Matt Mahan

ads header

Breaking News

Chào mừng ngày Quốc Khánh Hoa Kỳ 239


CHÀO MỪNG
NGÀY QUỐC KHÁNH HOA KỲ 239

.Giao Chỉ, San Jose

Anh hùng lập quốc.

Tiểu bang S. Dakota Hoa Kỳ có ngọn núi Rushmore với tượng đá vĩ đại cao 18 mét là hình 4 vị tổng thống Hoa Kỳ. Washington, Jefferson, Roosevelt và Lincoln.

Sử gia và chính khách Mỹ đã phải cân nhắc lựa chọn để có được hình ảnh các vị tiền nhân anh hùng xứng đáng nhất cho hậu thế.

Chào mừng quốc khánh Hoa Kỳ năm 239, chúng ta nên ghi lại những nét chính của của các vị anh hùng lập quốc.

Khi ký tên vào văn bản Tuyên ngôn độc lập, các tiền nhân của nước Mỹ đặt bút ngày 4 tháng 7 năm 1776 Hoa kỳ chỉ có 3 triệu dân trên đất nước nhỏ bé 9 ngàn dậm vuông. Ngay khi vừa tuyên ngôn độc lập thì Hoa Kỳ trẻ trung đã bị quân Anh tấn công và cuộc chiến tranh cách mạng bắt đầu. Tướng Washington cầm đầu đạo quân liên bang chống Anh quốc và chiến thắng vào năm 1783. Tiếp theo ông Jefferson viết bản hiến pháp Hoa Kỳ đưa tướng Washington lên ngôi tổng thống đầu tiên với ông Adams phó tổng thống. Vị này kế nhiệm ông Washington sau 2 nhiệm kỳ. Người thứ ba là tổng thống Jefferson.

Theodore Roosevelt.
Trên ngọn núi Rushmore, Hoa Kỳ đã lựa chọn hình ảnh của vị tổng thống thứ 16 là ông Lincoln, người đã lãnh đạo thành công cuộc chiến Nam Bắc để thống nhất đất nước và sau cùng là tổng thống thứ 26, ông Theodore Roosevelt.

Đặc biệt, sau này có ông tổng thống thứ 32 là ông Franklin D. Roosevelt tuy không có cơ hội được tuyên dương trên núi đá nhưng chính ông là nhà lãnh đạo cải cách xã hội Hoa Kỳ, đưa đất nước này vượt qua thời kỳ đại khủng hoảng kinh tế. Các đường lối cải cách của ông về dân sinh, thất nghiệp, cứu trợ xã hội, thuế khóa, nuôi người già và trẻ em, quân bình lợi tức đã trở thành mẫu mực của quốc gia vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Tất cả mọi phúc lợi nước Mỹ dành cho tỵ nạn di dân ngày nay đều nằm trong chương trình an sinh xã hội được quốc hội thông qua năm 1935 dưới nhiệm kỳ tổng thống Franklin D. Roosevelt.

Từ tinh thần ghi nhớ các công trình của các vị lập quốc Hoa Kỳ, chúng ta chào mừng quốc khánh năm thứ 239 và xin ghi lại các chuyện thời sự của di dân Việt Nam tại San Jose.

Vấn đề của chúng ta

Chúng tôi có 20 năm là dân Bắc Kỳ, sinh trưởng ở Nam Định nhưng vẫn tự coi như người Hà Nội vì mấy năm sau lên xứ Thăng Long mà học đệ nhị cấp. 1954 vào Đà Lạt trở thành dân Sài gòn qua 21 năm dù thực sự đi lính toàn ở miền Tây và miền Đông Nam phần.

Năm 1975 làm việc với ngành tiếp vận nên đi tàu quân vận theo đuôi hạm đội hải quân Việt Nam mà di tản gần như cả đơn vị. Phần số may mắn định cư tại San Jose gần 40 năm.

