa Mỹ vào Việt Nam qua tạp chí, phim ảnh, quảng cáo thương mại, ca nhạc, các chương trình giải trí cùng số lượng đông đảo người Việt từ Mỹ về thăm quê hương, làm ăn buôn bán... tiếng Việt có nguy cơ bị biến dạng. Sở dĩ tiếngViệt bị xâm hại là vì nó được dùng chen vào những từ Mỹ hoặc Pháp - mà những từ này đều có thể phiên dịch sang Việt Ngữ bằng những tiếng tương đương.

Khi đọc một đoạn văn lai căng, người đọc khó chịu, giống như đang ăn cơm mà cắn phải hạt sạn khiến phải nhổ miếng cơm ra. Tệ nạn này xảy ra khắp nơi, từ trong nước tới hải ngoại, kể cả các trang báo điện tử Việt Ngữ lớn như BBC và VOA. Sở dĩ có tệ nạn này là vì người viết hoặc người nói:

-Không rành tiếng Mỹ/Pháp cho nên không thể chuyển sang Việt Ngữ một cách chính xác.

-Không rành tiếng Việt cho nên phải dùng tiếng Mỹ/Pháp để thay thế.

-Do làm dáng, phải nói chêm tiếng Tây tiếng Mỹ cho nó oai, cho nó văn minh, kiểu nói tiếng Tây “ba rọi” ngày xưa.

-Mặc cảm với ngôn ngữ của dân tộc và cho rằng tiếng Việt thấp kém so với tiếng Tây, tiếng Mỹ.

Người Hoa Kỳ đã không để tiếng ngoại quốc phá nát ngôn ngữ của họ bằng cách dịch ngay sang Anh Ngữ bằng những tiếng tương đương, chẳng hạn như: Spring roll, Egg roll= Chả giò; Beep noodle= Phở; Pork noodle = Hủ tiếu; Fish sauce= Nước mắm; Shimp chip= Bánh phồng tôm; Rice paper= Bánh tráng…tại sao chúng ta lại để tiếng Tây, tiếng Mỹ phá nát ngôn ngữ của chúng ta?

Sau đây là một số từ đã xuất hiện thường xuyên trên các trang báo điện tử, diễn đàn cho dù những từ này có thể chuyển sang Việt Ngữ bằng những tiếng tương đương và cũng rất thông dụng.

Việc sưu tầm này không hoàn hảo. Kính mong những vị còn tha thiết tới “tiếng Việt trong sáng” bổ túc thêm và hoàn chỉnh để chúng ta cùng nhau gìn giữ tính thuần khiết của văn chương và tiếng nói ViệtNam mà tiền nhân đã dày công vun đắp bao đời nay.

Account: Theo từ điển Longman 2002, Account (danh từ) có hai nghĩa. Thứ nhất: Lời, bài viết mô tả, kể lại một biến cố, sự kiện, câu chuyện nào đó. Thứ hai: Chẳng hạn khi bạn tới ngân hàng và muốn gửi tiền vào ngân hàng tức bạn mở một Account tức một thỏa thuận , một hợp đồng (agreement) để ngân hàng giữ tiền và chuyển tiền cho bạn và người ta cho bạn một Account number tức số trương mục. Còn tiền gửi ở ngân hàng thì gọi là tài khoản. Chẳng hạn, bạn có thể nói, “Tôi có một số tài khoản tại ngân hàng Thụy Sĩ”. Nhưng khi công ty điện-nước, điện thoại v.v.. đồng ý cung cấp dịch vụ cho bạn, họ cũng cho bạn một Account number nhưng không thể gọi đó là số trương mục được - mà có thể gọi là: số giao kèo, số cung cấp dịch vụ. Hiện nay BBC và VOA tiếng Việt do một số bạn trẻ phụ trách - tiếng Việt và tiếng Anh đều kém cho nên đã gây thảm họa cho tiếng Việt. Chẳng hạn họ dịch bừa “Account number” thành “tài khoản” chẳng hạn như: Ông A, Bà B. có một “tài khoản trên Facebook”. Facebook chỉ là một loại diễn đàn, làm sao ông A, bà Ba có một “tài khoản” tức một số tiền trên đó được? Do đó phải nói là: “Ông A, bà B có một khoản/một phần trên Facebook.” Còn “Account number” ở Facebook hoặc con số mà bất kỳ công ty cung cấp dịch vụ cho mình, có thể dịch là: Số giao kèo.

Vì là một trang tin điện tử phổ biến toàn cầu và được nhiều người đọc, các bản tin dịch cẩu thả từ tiếng Anh sang tiếng Việt của BBC tiếng Việt đang góp phần “tàn phá” tiếng Việt truyền thống và dịch sai các danh từ rất thông thường của tiếng Anh. Nếu các tác giả bài viết tiếng Anh giói tiếng Việt, đọc các bản dịch đó, họ sẽ “buồn năm phút” vì người dịch hoàn toàn dịch sai ý của họ. Rất tiếc cho thế hệ năm xưa làm việc cho BBC, VOA quá già hoặc chết hết cả rồi. Nay hậu duệ vì kém cỏi- thay vì xây đắp- lại tàn phá ngôn ngữ của cha ông. Buồn ơi, chào mi!

Accordion= Phong cầm. Harmonica= Khẩu cầm

Action Film: “Action film is a film genre in which one or more heroes are thrust into a series of challenges that typically include physical feats, extended fight scenes, violence ...” Theo định nghĩa này thì “Action Film” là “Phim đánh đấm”, hoặc “phim bắn giết” hoặc “kiếm hiệp Mỹ” chứ không phải “Phim hành động” bởi vì phim nào mà chẳng hành động. Chẳng lẽ các nhân vật trong phim ngồi như tượng đá từ đầu tới cuối sao?