Nửa cuộc đời ở Việt Nam và nửa cuộc đời ở Hoa Kỳ. Mấy hôm trước anh chủ báo Cali hỏi rằng bác đến Mỹ 75 đến nay 2015 bác có thấy khác gì không. Ô ! khác nhiều lắm chứ. Kỳ 75 ra đi với tư cách bại binh, nửa đời thất bại. Một năm dài làm thợ sơn gầm xe ở Springfiield Illinois rồi về San Jose khai welfare lãnh food stamps. Ghi tên học nghề điện, sáng vào lớp thi xếp lớp, gặp anh cà chớn ngồi bên cạnh hỏi rằng ngày xưa ông trong quân đội chắc là oai phong lắm. Vậy chứ sáng nay ông đánh trận đến đâu rồi. Nghe câu hỏi của đàn em bố láo bèn bỏ học điện xin làm phụ giáo bên trường học. Lại được nhà báo hỏi rằng bác ở Mỹ đã 40 năm, thấy Hoa Kỳ ra sao. Nhân dịp lễ độc lập thứ 239 xin bác cho biết nhận xét tổng quát về nước Mỹ và người Việt.

Câu hỏi thú vị như vậy nên xin tạm quên các câu chuyện buồn tủi ngày xưa để nhận định về những vấn đề của chúng ta hôm nay.

Dân cử gốc Việt.

Khi mới đến San Jose đi khai welfaire chợt thấy có worker Việt Nam, mừng thật là mừng. Cô worker gốc Việt nói rằng ở Mỹ con cái 18 tuổi là tự lập. Bác có con 18 tuổi nên cho cháu ra riêng. Ô lạ nhỉ, sao lại để con ra riêng. Cô nói nên khai cháu ở nhà bà con. Welfaire được nhiều hơn là ở chung. Bài học xoay sở đầu tiên ở Mỹ đã học được từ đó. Chuyện cũ xin dừng ở đây. Đừng hỏi thêm là tôi có chịu khai gian hay không.

Đó mới chỉ là có 1 worker gốc Việt. Bốn mươi năm sau khắp nơi đều có dân cử gốc Việt vào học khu và nghị viên các thành phố. Nghị viên và Thị trưởng các thành phố vài chục ngàn dân ở quận Cam là chuyện thường. Phải là giám sát viên quận mới cần nhiều cử tri. Nhưng nghị viên San Jose quả thực là quan trọng. Dân số 1 triệu. Tỷ lệ dân Việt 10% là có 100 ngàn dân. Kỳ này may mắn San Jose có đến 2 nghị viên gốc Việt. Các ông Tâm và ông Mạnh lại còn đang vận động để tương lai có thêm 1 vị nữa thì quả thực là đáng nể. Nước Mỹ mà nói đến tự do dân chủ là chuyện thường. Điểm xuất sắc của Mỹ ghi trong Hiến pháp là con người có quyền mưu cầu hạnh phúc và việc này chỉ dễ dàng tại nước Mỹ. Trên miền đất của cơ hội nếu tranh cử để ra làm việc nước, để giúp nước là con đường đi tìm danh tiếng hợp lý nhất. Hoa Kỳ hùng cường là nhờ có quý vị đi tìm danh tiếng và đi tìm tiền bạc. Các chính khách là lớp người tìm danh vọng và các nhà tư bản là thành phần đi tìm tiền bạc. Hai lớp người đó trên con đường đi tìm danh tiếng và tiền bạc đã kéo nước Mỹ lên ghế cường quốc trên thế giới.

Tiền nhân của chúng ta, cụ Nguyễn Công Trứ đã từng viết rằng. Đã làm trai ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông. Muốn danh tiếng ở Hoa Kỳ là phải ra tranh cử. Obama cũng là người đi tìm danh tiếng và trở thành Tổng Thống, Bill Gate cũng là người đi tìm tiền bạc nên trở thành tỷ phú.

Cô cháu dân cử.

Cuối tuần qua chúng tôi có dịp tham dự buổi họp mặt cộng đồng San Jose với thượng nghị sĩ Cali, cô Janet Nguyễn. Ở tuổi cao niên 70 hay 80 hân hạnh được nhà dân cử trẻ tuổi gọi là bác xưng cháu quả thực là hân hạnh. Janet là chính khách của miền Nam Cali nên dân San Jose còn xa lạ. Hỏi chuyện xa gần được biết cô thượng nghị sĩ 39 tuổi . Sau khi chúng ta mất Saigon cô mới ra đời. Năm lên hai, cô bé được cha mẹ bế đi vượt biên thành ra cô gái thuyền nhân hoàn toàn không biết nhiều về chuyến đi tìm tự do 37 năm về trước, vì vậy khi đi thăm Bảo tàng thuyền nhân ở San Jose cô đã khóc. Vào Mỹ năm 5 tuổi, tốt nghiệp đại học ở quận Cam, đi làm cho văn phòng dân cử Hoa Kỳ. Ra tranh cử nghị viên rồi từ đó lên giám sát viên quận Cam.

Nghị viên thành phố nhỏ có thể cần số cử tri giới hạn, nhưng giám sát viên quận Orange là chức vụ quan trọng. Từ quận Cam vươn lên ghế nghị sĩ Sacramento là 1 bước thành công đáng nể. Từ đây cô hy vọng lên ghế dân biểu hay nghị sĩ liên bang Hoa Kỳ. Trên đường đi lên thủ đô cô cần ghé lại San Jose.

Bốn mươi năm trước, chúng tôi đến Cali chưa bao giờ nghĩ rằng chúng ta sẽ có nhiều dân cử như vậy.

Câu chuyện về cuốn phim.

Cũng trong tuần qua San Jose chúng ta bàn tán về cuốn phim của cô đạo diễn Việt Nam. Đề tài rất hấp dẫn. Chẳng bao giờ quên chuyện tù cải tạo. Phim chiếu ở miền Nam, tay điểm phim khen là phim hay. Khi cần người bảo trợ chiếu tại San Jose. Chúng tôi dè dặt quảng bá để tìm nhà tổ chức. Rất tiếc đêm ra mắt, phim không đáp ứng được sự trông đợi. Chắc chắn phim này không thể tiếp tục ra mắt. Phim Việt ngữ có phụ đề Anh ngữ nhưng không đọc được. Các nhân vật được phỏng vấn thiếu hấp dẩn. Không có các đoạn phim tài liệu để làm nổi đề tài. Tuy nhiên dù phim không đạt nhu cầu nhưng đề tài vẫn còn bỏ ngỏ. Chúng ta vẫn còn rất cần 1 cuốn phim về tù cải tạo, Đầy đủ hơn, có chiểu sâu của 1 giai đoạn mà hàng trăm ngàn người đã vừa là nạn nhân vừa là nhân chứng. Phải nói lên tình chiến hữu, tình yêu, sự cay đắng và cả chuyện vui buồn dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Không thể chỉ là phim tuyên truyền chống cộng một chiều. Phải có đủ khía cạnh của cuộc đời trong đau thương tàn khốc trong trại tù lao cải. Phải có hận thù và tha thứ. Phải có nhớ và phải có quên. Ý nghĩa quan trọng của thời kỳ lao cải chính là 1 chiến dịch mà chiến binh miền Nam đã chiến thắng trong giai đoạn bị cầm tù. Hàng ngàn chiến binh anh hùng đã trải qua giai đoạn nín thở qua sông. Gần như không có ai bị chiêu hồi hay học tập thành công.

So sánh với thời trước 75 Việt Nam Cộng Hòa đã thành công chiêu hàng ngàn chiến binh cộng sản thì quả thực tập trung cải tạo là cuộc chiến đấu quan trọng của miền Nam với cộng sản với hoàn cảnh, với định mệnh và sau cùng tồn tại là chiến thắng.