Áp-phích: (Affiche) = Bích chương (dán trên tường). Bích nghĩa là tường, như bích báo= báo tường (dán trên tường), bích kích pháo (súng cối) = bắn cầu vồng, bắn qua tường.

Atlas: Tập bản đồ (Một cuốn tập lớn trong đó có nhiều bản đồ)

ATM: Máy chuyển tiền tự động. (rút tiền hoặc gửi tiền)

Audio-visual: Âm thanh & hình ảnh chứ không có nghĩa là Nghe-Nhìn vì Nghe-Nhìn là động từ. Còn Audio-Visual là tính từ (adjective).

Băng rôn: (Bande de role) = Biểu ngữ.

Bikini: Áo tắm hai mảnh.

Bình ắc-quy: Bình điện. Sạc (Charge): Tiếp điện, nạp điện.

Blog: Trang tin chuyên đề/ trang chuyên đề. Cũng có người dịch là “Nhật ký phổ biến qua mạng lưới”.

Blogger: Người viết trang chuyên đề.

Blue: Màu xanh. Green: Màu xanh lá cây, màu lục. “Lục địa” là đất phủ bởi màu xanh lá cây (lục) hay màu cỏ. Hiện nay ở Việt Nam không phân biệt được thế nào là “xanh” (blue) thế nào là “xanh lá cây” (green). Tất cả đều gọi là “xanh”. Thí dụ: “Trồng cây xanh” (blue), “phủ xanh (blue) công viên”. Đúng ra phải viết: Trồng cây, trồng cây và phủ cỏ một công viên. Ở Mỹ này, nếu chúng ta gọi một nhà thầu đến và nói, “Tôi muốn phủ xanh căn nhà này.”, chắc chắn căn nhà của bạn sẽ là màu “blue” hoặc “xanh da trời”. Còn nếu bạn nói, “Tôi muốn sơn căn nhà màu xanh lá cây/màu lục.” Thì chắc chắn căn nhà của bạn sẽ là màu “green”.

Bonsai: Là Bồn Tài (Cây trồng trong chậu) tức cây cảnh/kiểng

Boot: Giày cao cổ, giày ống

Brand name: Hiện nay được dịch là “thương hiệu” nhưng thực ra nó có nghĩa là “nhãn hiệu trình tòa” hay “nhãn hiệu cầu chứng” để kẻ khác, hãng khác không được phép sử dụng nhãn hiệu này.

Breaking news: Tin vừa mới nhận được, thường rất vắn tắt và thường là sự kiện quan trọng , chứ không phải bản tin đã được soạn sẵn với đầy đủ chi tiết.

Bunker: Hầm trú ẩn, hầm ngầm mà Việt Nam gọi là bong-ke.

Cabin: Buồng riêng trên tàu/buồng ngủ trên tàu.

Ca nô: Xuồng máy.

Catwalk: Bục trình diễn thời trang. Trong nước không hiểu nghĩa của từ này nên dịch là “sàn Catwalk”. Dịch như thế thì chẳng ai hiểu gì cả.

Channel: 1. Băng tần (trong nước dịch là Kênh truyền hình). Thí dụ: “Đài truyền hình Fox News được phát hình trên băng tần 360”hoặc “Chương trình truyền hình CNN được phát hình trên băng tần 202”

2. Channels (số nhiều) Cách, phương thức, ngõ ngách để gửi tin hoặc lấy tin hoặc thực hiện chuyện gì đó. Hiện nay chữ “channels of communication” được BBC dịch là “kênh truyền thông” hoàn toàn không rõ nghĩa, mà phải dịch là “Các phương tiện truyền thông”. Chẳng hạn “diplomtic channels” không thể dịch là “kênh ngoại giao” mà phải dịch là “đường lối, ngõ ngách ngoại giao”. Ngõ ngách ở đây có thể là trực tiếp thương thảo hoặc qua mật đàm, hoặc nhờ một quốc gia đệ tam làm trung gian v.v..

Cherry: Trái anh đào.

Cholesterol: Độc tố trong máu (gây bệnh tim).

Clip: Đoạn băng ngắn, đoạn thu hình.

Composite: Hợp chất, vật liệu tổng hợp/hỗn hợp.

Copy: Bản sao, bản sao chép, rập khuôn. Người Tàu dịch là “phiên bản”. (Xin xem bất kỳ từ điển Anh-Hoa nào). Còn “version” là mô phỏng không như sao chép (copy) đúng 100%. Trong nước bất cứ cái gì cũng dịch là “phiên bản” dù đó chỉ là mô phỏng hoặc nhái (version).

Counterpart: Người đồng cấp, đồng nhiệm.

Crew: Trên máy bay gọi là “phi hành đoàn”. Trên tàu gọi là “thủy thủ đoàn”. Trong nước dịch là “tổ bay”, “thuyền viên”.