Khi nói đến các cuốn phim, phải thành thực ghi nhận thêm rằng đề tài cuốn phim cưỡi trên ngọn sấm về cuộc đời chiên binh và tình chiến hữu Việt Mỹ tại mặt trận Đông Hà cũng được coi la quảng bá ồn ào. Tuy nhiên tiếc thay vì ngân khoản giới hạn, đề tài hết sức hấp dẫn nhưng không đủ phương tiện thành ra cuốn phim dở dang. Phần cuộc chiến quan trọng nhất không đủ sức thực hiện. Ngay như hình ảnh cầu Đông Hà cũng không có, nói gì đến chuyện phá cầu. Cưỡi trên ngọn sấm sau cùng chỉ là 1 phim tài liệu của một giấc mơ chưa thành.

Phim ảnh hiện nay là một nhu cầu quan trọng. Thực hiện được và phổ biến rộng rãi sẽ rung động lòng người. Chúng ta có hoàn cảnh đặc biệt là lịch sử cuộc chiến Nam Bắc, quốc cộng nhưng chúng ta vẫn thiếu 1 tác phẩm tương tự như bộ tiểu thuyết và cuốn phim Gone with the Wind Cuốn theo chiều Gió.

Cám ơn nước Mỹ

Chuyện sau cùng xin thưa cùng quý vị . Đã 40 năm qua, dân Việt từ 130 ngàn người của năm 1975 đã trở thành 1 triệu 800 ngàn tại Mỹ năm 2015. Chính giới Hoa Kỳ quay lưng lại cuộc chiến Việt Nam sau khi đã hy sinh 58 ngàn thanh niên. Nhưng cũng chính nhân dân Hoa Kỳ giơ tay đón người Việt tỵ nạn, HO, con lai, đoàn tụ suốt 40 năm qua. Đât nước này chào đón và chấp nhận gần như tất cả. Trẻ em và người già. Trợ cấp tiền mặt, trợ cấp tiền thuê nhà, phát thực phẩm trực tiếp và food stamp để mua thực phẩm. Cung cấp việc làm, lo dạy anh ngữ, huấn nghiệp và tìm việc. Học bổng cho sinh viên, săn sóc sức khỏe từ medi cal đến medicare. Bảo hiểm toàn diện. Trợ cấp người già, người bệnh. Phát tiền cho mẹ nuôi con. Phát tiền cho nhà trẻ. Thậm chí phát cả tiền cho con nuôi mẹ, cho vợ nuôi chồng.

Trải qua gần nửa thế kỷ, chúng ta cần đứng lên nói 1 lời cảm ơn Hoa Kỳ. Nơi đến chính là các văn phòng quận hạt. Không cần chờ đến mùa lễ Tạ Ơn. Xin các bằng hữu vùng San Jose, các bạn hãy đến với chúng tôi tham dự ngày kỷ niệm 39 năm của cơ quan IRCC và cùng chúng tôi đáp lời cảm ơn nước Mỹ. Từ 10 giờ sáng thứ bẩy 15 tháng 8 – 2015 tại Santa Clara County – 70 W Hedding San Jose. Triển lãm 40 năm xây dựng cộng đồng với hơn 100 tấm biểu ngữ đầy hình ảnh. Thực đơn đặc biệt cho buổi tiếp tân . Dân biểu liên bang thuyết trình công cuộc định cư. Giám sát viên quận trình bày về công tác dân sinh.

Các vị dân cử, nghị viên, Thị trưởng của 15 thành phố hiện diện. Xin đến với nhau 1 lần để nói lên lời cám ơn. Tạo niềm thông cảm và cùng chung sức xây dựng 1 đất nước Hoa Kỳ mãi mãi cường thịnh và tốt đẹp muôn đời. Kính mời. IRCC 39 năm công tác