Culture: Có nhiều nghĩa, không phải lúc nào cũng có nghĩa là “văn hóa”. Văn hóa là một tổng hợp bao gồm rất nhiều lãnh vực của một xã hội như: Hội hè, nghi lễ, nghi thức, cách ăn mặc, ăn ở, cách nói năng, cách cư xử trong gia đình, ngoài xã hội…chẳng hạn như: văn hóa Trung Hoa, văn hóa Mỹ, văn hóa Việt Nam...qua đó chúng ta thấy sự khác biệt về lối sống giữa các quốc gia. Hiện nay hai chữ “văn hóa” được dùng tràn lan, sai nghĩa và trở nên dị hợm ở trong nước khi nói: văn hóa nói dối, văn hóa tham nhũng, văn hóa đi trễ, văn hóa chen lấn, văn hóa chửi thề, văn hóa phong bì…. Hai chữ “văn hóa” ở đây được dùng với ý xấu, ám chỉ cái gì đã trở thành cố tật thấm sâu vào não trạng và không sao thay đổi được nữa và được cả xã hội chấp thuận và làm theo. Trong khi “văn hóa” biểu tượng cho cái gì tốt đẹp đã được gạn lọc theo thời gian và là niềm hãnh diện vì là đặc trưng của một quốc gia. Theo từ điển Mỹ, “culture” ngoài nghĩa “văn hóa” còn có nghĩa khác như sau:

“The set of predominating attitudes and behavior that characterize a group or organization.” Theo định nghĩa này thì “culture” có nghĩa là: Lề thói, cách cư xử, trào lưu, phổ biến, một căn bệnh, cố tật…của một tập thể, một tổ chức, một nhóm người nào đó chứ không chung cho cả một dân tộc. Xin nhớ cho, văn hóa là đặc trưng-thường là tốt đẹp chung cho cả một dân tộc. Do đó không thể nói:

“Văn hóa ứng xử” mà phải nói, “cách cư xử” sao cho lễ độ, lịch sự, phải phép v.v..

“Văn hóa nói dối” mà phải nói, “thói quen nói dối”, “cố tật nói dối”, “bệnh nói dối”.

“văn hóa đi trễ” mà phải nói, “thói quen đi trễ”, “bệnh đi trễ”.

“văn hóa chửi thề” mà phải nói, “bệnh chửi thề”, “tật chửi thề” Thí dụ: Thằng cha/con mụ đó có tật hễ mở miệng ra là chửi thề. Do đó không thể nói, “Thằng cha/con mụ đó có văn hóa chửi thề”

“văn hóa phong bỉ” mà phải nói “trào lưu, phổ biến”. Thí dụ: Bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân đã trở thành một trào lưu không biết ngượng/phổ biến của giới bác sĩ Việt Nam bây giờ.

“văn hóa phóng uế”mà phải nói “ thói quen phóng uế, xả rác. Thí dụ: “Xả rác và phóng uế là thói quen bất trị của người Việt Nam bây giờ.” hoặc, “Hút thuốc xong liền quăng tàn thuốc lá xuống đất là thói quen đã thấm vào não trạng của người Việt Nam bây giờ.”

“văn hóa nói dối”mà phải nói, “thói quen nói dối, cố tật nói dối”.”bệnh nói dối”. Chúng ta không thể nói, “Thằng cha, con mụ đó có văn hóa nói dối.” mà phải nói, “Thằng cha, con mụ đó có bệnh nói dối,”

“văn hóa đi máy bay” mà phải nói, “ những điều nên làm và không nên làm khi đi máy bay”

Cú đúp (bóng đá): Thắng hai bàn. Còn hat trick là thắng ba bàn.

Cup: Giải. Do đó người đoạt cúp là người đoạt giải.World Cup : Giải túc cầu/bóng đá thế giới

Cua-rơ (coureur trong xe đạp): Tay đua

Debt ceiling: Mức nợ tối đa (không thể vượt qua giống như đã đụng tới trần nhà rồi) chứ không phải ” nợ trần”. “Nợ trần” khiến người đọc có thể hiểu là ”nợ đời, nợ trần thế, nợ trần ai”.

Depressed = (very sad): Buồn nản, chán đời (trong nước dịch là trầm cảm). Chẳng hạn, khi gặp một tâm lý gia nếu chúng ta nói, “Tôi bị trầm cảm,” thì vị bác sĩ chưa rõ bệnh tình của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta nói,

“Tôi cảm thấy buồn nản, chán đời,” thì vị bác sĩ hiểu ngay bệnh tình của chúng ta.

Desktop: Máy điện tử để bàn

Doping: Dùng thuốc kích thích

Ebook: Sách điện tử.

Email: Điện thư.

Exchange Floor: Nơi giao dịch, mua bán chứng khoán. Ở Việt Nam dịch là “sàn chứng khoán”. Theo từ điển Longman 2002, chữ “Floor” có nhiều nghĩa. Ngoài nghĩa “sàn nhà, tầng” nó còn có nghĩa là một phần của tòa nhà của chính phủ dùng để hội họp hay điều trần mở ra cho công chúng. Chẳng hạn “Senate Floor” là trụ sở Thượng Viện Hoa Kỳ chứ không phải “Sàn Thượng Viện”.

Fake: Giả. Hàng fake: Hàng giả, rởm, dỏm.

Fan:Những người hâm mộ, kẻ hâm mộ. Nếu hâm mộ một cách điên cuồng có thể gọi là “tín đồ” như trong lãnh vực âm nhạc chẳng hạn.

Flyer: Tờ quảng cáo hoặc truyền đơn. Có người dịch là “tờ bươm bướm”.

Freezing bank account= Phong tỏa một trương mục (không cho rút tiền hoặc trả tiền), chứ không phải “đóng băng” một trương mục.

Freezing of asset= Phong tỏa tài sản (không cho tẩu tán) chứ không phải “đóng băng” một tài sản. Chữ “freeze” mà dịch là “đóng băng” tức không rành tiếng Mỹ. Chữ “freeze” có rất nhiều nghĩa chứ không phải chỉ có nghĩa “đông lạnh, đóng băng” . Chẳng hạn, khi mình vô tình xâm phạm vào sân, vườn, nhà của người ta nếu chủ nhà la lớn, “Freeze!” tức “Đứng yên!” Nếu mình cứ bước tới người ta có thể rút súng bắn chết mình vì tội xâm phạm gia cư bất hợp pháp. Thảm họa này đã xảy ra tại Lễ Haloween khi một em bé Á Châu đeo mặt nạ đi xin kẹo vào buổi tối, bước vào vườn nhà người của người ta. Khi nghe tiếng hô “Freeze!” (Đứng yên!) em bé không hiểu cho nên cứ bước vào, và bị bắn chết.

Games: Các trò chơi (trên máy điện tử hay tại các nơi giải trí).

GDP: Tổng Sản Lượng Quốc Gia (Gross Domestic Product)

Ghost town: Thành phố bỏ hoang chứ không phải “thành phố ma”. Haunted house: Căn nhà có ma.

Xin nhớ cho “căn nhà ma quái” là căn nhà có dáng vẻ hay tỏa ra một không khí lạ lùng, đáng sợ chứ chưa hẳn là “căn nhà có ma” thường thấy trong các phim thần thoại, kinh dị, các phim trinh thám hoặc phim khôi hài như “Ba Thằng Ngốc” (The Three Stooges).

Guitar: Tây Ban Cầm

Hacker: Kẻ ăn cắp hoặc phá hoại các dữ kiện của người khác qua máy điện tử, có thể tạm dịch là “tin tặc”.

Home page: Trang chính, trang nhất (không phải trang nhà). Ở Mỹ “home key” là các chữ trên bàn đánh máy mà các ngón tay sau khi vươn ra để đánh các chữ khác - đều trở về vị trí “home key” này. “Home room” là lớp học/giờ học đầu tiên của học sinh. Mọi giấy tờ của học sinh, hoặc hướng dẫn của giáo viên đều do “home room” phụ trách. Tại Hoa Kỳ, một giáo viên có thể dạy nhiều trường một lúc nhưng “Home school” là trường chính lưu giữ hồ sơ, giấy tờ cho giáo viên ấy. Các chữ “home” ở trên hoàn toàn không có nghĩa là “nhà”.

Hand made: Hàng làm bằng tay, thêu tay (không phải bằng máy)

Hard-war/Soft-ware: Đã được dịch và phổ biến thành: nhu liệu/cương liệu hoặc phần cứng/phần mềm tại hải ngoại thập niên 1980 khi Việt Nam chưa “mở cửa” và kiến thức về điện tử còn rất hạn chế. Thực ra hai từ Hard-ware/Soft-ware không có nghĩa cứng hay mềm gì cả mà nó có nghĩa là Máy và Ứng Dụng (Của Máy). Chúng ta có thể từ từ điều chỉnh lại bằng cách viết như sau: Phần Máy (Hard-ware) &Phần Ứng Dụng (Soft-ware) lâu rồi sẽ quen. Khi đó chúng ta sẽ bỏ luôn các chữ Hard-war/Soft-ware và chỉ còn giữ lại phần tiếng Việt mà thôi.

Hot: Nóng. Nhưng có rất nhiều nghĩa, tùy trường hợp.

Hot news: Tin hấp dẫn.

Hot girls : Những cô gái ăn mặc hở hang, khiêu dâm

Ăn mặc hot: Ăn mặc hở hang, khiêu dâm.

Hot seat: Không phải là “ghế nóng” mà là đang ở vào tình thế gian nan, vô cùng bất lợi. Ví dụ: He is in hot seat có nghĩa là: Ông ta ở vào tình thế vô cùng nan giải. Hot seat tiếng lóng còn có nghĩa là “ghế điện” dành cho tử tội.

Hot topic/ Hot issue: Không phải là “đề tài nóng” mà là những vấn đề đang được bàn cãi sôi nổi thường xuất hiện trong các cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ.

Hot Items: Hàng bán chạy, hàng được ưa chuộng (theo mùa)

Bản nhạc ấy hot lắm: Bản nhạc vừa xuất hiện và được ưa chuộng, bán chạy, được hát nhiều.

Hot line: Không phải là đường dây nóng hay lạnh mà là “đường dây thông báo khẩn cấp” thường giữa vị nguyên thủ các quốc gia có vũ khí nguyên tử như Nga-Mỹ để tránh rủi ro.

Thị trường đang hot: Thị trường bán rất chạy (trái với ế ẩm)

Hot boy: Tiếng lóng Mỹ có nghĩa là đàn ông/con trai nổi tiếng về buôn bán xì-ke ma túy, đang bị cảnh sát theo dõi vì buôn bán, chuyển vận ma túy. Còn trong nước dùng với nghĩa khác thì tôi không rõ.

Input/Output: Nhập lượng/ xuất lượng. hoặc Vốn/Thành quả. Trong nước dịch là đầu ra/đầu vào.

International Court of Justice: Tòa Án Quốc Tế. Hiện nay chữ này đang được phiên dịch là “Tòa Án Công Lý Quốc Tế” như thế là không đúng, bởi vì: Court of Justice = Tòa Án chứ không phải “Tòa Án Công Lý”.

Internet: Liên mạng hoặc mạng lưới toàn cầu.

Laptop: Máy điện tử cầm tay. Thực ra là để trên lòng (lap) khi đem ra phi trường, hoặc đi xa không có bàn.

Live music: Nhạc sống (do ban nhạc trình diễn chứ không phải nghe qua máy)

Live show: Chương trình trực tiếp (không phải thu hình xong rồi phát lại).

Logic: Thuận lý, hợp lý, lý đương nhiên (không cần tranh biện).

Lô cốt: Pháo tháp, đồn canh. Thời thực dân Pháp, chữ “Blockhaus”được phiên âm thành lô-cốt.

Logo: Huy hiệu.

Marketing: Chiêu khách, quảng cáo để bán hàng, tìm cách để bán hàng, kéo khách hàng tới, quảng cáo bằng mọi cách để mở rộng một chiến dịch tranh cử chẳng hạn.

Mát-xa (Massage): Đấm bóp, nghề đấm bóp, tẩm quất.

Media: Truyền thông, nghành truyền thông bao gồm báo chí, đài phát thanh và truyền hình.

Meeting/ Mít-tinh: Cuộc biểu tình, buổi gặp gỡ, họp mặt, cuộc tập họp lớn.

Megaphone diplomacy/Microphone diphomacy =Ngoại giao theo kiểu ồn ào như họp báo, ra tuyên bố v.v.. chứ không phải âm thầm thương thảo để giải quyết vấn đề. BBC tiếng Việt - người dịch không biết nghĩa của từ kép này cho nên dịch là “ngoại giao micro”. Dịch như thế thì thà không dịch còn hơn.

Messenger: Sứ giả, người đưa tin

Militant: Các phần tử bạo động, các phần tử chủ chiến. Từ này đang được phiên dịch sang Việt Ngữ là “chiến binh” như thế là không đúng. Từ điển Mỹ định nghĩa “militant” như sau: “Combative and aggressive in support of a political or social cause: chẳng hạn như "militant Islamic fundamentalists"có thể dịch là “ các phần tử bạo động Hồi Giáo”.Trong bất kỳquốc gia nào, phần tử chủ trương bạo động đều được báo chí Mỹ gọi là “militant”.

Module: Cơ phận phụ, bộ phận rời. Chẳng hạn “nguyệt xa” là module- tức bộ phận phụ/rời của phi thuyền không gian.

Nails: Tiệm Nails= Tiệm sơn móng tay, móng chân.Nghề Nails : Nghề sơn móng tay, móng chân.

Nude: khỏa thân, lõa thể.Ảnh nude là ảnh khỏa thân, lõa thể, cởi truồng.

Online: Trong nước dịch là “trực tuyến” là không rõ nghĩa. Online có hai nghĩa:

1) Connected to other computers through the Internet or available through the Internet=Liên kết qua mạng lưới hoặc đã sằn sàng nối kết (qua mạng lưới)

2) Directly connected to or controled by a computer=Trực tiếp nối hoặc điều khiển bới máy điện tử.

Như thế online interview không thể dịch là “phỏng vấn trực tuyến “ mà là “phỏng vấn qua hệ thống liên mạng” hay “phỏng vấn qua hệ thống máy điện tử”.

Online shopping: Mua hàng qua mạng lưới/mua hàng trên mạng.

Oxygen: Dưỡng khí

Partner: Người hợp tác, người hùn hạp, người đứng chung với mình (trong trận đấu quần vợt chẳng hạn). Hiện nay chữ partner đang được dịch là “đối tác” như thế là sai. Hợp tác với mình thì không thể gọi là “đối” được, khác với đối thủ, đối phương, đối đầu… Stratergic partnership= Hợp tác chiến lược. Conprehensive Partner-ship= Hợp tác toàn diện.

Penalty (bóng đá): Phạt đển

Persistent: Hiện nay hầu hết các bài viết ở trong và ngoài nước nói về lâp trường của Trung Quốc đối với Biển Đông đều dùng nhóm chữ “thái độ quyết đoán”. Theo tôi như thế là sai. Quyết đoán là khi thấy mình có lý, và tin tưởng rằng mình đúng và giữ nguyên lập trường. Còn khi sai, không có căn bản hợp lý, mà bảo thủ, giữ nguyên lập trường thì gọi là khăng khăng, nằng nặc, lì lợm. Do đó tôi đề nghị từ nay chúng ta bỏ không dùng nhóm chữ “thái đô quyết đoán” và thay bằng “Trung Quốc vẫn có thái độ khăng khăng hoặc “ nằng nặc”, “lì lợm” trong việc khẳng định chủ quyền của mình ở Biển Đông”.

Photocopy: Sao, chụp lại. Bản photo= bản sao, bản chụp đúng 100%. Tàu dịch là “Phiên bản”. Còn “version” là nhái, mô phỏng không đúng 100%. Trong nước “version”dịch là “phiên bản” hoàn toàn sai.

Piano: Dương Cầm.

Positive/Negative (Y Học): Trong nước dịch là “Dương tính” và “Âm tính” như thế không rõ nghĩa. Theo từ điển Longman: Positive/Negative= “A medical or scientific test that is show positive (rõ ràng) signs of what is being looked for” Như thế Positive phải dịch là= Có dấu hiệu bệnh gan, lao phổi, ung thư v.v…và Negative=Không có dấu hiệu bệnh tiểu đường, gan, lao phổi, ung thư….

Nhạc Rap= Có thể tạm dịch là “Nhạc gõ” (gõ lách cách để giữ nhịp) hoặc “Nhạc hát theo nhịp gõ”. Hoặc có thể dịch là “Hát bài chòi Mỹ” hay “Hát xướng lô-tô Miền Nam”

Real Estate Bubble: Đó là tình trạng: “Rapid increases in valuations of real property such as housing until they reach unsustainable levels and then decline.” Trong nước dịch là “bong bóng địa ốc” hoàn toàn không rõ nghĩa. Nó là tình trạng giá nhà đã tăng nhanh quá cao, bão hòa và bắt đầu đi xuống (vỡ như bong bóng).

Resort: Khu Resort là khu nghỉ mát, khu nghỉ dưỡng.

Sạc điện (Charge): Nạp điện. Binh ắc-quy: Bình điện

Scandal: Những vụ tai tiếng.

Sexy: Hấp dẫn, hở hang, gợi dục. Do đó “Một cô gái có thân hình sexy” là cô gái có thân hình hấp dẫn (gợi dục,

gợi sự ham muốn). Một cô gái ăn mặc sexy là cô gái ăn mặc hở hang, không đứng đắn…chẳng hạn như váy ngắn quá, áo hở ngực lồ lộ, hoặc váy mỏng/ quần mỏng lộ cả quân lót bên trong. Cô ấy có khuôn mặt sexy tức cô ấy có khuôn mặt lẳng lơ, đa tình.

Sốc (Shock): Bàng hoàng, sửng sốt, choáng váng (vì quá bất ngờ). Chữ shock đang được dùng tràn lan trong nước dùng như một thứ kiểu cọ, thời trang, làm dáng. Chẳng hạn hàng được bán đổ bán tháo, bán với giá rẻ mạt được gọi là “giảm sốc (shock)”.

Show: Các buổi trình diễn văn nghệ. Bầu Show: Bầu ca nhạc. Người tổ chức nhạc hội.

Showbiz: Những buổi trình diễn/ giới thiệu thương mại.

Stress: Căng thẳng, căng thẳng thần kinh.

Style: Kiểu, kiểu cọ, lối.

Tiêm vaccine: Trích ngừa, chủng ngừa.

Tít (Pháp=Titre) : Tiêu đề, nhan đề, tin hàng đầu,

Tomboy: Gái hiếu động, gái mà như trai.

Top: Đứng đầu, hàng đầu.

Top Ten: Mười người/quốc gia/hãng…đứng đầu v.v..

Tuổi Teen, các Teen: Chúng ta hãy xem người Mỹ đếm số từ 13 tới 19: Thirteen, fourteen, fifteen, sixteen, seventeen, eighteen và nineteen. Tất cả đều kết thúc bằng chữ teen. Như vậy “tuổi teen” là tuổi vị thành niên, dưới 20 tuổi. Và “các teen” là các trẻ vị thành niên. Do đó “teen pregnant” có nghĩa là vị thành niên mang bầu/có thai - một tệ nạn của xã hội Mỹ bây giờ cho nên phải phát bao cao su sinh lý cho học sinh là như thế đó.

Tour du lịch: Chuyến du lịch, các chuyến du lịch.

-Tôi vừa đi tour Tôi vừa đi du lịch. Tôi vừa làm một chuyến du lịch.

-Cho tôi một vé đi tour Hạ Long= Cho tôi một vé du lịch Hạ Long.

Trading floor: Nơi giao dịch, mua bán chứng khoán. Trong nước dịch là “sàn chứng khoán” như thế là sai vì chữ “floor” ở đây không có nghĩa là “sàn nhà”. Chẳng hạn trụ sở Thượng Viện của Hoa Kỳ cũng còn gọi là “Senate Floor”. Theo từ điển Longman 2002 “floor” có nghĩa là phần của một tòa nhà của chính phủ nơi người ta thảo luận hoặc tham dự những phiên họp mở ra cho công chúng.

Tunnel: Đường hầm (đào dưới đất hoặc xuyên qua núi), tiếng Hán gọi là “địa đạo”. Chẳng hạn như : Đường Hầm Thù Thiêm, Đường Hầm Đèo Hải Vân, Đường Hầm Đèo Cù Mông. Xin nhớ cho “hầm” (bunker) khác “đường hầm”. Nếu chúng ta nói, “Hầm Đèo Cả” tức là ở Đèo Cả có một cái hầm chứa cái gì đó, có thể là hầm trú ẩn, kho vũ khí hoặc căn cứ quân sự bí mật v.v..Còn nếu chúng ta nói, “Đường Hầm Đèo Cả” thĩ rõ ràng đây là một con đường ngầm dưới đất xuyên qua Đèo Cả chứ không phải là một kho chứa hoặc hầm trú ẩn v.v..

Tuýp, ống tuýp (Tiếng Pháp là tube): Ống sắt.

TV: Truyền hình, đài truyền hình. Trong nước có cái lạ là đài tiếng nói thì gọi là “phát thanh” trong khi đài truyền hình thì gọi là “phát sóng” thay vì “phát hình”. Theo tôi nghĩ, phát hình đúng hơn là phát sóng. Chẳng hạn; “Chương trình phát thanh được truyền đi trên làn sóng AM 1200.”, “Chương trình phỏng vấn/ca nhạc/phóng sự/tuyển lựa ca sĩ… sẽ được phát hình vào lúc…”

Vaccine: Thuốc chủng ngừa, trích ngừa

Version: Bản dịch, bản mô phỏng (hơi khác nguyên bản một tí), bài tường thuật, mô tả.

Violin/Violon: Vĩ Cầm.

Virus: Siêu vi trùng, siêu vi khuẩn, đã có thời dịch là “tinh độc” (cực nhỏ mà độc hại)

Visa/Passport: Xin visa tức là xin nhập cảnh. Xin passport là xin xuất cảnh.

Vô-lăng (Pháp =Volant): Tay lái. Lốp = Vỏ xe, vỏ bánh xe. Săm=Ruột xe, ruột bánh xe. Miền Nam trước đây nói rất gọn: “Thay vỏ ruột bánh xe” là ai cũng hiểu. Phanh=Thắng.

Xe hybrid: Xe chạy xăng và điện (Petroleum-electric hybrid vehicles)

Xe container: Xe vận tải lớn, xe tải lớn, xe thùng. Các container: Các kiện hàng, các thùng chứa hàng, Tàu Container: Tàu chở các kiện hàng/ Tàu vận tải lớn. Cảng container: Cảng bốc dỡ các kiện hàng lớn.

Website: Trang mạng/trang thông tin điện tử.

World Cup : Giải túc cầu/bóng đá thế giới

Đào Văn Bình
(California Tháng 03/2013 và bổ túc thêm vào 25/7/2015)


--------------------------------------------------------------------------


Vì có một số đề nghị dịch thuật của anh Đào văn Bình tôi cảm thấy cần được góp ý, nên mạn phép góp vài lời. Tôi nghĩ rằng "ngôn ngữ VN" là trách nhiệm chung nên không ngần ngại đưa ra vài ý kiến trong bài viết của anh Bình (hình như đã cũ vài năm rồi). Càng nhiều ý thì chúng ta có thể tìm được thêm một số từ ngữ có thể gần sát nghĩa hơn giữa Anh và Việt.

Vì chữ "account" là chữ đầu với mẫu tự "A" nên anh Bình đã nhắc đến đầu tiên. Tuy nhiên anh cũng hơi lúng túng khi tìm một chữ trong tiếng Việt có thể sát nghĩa hơn. Tiếng Việt mới (của "Bên Thắng Cuộc") gọi "account" là "tài khoản". Dĩ nhiên chỉ đúng với nhà băng. Nhưng khi qua Facebook hay của một công ty điện, hay điện thoại chẳng hạn thì chữ "tài" này có vẻ "liền với chữ tai một vần", có nghĩa là không ổn. Đề nghị của anh Bình cũng không ổn luôn. Tại sao không trở lại chữ "trương mục" cho mọi trường hợp, như thời VNCH ngày xưa, có chết thằng Tây nào đâu, hỉ ?

Chữ "Audio-Visual" ngày xưa mình gọi là "thính thị". Việt cộng có khuynh hướng cho "lính thủy đánh bộ" và "máy bay lên thẳng" nên mới có những "trung tâm nghe nhìn". Đúng là thứ Dép Râu làm rầu Dân Tộc !
Anh Bình đã đi vào một số những từ không cần thiết như khi anh nói về "màu xanh" trong khi nên dành thì giờ cho những từ quan trọng hơn như chuyện Việt cộng biến những Danh Từ thành ra Động từ như trong chữ "liên hệ" (relationship) - vốn là Danh từ giờ đã trở thành chữ "liên lạc", "tiếp xúc". Khổ ghê !

Còn chữ "channels", ngày xưa mình gọi là băng tầng và bây giờ các đồng chóe gọi là "kênh". Cũng được. Vì chữ "channel" cũng có nghĩa là "kênh đào", kênh nhân tạo. Cũng không cần gắt gao ở đây, cũng giống như trường hợp chữ "đăng ký" nghe rất rõ nghĩa hơn là chữ ghi danh (register) của VNCH ngày xưa. Đăng và ký tên, trong khi "ghi danh" chỉ là ghi danh mà thôi.

Trở lại chữ "kênh truyền thông" dịch từ chữ "channels of communication" mà anh Bình cho rằng không rõ nghĩa mà phải dịch là "các phương tiện truyền thông" thì tôi nghĩ chữ "phương tiện" thì rõ nghĩa nhưng hơi phản lại chữ tiếng Anh, có lẽ chữ "các ngõ ngách truyền thông" thì vừa sát chữ và vừa sát nghĩa hơn, giống như trong chữ "các ngõ ngách ngoại giao" mà anh đã đề nghị.

Chữ "Clip" mà anh dịch là "một doạn băng ngắn, một đoạn thu hình" không ổn. Phải gọi là "một đoạn hình ảnh". Âm thanh hình như không dùng chữ "clip" vì phim ảnh mấy mươi năm trước dùng phim, được quay và cắt từng đoạn để ráp nối lại. Cho nên Video cũng có "clip".

Chữ "version" anh dịch là mô phỏng thì không được sát nghĩa. Trong khi "copy" là "phiên bản" thì chữ "version" có nghĩa là một "phiên bản khác", có được không ? . "New version" là "phiên bản mới" tronfg khi "modified version" là "phiên bản được cải đổi". Phần này tôi không rành tiếng Hán nhưng cũng góp ý, vậy thôi.

Chữ "Crew" được dùng nhiều ở Hollywood có nghĩa là "đoàn quay phim", thay vì chỉ có nghĩa là "phi hành đoàn" của máy bay.

Còn chữ "văn hóa" thì anh Việt cộng dùng tá lả xà-bì, cái gì cũng nói là "văn hóa". Như anh Bình có nhắc tới: có cái gọi là "Văn hóa chửi thề" nữa. Khổ cho dân tộc Việt Nam !!!

Chữ "depressed" dịch là "trầm cảm cũng hay lắm. Trong khi đa số chúng ta ngày xưa gọi là "chán đời".  Anh Bình cho rằng chữ "trầm cảm" không rõ nghĩa. Rõ quá trời mà còn muốn gì nữa đây !

Chữ "desktop" anh Bình dịch là "máy điện tử để bàn là không đúng. Chữ này chính Steve Jobs dùng để gọi máy Copmputer để bàn, trong khi máy computer xách và mang đi được thì gọi là Laptop (để trên bắp vế).
Còn "máy điện tử gon gàng để trên bàn" có một chữ khác để gọi là "set top". Rắc rối !

Chữ "Flyer" bây giờ ở VN gọi ngắn gọn là "tờ rơi", không ai dùng chữ "bươm bướm" nữa.

Chữ "hacker" anh Bình giải thích không rõ nghĩa. Vì "tin tặc" tấn công vào máy điện toán của người khác bằng cách "chui vào" chứ không giản dị là "qua máy điện tử", không rõ nghĩa.

Chữ "Hot topic" mà người ta dịch là "đề tài nóng" là dễ hiểu rồi. Anh Bình muốn rõ thêm. Chữ "hot" đây là cũng là tiếng lóng, thì dịch ra tiếng lóng cũng đủ nghĩa. Không cần phải khó khăn phức tạp. Nhất là ngày nay, tiếng lóng làm tiết kiệm chữ viết và thì giờ không có hại gì.

Chữ "Input / Output" mà anh Bình dịch là "nhập lượng" và "xuất lượng" nghe rất khó hiểu. Anh không bằng lòng ở VN dịch là "đầu ra", đầu vào", nhưng theo tôi, nó rất bình dân và dễ hiểu. Tạm chấp nhận trong khi tìm một chữ hay hơn là "nhập / xuất lượng" của anh.

"Laptop" hay "Desktop" Computer là máy vi tính hay điện toán chứ không nên dịch là "máy điện tử". Vì máy điện tử có thể là dàn máy nghe nhạc hay truyền hình, khác nhau xa lắm, anh Bình ạ.

Chữ "Marketing" anh Bình cố gắng giải thích là quảng cao, lôi khách hàng tới, thậm chí lôi cả chuyện tranh cử vào. Nhưng hình như  Marketing không dính dáng gì đến "Campaigning" (tranh cử) mà ở VN dịch là "tiếp thị", rất hay, không thấy anh Bình nhắc đến chữ "tiếp thị" này.

Chữ "Media" là "truyền thông" đúng rồi, nhưng nó cũng là tên chung cho những vật thể được dùng để thu âm thanh và hình ảnh nữa. Như là Video tape, Memory card...

Còn chữ "Mít-ting" mà VNCH ngày xưa dùng thì Mỹ gọi là "Rally" có nghĩa là một cuộc biểu tình ôn hòa để nói lên lập trường nào đó.  Còn chữ "Meeting" của Mỹ chỉ có nghĩa là một cuộc họp mặt của một công ty chẳng hạn.

Chữ "online" bên VN gọi là "trực tuyến" thì anh Bình cho là không rõ nghĩa trong khi đề nghị của anh khá dài dòng khó có người theo. Một trong những ưu điểm của Anh ngữ ngày nay là "ngắn gọn", và có khả năng tạo ra những tiếng mới. Ngôn ngữ VN cũng nên như vậy, vì "sinh ngữ" là một ngôn ngữ sống và phát triển.

Đồng ý cách dịch chữ "Positive / Negative" của anh Bình trong y khoa. Dịch theo kiểu bên VN là "Dương tính / Âm tính" thì quả thật không rõ nghĩa, mặc dù dịch sát chữ.

Anh Bình cố gắng Việt hóa chữ nhâc "Rap". Nhưng theo tôi tại sao phải Việt hóa. Nhạc Rap là của Mỹ. Không lẽ anh muốn dịch chữ "Jaz" hay "Rock n Roll" ra tiếng Việt? Không cần thiết và lại thành ra ngây ngô.

Chữ "Showbiz" anh dịch là "buổi trình diễn" là không đúng. Chữ này là viết tắt của chữ "Show Business" có nghĩa là "ngành trình diễn" (giải trí thương mại). Khi chúng ta đề cập đến Hollywood, Broadway, Thúy Nga Paris, Trung tâm Asia, là chúng ta đang nói đến "Showbiz".

Mai này khi VN có dân chủ, chắc chắn tất cả chúng ta sẽ có trách nhiệm tiếp tay các học giả để Sửa Lại những gì mà người Cộng Sản đã làm hại đến ngôn ngữ Việt Nam. Để cho anh cán ngố không còn "quản ný đời em" nữa.

Tường Giang.

--------------------------------------------------------------

On Monday, July 27, 2015 10:21 PM, "H Duong pduong2120@yahoo.com [BTGVQHVN-2]" <BTGVQHVN-2@yahoogroups.com> wrote:

Xin tiên vàn cám ơn anh ĐVB về bài học tiếng Việt; thứ đến là xin bổ túc về hai danh từ Passport và Visa như sau:

1. Passport = Thông hành
Thông hành là chứng minh thư nhận dạng, điều kiện "ắt có và đủ" cho mọi du khách.
2. Visa = Chiếu khán
Chiếu khán là giấy chứng nhận cho phép du khách vào quốc gia nào đó.
Có những quốc gia cho phép công dân nước khác mang thông hành (passport) vào nhưng không nhất thiết cần đến chiếu khán: Ví dụ Gia Nã Đại (Canada) hay Mễ Tây Cơ (Mexico) cho phép công dân Mỹ mang thông hành vào xứ của họ mà không cần xin chiếu khán.

Kính thư
Dương Văn Hoàng
Las Vegas 07/27/2015